Nữ tù chính trị và "vụ Chuồng Cọp Côn Đảo"

Một phần của tài liệu ĐẤU TRANH của các CHIẾN sĩ yêu nước và CÁCH MẠNG tại NHÀ tù côn đảo THỜI kỳ 1955 1975 (Trang 87)

3. 4 Chống kế hoạch "Ngũ niên tự túc"

3.7. Nữ tù chính trị và "vụ Chuồng Cọp Côn Đảo"

Trong những năm 1966-1968, lực lượng nữ tù chính trị bị giam ở Trại V và Chuồng Cọp đã trở thành lực lượng trung kiên, sát cánh với tập thể tù chính trị câu lưu và tập thể tù án chính trị chống chào cờ tại Chuồng Cọp. Tinh thần đấu tranh kiên cường của tập thể nữ tù chính trị có tác dụng

như một ngòi thuốc súng, làm bùng lên một cao trào đấu tranh trong lực lượng tù án chính trị.

Ngày 23-9-1966, ngụy quyền Sài Gòn đày 36 phụ nữ chống đối lâu năm từ các nhà lao đất liền ra Côn Đảo, giam ở Trại V. Trại V khi ấy có một bộ phận tù binh và một bộ phận tù câu lưu dân sự mới bị đưa ra. Các chị tuyên bố chống chào cờ, chống nội qui, chịu chế độ cấm cố khắc nghiệt. Cuối năm, các chị đã tuyệt thực 7 ngày đòi cải thiện đời sống, đòi đưa về đất liền. Chị Nguyễn Thị Bé đã dùng dao lam mổ bụng, moi ruột trước mặt tên Đại úy Nguyễn Phúc Trân, Phụ tá Quản đốc để phản đối hành động man rợ của chúng đối với phụ nữ. Tháng 3 năm 1968, địch đưa các chị về Nhà lao Chí Hoà (sau đó tháng 9-1968, chúng chuyển các chị về Nhà lao Thủ Đức).

Sau cuộc tổ chức lễ tang Bác tại các nhà lao Thủ Đức, Chí Hoà (9- 1969), ngụy quyền Sài Gòn đày 342 phụ nữ và 2 cháu bé ra Côn Đảo ngày 29-11-1969. Tất cả bị giam ở Chuồng Cọp, mỗi chuồng 5 người. Bất chấp nội qui, các chị đã liên hệ công khai, đấu tranh đòi tăng khẩu phần ăn, đòi trả quần áo, vận dụng vệ sinh, đòi được tắm giặt, có thuốc trị bệnh, đòi cho các chị có thai ra Bệnh xá sinh nở, công khai hát những bài ca cách mạng trong tù. Chị Lê Hồng Quân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn biệt động nữ mang tên Lê Thị Riêng đã phổ biến Di Chúc của Bác cho tập thể 14 chị em què lết, tàn tật ở gian Hầm Đá nổi số 1 (Chuồng Cọp II) vào đúng dịp 19-5- 1970.

Bọn gác ngục lợi dụng đặc điểm sinh lí của phụ nữ để kìm kẹp khống chế các chị. Hình phạt tồi tệ mà chúng thường áp dụng là không cho tắm, không cho nước rửa, không cho đổ thùng cầu. Có lúc chỉ vì không chịu khai tên tuổi, chúng phạt 19 chuồng phụ nữ, không cho đổ thùng cầu, chuồng lâu nhất bị phạt 53 ngày. Không có đồ dùng vệ sinh, các chị phải xé quần áo rách ra dùng mỗi kì có kinh, dùng nước tiểu mà giặt, quạt cho khô dùng tiếp. Chuồng Cọp lúc nào cũng nồng nặc mùi hôi hám, khó chịu. Khi

hết cả những mảnh áo rách, các chị phải ngồi trên thùng cầu hoặc trên những tấm nilon trong suốt thời kì có kinh, lâu lâu lại trút vào thùng cầu.

Song song với các thủ đoạn đàn áp, kẻ địch còn dùng biện pháp mua chuộc, phân hoá, tách được 25 phụ nữ cầu an ra khỏi đội ngũ. Số này chịu điều kiện, chấp hành nội qui, chịu chào cờ ngụy, được chúng ưu ái cho mở chuồng suốt ngày, cho gửi thư, nhận tiền của gia đình, được đi chợ mua gạo và thực phẩm về nấu ăn. Sinh hoạt trong tù cỡ đó cũng xem như "thần tiên" giữa chốn "địa ngục trần gian". Những nữ tù kiên trung thuở ấy còn nhớ mãi bà Sáu Mù, tên thật là Nguyễn Thị Chỉ, quê Quảng Nam, mắt đã loà, nhưng bà vẫn đứng vững trong tập thể chiến đấu, chống chào cờ, chống nội qui, chịu mọi cực hình ở Chuồng Cọp I. Tóc bạc, lưng còng, mắt mờ, sức yếu, bà thường nép mình vào một xó chuồng, đôi tay run rẩy, rờ rẫm trên đầu gối. Tháng 6-1970, trong một lần xáo trộn, má Sáu Mù được đưa về chuồng 24, nơi giam những phụ nữ đã chịu điều kiện. Đến bữa thấy khẩu phần ăn có đĩa rau muống và nửa hột vịt luộc nóng hổi và thơm phức, má biết ngay là đang ở chung với số phụ nữ chịu điều kiện, chấp hành nội qui. Má gắp miếng hột vịt lên rồi lại bỏ xuống, trào nước mắt, bỏ cơm, xin về lại chuồng 27 ở chung với tập thể chiến đấu, với tương chua, mắm ruốc nặng mùi quen thuộc của chế độ kỉ luật.

Hình ảnh má Sáu Mù gần 70 tuổi giam chung với các nữ sinh 15 tuổi và các nhà sư bị hành hạ trong Chuồng Cọp đã được phái đoàn nghị sĩ Mĩ phơi bày trước dư luận Quốc tế vào tháng 7-1970, trong vụ phát hiện ra những sự thật kinh khủng tại Chuồng Cọp Côn Đảo. Vụ ”Chuồng Cọp Côn Đảo" đã tạo nên một chấn động chính trị, phơi bày sự dính líu thối nát của chính quyền Mĩ tại Nam Việt Nam.

Vào tháng 6-1970, một ủy ban điều tra của Hạ nghị viện Mĩ đã đến Sài Gòn để điều tra về các khoản viện trợ Mĩ cho Nam Việt Nam. Cùng thời điểm đó, Bản tường trình của 5 sinh viên học sinh Cao Nguyên Lợi, Nguyễn Thanh Tòng, Nguyễn Tuấn Kiệt, Trần Văn Long, Nguyễn Minh Trí về một địa ngục có thật tại Chuồng Cọp Côn Đảo mà họ vừa trải qua đã

được đọc trước Liên ủy ban Nội vụ-Tư pháp định chế- Xây dựng nông thôn của Hạ nghị viện ngụy, phiên họp ngày 19-6-1970. Bản tường trình được in rônêô, phân phát trong hội nghị và giới báo chí. Nhờ đó mà nhà báo Don Luce đã tìm cách gặp những sinh viên này và được họ chỉ dẫn sơ đồ Chuồng Cọp Côn Đảo.

Ngày 2-7-1970, hai dân biểu Mĩ Augustus Hawkins và Wiliam Anderson đã tách ra khỏi đoàn, bay ra Côn Đảo. Don Luce tháp tùng chuyến đi với danh nghĩa phiên dịch. Trong lời tường thuật trước giới báo chí, hai dân biểu Mĩ khẳng định rằng, các ông đã tận mắt thấy: "Khoảng 500 người bị giam trong các Chuồng Cọp... Có những tu sĩ phật giáo... Có

nhiều phụ nữ từ 15 đến 70 tuổi, có cả những bà già bị mù mắt... Họ bị giam giữ chỉ vì đấu tranh cho hoà bình... Họ bị bỏ đói, bỏ khát bị nhốt như những con vật trong các Chuồng Cọp... Họ bị ngạt thở vì người ta tung vôi bột vào trừng phạt họ... Trong bảy tháng họ chỉ được ăn rau có 3 lần... Nhiều người trong số đó bị còng lâu ngày đến mức không thể đứng lên bằng đôi chân của mình được nữa... Đó là sự đối xử kinh khủng nhất đối với con người mà chúng tôi chưa bao giờ được thấy...".

Dân biểu Anderson đã chỉ trích các nhân viên của cơ quan AID của Mĩ làm nhiệm vụ cố vấn cho chính phủ Nam Việt Nam về chế độ nhà tù. Ngày 7-7-1970, nhiều Hãng thông tin phương Tây như UPI, AP (Mĩ), AFP (Pháp), Roitơ (Anh) đã đưa một loạt tin về cuộc họp báo của 2 dân biểu Augustus Hawkins và Wiliam Anderson về thực trạng kinh khủng mà những người tù chính trị đang phải chịu đựng ở Chuồng Cọp Côn Đảo. Dân biểu Hawkins, một trong 12 thành viên của ủy ban điều tra Hạ nghị viện Mĩ đến Việt Nam đã tuyên bố từ chức để phản đối ủy ban này bưng bít sự thật về tội ác của cố vấn Mĩ và ngụy quyền Sài Gòn tại Côn Đảo, nhất là trong các Chuồng Cọp. Hawkins cho biết, trong bản báo cáo dày 70 trang của ủy ban này, chỉ có một đoạn nói về Nhà tù Côn Đảo.

Bài viết về vụ Chuồng Cọp Côn Đảo của John Helmul và Don Luce đăng trên tạp chí TIME, phát hành hàng triệu bản trên khắp toàn cầu cuối tháng 7-1970 đã làm chấn động dư luận thế giới về sự khủng khiếp của nhà ngục của Mĩ ngụy tại Nam Việt Nam. Những ngày tiếp theo, nhiều tờ báo lớn ở Mĩ, Pháp, Nhật, Italia, Cộng hoà Liên bang Đức, Cộng hoà Dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Liên Xô... đã đưa tin và dẫn lời của 2 dân biểu Mĩ, lên án tội ác của Mĩ ngụy tại Chuồng Cọp.

Lời tố cáo của 2 dân biểu Mĩ là xác đáng, tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ về sự thật tội ác của Mĩ ngụy mà hai ông tận mắt chứng kiến. Song sự thật bé nhỏ ấy đã thức tỉnh lương tri nhân dân Mĩ và nhân loại tiến bộ, rằng Chính phủ Mĩ đang tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược đầy tội lỗi và sự nhơ bẩn của hàng chục tỉ đô la viện trợ mỗi năm để bảo hộ cho một chính quyền tay sai tàn bạo, phi nhân tính. Bản tin Việt Nam Thông tấn xã, Thông tấn xã giải phóng đã đưa tin lên án tội ác của Mĩ ngụy đối với tù chính trị Côn Đảo, chỉ trích gay gắt bọn cố vấn Mĩ, chúa đảo Nguyễn Văn Vệ, Trưởng Ban Chuyên môn Lê Văn Khương. Tờ Tin Sáng xuất bản tại Sài Gòn ngày 15 và 16-7-1970 đã đăng toàn bộ thiên phóng sự của Don Luce về Chuồng Cọp Côn Đảo, khởi đầu cho phong trào đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù ở miền Nam Việt Nam.

Trước áp lực của dư luận, ngụy quyền phải mở của Chuồng Cọp, quét dọn sạch sẽ. Trung tuần tháng 7-1970, địch chuyển số tù án chống chào cờ về Chuồng Bò, chuyển toàn bộ phụ nữ về Trại V. Sau đó chúng cho tay chân đập phá vách ngăn và dàn song sắt Chuồng Cọp II, dỡ một phần mái ngói Chuồng Cọp I, đưa các đoàn báo chí ra quay phim, chụp hình.

Về Trại V, tập thể nữ tù chính trị nhanh chóng củng cố tổ chức, hình thành Ban cán sự tại mỗi phòng để lãnh đạo toàn diện các hoạt động của tù nhân. Các chị tiếp tục đấu tranh đòi đưa về đất liền, trả tự do, trong khi chờ đợi trả tự do phải được cải thiện đời sống, có thuốc men trị bệnh, được

nhận thư và bưu kiện tiếp tế của gia đình. Tháng 11-1970, ngụy quyền đưa tất cả phụ nữ tù về Nhà lao Tân Hiệp (Biên Hoà).

Một phần của tài liệu ĐẤU TRANH của các CHIẾN sĩ yêu nước và CÁCH MẠNG tại NHÀ tù côn đảo THỜI kỳ 1955 1975 (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(126 trang)
w