Hoàn thiện pháp luật về thủ tục hải quan

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về thủ tục hải quan trong quá trình thực hiện Công ước Kyoto sửa đổi về đơn giản và hài hòa thủ tục hải quan (Trang 71 - 76)

- Chuẩn mực chuyển đổi 4

3.2.1- Hoàn thiện pháp luật về thủ tục hải quan

Thứ nhất, rà soát các văn bản pháp luật về thủ tục hải quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hay hợp nhất.

Hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật về hải quan còn tản mát, số lượng lớn. Hiện nay, các quy định của pháp luật về thủ tục hải quan có tại các văn bản khác như quy định về trị giá hải quan trong Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, quy định về thực thi bảo về quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới trong Luật Sở hữu trí tuệ, quy định về tổ chức thu thuế trong Luật Quản lý thuế... Việc xem xét sửa đổi, bổ sung hay hợp nhất vào một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao như Bộ luật Hải quan là hết sức cần thiết. Theo đó, Bộ luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ điều chỉnh tất cả các nội dung liên quan đến thủ tục hải quan.

Việc ban hành Bộ luật Hải quan không chỉ giúp giảm số lượng văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hải quan, mà còn cho phép giảm đầu mối cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hải quan, hạn chế tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất giữa

các văn bản do có quá nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Đề xuất hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hải quan cũng phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới và khuyến nghị của các chuyên gia nước ngoài sau khi nghiên cứu pháp luật về thủ tục hải quan Việt Nam [A.G. Mort (2007)]. Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống pháp luật nước ta hiện nay, việc nghiên cứu tiến hành hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hải quan vào Bộ luật Hải quan cần có thời gian triển khai theo lộ trình nhất định trong thời gian lâu dài. Công tác tuyên truyền đối với các cơ quan có thầm quyền ban hành hoặc tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hải quan cần đặc biệt chú trọng để tạo sự đồng thuận về mặt chủ trương.

Trước mắt, có thể thực hiện giải pháp có tính chất quá độ là hợp nhất Luật Hải quan và Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu. Đây là giải pháp có tính khả thi cao vì Luật Hải quan và Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu cùng do Bộ Tài chính là cơ quan đề xuất, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành.

Như vậy, để bảo đảm tính khả thi, việc hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hải quan cần được thực hiện theo lộ trình, có mục tiêu trước mắt và lâu dài. Trong quá trình đó và ngay cả sau khi Bộ luật Hải quan được ban hành, công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hải quan cần được củng cố và thực hiện thường xuyên để mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động áp dụng và xây dựng pháp luật. Cần xây dựng cơ chế sử dụng kết quả rà soát, hệ thống hóa của đơn vị có trách nhiệm hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hải quan để kết nối lên cơ sở dữ liệu pháp luật trên website hải quan, cho phép xác định rõ hiệu lực của văn bản và các nội dung chồng chéo, mâu thuẫn (nếu có). Kết quả rà soát,

hệ thống hóa pháp luật về thủ tục hải quan không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện pháp luật mà còn giúp cơ quan hoạch định chính sách nhận ra những thiếu sót, bất cập của pháp luật để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Thứ hai, đưa các nội dung có tính quy phạm trong công văn hành chính vào văn bản quy phạm pháp luật.

Để bảo đảm tính toàn diện của pháp luật về thủ tục hải quan, bên cạnh việc bổ sung một số vấn đề chưa được pháp luật quy định, cần khắc phục tình trạng một số nội dung có tính quy phạm được điều chỉnh bằng công văn hành chính. Đây đồng thời cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng cường tính minh bạch của của pháp luật về thủ tục hải quan:

Trong pháp luật về thủ tục hải quan còn có một số nội dung được điều chỉnh bằng các công văn hành chính của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan. Đó là những nội dung mang tính quy phạm, tác động trực tiếp tới quyền lợi và trách nhiệm của người khai hải quan như ban hành và hướng dẫn sử dụng tờ khai trị giá, hướng dẫn huỷ tờ khai hải quan, các quy định về áp dụng quản lý rủi ro. Do những nguyên nhân khác nhau như thiếu sót trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên chưa được quy định hoặc tạm thời điều chỉnh bằng công văn hành chính trong khi chờ ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên các nội dung này chưa được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật. Để phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính pháp lý khi triển khai thực hiện và tăng cường tính minh bạch của pháp luật về thủ tục hải quan, đề nghị nâng cấp hệ thống công văn hành chính của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan ban hành thành văn bản pháp quy, cụ thể: các vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu; thủ tục hải quan đối với phương

tiện vận tải đường bộ...đã được hướng dẫn tại công văn hành chính của Bộ, Tổng cục.

Thứ ba, đảm bảo thống nhất giữa các văn bản có liên quan đến thủ tục hải quan

Hiện nay, trong pháp luật về thủ tục hải quan còn tồn tại một số quy định mâu thuẫn cần được sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật:

- Phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về xuất xứ hàng hoá là Nghị định 19/2006/NĐ-CP, bổ sung vào Thông tư 79/2009/TT- BTC nội dung trong trường hợp người nhập khẩu không có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá thì họ phải cam kết về việc hàng hoá có xuất xứ như khai báo. Ngoài ý nghĩa bảo đảm sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, quy định này còn có tác dụng tăng cường tính chặt chẽ, tạo cơ sở cho việc xác định trách nhiệm pháp lý của người nhập khẩu khi có hành vi khai báo không chính xác về xuất xứ hàng hoá.

- Điều 60 Hiệp định TRIPS khuyến nghị các nước thành viên có thể không áp dụng việc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với vật phẩm không mang tính thương mại xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Quy định của Luật Hải quan đã phù hợp với khuyến nghị nói trên nhưng Luật Sở hữu trí tuệ lại không loại trừ đối tượng này. Vì vậy, đề nghị sửa đổi Điều 214 Luật Sở hữu trí tuệ với nội dung không áp dụng tạm dừng thủ tục hải quan đối với vật phẩm không mang tính thương mại xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật Hải quan và khuyến nghị của Hiệp định TRIPS.

- Về thông quan đối với hàng hoá phải kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, đề nghị sửa Nghị định 12/2006/NĐ-

CP thống nhất với Nghị định 154/2005/NĐ-CP: việc thông quan đối với hàng hoá phải kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm căn cứ vào giấy đăng ký kiểm tra hoặc miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thứ tư, đơn giản hóa các quy định trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan

Thủ tục hải quan phức tạp, cứng nhắc là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác cải cách thủ tục hành chính nhưng trong pháp luật về thủ tục hải quan vẫn còn một số quy định cần tiếp tục được đơn giản hoá:

- Sửa đổi quy định về xác nhận thực xuất quy định tại Thông tư 79/2009/TT-BTC theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm tính chính xác của việc xác nhận thực xuất.

Việc xác định thực xuất do Hải quan cửa khẩu xuất thực hiện nhưng chưa có ngay B/L và hóa đơn thương mại để xuất trình gây khó khăn và phiền hà cho doanh nghiệp do phải đi lại nhiều lần mới lấy được B/L để xác nhận thực xuất. Hơn nữa, mục đích của việc xác nhận thực xuất chỉ phục vụ việc thanh khoản tờ khai hải quan đối với hàng gia công xuất khẩu, nhập khẩu và hàng sản xuất xuất khẩu, phục vụ việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, Thông tư 79/2009/TT-BTC cũng chưa hướng dẫn xác nhận thực xuất đối với trường hợp hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất bán cho doanh nghiệp nội địa. Do vậy, để đơn giản hóa việc xác nhận thực xuất thay vì Hải quan cửa khẩu xác nhận thực xuất thì nên đưa ra hướng dẫn chung để căn cứ vào quy định đó thì cơ quan Hải quan nào cũng có thể xác định hàng đã thực xuất khẩu hay chưa.

- Đối với doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật, đề nghị bổ sung trường hợp đặc biệt áp dụng cho doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, có uy tín và thương hiệu nổi tiếng mới hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, có uy tín và thương hiệu nổi tiếng mặc dù chưa đáp ứng tiêu chí về thời gian hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam nhưng vẫn có thể được công nhận là doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật và được hưởng các ưu đãi về thủ tục hải quan và ân hạn thuế.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về thủ tục hải quan trong quá trình thực hiện Công ước Kyoto sửa đổi về đơn giản và hài hòa thủ tục hải quan (Trang 71 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)