điển hóa hình sự năm 1985
Năm 1985, Bộ luật hình sự lần đầu tiên được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá VII ngày 27/6/1985 và được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký Sắc lệnh công bố ngày 09/7/1985. Bộ luật hình sự ra đời thay thế các văn bản pháp luật hình sự đơn hành trước đó. Đây là một công cụ sắc bén của Nhà nước chuyên chính vô sản để bảo vệ những thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh quốc gia … [23, tr 11]. Điều này thể hiện sự phát triển liên tục, có kế thừa kinh nghiệm quý báu của nhiều năm phát triển pháp luật hình sự Việt Nam.
Trong Bộ luật hình sự năm 1985, tội gián điệp được quy định tại Điều 74 thuộc chương I các Tội xâm phạm an ninh quốc gia, Mục A các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia.
Điều 74 – Tội gián điệp.
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây bị phạt từ mười hai năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a, Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b, Gây cơ sở hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;
c, Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; cung cấp tin tức, tài liệu không thuộc bí mật Nhà nước
để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm năm.
3. Người nào đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì được miễn trách nhiệm hình sự [23, tr 46]. So với tội gián điệp quy định tại Điều 65 Pháp lệnh Trừng trị các tội phản cách mạng ngày 30/10/1967, thì tội gián điệp quy định tại Điều 74 Bộ luật hình sự năm 1985 có sự kế thừa và phát triển, hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm rộng hơn, cụ thể hơn, điều luật không chỉ quy định mức hình phạt tương xứng với mức độ hành vi phạm tội mà còn quy định trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự.
Khác với pháp luật hình sự nhiều nước trên thế giới, pháp luật hình sự Việt Nam không giới hạn chủ thể của tội gián điệp bởi dấu hiệu công dân và cũng không giới hạn mặt khách quan của tội gián điệp bởi hành vi hoạt động thu thập tin tức tình báo [9, tr 41].
Trong xu thế mới, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu cơ bản và lâu dài nhằm làm suy yếu Việt Nam. Từ năm 1989 lợi dụng diễn biến tình hình chính trị Đông Âu, Liên Xô các nước đế quốc tư bản vào Việt Nam tăng vọt, cơ quan an ninh đã phát hiện nhiều đối tượng tình báo gián điệp từng hoạt động ở Việt Nam trước đây, như tên Mike Morrow đã ra vào Việt Nam trong thời gian 1987 – 1990 tới 40 lần. Các cơ quan đặc biệt nhiều nước và các sở tình báo thường trú ở Việt Nam cũng tăng cường đẩy mạnh hoạt động móc nối vào nội bộ ta. Năm 1986 xảy ra 10 vụ liên quan đến hoạt động của các cơ quan tình báo [3, tr 40], điều này đã đặt ra những thách thức và phức tạp mới
đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Và, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Bộ luật hình sự năm 1985 đã bộc lộ một số hạn chế, mặc dù đã qua bốn lần sửa đổi, bổ sung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Vì vậy, nhằm kịp thời thể chế hoá chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn cách mạng mới, đảm bảo nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, tại kỳ họp thứ 6 khoá X Quốc hội nước ta đã thông qua Bộ luật hình sự năm 1999 là cần thiết.
So sánh Bộ luật hình sự năm 1985 với Bộ luật hình sự năm 1999 ta thấy:
Về tiêu đề tội danh từ Bộ luật hình sự năm 1985, qua các lần sửa đổi đến Bộ luật hình sự năm 1999 không có sự thay đổi vẫn được gọi là tội gián điệp.
Về nội dung cấu thành tại điều 80 Bộ luật hình sự năm 1999 có sự sửa đổi, bổ sung nhất định, thể hiện: bổ sung vào điểm c khoản 1 cụm từ “ nhằm mục đích” để xác định rõ hơn ý thức chống chính quyền nhân dân của người phạm tội trong trường hợp họ có hành vi cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước và tin tức, tài liệu khác cho nước ngoài để nước ngoài sử dụng chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, qua đó, giúp cho việc phân biệt tội gián điệp với một số hành vi phạm tội khác như Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, Vô ý làm lộ bí mật Nhà nước, làm mất tài liệu bí mật Nhà nước. Về mặt kỹ thuật lập pháp, Bộ luật hình sự năm 1999 bổ sung thêm hành vi “thu thập” tin tức tài liệu khác vào điểm c khoản 1 và sửa đoạn “cung cấp tài liệu không thuộc bí mật Nhà nước” thuộc điểm c khoản 1 thành “cung cấp tin tức, tài liệu khác” cho gọn hơn và tránh sự thắc mắc, hiểu sai về tình tiết cụ thể này.