Tự giải phóng Nhà tù Côn Đảo và giải phóng Côn Đảo

Một phần của tài liệu ĐẤU TRANH của các CHIẾN sĩ yêu nước và CÁCH MẠNG tại NHÀ tù côn đảo THỜI kỳ 1955 1975 (Trang 120)

4. Đấu tranh thực hiện Hiệp định Pari, nổi dậy giải phóng Côn Đảo (1973-1975)

4.5.Tự giải phóng Nhà tù Côn Đảo và giải phóng Côn Đảo

Tháng 3-1975, khi chiến dịch Tây Nguyên mở màn cho cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975 thì Mĩ ngụy tăng cường phòng thủ Côn Đảo. Chúng sửa lại con đường từ thị trấn qua Hàng Dương lên Sở Tiêu. Từ con đường bọc sau lưng suốt 8 trại này, địch mở thêm 2 nhánh nữa, một nhánh chạy thẳng vào khu vực Trại VI, Trại VII, Trại VIII, một nhánh vào khu vực Trại I, Trại IV, Trại V. Với hệ thống đường này, địch có thể khống chế các trại từ phía chân núi. Trong trường hợp tù nhân nổi dậy, chúng có thể cơ động lực lượng và bố trí hoả lực đàn áp, hất lực lượng nổi dậy ra phía biển và nhanh chóng tiêu diệt.

Tháng 4-1975, Nhà tù Côn Đảo có 7448 tù nhân, trong đó có 4234 tù chính trị (494 phụ nữ), còn 3214 là tù thường phạm, quân phạm. Trong số 4234 tù chính trị, có 2488 người đang chịu chế độ cấm cố ở Trại I, Trại V, Trại VI và Trại VII. Những người này đã chống chào cờ ngụy, chống học tố cộng, chống nội qui nhà tù từ nhiều năm trước, 1746 người còn lại chịu làm khổ sai chung với tù thường phạm, ở Trại II và Trại III.

Bộ máy kìm kẹp của địch gồm một tiểu đoàn bảo an (khoảng trên 500 tên), một Đại đội cảnh sát (gần 100 tên), 89 giám thị, 130 công chức và

gần 1000 trật tự an ninh được tuyển chọn trong số tù thường phạm, quân phạm lưu manh nhất, tất cả khoảng 2000 tên. Như vậy cứ hơn 2 tù chính trị thì có một tên trong bộ máy kìm kẹp. Đó là chưa kể đến hệ thống trại giam kiên cố, hệ thống khu kỉ luật với 20 Hầm Đá (Trại II), 14 xà lim (Trại III), 31 phòng biệt giam (Chuồng Bò) 384 Chuồng Cọp Mĩ (Trại VII) và một số xà lim, hầm tối ở Trại I, Trại V và Trại VI (Chuồng Cọp Pháp đã bị phá bỏ từ năm 1970); cũng chưa kể đến nội qui khắc nghiệt của nhà tù, sẵn sàng cấm cố biệt lập tất cả những ai chống đối. Trước ngày giải phóng, 58,7% tù chính trị đang ở trong các trại cấm cố. Hiếm có một nơi nào trong đất liền lại có điều kiện bảo vệ an ninh cho ngụy quyền như vậy.

Ngày 29-4-1975, trong khi quân giải phóng tiến sát Sài Gòn, ở Côn Đảo các trại tù cấm cố bị canh gác chặt chẽ. Bọn gác ngục, trật tự, an ninh lầm lì. Một sự im lặng, căng thẳng đáng sợ bao trùm. Bầu trời Côn Đảo náo loạn bởi các chuyến bay các loại lên xuống sân bay Cỏ ống chở quân tướng Mĩ, ngụy di tản. Canô, tàu há mồm cặp bãi Cỏ ống, chuyển tiếp ra các tàu đón người di tản đang đậu ngoài khơi. 16 giờ 30 phút, bọn cố vấn Mĩ đóng ở Côn Đảo rút chạy. Đêm ấy chúa đảo Lâm Hữu Phương cùng vợ con qua Bến Đầm, bí mật xuống canô trốn ra tàu di tản, bỏ lại cả phương án tử thủ Côn Đảo và lũ tay chân đang hoang mang nhốn nháo.

Sáng 30-4-1975, đại úy Phạm Huỳnh Trung, Chỉ huy phó Đặc khu Côn Sơn triệu tập một cuộc họp liên tịch giữa các sĩ quan và công chức có quyền thế trên đảo, cùng đám gác ngục ác ôn nhất như Lê Văn Khương, Đỗ Văn Phục... Chúng quyết định khoá chặt tất cả các phòng giam, bố phòng nghiêm ngặt trong, ngoài lao, tổ chức di tản ra tàu bằng mọi phương tiện trên đảo và âm mưu thủ tiêu toàn bộ tù chính trị bằng lựu đạn vào giờ chót. Nhưng cách mạng đã chặn bàn tay khát máu, không để bọn ác ôn kịp thực hiện tội ác cuối cùng. Kế hoạch di tản và thủ tiêu tù chính trị vừa bàn ngớt miệng thì cơn bão táp cách mạng ập đến. Tin Dương Văn Minh đầu hàng, thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng như tiếng sét đánh ngang tai

làm chúng rụng rời chân tay, kinh hoàng tháo chạy. Cuộc di tản hỗn loạn trên đảo kéo dài đến nửa đêm.

Trong khi đó linh mục Phạm Gia Thụy tích cực vận động giáo dân trong họ đạo Côn Sơn không di tản, ở lại giúp tù chính trị giải thoát khỏi ngục tù. Đại úy Kiều Văn Dậu, Trưởng ban 3 (hành quân-tác chiến) Đặc khu Côn Sơn ở lại cùng 49 binh sĩ bảo an. Linh mục Phạm Gia Thụy bàn bạc với Kiều Văn Dậu và một số công chức về việc mở cửa nhà lao giải thoát cho tù chính trị.

ở các trại, bằng nhiều nguồn tin, anh em đều phán đoán trong đất liền có biến động lớn, nhưng chưa biết là Sài Gòn đã được giải phóng. Ban lãnh đạo các khu của Trại VII quyết định tổ chức kỉ niệm trọng thể ngày Quốc tế lao động (1-5) để phát huy uy thế của tù chính trị đồng thời thăm dò phản ứng của địch. Các trại khác cũng đều chuẩn bị làm lễ kỉ niệm.

Vào lúc 23 giờ, khi các trại đang khẩn trương chuẩn bị khẩu hiệu, bài trí nơi làm lễ để sáng ra làm đồng loạt vào lúc kẻng tan nghiêm thì Đại úy Kiều Văn Dậu cùng Trưởng ti Thanh niên Nguyễn Văn Đồng và anh Nguyễn Văn Sơn, nhân viên Hợp tác xã tiêu thụ Côn Đảo vào Trại VII. Họ mở Phòng 24 khu H, gặp nhóm cán bộ quân báo để báo tin Dương Văn Minh đầu hàng, Sài Gòn được giải phóng, bọn ác ôn trên đảo đã bỏ chạy hết, bọn trật tự an ninh gốc thường án, quân phạm, lưu manh đang cướp bóc, gây rối loạn trên đảo. Nhóm binh sĩ, công chức yêu cầu anh em tù chính trị ra giải phóng Côn Đảo, duy trì trật tự an ninh và đảm bảo tính mạng, tài sản cho những người còn lại trên đảo.

Các đồng chí có trách nhiệm trong Khu H nhanh chóng hội ý và nhận định: Có thể Sài Gòn đã được giải phóng, cần tranh thủ thời cơ tự giải

phóng cho mình, song cần hết sức cảnh giác âm mưu thủ tiêu tù chính trị của địch. Anh em yêu cầu nhóm công chức báo tin cho mượn rađiô để nghe

tin tức và cử người ra ngoài trại để nắm tình hình. Rađiô được mang tới đúng lúc Đài tiếng nói Việt Nam đang phát bản tin Dương Văn Minh đầu

hàng, thành phố Sài Gòn hoàn toàn được giải phóng, ủy ban quân quản đã được thành lập và công bố 12 chính sách trong vùng mới giải phóng.

Ngay sau phút bàng hoàng vì sung sướng, những người có trách nhiệm ở Khu H quyết định hành động, chớp thời cơ giải phóng Côn Đảo. Lực lượng tù nhân giải phóng thu ngay khẩu súng cácbin và chùm chìa khoá Trại VII, người mở cửa, người phát loa thông báo cho các khu. Tiếng reo hò từ Khu H lan ra các khu Trại VII. Lúc ấy là một giờ sáng ngày 1-5- 1975. Ba giờ sáng, cả 8 khu (A-B-C-D-E-F-G-H) của Trại VII hoàn toàn được giải phóng.

Các đồng chí có trách nhiệm ở Trại VII triệu tập ngay một cuộc họp và quyết định thành lập Đảo ủy lâm thời (gồm 7 người) để lãnh đạo cuộc nổi dậy. Đồng chí Trịnh Văn Tư được cử làm Bí thư. Đồng chí Phan Huy Vân (tức Hai Tân) Phó Bí thư, đồng chí Mai Xuân Cống là ủy viên thường vụ. Ban chấp hành còn có các đồng chí Nguyễn Nam (tức Hà), Lê Văn Triết (tức Đoàn Cao Hồng)... Đảo ủy lâm thời đề ra chương trình hành động, gồm 3 điểm chính:

- Cử người đi giải phóng các nhà lao, trước hết là lao phụ nữ.

- Tổ chức ngay lực lượng võ trang, chiếm trại lính và các vị trí quan trọng.

- Thành lập chính quyền cách mạng để quản lí và giải quyết mọi việc trên đảo.

Hai đồng chí Trần Ngọc Tự và Lê Viết Lành nhận nhiệm vụ tổ chức lực lượng võ trang. Các đồng chí chọn một số thanh niên khoẻ mạnh, thành lập ngay một trung đội, võ trang bằng khẩu cácbin vừa chiếm được và các loại vũ khí thô sơ đến chiếm trại lính Bắc Bình Vương ở khu vực Lò Vôi (gần Trại VI, Trại VII). Trung đội thứ 2 được tổ chức ngay sau đó, đến chiếm trại lính Bình Định Vương ở khu vực Sở Ruộng (gần Trại I, Trại IV, Trại V). Bọn lính ở hai trại này đã chạy hết, bỏ lại mấy thùng lựu đạn và vài khẩu súng.

Trong lúc đó, Đảo ủy lâm thời tổ chức lực lượng chia thành nhiều tốp, từ Trại VII đến giải phóng các trại. Trại VI Khu B lúc ấy giam gần 500 phụ nữ, có một số vừa bị đày ở đất liền ra trước đó 10 ngày. Chị em giấu được một chiếc rađiô, nghe được tin Sài Gòn giải phóng từ trưa 30-4-1975 nhưng không thể báo tin cho các trại và không tìm cách nào ra được. Mãi đến 3 giờ sáng, các chị mới vận động được tên Trưởng trại mở cửa cho ra. Cùng lúc ấy, lực lượng giải phóng của Trại VII cũng vừa đến. Các chị cử đại diện đến Trại VII nhận sự chỉ đạo của Đảo ủy lâm thời. Theo đề nghị của Đảo ủy lâm thời, các chị Hai Nhân và Tư Cúc tham gia Đảo ủy, chị Phạm Thị Đào tham gia chính quyền cách mạng.

Rạng sáng 1-5-1975, tù nhân ở Trại I, Trại IV và Trại V vẫn chưa biết gì. Mọi người đang chờ kẻng tan nghiêm để kỉ niệm ngày Quốc tế Lao động thì lực lượng giải phóng từ Trại VII tràn vào mở cửa. Đến bây giờ, nhiều người vẫn chưa quên được giây phút kinh ngạc và sung sướng ấy. ở Trại V có phòng không dám tin, đòi phải có đại diện của tù câu lưu ở Trại VI Khu B cũ đến, anh em mới ra khỏi nhà lao và hành động.

Tù chính trị ở Trại VIII, Trại II, Trại III biệt giam Chuồng Bò lần lượt được mở cửa. Khoảng 8 giờ sáng, lực lượng tù nhân đã hoàn toàn làm chủ thị trấn Côn Đảo. Lực lượng võ trang giải phóng phát triển lên một đại đội. Trung đội thứ 3 đến chiếm Ti Cảnh sát, thu được một kho súng, đủ trang bị cho một tiểu đoàn. 10 giờ, Đài truyền thanh phát sóng, báo tin Côn Đảo hoàn toàn giải phóng và công bố danh sách các thành viên trong chính quyền cách mạng. Chính quyền được tổ chức theo tinh thần "hoà hợp - hoà giải dân tộc", gồm 15 người, lấy tên là ủy ban Hoà hợp -Hoà giải Dân tộc tỉnh Côn Sơn. Linh mục Phạm Gia Thụy được cử làm Chủ tịch. Bảy ủy viên là tù chính trị vừa được giải phóng, trong các chức vụ: Phó Chủ tịch thứ nhất, tổng thư kí, ủy viên quân sự, ủy viên an ninh, ủy viên chính trị và thông tin, ủy viên kinh tế và xã hội; 7 ủy viên khác là sĩ quan, công chức, giám thị đã tham gia giúp tù chính trị trong cuộc nổi dậy giải phóng Côn Đảo.

Trưa 1-5-1975, lực lượng võ trang của tù nhân giải phóng phát triển lên một tiểu đoàn. Đồng chí Hồ Thanh chỉ huy một đại đội lên chiếm sân bay Cỏ ống. Trung đội bảo an và một số nhân viên bảo vệ sân bay nộp vũ khí đầu hàng. Ta thu 27 máy bay, nhiều chiếc còn nguyên vẹn. 18 giờ, đại đội thứ 3 của lực lượng võ trang giải phóng đã chiếm Chi khu quân sự Bến Đầm. Tù chính trị hoàn toàn làm chủ Côn Đảo, không phải nổ một phát súng nào. Buổi tối, Đảo ủy lâm thời họp mở rộng, có đại diện của tất cả các trại. Ban chấp hành được củng cố, gồm 14 đồng chí. Đảo ủy bàn việc quản lí, bảo vệ đảo và liên hệ với đất liền.

Chiều 1-5-1975, tại thành phố Vũng Tàu vừa giải phóng, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh cánh quân Duyên Hải đã họp với đại diện Bộ tư lệnh Hải quân, Khu ủy miền Đông, sư đoàn Sao Vàng và Thành ủy thành phố Vũng Tàu, bàn phương án giải phóng Côn Đảo bằng một cuộc hiệp đồng quân chủng Hải-Lục-Không quân. Tiểu đoàn 445, bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa cùng Tiểu đoàn 6, thuộc Trung đoàn 12 của Sư đoàn Sao Vàng anh hùng được lệnh tập kết về cảng Rạch Dừa, để xuống tàu ra giải phóng Côn Đảo. Đảng bộ và nhân dân thành phố Vũng Tàu đã gửi hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, rau xanh, thuốc chữa bệnh cho các chiến sĩ Côn Đảo.

Chiều 2-5-1975, đài Vô tuyến điện Côn Đảo phát sóng, chuyển bức điện của chính quyền cách mạng ở Côn Đảo về đất liền: "Uỷ ban Hòa giải Hòa hợp Dân tộc ở Côn Sơn đã thành lập 7 giờ sáng ngày 1-5-1975.

Chúng tôi nhiệt liệt chào mừng thành phố Sài Gòn đã được giải phóng. Sẵn sàng thi hành mệnh lệnh của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam".

Đài phát sóng liên tục, đến 15 giờ ngày 3-5-1975 thì liên lạc được với Thành ủy Sài Gòn-Gia Định. Khi được hỏi Côn Đảo cần gì để đất liền chi viện ngay thì đồng chí đại diện cho Đảo ủy lâm thời đã nghẹn ngào trả lời: "Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ".

Rạng ngày 4-5-1975, tàu V.609 và tàu V. 683 hải quân chở bộ đội ra đến nơi thì những người tù chính trị Côn Đảo đã hoàn toàn làm chủ và ổn định tình hình trên đảo. 500 tấm ảnh Bác Hồ được tù nhân giải phóng rước về các phòng, các trại. Giờ phút ấy trang nghiêm ấy, không gian Côn Đảo dường như lắng lại, tan vào những giọt nước mắt nóng hổi trên gò má hóp của những người tù. ủy ban quân quản Côn Đảo được thành lập. Cuộc đấu tranh của những người tù chính trị Côn Đảo đã giành được thắng lợi trọn vẹn sau gần 20 năm thử thách nghiệt ngã, từng trải qua biết bao gian khổ hi sinh và những bước thăng trầm.

Cuộc nổi dậy giải phóng Côn Đảo là sự biểu hiện sinh động của tư tưởng bạo lực cách mạng trong nhà tù. Trong lúc phát huy sức mạnh tổng hợp của các hình thức và lực lượng vào cuộc đấu tranh chính trị, những chiến sĩ cách mạng trong nhà tù đã kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chống khổ sai, đòi quyền dân sinh, dân chủ và đặc biệt chú trọng duy trì, phát triển tư tưởng bạo lực cách mạng. Sức mạnh chính trị kết tinh từ ý chí của những tập thể và cá nhân tiêu biểu, kiên cường đấu tranh chống li khai, chống tố cộng, chống chào cờ từ hơn mười năm trước đã được nhân lên nhiều lần trong cuộc Đồng Khởi chống chào cờ và chống khổ sai của hơn 4000 người năm 1970. Đấu tranh võ trang được sử dụng hạn chế trong một số cuộc vượt ngục tiếp tục được duy trì dưới hình thức võ trang tự vệ chống khủng bố trong thời kì đấu tranh trên cơ sở pháp lý Hiệp định Pari và kết hợp rất sinh động với sức mạnh chính trị trong đên mổi dậy.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu ĐẤU TRANH của các CHIẾN sĩ yêu nước và CÁCH MẠNG tại NHÀ tù côn đảo THỜI kỳ 1955 1975 (Trang 120)