Đồng khởi đấu tranh chống khổ sai và chống chào cờ

Một phần của tài liệu ĐẤU TRANH của các CHIẾN sĩ yêu nước và CÁCH MẠNG tại NHÀ tù côn đảo THỜI kỳ 1955 1975 (Trang 92)

3. 4 Chống kế hoạch "Ngũ niên tự túc"

3.8. Đồng khởi đấu tranh chống khổ sai và chống chào cờ

Tinh thần đấu tranh kiên quyết của nữ tù chính trị, của tù chính trị chống chào cờ và tù bại lết ở Chuồng Cọp, Chuồng Bò, nhà dù Trại VII dồn dập từ đầu năm 1970 đã tạo khí thế mới, thôi thúc phong trào, nhất là từ khi vụ "Chuồng Cọp Côn Đảo" được phơi bày trước dư luận Quốc tế. Bản Sơ kết tình hình Nhà lao Côn Đảo cho biết, phong trào đấu tranh trong tháng 8-1970 đã diễn ra sôi nổi với các hình thức trực diện, đưa yêu sách, bãi công đòi hạ mức khổ sai, cải thiện đời sống, loại trật tự, mật báo ra khỏi phòng, bầu đại diện, làm chủ sinh hoạt trong các phòng giam kết hợp chống chào cờ. Phương châm đấu tranh là: bất ngờ, khẩn trương, đồng loạt, nhân nhượng, chú trọng yêu cầu dân sinh (hạ mức khổ sai) nhưng bám chắc yêu cầu chính trị (chống chào cờ, loại ác ôn, bầu đại diện).

Ngày 11-8-1970, Sở Củi đưa yêu sách hạ mức khổ sai, củi chẻ từ 4 tấc xuống 3 tấc, củi đòn từ 7 tấc xuống 5 tấc, đòi tăng thực phẩm, chấm dứt khủng bố đánh đập, loại bọn giám thị, trật tự ác ôn ra khỏi sở. Cùng ngày, các sở cử người trực diện đưa yêu sách cho Ban quản đốc, đòi giảm giờ làm, thêm thức ăn, cấp rau cải, thuốc chữa bệnh, thêm người làm rẫy cải thiện. Kíp lao công nội trại và Nhà bếp đòi nghỉ bù ngày chủ nhật. Ngụy quyền Côn Đảo hết sức lúng túng, chúng hứa sẽ chuyển các kiến nghị của tù nhân về Bộ Nội vụ. Tù nhân tiếp tục đấu tranh. Sở rẫy Đông Phong bãi công phản đối tên chủ sở gian ác.

Bước vào giai đoạn 2, toàn thể Trại III, Sở Vệ Sinh, Sở Ruộng và Lò Gạch, các phòng mãn án câu lưu của Trại VI đấu tranh đòi được bầu đại diện phòng, đại diện trại, loại bọn ác ôn, tăng thực phẩm. Địch chấp nhận việc bầu đại diện, còn yêu sách tăng thực phẩm, chúng hứa chuyển về Bộ. Ngày 16-8-1970, Trại III và ba sở của Trại II bầu xong đại diện, bọn trật tự ác ôn, mật báo tự động rút lui khỏi các phòng. Nắm được bước phát triển

của phong trào, Ban lãnh đạo Trại II và Trại III quyết định phát động đấu tranh chính trị, chống chào cờ. Ngày 21-8-1970, toàn thể Trại III nhất loạt chống chào cờ. Tù chính trị Trại II cũng đưa toàn bộ yêu sách, tuyên bố bãi công chờ Ban quản đốc nhà tù giải quyết, đồng thời chống chào cờ ngay lúc đó. Địch đưa tất cả vào cấm cố.

Lực lượng tù bại lết ở Sở Muối trực diện đưa yêu sách chống khô đắng, đòi cấp rau xanh 3 ngày một lần, phát quần áo năm 1970. Sau 3 ngày địch không giải quyết, anh em đã lết ra đường, căng biểu ngữ, hô khẩu hiệu đấu tranh. Địch đàn áp làm 15 người bị thương nặng.

Ngày 31-8-1970, gần 100 tù nhân Công Xưởng, 50 tù nhân Sở ruộng Quang Trung và gần 300 tù nhân làm lao công xây dựng lao mới (Trại VI, Trại VII và Trại VIII) đã bãi công, vào cấm cố. Hơn 4000 tù chính trị đồng loạt chống chào cờ và chống khổ sai đã tạo một uy thế chính trị vô cùng to lớn, làm chuyển biến tương quan lực lượng, mở màn cho một giai đoạn đấu tranh quyết liệt với địch.

Phối hợp với lực lượng tù án chính trị trong cao trào đồng khởi đấu tranh chống chào cờ và chống khổ sai của tù án chính trị, tù chính trị câu lưu (Trại I) đã tổ chức đấu tranh bằng hình thức hô la, phát thanh tố khổ suốt đêm, hơn một tháng trời. Một bộ phận tù chính trị câu lưu trước đây chưa đấu tranh chống chào cờ, chịu đi làm khổ sai, nay tuyên bố chống chào cờ, không đi làm khổ sai, chịu cấm cố trong trại.

Toàn bộ sinh hoạt trên đảo dựa trên lao động khổ sai của tù nhân nay bị ngừng trệ. Ngụy quyền Côn Đảo phải sử dụng bọn trật tự an ninh và trại sinh Tiểu đoàn Tâm lí chiến thí điểm vào việc dọn vệ sinh, đốn củi, phục dịch trong cư xá giám thị và khu gia đình. Ngày 3-9-1970, toàn thể các trại đều làm lễ tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập Di Chúc Bác Hồ và kiểm điểm quá trình đấu tranh trong tù.

Được tăng cường một Đại đội Cảnh sát dã chiến, Nguyễn Văn Vệ đưa tối hậu thư vào tất cả các phòng, buộc tù nhân đầu hàng vô điều kiện

(chấp hành nội qui, chào cờ, làm khổ sai), nếu không chúng sẽ dùng biện pháp mạnh. Các phòng đều trả lại tối hậu thư. Ngày 5-11-1970, Nguyễn Văn Vệ tập trung toàn bộ giám thị, trật tự và Cảnh sát dã chiến lần lượt tiến công từng trại. Hàng trăm tù nhân đã bị thương tích nặng vì lựu đạn cay, dùi cui, gậy gộc. Sau 3 tháng đàn áp, có đến một phần ba số tù chính trị chống chào cờ bị bức rời hàng ngũ, còn "đậu" được 2640 người. Đó là con số kỉ lục về chống chào cờ sau những trận đàn áp khốc liệt từ trước đến nay .

Bất lực, Nguyễn Văn Vệ bị cách chức, ngụy quyền Sài Gòn đưa Trung tá Cao Minh Tiếp ra thay. Vốn là sĩ quan tình báo đã được nhiều lần tu nghiệp ở Mỹ, từng làm Giám đốc Trung tâm tình báo hỗn hợp Việt-Mỹ phụ tá Tổng thư ký ủy ban Phượng hoàng Trung ương, Cao Minh Tiếp thực hiện nhiều thủ đoạn nham hiểm và thâm độc. Ra Côn Đảo tháng 2-1971, Tiếp huy động tất cả các nguồn thực phẩm cho tù nhân ăn tết cổ truyền. Hắn tự tay viết thư chúc tết tù nhân, và đặt thẳng vấn đề "hợp tác sản xuất" giữa tù nhân và nhà tù, nêu khẩu hiệu "tự túc tự cấp-có làm, có hưởng". Cao Minh Tiếp trả lại sinh hoạt bình thường cho các trại cấm cố, cấp hột vịt, coi như phần ăn phụ trội, mở hội nghị đại diện tù nhân các trại để xoa dịu.

Tuy nhiều thủ đoạn, Cao Minh Tiếp vẫn bất lực. Tù chính trị tẩy chay khẩu hiệu "tự túc, tự cấp-có làm, có hưởng", mặc dù hắn đã tăng mức

hưởng lợi từ 25% lên 40%, 60%, 80% rồi 100%. Bất chấp sự đàn áp, khủng bố, lừa mị, số tù chính trị chống chào cờ vẫn tăng lên đến hơn 3000 vào tháng 7-1971.

Cao Minh Tiếp ráo riết thúc đẩy việc xây dựng khu biệt lập Trại VII (Chuồng Cọp Mỹ), và thanh lọc tù nhân, thực hiện chiến lược phân vùng giam giữ. Trong tháng 11 và tháng 12-1971, Tiếp chỉ huy nhiều trận đàn áp, xé phòng dồn trại, đưa trên 1000 tù án chính trị mà chúng xem là cốt

cán, biệt giam về Trại VII đưa hơn tám trăm tù chính trị câu lưu từ Trại I về Trại VI Khu B .

Cao Minh Tiếp ra Côn Đảo còn nhận một nhiệm vụ đặc biệt là tiếp tục thực hiện "Chương trình tâm lí chiến Côn Sơn" thay cho chính sách cải huấn thực thi trong nhiều năm qua đã thật sự phá sản. Chương trình này đưa ra dự án xin 300 sĩ quan tâm lí chiến của quân đội ngụy để thành lập 10 tiểu đoàn tâm lí chiến. Phiên họp Hội đồng Nội các ngụy ngày 26-9- 1969 chấp thuận cho thành lập một tiểu đoàn thí điểm với sự trợ giúp hữu hiệu của các cố vấn Mĩ và Đài Loan. Tổng cục chiến tranh chính trị ngụy đã tuyển chọn 30 sĩ quan tâm lí chiến, biệt phái qua Nha Cải huấn, giao cho cố vấn Mỹ và cố vấn Đài Loan huấn luyện. Tháng 5-1970, Thiếu tá Nguyễn Văn Vệ được cử làm Trưởng đoàn đưa 30 tên sĩ quan tâm lí chiến đi thụ huấn tại Đài Loan trong 5 tuần lễ.

Sau khoá huấn luyện, trung tá YINKANG cầm đầu một đoàn cố vấn tâm lí chiến của Trung Hoa dân quốc bay ra Côn Đảo, cùng cố vấn Hoa Kỳ và Trung tâm Cải huấn Côn Sơn tuyển lựa 800 tù chính trị thành lập Tiểu đoàn tâm lí chiến thí điểm. Các "trại sinh" được chọn hầu hết số tù mới bị bắt từ sau cuộc tiến công Tết Mậu Thân (1968), chưa có án tiết và chưa có biểu hiện chống đối đưa về Trại VI khu A, tổ chức theo kiểu quân sự hoá, kết hợp với hình thức tự quản của tù nhân.

Chương trình tâm lí chiến huấn luyện 216 giờ giáo dục công dân, 172 giờ Văn hoá, 517 giờ chính trị, 612 giờ hướng nghiệp, 70 giờ Văn nghệ, 72 giờ thể dục, 156 giờ khảo hạch. Phiếu trình số 4456/BNV/CH/10 ngày 12-12-1971 của Giám đốc Nha Cải huấn Nguyễn Phú Sanh gửi Thủ tướng ngụy cho biết: Trong số 800 trại sinh thuộc Tiểu đoàn tâm lí chiến

thí điểm, có 426 người đã chống lại dưới nhiều hình thức, còn lại 374 người theo học hết chương trình. Mãn khoá (từ 31-8-1970 đến 29-10- 1971), 368 trại sinh đủ điểm để phóng thích. Trại sinh Hồ Văn Tư (tự út

Oanh), đính bài 11524 thuộc tỉnh Vĩnh Long "đậu" thủ khoa. Trại sinh Đinh Thái Bình (bí danh Tư Bê, Giá Rai, Bạc Liêu) trước khi mãn khoá đã lên Văn phòng Tiểu đoàn một tháng viết phản tỉnh, hiến kế đánh phá Việt cộng. Hai trại sinh Lý Văn Thắng, đính bài 13264 ở Kiên Giang và Nguyễn Văn Chiến, đính bài 13745 ở Sóc Trăng đã xin ở lại làm mật báo viên cho tiểu đoàn ở khoá học tiếp theo mà không cần hưởng thù lao.

Trung tá Nguyễn Mẫu, Trưởng khối cảnh sát đặc biệt đã lập phiếu trình ngày 25-12-1971, đề nghị Tư lệnh Bộ chỉ huy Cảnh sát Quốc gia chấp thuận đề nghị của Nha Cải huấn: "Tăng cường và bành trướng đoàn cán bộ Tâm lí chiến để có thể cung ứng ít nhất cho 4 trung tâm ở đất liền là Thủ

Đức, Tân Hiệp, Sài Gòn và Trung tâm thiếu nhi Đà Lạt". Theo chủ trương này, Tiểu đoàn Tâm lí chiến khoá II đã được thành lập vào tháng 4-1972,

song tiểu đoàn này chết yểu sau đó một tháng.

Một phần của tài liệu ĐẤU TRANH của các CHIẾN sĩ yêu nước và CÁCH MẠNG tại NHÀ tù côn đảo THỜI kỳ 1955 1975 (Trang 92)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(126 trang)
w