Trong Luật hình sự Việt Nam, tội gián điệp là một cấu thành tội phạm có rất nhiều hành vi khách quan khác nhau được quy định, và tương ứng với các hành vi khách quan thì chủ thể của tội phạm có những đặc thù.
Chủ thể của tội gián điệp có thể là công dân Việt Nam, có thể là người nước ngoài, người không quốc tịch có đủ năng lực TNHS và đạt độ tuổi chịu TNHS theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Là người nước ngoài, người không quốc tịch thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 80 BLHS.
Là công dân Việt Nam, nếu họ thực hiện hành vi quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 80 BLHS.
Chủ thể của tội gián điệp là con người cụ thể, đang sống. Một người sẽ là chủ thể của tội phạm nếu họ có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi mà Luật hình sự quy định. Năng lực TNHS là khả năng của một người ở thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện và điều khiển được hành vi đó [12, tr 162]. Một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình là người trong tình trạng không có năng lực TNHS và do đó theo quy định tại Điều 13 BLHS sẽ không phải chịu TNHS.
Điều 12 BLHS quy định: “1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm; 2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Do vậy, ở tội gián điệp người phạm tội từ đủ 14 tuổi trở lên thì phải chịu TNHS.
Khi nghiên cứu về mặt chủ thể của tội gián điệp chúng ta cần lưu ý phân biệt giữa tội danh gián điệp (hay cấu thành tội gián điệp) với đối tượng gián điệp (con người). Một tên gián điệp có thể thực hiện nhiều tội xâm phạm ANQG ngoài tội gián điệp. Sự phân biệt này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định đối tượng chứng minh và trong việc giải quyết TNHS.
Gián điệp với ý nghĩa là đối tượng đấu tranh của sự nghiệp bảo vệ ANQG mà trước đây ta gọi là đối tượng phản cách mạng thì chúng ta luôn xác định gián điệp là đối tượng nguy hiểm nhất trong số đối tượng phản cách mạng vì hoạt động của chúng gắn liền với âm mưu chống phá nước ta của các thế lực thù địch bên ngoài. Theo đó, gián điệp được gọi là cá nhân hay tổ chức (cơ quan gián điệp) của nước ngoài hay do nước ngoài điều khiển, hoạt động trên các mặt: thu thập tin tức tình báo, phá hoại, lật đổ, tiến hành bạo loạn, phá hoại tư tưởng. Nói cách khác, hoạt động của gián điệp không chỉ giới hạn ở điều tra, thu thập tình báo. Nhưng với ý nghĩa là một tội danh thì tội gián điệp có giới hạn xác định bởi các dấu hiệu pháp lý được mô tả trong luật hình sự. Vì vậy, gián điệp (một tên gián điệp hay một tổ chức, một nhóm gián điệp), ngoài việc thực hiện hành vi cấu thành tội gián điệp chúng ta có thể thực hiện nhiều tội danh khác nhau trong nhóm các tội xâm phạm ANQG [11, tr 111].