Hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về tội gián điệp

Một phần của tài liệu Tội gián điệp trong luật hình sự Việt Nam (Trang 91)

Kết luận chương

3.2.1.Hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về tội gián điệp

Pháp luật là phương tiện đặc biệt quan trọng của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Vì vậy, phải quán triệt sâu sắc nội dung yêu cầu bảo vệ Tổ quốc khi xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nội dung bảo vệ thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, anh ninh đối nội, an ninh đối ngoại của đất nước chống các hành vi phạm tội gián điệp không chỉ thể hiện ở các quy phạm trực tiếp liên quan đến chúng mà bao gồm tất cả các quy phạm pháp luật thuộc hệ thống pháp luật của nhà nước. Yêu cầu xây dựng và hoàn thiện quy định của pháp luật về tội gián điệp theo chúng tôi cần có Luật an ninh quốc gia, Luật bảo vệ tin tức, tài liệu bí mật Nhà nước, Luật biên giới, Luật thi hành án … chỉ có quan niệm một cách toàn diện như vậy thì tội gián điệp mới có nội dung xuyên suốt toàn bộ hệ thống pháp luật, mới bịt kín được các lỗ hổng mà các phần tử thù địch, cơ hội có thể lợi dụng để thực hiện các hành vi nguy hiểm chống lại nhà nước Việt Nam. Việc sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật phải đầy đủ, đúng đắn nhu cầu và đòi hỏi của đất nước về bảo vệ Tổ quốc chống các hành vi phạm tội gián điệp.

Đối với tội gián điệp, mục đích “chống chính quyền nhân dân” là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, tuy nhiên trong cấu thành tội gián điệp nhà làm luật liệt kê các hành vi phạm tội gián điệp và sử dụng thuật ngữ “chống nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ở một vài hành vi. Vấn đề là phải làm rõ được mục đích “chống nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ở tất cả các hành vi được liệt kê tại điều luật, và thuật ngữ này cũng là điểm để phân biệt sự khác nhau giữa tội gián điệp và tội phản bội Tổ quốc ở mục đích chống chính quyền nhân dân. Đối với tội phản bội Tổ quốc, sự mong muốn của

người phạm tội là lật đổ chính quyền nhân dân, làm thay đổi chế độ chính trị của đất nước, còn ở tội gián điệp người phạm tội chỉ nhằm mục đích làm suy yếu chính quyền nhân dân. Do vậy, theo tôi thuật ngữ này được nhà làm luật sử dụng là chính xác.

Theo cấu trúc của điều luật, tiêu đề của tội danh là gián điệp, nhưng hành vi phạm tội lại ghi “hoạt động tình báo”. Thực ra cụm từ “hoạt động gián điệp”, “hoạt động tình báo” là đồng nhất với nhau, dùng để chỉ hành vi cung cấp hoặc thu thập những tin tức của nhà nước cho nước ngoài … những tin tức đó được gọi là tin tức tình báo. Hoạt động tình báo ở đây có nghĩa là hoạt động thu thập tin tức tình báo. Nếu gọi tội danh là gián điệp và hành vi của tội này hoạt động tình báo thì sẽ gây sự tranh cãi. Nên chăng cụm từ “hoạt động tình báo” cần sửa là “ hoạt động thu thập tin tức về tình báo”.

Về cấu thành tội phạm, các tội phản bội Tổ quốc, tội gián điệp chưa được phân định rõ ràng và chưa phản ánh đầy đủ bản chất nguy hiểm của từng tội, dẫn đến sự khó khăn và không thống nhất trong định tội và giải quyết trách nhiệm hình sự. Xung quanh quan điểm hoàn thiện quy định trách nhiệm hình sự về tội gián điệp còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trong các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự cũng không tránh khỏi mâu thuẫn, ví dụ: Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần các tội phạm của BLHS năm 1985 đã quy định “về mặt khách quan, tội phản bội Tổ quốc đã bao gồm hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, có trường hợp còn hoạt động gián điệp hoặc chốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân. Vì vậy, người phạm tội phản bội Tổ quốc không bị xử lý thêm về các tội đó” [37, tr24]. Như vậy, theo cách giải thích này, tội phản bội Tổ quốc về phương diện khách quan đã bao hàm cả hoạt động gián điệp, nói cách khác,

trong cấu thành của tội phản bội tổ quốc có cấu thành tội gián điệp, tức là trái với lý luận về cấu thành tội phạm hiện nay.

Sự phân tích ở trên đưa đến nhận xét là khi bản thân các quy định của luật hình sự đang tồn tại bất hợp lý thì mọi sự giải thích dù cố gắng đến đâu cũng không tránh khỏi bất hợp lý mới. Vấn để chỉ được giải quyết thông qua sửa đổi bổ sung luật hình sự.

Theo chúng tôi, khái niệm câu kết với nước ngoài cần được hiểu theo hướng cấu kết chặt chẽ với nước ngoài tiến hành hoạt động thù địch gây nguy hại cho độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mình. Theo quan niệm này chỉ những hành vi của công dân Việt Nam cấu kết chặt chẽ với nước ngoài tiến hành hoạt động thù địch chống lại Tổ quốc mình mới cấu thành tội phản bội Tổ quốc. Còn công dân Việt Nam cấu kết với nước ngoài mà có những hành vi như gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại; cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật nhà nước cho nước ngoài nhằm chống lại Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ cấu thành tội gián điệp.

Theo chúng tôi hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật về tội gián điệp nên tập trung thể hiện đặc trưng nổi bật và phổ biến của tội gián điệp là điều tra, thu thập tình báo. Theo hướng này thì hoạt động phá hoại do người nước ngoài, người không quốc tịch thực hiện sẽ cấu thành tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, thực tiễn cho thấy, người Việt Nam không chỉ gây cơ sở để hoạt động tình báo mà trong nhiều trường hợp còn trực tiếp tiến hành hoạt động tình báo (ví dụ như trực tiếp tiến hành hoạt động tình báo kỹ thuật).

Trong cấu thành tội gián điệp, cũng cần phải làm rõ khái niệm “cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước

Cộng hoà XHCN Việt Nam” để phân biệt hành vi có mục đích chuyển giao các tin tức, tài liệu đó cho nước ngoài sử dụng để chống nước Cộng hoà XHCN Việt Nam với hành vi không biết trước và không mong muốn nước ngoài sử dụng tin tức, tài liệu đó để chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa XHCN Việt Nam.

Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 80 Bộ luật hình sự, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào thì phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng để tránh sự tuỳ tiện khi áp dụng pháp luật.

Khoản 1 Điều 80 quy định về tội gián điệp, về kỹ thuật lập pháp đã bộc lộ một số hạn chế như quy định cả các hành vi phá hoại là hành vi khách quan của tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 85) và các hành vi giúp sức đã được Bộ luật hình sự quy định tại Điều 20. Đồng phạm. Vì vậy, hướng sửa đổi nên tập trung thể hiện đặc trưng nổi bật và phổ biến của tội gián điệp là điều tra, thu thập tình báo và như vậy thì hoạt động phá hoại do người nước ngoài, người không có quốc tịch thực hiện sẽ cấu thành tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mặt khác, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội gián điệp cho thấy, người Việt Nam không chỉ gây cơ sở để hoạt động tình báo mà trong nhiều trường hợp còn trực tiếp tiến hành hoạt động tình báo, ví dụ như trực tiếp tiến hành hoạt động tình báo kỹ thuật. Vì vậy, chúng tôi xin đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 80 Bộ luật hình sự năm 1999 như sau:

Điều 80. Tội gián điệp

1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Công dân Việt Nam hoạt động tình báo hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo theo sự chỉ đạo của nước ngoài;

c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp những tin tức, tài liệu khác để nước ngoài sử dụng chống lại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…

Một phần của tài liệu Tội gián điệp trong luật hình sự Việt Nam (Trang 91)