Trong môi trường thương mại quốc tế có nhiều thay đổi mạnh mẽ, WTO đã kêu gọi đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan, coi đó là chìa khóa cho việc tạo thuận lợi cho thương mại. Do vậy, đơn giản hóa và hài hòa hòa thủ tục hải quan trở nên quan trọng trong công cuộc tự do thương mại cả trên thế giới và trong khu vực. Công ước Kyoto sử đổi trở thành nền tảng cho các thủ tục hải quan đơn giản và hiệu quả trong thế kỷ 21.
Công ước quốc tế về đơn giản hoá và hài hoà hoá thủ tục hải quan (Công ước Kyoto) ra đời năm 1973 và có hiệu lực năm 1974. Công ước bao gồm Thân quy định các nội dung về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan và 31 phụ lục quy định về từng loại hình thủ tục hải quan cụ thể.
Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại, khoa học kỹ thuật và công nghệ trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới đòi hỏi thủ tục hải quan phải có thay đổi căn bản để vừa đảm bảo thuận lợi thương mại vừa tăng cường thực thi pháp luật hải quan. Tuy nhiên, Công ước Kyoto năm 1973 có nhiều hạn chế như chỉ cần tham gia ở mức độ tối thiểu, mức độ ràng buộc không cao, không tạo được chuyển biến mạnh mẽ về thủ tục hải quan ở các bên tham gia nên Tổ chức Hải quan Thế giới đã quyết định sửa đổi Công ước Kyoto năm 1973 và thông qua Nghị định thư sửa đổi Công ước Kyoto năm 1973 vào tháng 6 năm 1999. Từ đây Công ước Kyoto có tên gọi mới là Công ước Kyoto sửa đổi. Hiện nay, Công ước Kyoto sửa đổi có 64 thành viên, Việt Nam là thành viên thứ 56.
Công ước Kyoto sửa đổi bao gồm: Nghị định thư sửa đổi, Thân công ước, Phụ lục tổng quát, Phụ lục chuyên đề và Hướng dẫn thực hành.
Nghị định thư sửa đổi. Nghị định thư sửa đổi là văn bản tuyên bố chính thức việc sửa dổi bổ sung Công ước 1973 và quy định các thủ tục để các quốc gia tham gia Công ước sửa đổi.
- Thân công ước. Thân công ước sửa đổi là các quy định về cơ chế sửa đổi bổ sung Công ước, cơ chế quản lý Công ước thông qua Uỷ ban quản lý Công ước, cơ chế ràng buộc pháp lý và bảo lưu đối với bên tham gia Công ước; các quy định về các thủ tục hành chính khác.
- Phụ lục Tổng quát: phụ lục Tổng quát bao gồm những quy định liên quan đến những thủ tục hải quan cốt lõi và được áp dụng cho tất cả phụ lục chuyên đề. Phụ lục tổng quát chia thành 10 chương bao gồm các chuẩn mực và các chuẩn mực chuyển tiếp đề cập đến các thủ tục khai báo kiểm tra chứng từ, hàng hoá, tính thuế, các biện pháp đảm bảo, cách thức cung cấp thông tin cho các bên liên quan, quy định về cơ chế khiếu nại các quyết định của hải quan…
- Phụ lục chuyên đề: bao gồm 10 phụ lục, mỗi phụ lục gồm một số chương liên quan đến thủ tục đặc thù cho từng loại hình xuất nhập khác nhau như quá cảnh, tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, hành khách xuất nhập cảnh…
- Hướng dẫn thực hành: Để giải thích và dễ dàng thực hiện Công ước, những hướng dẫn thực hành là văn bản không ràng buộc về mặt pháp lý, giúp cho các bên tham gia hiểu sâu hơn về Công ước và đưa ra những khuyến nghị và thông lệ về cách thức thực hiện.
Những thay đổi căn bản trong Công ước sửa đổi so với Công ước năm 1973, bao gồm:
- Công ước quy định áp dụng tối đa công nghệ thông tin;
- Công ước quy định áp dụng kỹ thuật tiên tiến như quản lý rủi ro, kiểm tra trên cơ sở kiểm toán, các biện pháp bảo đảm và trao đổi thông tin trước
khi hàng đến cho phép giải quyết được mâu thuẫn giữa đảm bảo tăng cường kiểm soát hải quan và tạo thuận lợi thương mại;
- Công ước yêu cầu tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Hải quan và doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và ngược lại doanh nghiệp cam kết cộng tác chặt chẽ với Hải quan trong lĩnh vực kiểm soát và tăng cường pháp luật,
- Công ước có cấu trúc liên kết tạo ra hệ thống công cụ pháp lý lô gic và gắn kết giữa Thân, Phụ lục Tổng quát và 10 Phụ lục Chuyên đề,
- Công ước có mức độ ràng buộc cao hơn đối với các thành viên Công ước, quy định cơ chế bảo lưu chặt chẽ, yêu cầu bên tham gia tối thiểu phải chấp nhận Thân và Phụ lục Tổng quát và không được phép bảo lưu với chuẩn mực và chuẩn mực chuyển tiếp. Bảo lưu chỉ được phép với khuyến nghị thực hành của phụ lục chuyên đề nhưng phải nêu lý do và phải xem xét bảo lưu định kỳ 3 năm 1 lần,
- Cơ chế sửa đổi và bổ sung thông qua Uỷ ban quản lý Công ước bao gồm các bên tham gia giúp Công ước vận động linh hoạt và luôn phù hợp thực tiễn của thương mại,
- Công ước cho phép thời gian quá độ là 3 năm với chuẩn mực và 5 năm với chuẩn mực chuyển tiếp kể từ khi Công ước có hiệu lực đối với bên tham gia.
Tuy nhiên, qua 10 năm tồn tại với rất nhiều thay đổi của thế giới nói chung, cộng đồng hải quan quốc tế nói riêng và với mong muốn biến Công ước trở thành một công cụ chuẩn quốc tế về các thủ tục hải quan hiện đại, hiệu quả trong thế kỷ 21, là tổng hoà của các công cụ tiến tiến do Tổ chức Hải quan Thế giới xây dựng gần đây, Công ước cần có sự đổi mới và cần thiết có sự sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với bối cảnh phát triển hiện nay. Có nhiều khả năng tại Phiên họp lần 6 tới đây của Uỷ ban quản lý Công
ước Kyoto sửa đổi, một số nội dung sẽ được Uỷ ban thảo luận và thông qua để bổ sung vào Công ước. Cụ thể là các vấn đề:
+ Các yêu cầu thông tin trước về hàng hoá: Chuẩn mực 3.25 của Phụ lục Tổng quát và Phụ lục chuyên đề A, chương 1 về các thủ tục trước khi nộp tờ khai hàng hoá cũng đã đề cập tới nội dung này nhưng chưa kỹ, chưa sâu. Vì vậy, hướng tới đây Uỷ ban sẽ cân nhắc làm rõ thêm nội dung này trong Phụ lục Tổng quát của Công ước.
+ Cơ chế Một cửa: Đây là một khái niệm rất quan trọng để tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp và Hải quan. Một cửa là công cụ để đơn giản hoá các yêu cầu thông tin và sẽ không thể hoạt động nếu không có sự hài hoà hoá các dữ liệu. Khái niệm Một cửa cần được đưa vào trong Chương 7 - Phụ lục Tổng quát như một khái niệm áp dụng cho việc trao đổi dữ liệu điện tử giữa Hải quan và Doanh nghiệp. Một cửa cũng sẽ tạo điều kiện để các cơ quan kiểm soát biên giới phối hợp, quản lý rủi ro.
+ Doanh nghiệp được ưu tiên (AEO): AEO là một công cụ quan trọng để vừa tạo thuận lợi vừa đảm bảo an ninh cho chuỗi cung ứng quốc tế. Thực ra, khái niệm AEO cũng đã được Phụ lục Tổng quát - Công ước Kyoto sửa đổi đề cập trong Chuẩn mực 3.32 về các thủ tục đặc biệt đối với người được ưu tiên và Chương 8 về mối quan hệ giữa Hải quan và các bên thứ ba. Tuy nhiên, những quy định về AEO cần được phát triển hơn nữa trong phần Hướng dẫn chương 3 và chương 8 Phụ lục Tổng quát.
+ Chuẩn hoá và hài hoà hoá dữ liệu: Tại thời điểm Công ước Kyoto sửa đổi được thông qua, quy định tại Chuẩn mực 7.2 – Chương 7 Phụ lục Tổng quát về sử dụng các chuẩn mực quốc tế trong chuẩn hoá và hài hoà hoá dữ liệu như vậy đã là đủ. Tuy nhiên, chỉ sau khi Công ước được thông qua thì Tổ chức Hải quan Thế giới mới xây dựng xong mẫu dữ liệu WCO. Cho đến nay, chưa có sự nhấn mạnh, ràng buộc nào về việc tham chiếu thích đáng
chuẩn mực 7.2 với Mẫu dữ liệu này. Do vậy, hướng tới đây, mẫu dữ liệu WCO sẽ được xem xét để xây dựng thành một bản Khuyến nghị và phần Hướng dẫn chuẩn mực 7.2 sẽ tham chiếu tới bản Khuyến nghị này.
+ Ngoài ra, một số khái niệm, nội dung khác cũng có thể được thảo luận để bổ sung, giải thích chi tiết hơn trong Công ước như: công nhận lẫn nhau về kiểm soát hải quan, công nhận lẫn nhau về các chương trình AEO, hợp tác của các cơ quan quản lý biên giới, chuối cung ứng quốc tế và phương pháp quản lý tích hợp, các luồng thương mại thông minh và an toàn, phương pháp kiểm tra không phá mẫu, các kỹ thuật niêm phong tiên tiến…