d, Về mặt chủ quan của tội phạm.
2.1.2. Hình phạt áp dụng đối với tội gián điệp.
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự và do Toà án quyết định (Điều 26 của BLHS).
Hình phạt đối với tội gián điệp cũng có những đặc điểm chung của hình phạt, đó là:
- Là biện pháp cưỡng chế về hình sự nghiêm khắc nhất trong hệ thống các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước, chỉ có thể xuất hiện khi có sự việc phạm tội, hậu quả là người bị kết án bị coi là có án tích.
- Được quy định trong pháp luật hình sự Việt Nam.
- Do Toà án áp dụng đối với riêng bản thân người bị kết án theo một trình tự do pháp luật tố tụng hình sự quy định.
- Nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền tự do của người bị kết án
Đối với tội gián điệp theo Điều 80 BLHS hiện hành được quy định tương ứng với hai khung hình phạt và một khung hình phạt cho trường hợp miễn TNHS như sau:
Khung cơ bản: phạt tù từ mười hai năm, tù chung thân hoặc tử hình (khoản 1).
Khung giảm nhẹ: phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm đối với trường hợp ít nghiêm trọng (khoản 2). Trường hợp ít nghiêm trọng ở đây tuỳ theo tình tiết cụ thể của vụ án, có thể là: phạm tội vì bị mua chuộc, bị ép buộc mà làm gián điệp, phạm tội gây hậu quả không lớn, người phạm tội đã đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thật thà khai báo, tố giác đồng bọn, giúp đỡ tích cực cho quá trình phát hiện, điều tra tội phạm, xử lý người phạm tội …
Khung giảm nhẹ đặc biệt: miễn TNHS đối với “người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” (khoản 3).
Theo tác giả Lê Cảm miễn TNHS là huỷ bỏ hậu qủa pháp lý hình sự của việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm đối với người bị coi là có lỗi trong việc thực hiện hành vi đó [7, tr 753]. Miễn TNHS cho người phạm tội gián điệp quy định tại khoản 3 Điều 80 BLHS năm 1999 là một trong chín trường hợp miễn TNHS trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành, và có đặc điểm cơ bản sau: thứ nhất, là dạng miễn TNHS thuộc thẩm quyền áp dụng của bất kỳ cơ quan tư pháp hình sự nào căn cứ vào giai đoạn tố tụng hình sự cụ thể tương ứng; thứ hai, đây là dạng miễn TNHS có tính chất bắt buộc (khi nhà làm luật sử dụng thuật ngữ “được miễn”) đối với tất cả các cơ quan tư pháp hình sự; thứ ba, được áp dụng khi có cơ sở cho thấy, người tuy đã nhận làm gián điệp có đầy đủ các căn cứ pháp lý do luật định như “không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú thành khẩn khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” [7, tr 768].
Điều 80 BLHS năm 1999 đã quy định các khung hình phạt với nội dung cưỡng chế, thuyết phục, giáo dục nặng nhẹ khác nhau. Luật hình sự có nhiệm vụ là bảo vệ, đấu tranh, phòng ngừa và chống tội phạm. Hình phạt với tư cách là biện pháp cưỡng chế nhà nước đặc biệt, không có khả năng loại trừ tội phạm cũng như các nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tội phạm nhưng hình phạt lại tác động trực tiếp đến người phạm tội cũng như đến các thành viên khác trong xã hội. Sự tác động như vậy phải đạt được mục đích cụ thể. Điều 27 BLHS năm 1999 quy định mục đích của hình phạt như sau: hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ theo pháp luật và các quy tắc của cuộc
sống XHCN, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Hình phạt quy định tại Điều 80 BLHS còn nhằm mục đích nữa là bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh đối nội và đối ngoại của nhà nước.
Hình phạt quy định áp dụng đối với trường hợp phạm tội gián điệp có các vai trò chủ yếu sau:
- Góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật áp dụng cho các trường hợp phạm tội xâm phạm ANQG nói riêng, đảm bảo mục đích của hình phạt và đảm bảo tính có hiệu quả của TNHS của người phạm tội gián điệp. Tại Điều 3 BLHS năm 1999 quy định: nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, tái phạm nguy hiểm, người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng. Khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra. Do vậy để xử lý chính xác trường hợp nào cần phải khoan hồng, trường hợp nào cần phải nghiêm trị, Toà án cần phải dựa vào quy định của pháp luật với ba khung hình phạt khác nhau sao cho đạt được mục đích của hình phạt.
- Thể hiện nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam
- Đảm bảo nguyên tắc cá thể hoá hình phạt áp dụng đối với trường hợp phạm tội khác nhau về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội
Ngoài hình phạt chính được quy định tại Điều 80 BLHS, người phạm tội còn phải chịu một hoặc một số hình phạt bổ sung theo quy định tại Điều 92 BLHS, theo đó, người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân từ
một năm đến năm năm, phạt quản chế, cấm cư trú từ một năm đến năm năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Việc kết hợp chặt chẽ và hợp lý các hình phạt chính với hình phạt bổ sung khi quyết định hình phạt làm tăng sức mạnh cưỡng chế và giáo dục của hình phạt chính, làm cho hình phạt chính được thực hiện một cách triệt để, đạt được mục đích phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung, giúp cho Toà án thực hiện được nguyên tắc cá thể hoá TNHS và hình phạt, đảm bảo công bằng xã hội và pháp chế XHCN.