Tác động đến tài nguyên nước

Một phần của tài liệu Tìm hiểu phương pháp đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương do tác động của biển đổi khí hậu tới lĩnh vực tài nguyên nước & môi trường (Trang 29)

5. Cấu trúc luận văn

1.3.5. Tác động đến tài nguyên nước

Biến đổi về lượng mưa, phân bố mưa theo không gian và thời gian dưới tác động của biến đổi khí hậu đã có những ảnh hưởng nhất định tới việc cấp nước cho các ngành dùng nước. Mưa lớn và tuyết rơi xảy ra thường xuyên hơn tại các vùng vĩ độ cao và trung bình tại bắc Bán cầu trong khi lượng mưa giảm xuống tại vùng nhiệt đới và á nhiệt đới. Tại nhiều vùng của Châu Âu, miền Trung Canada, bang California đỉnh lũ chuyển từ mùa xuân sang mùa hè do giáng thủy chuyển chủ yếu từ tuyết rơi sang mưa. Tại Châu Phi, các lưu vực sông lớn như sông Nile, hồ Chad và Senegal, lượng nước có thể khai thác giảm khoảng 40-60%.

Thay đổi về phân bố mưa trong năm sẽ ảnh hưởng đến lượng nước có thể khai thác được. Kết quả của các mô hình dự báo biến đổi khí hậu cho thấy tại nhiều khu vực lượng mưa sẽ tập trung hơn vào mùa mưa và giảm vào mùa khô. Mưa lớn tập trung sẽ làm tăng lượng dòng chảy mặt, giảm lượng nước ngấm xuống các tầng chứa nước dưới đất. Điều này làm gia tăng lũ lụt vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô, trữ lượng nước ngầm sẽ suy giảm. Ngoài ra, khả năng sinh thủy của lưu vực còn bị gián tiếp ảnh hưởng của biến đổi khí hậu do thảm phủ thực vật bị thay đổi do điều kiện khí hậu thay đổi.

Chế độ thủy văn tại các vùng khí hậu khô hanh sẽ nhậy cảm hơn so với các vùng ẩm ướt. Tại các vung khô hanh, một sự thay đổi nhỏ của nhiệt độ và lượng mưa sẽ gây ra biến động lớn về chế độ dòng chảy sông suối. Các vùng khô hạn và bán khô hạn tại Trung á, Địa Trung Hải, Nam Phi và Châu Đại Dương sẽ chịu tác động của lượng mưa giảm và bốc hơi tăng. Những vùng có cao độ mặt đất lớn sẽ có lượng dòng chảy mặt tăng lên do lượng mưa tăng.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới tài nguyên nước của khu vực nhiệt đới rất khó dự báo. Các mô hình dự báo biến đổi khí hậu cho kết quả về lượng mưa và phân

bố mưa tại khu vực này rất khác nhau. Theo kết quả dự báo tin cậy nhất, lượng mưa từ tháng 6 đến tháng 8 tại Nam á sẽ tăng lên trong khi giảm đi ở vùng Trung Mỹ. Sự thay đổi chế độ dòng chảy của sông suối sẽ làm thay đổi nồng độ các chất dinh dưỡng, lượng oxi hòa tan và các thành phần hóa học khác, do đó, làm thay đổi chất lượng nước mặt.

Các hồ chứa, đập dâng, trạm bơm và giếng khai thác nước ngầm cũng bị ảnh hưởng. Mưa lớn kéo theo gia tăng trượt lở đất và xói mòn sẽ làm tăng lượng phù sa chuyển tới và lắng đọng trong lòng hồ, làm giảm dung tích hữu ích của các hồ chứa. Chế độ dòng chảy thay đổi cũng làm cho vấn đề điều tiết của hồ trở lên khó khăn hơn, khả năng cung cấp nước giảm đi. Do trữ lượng nước ngầm thay đổi, khả năng khai thác của nhiều giếng ngầm cũng bị giảm sút. Chế độ dòng chảy thay đổi cũng làm cho nhiều công trình không hoạt động đúng điều kiện thiết kế, năng lực công trình có thể bị suy giảm.

Mực nước biển dâng lên làm việc cấp nước vùng duyên hải trở lên khó khăn hơn. Các tầng nước ngầm bị xâm nhập mặn khiến nhiều giếng khai thác nước không hoạt động được. Việc xâm nhập mặn sâu vào cửa sông làm nhiều công trình thủy lợi bị ảnh hưởng.

Việc suy giảm khả năng cung cấp nước của các công trình sẽ ngày càng trầm trọng. Ước tính hiện nay 1,7 tỷ người sống trong các khu vực căng thẳng về nước, dự báo đến năm 2025 con số này sẽ tăng vọt lên tới gần 5 tỷ người. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các vùng khô hạn và bán khô hạn, các vùng đất thấp, các đồng bằng và các đảo nhỏ. Xung đột về nước giữa các quốc gia, giữa các vùng, các ngành dùng nước sẽ ngày càng trở lên căng thẳng, đôi khi dẫn tới xung đột về chính trị hoặc quân sự.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu phương pháp đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương do tác động của biển đổi khí hậu tới lĩnh vực tài nguyên nước & môi trường (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)