3. Bước phát triển của phong trào đấu tranh (196 4 1972)
3.1. Tù chính trị câu lưu giữ vững vị trí bảo vệ khí tiết
Từ đầu năm 1964, phong trào đấu tranh của tù chính trị câu lưu phát triển mạnh mẽ. Bản phúc trình về tình hình các can cứu chính trị thuộc Trung tâm Cải huấn Côn Sơn từ ngày 1-11-1963 đến 23-6-1964 đầy ắp các cuộc đấu tranh chống đối. Sau đây là một số cuộc đấu tranh lớn được ghi trong phúc trình nói trên, do Thiếu tá Tỉnh trưởng Tăng Tư lập ngày 23-6- 1964:
"... Ngày 5.2.1964, có 123 can cứu mới đến Trung tâm. Bọn này cuồng tín, ngoan cố chống chào cờ, chống sinh hoạt học tập chính trị.
Chúng tuyên bố qua các Trung tâm Phú Lợi, Tân Hiệp, Thanh Tân, Quảng Trị, Đà Nẵng đều giữ lập trường không thay đổi. Ban quản đốc giam 123 tên vào Phòng 5 và Phòng 7 .
"... Ngày 1.4.1964, 25 can cứu giam tại khu kỉ luật tuyệt thực đòi tháo còng chân. Cùng trong ngày, 100 can cứu biệt lập tại các Trung tâm
giải hồi về Trung tâm I, biệt giam tại Phòng 4, chúng vẫn ngoan cố chống chào cờ .
"... Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, chúng luôn luôn yêu sách, chê mắm sặt và khô mục, đòi hỏi mỗi tuần có 5 ngày thịt heo, rau tươi và cho chúng ra ngoài sanh hoạt cải thiện đời sống nhưng Ban quản đốc không chấp thuận vì chúng không tôn trọng Quốc kì và không tuân theo nội qui Trung tâm.
"... Do những yêu sách quá trớn, Ban quản đốc không giải quyết nên chiều 6.6.1964, can cứu Phòng 5 (46 can cứu), chủ trương tuyệt thực. Sáng ngày 7-6-1964 đến lượt Phòng 7 (65 can cứu). Chiều 7-6-1964 đến Phòng 8 (23 can cứu). Sáng 8-6-1964 đến Phòng 4 (68 can cứu). Tổng số can cứu tuyệt thực là 202 tên với yêu sách: Giải toả tình trạng biệt giam; Tự do liên lạc thư từ với gia đình; Được mua vật dụng tại hợp tác xã; Mỗi tuần được ăn 5 ngày thịt heo và rau tươi Được tự do liên lạc từ phòng này sang phòng khác; Cấp thuốc chữa bệnh và thuốc bổ; Cho sản xuất sinh hoạt (cải thiện) thêm; Không ăn khô mục và mắm đắng Cho nấu ăn tại Trung tâm như trước; Mở cửa sổ các phòng cho thoáng khí; Cấp mền mùng; Cho ăn ngày ba bữa đầy đủ.
"12 điểm yêu sách của chúng đã được thiếu tá Tỉnh trưởng chấp nhận với điều kiện là chúng phải chào cờ và tôn trọng nội qui Trung tâm. Chúng không chịu, tuyên bố đấu tranh đến khi nào giải quyết mới thôi".
Bản phúc trình của Tăng Tư phản ánh khá sát đúng với những nét lớn trong phong trào đấu tranh của tù chính trị câu lưu lúc đó. Cuộc tuyệt thực đã được tập thể tù chính trị câu lưu các phòng thảo luận và chuẩn bị rất kĩ từ một tháng trước đó. Giàu thủ đoạn cai trị, Tăng Tư biết cuộc tranh đấu tuyệt thực và tuyệt ẩm không thể kéo dài. Sáng 10-6-1964, Tăng Tư cho Giám thị trưởng xuống Trại IV, thông báo sẽ giải quyết 12 yêu sách, với điều kiện phải chào cờ và chấp hành nội qui. Đương nhiên là tù chính trị không thể chấp nhận.
Ngày 12-6-1964, Tăng Tư cho Trưởng trại đi các phòng tuyên bố: ai xin ra chúng sẽ cho ra, ai không ra chết bỏ, nhà tù đã chuẩn bị sẵn huyệt chôn. 202 tù chính trị kiệt sức, nằm chờ chết, cơn khát hoành hành.
Ngày 14-6-1964, anh Nguyễn Văn Nghĩa tự Việt Thắng, sinh năm 1915 tại Hà Nội hấp hối. Anh từ chối nhận phần nước cấp cứu, nhường lại cho đồng đội và trăn trối: "Cuộc đấu tranh còn gay go, kẻ thù còn ngoan cố, thế nào cũng phải có người hi sinh, tôi đi trước, dành phần nước này để
các đồng chí tiếp tục đấu tranh...Chúc thắng lợi!". Anh trút hơi thở cuối cùng vào lúc 17 giờ 30, trần truồng, da thịt quắt lại, mắt không nhắm hết,
làn môi khô nứt nẻ. Toàn trại nằm ngay ngắn truy điệu anh, nung nấu căm thù, quyết tâm chiến đấu.
Nội bộ tù nhân có sự dao động, phân hoá, một số người bỏ cuộc, xin ra. Ngày 16-6-1964, anh Đoàn Khôi sinh năm 1924 tại Quảng Nam đã hi sinh lúc 9 giờ tại Phòng 7. Mới trong tháng đầu nhận chức Tỉnh trưởng, Tăng Tư đã nhuốm đẫm máu tù nhân.
Ngày 18-6-1964, anh Bùi Dự sinh năm 1924 chết tại Phòng 7, lúc 5 giờ. Ngày hôm sau, Lê Kinh Đức tức Lê Tự Kình, sinh năm 1916 tại Quảng Nam, chết lúc 10 giờ. Khi biết sự sống chỉ còn trong giây phút, anh đã từ chối nhận phần nước và phần thuốc cấp cứu, lết ra cửa, lớn tiếng chửi
rủa bọn chúa ngục, tố cáo chế độ tàn bạo giết tù của Tăng Tư. Cho đến lúc chết, đôi mắt anh vẫn mở trừng trừng, rực lửa.
Vài chục tù nhân còn trụ lại mặc niệm anh, mặc niệm cả 4 người đã ngã xuống. Đêm ấy trời đổ mưa tầm tã. Nước mưa theo kẽ ngói dột ướt tường. Tù nhân bò dậy thè lưỡi liếm lên vách, rồi công kênh nhau chọc thủng mái ngói, hứng nước mưa uống cho đỡ khát rồi hứng đầy các lon gigô để dành cấp cứu cho các anh em đang kiệt sức. Nhưng nước dự trữ cũng chẳng đáng là bao. Tăng Tư đã buộc họ vào tình thế hoặc là chết, hoặc là phải khuất phục. Những ngày sau đó, họ phải dùng nước trong thùng cầu, do kíp đổ thùng đã đổ vào vài gáo. Nước hôi mùi phân, nhưng cứu sống được mạng người.
Ngày 28-6-1964, đúng 23 ngày tuyệt thực, tuyệt ẩm, 4 người đã hi sinh, Tăng Tư mới tuyên bố chấp nhận yêu sách. 62 người quyết tử trụ lại khi ấy chỉ còn thoi thóp thở. Các anh được đưa ra Bệnh xá dùng thuốc trợ lực và húp nước cháo loãng. Đây là cuộc tuyệt thực, tuyệt ẩm dài ngày nhất, hi sinh nhiều nhất, nhưng giành thắng lợi to lớn. Thắng lợi của cuộc tuyệt thực đã khẳng định vị trí bảo vệ khí tiết của lực lượng tù chính trị câu lưu, chống toàn bộ nội qui nhà tù.
Ngụy quyền phải thừa nhận vị trí chính trị của tù chính trị câu lưu, công nhận họ là người của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, không truy bức về chính trị mà chỉ cốt giam giữ họ trong vòng kỉ luật. Chúng gọi số tù chính trị câu lưu còn lại lúc này là "bọn Trại I" với ý nghĩa là Trại cộng sản, Trại chống đối thời 1957-1960, không thừa nhận chế độ Việt Nam Cộng hoà.
Vào thời điểm mà tù chính trị câu lưu Côn Đảo nổ ra cuộc tuyệt thực 23 ngày (6-1964) thì ở nhà lao Chí Hoà, cuộc đấu tranh chống chào cờ ngụy của lực lượng tù chính trị cũng diễn ra quyết liệt. Ngụy quyền Sài Gòn tiếp tục phân loại, thanh lọc số chống đối, đày ra Côn Đảo.
Chuyến lưu đày ngày 7-6-1964 đến Côn Đảo (hầu hết là tù chính trị câu lưu) có 30 người chống chào cờ, trong đó có Đỗ Văn Sâm, Mai Xuân Quảng, Nguyễn Văn Sang, Phan Công Phú… Địch đưa tất cả số chống chào cờ nguỵ xuống Chuồng Cọp.
Chuyến lưu đày ngày 2-9-1964 đến Côn Đảo, tiến hành khủng bố, thanh lọc. Các đồng chí Trương Trọng Cảnh, Phạm Văn Ba, Phạm Quang đã chống chính sách chiêu hồi tại trại Toà Khâm, lao Thừa Phủ (Huế) cùng các đồng chí Trần ngọc Tự, Hồ Thanh, Trần Văn Tấn bị đưa ngay xuống Chuồng Cọp. Số còn lại, địch tiếp tục thanh lọc, có hơn 30 người tuyên bố chống chào cờ, trong đó có Võ ái Dân, Lâm Hiệp Nghĩa. Họ bị đưa xuống Chuồng Cọp, biệt giam cùng với tù câu lưu sau những trận khủng bố bằng củi đòn ở Trại IV.
Từ đầu năm 1965, ngụy quyền tiếp tục đày tù chính trị không án (câu lưu dân sự) và tù câu lưu quân sự (tức tù binh) ra Côn Đảo. Tù binh bị đưa về Trại V. Khi ấy ngụy quyền Sài Gòn còn chưa lập các trại tù binh Hố Nai, Phú Quốc. Chuyến lưu đày ngày 18-1-1965 ra đảo, trong số 37 chống chào cờ nguỵ trong đợt này có Nguyễn Văn Thuỷ, Nguyễn Tấn Tài, Trần Thơm, Nguyễn Văn Tuệ, Lê Văn Luyến, Lê Quang Sang, Lưu thanh Phong, Phan Duy Khôi, Nguyễn Văn Bá....
Vào thời điểm này, địch không công khai tuyên bố, nhưng trong thủ đoạn quản trị nhà lao, chúng mặc nhiên thừa nhận vị trí chính trị của tù chính trị câu lưu. Số tù chính trị câu lưu mới bị đày ra Côn Đảo, thường là chúng chỉ đánh trận đầu nhằm dằn mặt và phân hoá, rồi đưa về Chuồng Cọp. Còn số tù án chính trị chống chào cờ nguỵ thường bị địch đàn áp rất quyết liệt. Sau mỗi trận đòn phủ đầu, chúng đưa về Hầm Đá, tiếp tục truy bức, đánh đập bằng củi đòn triền miên. Có những lúc, lực lượng tù án chính trị chống chào cờ nguỵ bị đánh “rớt” dần, đến giữa năm 1965, chỉ còn Phan Văn Hải trụ được.
Chuyến lưu đày ngày 25-6-1965, có 37 tù câu lưu dân sự và 25 tù câu lưu quân sự bị đưa về Trại I. Tên công an biệt phái Vũ Thung chỉ huy trận đàn áp 25 tù bằng củi đòn, không ai không đổ máu. Ba ngày sau, chỉ còn bốn người kiên định lập trường chống chào cờ ngụy, được kết tập vào đội ngũ câu lưu dân sự. Ba người giữ được khí tiết cho đến ngày toàn thắng là Lê Mạnh Tiến, Lê Văn Đức và Trần Văn Hương .
Lê Mạnh Tiến từ khi ở nhà lao Chí Hoà đã được học Chỉ thị bảo vệ khí tiết, Tám kinh nghiệm chiến đấu của Năm Anh. Tiến sử dụng moọc
gõ qua tường thông tin cho các bạn tù ở chuồng bên. Theo một nguồn tin
mật báo, Ban An ninh Trung tâm Cải huấn I đã trình Ban quản đốc rằng, tù nhân Trại I định kì liên lạc bằng moọc với nhau vào thời điểm sau bữa ăn trưa và sau bữa ăn chiều. Khi có chuyện đột xuất, họ có thể liên lạc vào giờ bất kì, trừ buổi tối. Nguồn tin mật báo cho biết, từ chuồng 55, Lê Mạnh Tiến dùng moọc truyền qua chuồng 49 Tám kinh nghiệm chiến đấu của
Năm Anh. Lê Mạnh Tiến cùng Trần Văn Hương, Lê Văn Đức học toán và Pháp Văn, sau đó Nguyễn Tấn Hiệp và Võ ái Dân đến, phổ biến tài liệu Tri thức cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Một bản báo cáo khác của Ban An ninh Trung tâm Cải huấn I cho biết, tại chuồng 26, nhóm tù nhân lao phổi nặng gồm Phan Công Phú, Lê Quyết Chiến, Hồ Thạnh đã tổ chức kiểm điểm kế hoạch đấu tranh và học lí luận Duy vật lịch sử. Những tù nhân này bệnh nặng, sức yếu, nằm học, lúc nào mệt quá, đau ngực, khó thở thì nghỉ.
Chương trình huấn luyện Tri thức cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin do anh Trần Ngọc Tự, cán bộ quân báo, nguyên là giảng viên chính trị Trường sĩ quan Lục quân bị đày ra đảo truyền bá trong từng Chuồng Cọp, từng nhóm tù rồi lan rộng ảnh hưởng đến toàn Trại I, Trại IV, Chuồng Cọp của lực lượng tù chính trị câu lưu. Nhiều cặp phạm trù như: bản chất- hiện tượng, nội dung-hình thức, khả năng-hiện thực, nguyên nhân-kết quả, phổ biến-đặc thù, đã được tù chính trị vận dụng nhuần nhuyễn vào việc tổ chức và tranh đấu trong tù.
Ngày 6-10-1964, địch đày 50 tù chính trị câu lưu của Quảng Nam, Đà Nằng ra Côn Đảo, đưa về giam tại Phòng 6 Trại I, đưa đi làm khổ sai với một số tù chính trị câu lưu chưa chống chào cờ nguỵ trong các đợt ra trước đó. Thời điểm này, Bộ phận đường dây Côn Đảo từ khi liên lạc được với Trung ương Cục đều tìm cách gửi tin tức vào Trại I và Chuồng Cọp. Bản báo cáo số 1655/CS/CSĐB/M ngày 22-10-1965 về vụ "Bức thư của Ban chấp hành Đảng bộ miền Nam gửi các đồng chí trong nhà lao" cho
biết can cứu Nguyễn Nhơn, thuộc Trại I, làm khổ sai tại Ban Kiến thiết, Ti
Công chánh đã liên lạc với can phạm Lê Văn Quí (tù án) tại rẫy Sở Lưới, nhận tiền và tin tức vào Trại I, từ tháng 6-1965. Nhơn đã nhận hai lần, tổng số 900 đồng và nhiều loại thuốc bổ, thuốc bệnh. Tháng 7-1965, Nhơn bàn giao đầu mối liên lạc này cho Đình Phú Nhàn.
Ngày 29-9-1965, Nhàn nhận từ Quí bức thư của Trung ương Cục. Thư viết bằng mực nguyên tử trên giấy trắng, nét chữ đứng, đầu đề là Ban Chấp hành Đảng bộ miền Nam gửi các đồng chí trong nhà lao. Nội dung bức thư khoảng 1000 từ, phân tích âm mưu thủ đoạn của Mĩ ngụy, thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường, khẳng định cuộc đấu tranh trong tù là một bộ phận khăng khít của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện hoà bình thống nhất Tổ quốc. Nhàn đem bức thư về Phòng 2, chuyển cho Trương Lịch ở Phòng 3, Lịch xem xong chuyển đến Lương Văn Hoá ở Phòng 4. Buổi tối, bức thư được chuyển lại cho Đinh Phú Nhàn và Trần Tiếp. Nhàn giao cho Trần Thọ chuyển qua Phòng 5 thì bị lộ.
Vụ lộ bức thư của Trung ương Cục, địch bắt giam 22 can cứu tại Trại I. Mối nguy cơ lớn nhất lúc ấy là có thể địch sẽ phanh phui ra đường dây liên lạc từ Côn Đảo về Trung ương Cục. Bộ phận đường dây Côn Đảo theo dõi sát tình hình, và bố trí Lê Văn Quí (đầu mối liên lạc về Trại I) vượt ngục đúng vào đêm anh bị khai báo. Cuộc vượt ngục trong tình thế khẩn cấp, đầy yếu tố bất ngờ và thành công của Lê Văn Quí đã chặn đứng được tổn thất, bảo vệ an toàn đường dây liên lạc giữa Côn Đảo với Trung ương Cục.
Tháng 3-1965, địch giải toả 230 can cứu ở Chuồng Cọp về Trại IV làm củi. Do nguồn tin mật báo, địch phát hiện tù chính trị câu lưu chuẩn bị tổ chức kỉ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 9-5-1967, chúa đảo Nguyễn Văn Vệ triệu tập phiên họp bất thường tại Văn phòng Ban quản đốc nhằm áp dụng biện pháp an ninh triệt để, ngăn chặn các cuộc đấu tranh. Nguyễn Văn Vệ ra lệnh phân tán 150 trong số 230 can cứu Trại IV, biệt giam trở lại Chuồng Cọp.
7 giờ sáng ngày 10-5-1967, Trưởng Ban An ninh Lê Văn Tốt và Trưởng Ban Chuyên môn Lê Văn Khương, hai tên ác ôn khét tiếng đưa 300 trật tự an ninh đến Trại IV thực hiện việc phân tán và chuyển trại. Trong hai tiếng đồng hồ, bọn trật tự dùng hèo mây và củi đòn bửa vào đầu, vào lưng tù nhân làm hơn 200 người thương tích. Công điện thượng khẩn số 250/CEB-2-Y của Ty Cảnh sát Quốc gia Côn Sơn gửi Nha Tổng Giám đốc Cảnh sát và Công an ngụy lúc 17 giờ ngày 12-5-1967 cho biết, có 8 can cứu bị trọng thương là: Dương Văn Siêu, Nguyễn Tấn Hiệp, Lê Văn Tâm, Lâm Tường Bảo, Nguyễn Trọng Khả, Mai Thịnh, Huỳnh Tấn Lợi, Ngô Anh Giao. Do vết thương quá nặng, Lê Văn Tâm đã chết lúc 09 giờ ngày 12-5-1967 và Lâm Tường Bảo chết lúc 11 giờ 20 cùng ngày. Lê Văn Tâm và Lâm Tường Bảo đều thuộc lớp người kháng chiến cũ, bị bắt giam từ năm 1956, thời hạn an trí 2 năm và gia hạn 9 lần cho đến chết.