Quy tắc Thủ tục của cả Hội đồng Nhà nước Áo và Hội đồng Liên bang Áo đều không có điều khoản quy định về hoạt động vận động hành lang hoặc các nhóm lợi ích trong hoạt động lập pháp. Đồng thời, cũng không có quy định đăng ký chính thức nào đối với các nhóm lợi ích tại Áo.
Tuy vậy, ảnh hưởng của các nhóm lợi ích đối với quá trình xây dựng pháp luật ở Áo, đặc biệt là các nhóm lợi ích kinh tế lớn hợp tác bên trong
khuôn khổ của cái gọi là “hợp tác xã hội” là khá mạnh. Chẳng hạn như việc các đối tác xã hội tham gia vào quá trình chuẩn bị, soạn thảo dự luật. Theo đó, khi chuẩn bị, soạn thảo một dự luật, Chính phủ phải tham khảo ý kiến của các viện, là đại diện theo luật của các nhóm lợi ích dưới cái gọi là “thủ tục thẩm định”. Thông thường, không chỉ có các viện mà cả các nhóm lợi ích khác cũng được tham khảo ý kiến. Ở giai đoạn Quốc hội, các nhóm lợi ích ảnh hưởng đến quá trình xây dựng luật thông qua quan hệ cá nhân và chính trị. Đã từ lâu, hơn 50% các nghị sỹ Quốc hội có quan hệ mật thiết với hoặc là thành viên của các nhóm lợi ích như các hiệp hội ông chủ hoặc các công đoàn. Tỷ lệ này chỉ gần đây mới giảm xuống [33].
Ngoài ra, theo quy định tại đoạn 1 phần 40 của các Quy tắc Thủ tục của Hội đồng Nhà nước và đoạn 1 phần 33 của Quy tắc Thủ tục của Hội đồng Liên bang đều cho phép các Ủy ban của Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Liên bang được triệu tập các chuyên gia hay các nhân chứng khác, thì các chuyên gia đại diện cho các nhóm lợi ích cũng có thể được mời trình bày quan điểm của họ cho một Ủy ban về một dự luật.