Các kênh thông tin được chuyển tải đến Quốc hội

Một phần của tài liệu Vận động hành lang trong hoạt động lập pháp của Quốc Hội (Nghị viện) một số nước trên thế giới (Trang 72)

3.1.1.1. Trưng cầu dân ý

Trưng cầu ý dân là một trong những phương pháp thực hiện dân chủ trực tiếp. Chính vì vậy, trưng cầu ý dân có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động ban hành chính sách của Đảng, hoạt động lập pháp của Quốc hội, lập quy của Chính phủ và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương. Các bản Hiến pháp của nước ta đều ghi nhận về trưng cầu ý dân. Cụ thể là: Điều thứ 32 của Hiến pháp 1946: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý. Cách thức phúc quyết sẽ do luật định” [18]. Khoản 5, Điều 53 của Hiến pháp 1959: “Ủy ban thường vụ Quốc hội có quyền quyết định việc trưng cầu ý kiến nhân dân” [19]. Khoản 6, Điều 100 của Hiến pháp 1980:

“Hội đồng Nhà nước có nhiệm vụ quyết định việc trưng cầu ý kiến nhân dân” [20]. Khoản 14, Điều 84 của Hiến pháp 1992: “Quốc hội có nhiệm vụ quyết định việc trưng cầu dân ý” [21].

Mặc dù trên thực tế chúng ta chưa tiến hành việc trưng cầu dân ý về vấn đề nào nhưng phải khẳng định rằng, trưng cầu ý dân là một kênh thông tin quan trọng chuyển tải đến Quốc hội nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung.

3.1.1.2. Lấy ý kiến tham gia vào các dự thảo văn bản pháp luật

Lấy ý kiến nhân dân tham gia vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nói chung và dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nói riêng là một cách thức thực hiện dân chủ trong xây dựng pháp luật, một biện pháp đảm bảo để khi một văn bản quy phạm pháp luật ra đời đáp ứng “đúng và trúng” các yêu cầu của đời sống xã hội.

Cơ sở pháp lý của việc lấy ý kiến tham gia vào dự án luật, pháp lệnh là Điều 3 và Điều 35 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức khác, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân có quyền tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật [22].

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn quy định trách nhiệm của cơ quan soạn thảo văn bản là: trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Trong quá trình soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến cơ quan, tổ chức hữu quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; nêu những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và xác định cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến; đăng tải toàn văn dự thảo trên Trang thông tin điện tử của Chính phủ hoặc của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo trong thời gian ít nhất là 60 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến [22].

Việc lấy ý kiến có thể bằng hình thức lấy ý kiến trực tiếp, gửi dự thảo để góp ý, tổ chức hội thảo, thông qua Trang thông tin điện tử của Chính phủ, của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo hoặc các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, các cơ quan có trách nhiệm còn có nhiều phương thức lấy ý kiến như: tiếp nhận thư góp ý của nhân dân; tiếp nhận ý kiến góp ý thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tiếp nhận ý kiến góp ý thông qua cơ quan, tổ chức mà công dân công tác, làm việc; tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến; lấy ý kiến góp ý theo địa bàn cư trú như tổ dân phố, bản, làng, thôn, xóm; lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội; lấy ý kiến bằng phương pháp

điều tra xã hội học (phiếu hỏi, trực tiếp phỏng vấn,…). Ngoài ra, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tin học và Internet thì có thể thành lập các trang Web, hộp thư điện tử để thảo luận, đóng góp ý kiến.

Cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm góp ý kiến bằng văn bản về dự án, dự thảo; trong đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm góp ý kiến về nguồn tài chính, Bộ Nội vụ có trách nhiệm góp ý kiến về nguồn nhân lực, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm góp ý kiến về tác động đối với môi trường, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm góp ý kiến về sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên [22].

Như vậy, thông qua việc tham gia ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, mà cụ thể là dự thảo luật, pháp lệnh, những ý kiến của nhân dân, của cử tri đến được với Quốc hội, được phản ánh trong những dự luật trình Quốc hội thông qua.

3.1.1.3. Tiếp công dân, tiếp xúc cử tri

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại biểu Quốc hội là phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, tiếp xúc để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan. Để thực hiện nhiệm vụ này, đại biểu Quốc hội tiến hành việc tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội tại địa phương nơi đại biểu Quốc hội ứng cử; tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, lĩnh vực mà đại biểu Quốc hội quan tâm hoặc trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc cử tri.

Tiếp công dân là việc trực tiếp nghe công dân phản ánh, trình bày ý kiến, kiến nghị của mình về một vụ việc nào đó đến với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội hay đại biểu Quốc hội.

Nhân dân gửi các ý kiến, kiến nghị này bằng nhiều con đường: qua dư luận rộng rãi; qua phương tiện thông tin đại chúng; qua tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; qua đơn thư dân nguyện gửi đến Quốc hội... Thông qua công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội mà ý chí, nguyện vọng của nhân dân được phản ánh đến Quốc hội, được thể hiện qua những quyết định của Quốc hội, thể hiện trong những dự luật mà Quốc hội thông qua.

Một phần của tài liệu Vận động hành lang trong hoạt động lập pháp của Quốc Hội (Nghị viện) một số nước trên thế giới (Trang 72)