Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tội gián điệp

Một phần của tài liệu Tội gián điệp trong luật hình sự Việt Nam (Trang 95 - 97)

Kết luận chương

3.2.2.Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tội gián điệp

Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa là một nguyên tắc hiến định được ghi nhận tại Điều 12 Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, muốn quản lý xã hội, quản lý Nhà nước bằng pháp luật, thì từ nhà quản lý đến mọi cán bộ công chức, công dân phải hiểu biết pháp luật, từ đó hình thành tri thức pháp luật, tình cảm đối với pháp luật và có những hành vi, xử sự phù hợp với yêu cầu của pháp luật.

Để nâng cao hiệu quả việc áp dụng những quy định của pháp luật hình sự về tội gián điệp, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về tội gián điệp nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi lẽ khi con người có nhận thức đúng, hiểu rõ vấn đề họ sẽ có quyết định, hành động đúng, tôn trọng pháp luật và làm theo các qui định của pháp luật. Vì vậy, để đấu tranh có hiệu quả tội gián điệp, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là từ cơ sở, trong đó hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tội gián điệp được hiểu là hoạt động truyền đạt, giải thích rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, để mọi người đều biết các quy định của pháp luật về tội gián điệp, có ý thức cảnh giác đối với những người phạm tội gián điệp.

Mục đích của tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tội gián điệp là nâng cao sự hiểu biết pháp luật về tội gián điệp của các tầng lớp nhân dân; hình thành lòng tin vào sự cần thiết của pháp luật nói chung, pháp luật về tội gián điệp. Từ đó, hình thành tình cảm tôn trọng pháp luật, thái độ không khoan nhượng đối với các hành vi phạm tội gián điệp.

Nội dung của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tội gián điệp bao gồm: các thông tin về pháp luật nói chung và về tội gián điệp nói riêng (gồm cả kiến thức pháp luật và các văn bản pháp luật thực định); các thông tin về việc thực hiện pháp luật, về tình hình phạm tội gián điệp; về việc điều tra, xử lý tội gián điệp; các thông tin về kết quả nghiên cứu, điều tra xã hội học về thực hiện, áp dụng pháp luật về tội gián điệp; đề xuất của các tầng lớp nhân dân đối với việc hoàn thiện pháp luật về tội gián điệp.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của các tổ chức Đảng, chính quyền, các tổ chức kinh tế, xã hội. Công tác này phải được tiến hành sinh động kết hợp nhiều loại hình khác nhau để đến với dân.

Thực tiễn cho thấy, các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tội gián điệp sau đây thường được sử dụng có hiệu quả:

- Phổ biến, nói chuyện về tình hình tội gián điệp tại các cơ quan, nhà máy, tổ chức xã hội, địa bàn dân cư.

- Tổ chức các câu lạc bộ pháp luật, các đội thông tin cổ động, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về tội gián điệp.

- Tuyên truyền pháp luật về tội gián điệp qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

- Kết hợp với các hoạt động văn hoá xã hội khác, lồng ghép nội dung tuyên truyền giáo dục pháp luật về tội gián điệp với các hoạt động kinh tế – xã hội của các ngành các cấp.

Việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải được tiến hành thường xuyên, kết hợp nhiều hình thức biện pháp. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đạt được hiệu quả cao sẽ góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự về tội gián điệp trong thực tiễn.

Một phần của tài liệu Tội gián điệp trong luật hình sự Việt Nam (Trang 95 - 97)