Chiếm tàu địch, vượt Côn Đảo

Một phần của tài liệu ĐẤU TRANH của các CHIẾN sĩ yêu nước và CÁCH MẠNG tại NHÀ tù côn đảo THỜI kỳ 1955 1975 (Trang 61)

3. Bước phát triển của phong trào đấu tranh (196 4 1972)

3.2.Chiếm tàu địch, vượt Côn Đảo

Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, nhiều cuộc vượt ngục của tù án chính trị được ấp ủ và chuẩn bị trước đó đã nổ ra và giành thắng lợi. Cuộc vượt ngục tương đối qui mô của tù chính trị Sở Lưới đã diễn ra vào mùa hè 1964. Trong một chuyến đi đánh cá tại Hòn Tre (phía Tây Côn Đảo), 19 tù nhân đã trói giám thị, đoạt ghe máy về vùng giải phóng an toàn. Hồ sơ lưu trữ mang kí hiệu 8425/HC của Tổng nha Cảnh sát và Công an ngụy cho biết 19 can phạm có tên là Lâm Văn Biền, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Văn Bảy (tự Bảy Bà Rịa), Sum, Sáu Bé, Ngói, Tây, Hải, Giác, Chính, Đào,

Bé, Hoa, Dồi, Bá, Sáu Bùi, Hoá, Tươi, Mãi. Cuộc vượt ngục này do Ngói, Tây và Chính chỉ huy.

Sở Lưới khi ấy có gần 80 tù nhân do giám thị thượng hạng Lê Văn Tốt làm chủ sở, giám thị Nguyễn Văn Thâm làm phụ tá. Khoảng 10 người làm bếp và phục vụ tại sở, còn lại chia làm hai kíp kíp lưới rùng (khoảng 40- 50 người) và kíp lưới năm (lưới vây, khoảng 20 người). Lưới rùng đánh cá ven bờ còn lưới năm dùng ghe máy đánh cá cách đảo với bán kính khoảng 10 cây số. Như thường lệ, sáng 9-5-1964, giám thị Nguyễn Văn Thâm cùng tài công Nguyễn Văn Thân thuộc Ti công chánh biệt phái qua đưa kíp lưới năm đi đánh cá ven Hòn Tre, cách đảo lớn chừng 12km. Lúc 19 giờ, giác lưới cuối cùng đã bủa xong, ba tù chính trị là Ngói, Tây và Chính đã dùng gậy uy hiếp, cùng lúc, các tù nhân khác xáp lại trói giám thị Nguyễn Văn Thâm và tài công Nguyễn Văn Thân. Tù nhân Mãi đứng vào vị trí điều khiển máy, tù nhân Lâm Văn Biền cầm lái, nhằm thẳng hướng Cà Mau. 9 giờ sáng hôm sau (10-5-1964), ghe máy cặp vào địa phận xã Vĩnh Lợi (Bạc Liêu). Giám thị Nguyễn Văn Thâm và tài công Nguyễn Văn Thân bị bỏ lại trên ghe, 19 tù nhân đã đổ bộ vào rừng và hôm sau gặp được du kích. Giám thị Nguyễn Văn Thâm tìm đường về nhiệm sở sau một hành trình gian truân. Nhưng "hoạ vô đơn chí", Nguyễn Văn Thâm lại bị bắt làm tù binh lần thứ hai của tù nhân Sở Lưới trong một cuộc vượt ngục qui mô hơn mà kíp lưới rùng đã chuẩn bị từ thời điểm ấy.

Kíp Lưới rùng hàng ngày đánh cá ở ven bờ, khi có tàu chở hàng ra, kíp lưới rùng là lực lượng chủ lực theo xà lan ra dọn tàu. Khởi xướng kế hoạch, Nguyễn Văn Mạnh tức Ba Đạn, nguyên Huyện ủy viên Tân Bình đã bàn với Võ Văn Thuật, nguyên là Tỉnh ủy viên Gia Định và Lê Văn Thành, cũng là cán bộ Đặc khu Sài Gòn-Gia Định về khả năng chiếm tàu vượt đảo. Được sự đồng tình của anh em, Võ Văn Thuật báo với Đảng ủy, được Đảng ủy duyệt lại toàn bộ kế hoạch và chỉ đạo chặt chẽ, tránh sơ hở dẫn đến tổn thất và những hậu quả của nó. Võ Văn Thuật chịu trách nhiệm trước Đảng

ủy về sự thành bại của cuộc bạo động này. Kế hoạch cướp tàu phải đồng thời đánh chiếm ba bộ phận:

- Bán đội lính bảo an áp tải kíp dọn tàu. - Toàn bộ nhân viên thủy thủ tàu hàng. - Toàn bộ giám thị, trật tự, nhân viên xà lúp.

Phải đảm bảo tập kết được đủ lực lượng, vũ khí, bí mật, bất ngờ, đánh nhanh, thắng gọn, đồng thời chiếm được cả tàu hàng và xà lan, xà lúp, bắt trói được toàn bộ nhân viên, thủy thủ, giám thị, binh lính, vào một thời điểm không sớm quá (bọn địch ở Cầu Tàu có thể phát hiện) mà cũng không muộn quá (trời tối, khó tiếp cận mục tiêu), tuyệt đối không được nổ súng, khống chế ngay vô tuyến điện, còi báo động, đèn hiệu trên tàu, tránh đổ máu, kể cả đối với kẻ thù. Nếu chỉ một trong các yêu cầu đó không thực hiện được, một trong các mũi tiến công không hoàn thành nhiệm vụ là có thể thất bại và đổ máu.

Công tác điều tra nghiên cứu, lập phương án, tuyển chọn nhân sự, tìm kiếm vũ khí được tiến hành trong nhiều tháng. Kế hoạch cướp tàu, Ban chỉ huy trao đổi với một số trung kiên, còn số đông trong tổ chức, chỉ giáo dục tinh thần chiến đấu, khi có thời cơ hành động mới giao nhiệm vụ cụ thể. Hàng chục mũi mác xung kích, dao nhọn, buloong được cất giấu từ nhiều nơi, từ rẫy Sở Lưới tập kết về Cầu Tàu, ém sâu trong những hốc đá, chờ ngày khởi sự.

Tháng 11-1964, công việc chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất. Đội viên các mũi xung kích đã sẵn sàng. Ban chỉ huy quyết định hành động khi tàu TCS- 131 chở chuyến hàng ra đảo cuối tháng 12-1964. Lần ấy không thành. Phần lớn lực lượng của Đội III nằm trên xà lan, vào bờ từ chiều, đến 20 giờ 30 mới trở ra tàu. Lực lượng xung kích của Đội I đã sẵn sàng nhưng trời tối, địch cảnh giác hơn, ta không khống chế được. Ban chỉ huy quyết định dừng trận đánh.

Ba lần tiếp theo, trận đánh dự kiến vẫn không nổ ra được, vũ khí mang ra tàu phải quăng xuống biển. Ban chỉ huy tổ chức kiểm điểm, xây dựng quyết tâm, bố trí lại lực lượng. Ban chỉ huy xác định rõ mục tiêu, phải chủ động điều hành công việc khổ sai, sao cho đúng thời điểm " Giờ G", phải tập kết lực lượng, bằng mọi giá phải khởi sự trong chuyến dọn tàu sắp tới. Lực lượng được bố trí lại như sau:

Đội I là lực lượng xung kích gồm 8 người: Nguyễn Văn Mạnh (tức Ba Đạn, Ba Thọ là đội trưởng), Huỳnh Công Thưởng, Bùi Văn Của, Trần Xuân Dư, Nguyễn Văn Tài, Phạm Văn Vìa, Nguyễn Văn Tuội, Nguyễn Ngọc Anh. Đội I có nhiệm vụ bắt gọn tốp lính bảo an áp tải, cướp súng uy hiếp địch, hỗ trợ cho các lực lượng còn lại hành động.

Đội II có nhiệm vụ đánh chiếm tàu hàng, bắt gọn toàn bộ giám thị, trật tự áp tải và nhân viên thủy thủ trên tàu, lực lượng gồm 11 đội

viên: Võ Văn Thuật (Đội trưởng), Nguyễn Quốc Gia, Trần Văn Bền, Nguyễn Kế Hoa, Lê Văn Chánh, Lữ Sĩ Hoa, Huỳnh Đình Danh, Tiêu Tùng Khải, Trần Văn Hằng, Nguyễn Ngọc Cẩn, Nguyễn Kim Hườn.

Đội III gồm 9 người do Lê Văn Thành chỉ huy, có nhiệm vụ chiếm xà lan, xà lúp, bắt gọn tốp nhân viên địch trên xà lúp và làm chủ tình thế, kĩ thuật, dùng xà lúp chở lực lượng vượt đảo về đất liền. Các đội viên của Đội III là Nguyễn Văn Kỉ, Hồ Văn Lân, Lê Văn Hiểu, Nguyễn Văn Phụng, Phan Ngọc Châu, Nguyễn Văn Cư, Đào Minh Quân, Nguyễn Thành Danh.

Sáng 27-2-1965, tàu TCS-131 vào vịnh Côn Lôn, kéo một hồi còi dài trước khi neo đậu tại Đá Trắng. 6 giờ 30, kíp dọn tàu gồm 47 tù nhân Sở Lưới xuống xà lan ra tàu. Tất cả các đội viên đã được tổ chức trong các mũi xung kích đều bám chắc mục tiêu, từng người được phân công theo sát từng đối tượng tác chiến. Ban chỉ huy thống nhất bí mật điều hành công việc, khi làm nhanh, làm chậm sao cho chuyến hàng tập kết đủ lực lượng vào đúng "Giờ G". Mọi việc được giữ hoàn toàn bí mật. Các báo cáo của nhà tù trong những ngày sau đó cho thấy, kíp dọn tàu hôm ấy khá trật tự,

phạm nhân làm việc tích cực, không có dấu hiệu gì nghi ngờ. Nhưng mọi việc đã được định đoạt ngay từ phút bất ngờ nhất. Ban chỉ huy thống nhất đã truyền đạt mệnh lệnh ra quân.

Theo gợi ý khéo của Ban chỉ huy thống nhất, giám thị Nguyễn Văn Thâm đã đề nghị xin nhân lực của Sở Chỉ Tồn tăng cường cho kíp dọn tàu. Giám thị chủ Sở Lưới Nguyễn Văn Trương điều đình với giám thị trưởng. Khi ấy Phòng 18 Chỉ Tồn có 16 phạm nhân mới lao động khổ sai về. Một người kiên quyết từ chối, còn 15 người miễn cưỡng đi theo chủ Sở Lưới.

16 giờ, xà lúp kéo luôn một lượt 3 xà lan chất đầy hàng vào bờ. Lê Văn Thành điều khiển lực lượng trên xà lan dỡ hàng thật nhanh lên bờ. Đây là chuyến hàng quyết định thời điểm cho trận đánh. Nhân lúc giải lao, Lê Văn Thành và Nguyễn Văn Kỷ xin phép vào Sở uống nước. Ba bó sắt nhọn bọc giẻ lận lưng quần theo các anh xuống xà lan. Phụ bếp tàu TSC.131 Lê Văn Bạt vào thị trấn Côn Sơn chơi, theo xà lan ra chuyến này để kịp dọn bàn ăn bữa tối cho thủy thủ. Xà lan cặp mạn tàu, Bạt xem đồng hồ: 17 giờ 55 phút, rồi chạy vội vào phòng ăn. Trong bản thẩm vấn sau đó, Lê Văn Bạt khai rằng, phút kinh hoàng đã xảy ra với hắn và đồng bọn ngay khi cánh cửa phòng ăn vừa khép lại.

Nhận được tín hiệu từ Võ Văn Thuật, Nguyễn Văn Mạnh dẫn đội các đội viên xung kích leo nhanh lên lồng cu, tiến công đội lính gác. Trong vòng một phút, các anh đã làm chủ tình hình, trói gọn 3 tên lính, dùng ba khẩu súng vừa đoạt được khống chế boong tàu. Đội trưởng Nguyễn Văn Mạnh truyền đạt tiếp mệnh lệnh: "Anh em các đội xung phong lên".

Tất cả các đội đã áp sát mục tiêu, nhất tề hành động. Phần lớn số giám thị, thủy thủ đều nhanh chóng đầu hàng. Riêng tên trật tự ác ôn Nguyễn Văn Hường chống trả quyết liệt, nhưng đội viên Trần Văn Hằng với lòng can đảm, được sự hỗ trợ của Huỳnh Đình Danh và đồng đội đã hạ gục hắn. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng 5 phút. Trời vừa tối, bọn địch ở đảo vẫn không hề hay biết gì. Ban chỉ huy khẩn trương chỉ đạo các công việc

giải quyết tù hàng binh, phá máy và quấn chân vịt tàu Thương cảng, chuyển vận vũ khí, lương thực, phương tiện đi biển sang xà lúp.

Gần nửa đêm, một tên lính bảo an mở được dây trói, bơi vào bờ báo cáo. Thiếu tá Nguyễn Thế Tị, phó tỉnh trưởng Nội an ra lệnh báo động toàn

đảo, rồi huy động nhân viên công an, binh sĩ võ trang bằng đại liên, dùng ghe chèo cấp tốc ra tàu TCS.131, gấp rút sửa chữa tàu, cho đến một giờ 35 phút sáng 28-2-1965 khởi hành cuộc truy đuổi. Lúc 17 giờ ngày 28-2, tàu chạy đến Hòn Khoai, không thấy dấu vết gì, chúng quay trở về Côn Đảo. Khi ấy, 57 tù nhân vượt đảo đã ung dung trong căn cứ của một đơn vị quân giải phóng đang làm nhiệm vụ đặc biệt tại khu vực này. Ban chỉ huy cuộc võ trang vược ngục đã bàn giao tù binh vũ khí và tuân theo sự hướng dẫn của Quân giải phóng về địa điểm tập kết an toàn.

Cuộc chiếm tàu vượt đảo của 57 tù nhân kíp dọn tàu thắng lợi trọn vẹn. Lực lượng vượt đảo sau khi kiểm điểm tại chiến khu đã trở về địa phương, đơn vị cũ hoặc theo sự phân công của Tổ chức Trung ương Cục. Chiếm tàu địch - vược Côn Đảo giành thắng lợi trọn vẹn là một bằng chứng hùng hồn về tính xác thực của tư tưởng võ trang giải thoát mà những lớp tù chính trị hồi kháng chiến chống Pháp đã khởi xướng.

Vụ 57 tù nhân chiếm tàu vượt ngục làm cho mâu thuẫn nội bộ địch thêm trầm trọng. Kết quả là Tỉnh trưởng Tăng Tư, Phó Tỉnh trưởng Nội an Lê Thế Tị, phụ tá quản đốc TTCH Trần Hữu Khoẻ bị phạt 50 ngày trọng cấm vì tắc trách. Không lâu sau, Tăng Tư và Trần Hữu Khoẻ đều mất chức, bị đổi về đất liền .

Một phần của tài liệu ĐẤU TRANH của các CHIẾN sĩ yêu nước và CÁCH MẠNG tại NHÀ tù côn đảo THỜI kỳ 1955 1975 (Trang 61)