Những quy định về tội gián điệp trong pháp luật hình sự một số nước trên thế giớ

Một phần của tài liệu Tội gián điệp trong luật hình sự Việt Nam (Trang 35 - 43)

số nước trên thế giới

Tất cả các nước trên thế giới, dù phương Đông hay phương Tây, dù là nước XHCN hay tư bản chủ nghĩa, đều trừng trị các hành vi hoạt động tình báo bằng luật pháp, không làm như vậy sẽ không thể đảm bảo giữ gìn an ninh, danh dự và lợi ích quốc gia một cách có hiệu quả. Chính vì vậy, các nước đều xây dựng hoặc không ngừng sửa đổi các văn bản pháp luật pháp quy liên quan đến việc phòng chống, ngăn chặn và tấn công các hành vi hoạt động gián điệp. Ngoài Luật hình sự, Luật an ninh quốc gia và Luật bảo vệ bí mật quốc gia …

nhiều quốc gia còn xây dựng luật riêng chuyên về chủ đề chống gián điệp, coi tội hoạt động gián điệp là tội quốc sự đặc biệt nguy hiểm và trừng trị rất nghiêm.

Luật hình sự Liên Xô trước đây coi tội gián điệp vào “Tội quốc sự nguy hiểm đặc biệt”, cho rằng “hoạt động gián điệp” là hành vi “giao cho nước ngoài, tổ chức nước ngoài hoặc người đại diện của họ những thông tin thuộc bí mật nhà nước và bí mật quân sự, hoặc có ý đồ giao cho đối tượng trên nên đã tiến hành hoạt động lấy cắp thu thập thông tin, giao và thu thập những tình báo khác theo sự uỷ nhiệm của cơ quan tình báo nước ngoài nhằm mục đích tổn hại lợi ích của Liên Xô”. Hành vi cố ý kể trên của công dân bị coi là phản bội Tổ quốc, bị xử trên 10 năm đến 15 năm tù, tịch thu tài sản; hoặc bị xử tử hình và tịch thu tài sản. Nếu là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch có hành vi kể trên, bị xử trên 07 năm đến 15 năm tù và tịch thu tài sản; hoặc bị xử tử hình và tịch thu tài sản. Trong Điều 1 của “Nguyên tắc cơ bản của lập pháp hình sự Liên Xô và các nước cộng hoà liên bang” quy định: “giao cho nước ngoài, tổ chức phản cách mạng hoặc cá nhân những tài liệu thuộc thông tin bí mật quốc gia nằm trong phạm vi cần bảo vệ đặc biệt, hoặc lấy cắp hoặc thu thập những thông tin này nhằm mục đích chuyển giao, bị coi là hành vi hoạt động gián điệp, bị xử trên 03 năm tù và tước quyền tự do, sẽ bị xử tử hình nếu hành vi này đã gây ra hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với lợi ích quốc gia. Nội dung thu thập mặc dù không nằm trong phạm vi bí mật quốc gia cần bảo vệ đặc biệt, nhưng nằm trong phạm vi pháp luật cấm công bố, hoặc những thông tin kinh tế không được công khai theo lệnh của cơ quan chủ quản, người lãnh đạo cơ quan và doanh nghiệp thông thường. Đồng thời giao cho đối tượng nêu trong điều 1 những thông tin này với điều kiện có thù lao hoặc không thù lao, bị xử cách ly nghiêm ngặt dưới 3 năm hoặc tước quyền tự do với hình thức cách ly không nghiêm ngặt”. Sau

khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu bị sụp đổ, ngày 24/5/1996, Đuma quốc gia Liên bang Nga đã thông qua BLHS mới. Trong đó, các giá trị pháp lý cơ bản của Luật hình sự Liên Xô cũ vẫn tiếp tục được kế thừa.

BLHS năm 1979 của CHND Trung Hoa quy định các tội phản cách mạng trong chương 1 phần các tội phạm từ điều 91 đến điều 102 (12 điều luật) nhưng không quy định tội danh. Điều 90 của bộ luật này quy định: “những hành vi nhằm lật đổ chính quyền chuyên chính vô sản và chế độ XHCN, làm hại nước CHND Trung Hoa đều là tội phản cách mạng” [22, tr.31].

Trong BLHS năm 1997 của nước CHND Trung Hoa, nhóm các tội phản cách mạng được thay bằng các tội xâm phạm ANQG, và được quy định ở chương 1 từ Điều 102 đến Điều 113. Tuy nhiên luật không nêu tội danh mà chỉ quy định hành vi phạm tội xâm phạm ANQG, không quy định mục đích chống chính quyền nhân dân là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, không có sự phân biệt chủ thể là công dân Trung Quốc, người nước ngoài, người không quốc tịch mà bất cứ người nào thực hiện hành vi quy định từ Điều 102 đến Điều 113 đều bị xét xử về tội xâm phạm ANQG.

Ở Mỹ, vấn đề nhận định và hình phạt đối với tội gián điệp từng là một vấn đề gây tranh cãi về pháp luật. Năm 1972, theo phán quyết của Toà án tối cao Mỹ, gián điệp thời bình tối đa chỉ được xử tù chung thân. Năm 1985, Mỹ khám phá vụ án “gián điệp Walker” và gây chấn động cả nước. Trong quá trình thụ lý “vụ án Walker”, nhiều quan chức cấp cao gồm Bộ trưởng bộ quốc phòng Welbwrger thời đó, đều ra sức yêu cầu xem xét vấn đề xử tử hình đối với những quân nhân thời bình phạm tội gián điệp, cho rằng ngược lại sẽ không ngăn được các hoạt động gián điệp ngày một gia tăng. Tháng 10 năm 1986, Thượng viện Mỹ đã thông qua “Luật trừng trị quân nhân phạm tội gián điệp”, Luật này đã khôi phục quy định có thể xử tội chết đối với quân nhân

thời bình phạm tội gián điệp. Đạo luật này bắt đầu có giá trị khi tổng thống Ri – gân ký tháng 2 năm 1986 và được đưa vào “Luật quân sự Mỹ”.

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, để đáp ứng sự thay đổi của tình hình quốc tế và những đặc điểm mới của chiến tranh tình báo, theo yêu cầu của Uỷ ban tình báo thượng viện, chính phủ Mỹ đã thành lập nhóm chuyên trách soạn thảo xây dựng “Luật trừng trị tội gián điệp Mỹ”, Bộ luật này đã đưa ra những quy định trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với những người bản quốc phạm tội làm gián điệp cho nước ngoài trên cơ sở nghiên cứu tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh chống gián điệp trong hơn 20 năm qua. Trong Bộ luật quy định, có phương tiện thiết bị hoạt động gián điệp bị coi là phạm tội, xử 5 năm tù giam; tịch thu các khoản thu nhập trái phép của tội phạm gián điệp khi đã định án; dành cho nhân viên phản gián những quyền hạn lớn hơn …

“Luật phòng chống gián điệp Nhật” của Nhật Bản quy định, tội gián điệp chỉ “những người có một trong các hành vi sau:

1. Dùng thủ đoạn phi pháp thăm dò và thu thập bí mật quốc gia với mục đích thông báo cho nước ngoài (gồm những người hoạt động cho nước ngoài), hoặc thông báo cho nước ngoài những bí mật quốc gia đã thăm dò thu thập được;

2. Chuyên làm công việc tìm hiểu nắm giữ bí mật quốc gia hoặc đã từng làm công việc này;

3. Thông báo bí mật quốc gia cho nước ngoài (ngoài hai tội trên) Đối với những người đã phạm một trong những tội trên, sẽ bị xử trên 2 năm tù đến chung thân hoặc bị xử tử hình theo tình tiết pham tội nặng nhẹ”

Về định nghĩa và hình phạt đối với hành vi phạm tội gián điệp, Thuỵ Sỹ đã đưa ra những quy định chi tiết hơn. Trong “Luật hình sự” Thuỵ Sỹ quy định:

1. Hoạt động tình báo chính trị:

a. Người tiến hành hoạt động tình báo chính trị hoặc người tổ chức triển khai hoạt động này nhằm mưu cầu lợi ích từ nước ngoài hoặc đảng phái nước ngoài hoặc những tổ chức khác, làm tổn hại đến lợi ích quốc gia Thuỵ Sỹ, hoặc lợi ích của quốc dân, cư dân hoặc tổ chức đoàn thể Thuỵ Sỹ, sẽ bị xử nhẹ;

b. Tình tiết nghiêm trọng sẽ bị xử nặng.

2. Hoạt động tình báo kinh tế: người thăm dò bí mật về chế tạo hoặc kinh doanh phục vụ cho chính phủ nước ngoài, tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân hoặc người đại diện của họ, giúp chính phủ nước ngoài, tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân hoặc người đại diện của họ nắm được bí mật về chế tạo hoặc kinh doanh, sẽ bị xử nhẹ; tình tiết nghiêm trọng sẽ bị xử nặng, cũng có thể đồng thời xử hình phạt tự do và phạt tiền.

3. Hoạt động tình báo quân sự:

a. Người tổ chức hoặc tiến hành hoạt động tình báo quân sự, tuyển mộ nhân viên hoạt động tình báo quân sự hoặc hỗ trợ các hoạt động tình báo quân sự phục vụ nước ngoài và làm tổn hại đến lợi ích của Thuỵ Sỹ sẽ bị xử nhẹ hoặc phạt tiền; tình tiết nghiêm trọng sẽ bị xử nặng;

c. Tịch thu những văn bản hoặc tài liệu trao đổi đi lại của họ (ghi chú: nặng xử hình phạt tự do, hình phạt ít nhất 1 năm, cao nhất 20 năm; khi luật pháp có quy định đặc biệt khác, có thể kéo dài thành tù chung thân. Nhẹ xử hình phạt tự do, hình phạt ít nhất 3 ngày, cao nhất 3 năm, trừ trường hợp luật pháp có quy định khác)

Quy định về luận tội và xử phạt hành vi hoạt động gián điệp của nước Anh mang những đặc điểm khác với nhiều nước, Một là quy định, tất cả những người có liên hệ với gián điệp nước ngoài (chỉ những người làm tổn hại an ninh và lợi ích bản quốc nhằm phục vụ lợi ích nước ngoài) qua bất cứ hình thức gì, đều có thể dựa vào đó xác định họ có mục đích làm tổn hại lợi ích quốc gia và đưa ra khởi tố. Khi khởi tố không cần chứng thực họ thực sự có liên hệ với gián điệp nước ngoài, chỉ cần bị cáo thực sự có liên hệ với gián điệp nước ngoài, như bảo lưu họ tên địa chỉ của gián điệp nước ngoài, hoặc đã từng đến địa chỉ đó là có thể đưa ra khởi tố. Hai là khi xét xử vụ án gián điệp, bên khởi tố không cần đưa ra chứng cứ trước toà, chỉ cần bên bị cáo chứng minh bản thân vô tội. Ba là quy định hình phạt cao nhất là 14 năm tù, nhưng có thể tính cộng lại, cao nhất là 42 năm.

Trong Luật hình sự Triều Tiên quy định: “hành vi hoạt động gián điệp chỉ cung cấp những thông tin bí mật trọng đại của nhà nước cho nước ngoài hoặc tập đoàn phản quốc, hoặc đoạt lấy và thu thập thông tin bằng biện pháp lấy cắp, cướp đoạt và những biện pháp khác nhằm mục đích chuyển giao, bị xử trên 5 năm tù và tịch thu toàn bộ tài sản, tình tiết đặc biệt nghiêm trọng và đã tổn hại đến lợi ích quốc gia, bị xử tử hình và tịch thu toàn bộ tài sản”. Trong Bộ luật Duetsche của Đức quy định: “đối với những hoạt động gián điệp hoặc chuẩn bị tiến hành hoạt động gián điệp chống lại nhà nước xuất phát từ mục đích chuyển giao thông tin hoặc cung cấp sự thật, vật phẩm và tài liệu

… cho cơ quan tình báo nước ngoài, bị xử trên 1 năm đến dưới 10 năm hình phạt tự do”. Bộ luật này còn quy định, nếu biết ngừng các hoạt động phạm tội và thành khẩn khai báo với chính quyền, những tội phạm trên sẽ được giảm hoặc miễn hình phạt.

Trong Luật hình sự Pháp xây dựng năm 1810 quy định xử tử hình đối với tội phản nghịch và tội gián điệp. Mặt khác, các nước trên thế giới cũng đưa ra những luật pháp liên quan đến việc “biết nhưng không tố giác” các hoạt động gián điệp và những người tự nguyện đầu thú. Thí dụ Luật hình sự của Liên Xô trước đây quy định, đối với những việc không được thông báo trước nhưng lại che giấu hành vi gián điệp như quy định trong bộ luật này, được coi là “tội che giấu”, bị tước quyền tự do trên 1 năm đến dưới 5 năm, hoặc bị đưa đi cải tạo lao động dưới 1 năm. Đối với việc biết chính xác nhưng không tố giác tội phạm chuẩn bị triển khai hoặc bản thân đã triển khai hoạt động gián điệp như quy định trong bộ luật này, được coi là “tội không tố giác”, bị xử tù trên 1 năm đến dưới 3 năm, hoặc bị đưa đi cải tạo lao động trên 6 tháng đến dưới 1 năm.

Luật hình sự của Mỹ quy định, tất cả việc che giấu người có hành vi hoạt động gián điệp hoặc che giấu kẻ bị tình nghi đã có đủ bằng chứng, bị coi là tội “che giấu tội phạm hoặc biết nhưng không tố giác”, bị phạt 10.000 USD hoặc bị xử tù dưới 10 năm, hoặc bị xử phạt cả hai.

Luật An ninh quốc gia của Hàn Quốc quy định, đối với việc biết ai đó có hành vi hoạt động gián điệp, nhưng không báo cáo chính quyền, bị coi là “tội biết nhưng không tố giác”, bị xử tù dưới 5 năm, đồng thời phạt 100.000 Won.

BLHS của Thuỵ Điển quy định Chương 19 – Các tội xâm phạm an ninh của quốc vương, Chương 22 – tội phản bội Tổ quốc. Theo Luật hình sự Thuỵ

Điển, chủ thể của tội gián điệp có thể là công dân Thuỵ Điển, người nước ngoài, người không quốc tịch. Trong đó Điều 4 của Bộ luật này quy định: nếu một công dân của Thuỵ Điển không được phép của chính phủ hoặc người của chính phủ uỷ nhiệm mà tự mình để sử dụng như một gián điệp của nước ngoài trong các vấn đề ngoại giao liên quan đến Thuỵ Điển, cũng như người nào tự xưng là người được uỷ quyền về các vấn đề nói trên với người đại diện của nước ngoài, thì bị phạt tù đến 2 năm [34, tr.65].

Tội gián điệp được quy định cụ thể ở Điều 5 Chương 22: người nào không được phép nhưng vì mục đích giúp đỡ nước ngoài mà thu thập, chuyển giao cung cấp hoặc dưới các hình thức khác tiết lộ thông tin về phương tiện quốc phòng, vũ khí, các nguồn dự trữ cho quốc phòng, hàng nhập khẩu, hàng xuất khẩu, phương pháp sản xuất, các cuộc đàm phán, các quyết định hoặc các thông tin khác mà sự tiết lộ cho nước ngoài có thể gây nguy hại cho toàn bộ nền quốc phòng và an ninh của Vương quốc, bất luận thông tin có chính xác hay không thì bị phạt tù đến sáu năm về tội gián điệp. Theo quy định này, hành vi cung cấp cho nước ngoài những thông tin không phải là bí mật quốc gia cho nước ngoài nhưng có thể gây nguy hại cho an ninh của Thuỵ Điển thì vẫn bị xét xử về tội gián điệp. Quan điểm này của các nhà làm luật Thuỵ Điển phù hợp với quan điểm của các nhà làm luật Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới cũng có những chính sách khoan hồng ghi rõ trong pháp luật đối với người hoạt động phạm tội gián điệp nhưng biết tự ra đầu thú. Trong Luật phòng chống gián điệp của Nhật Bản ghi rõ, đối với những người hoạt động phạm tội gián điệp nhưng biết tự thú, được hưởng “giảm hoặc miễn hình phạt theo tình tiết cụ thể”. Luật An ninh quốc gia Hàn Quốc quy định: đối với những tội phạm tự ra đầu thú trước khi nhận thức được kết quả phạm tội, được miễn hình phạt [41]. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Nhìn chung pháp luật các nước đã đưa công tác chống gián điệp vào quỹ đạo pháp chế, giúp hoạt động chống gián điệp có thêm sức mạnh cưỡng chế. Hầu hết các nước không đưa ra khái niệm cụ thể thế nào là tội gián điệp nhưng có liệt kê ra các hành vi phạm vào tội gián điệp. Về mức hình phạt, pháp luật các nước trên thế giới cũng mềm dẻo, không có hình phạt chung thân, tử hình đối với người phạm tội gián điệp, chủ yếu là tù có thời hạn hoặc phạt tiền, cải tạo lao động, người mà ra đầu thú còn được giảm hoặc miễn hình phạt. Điều đặc biệt là, có một số nước quy định về tội gián điệp không phải trong Luật hình sự mà trong một số luật khác như Luật an ninh quốc gia, Luật phòng chống gián điệp.

Một phần của tài liệu Tội gián điệp trong luật hình sự Việt Nam (Trang 35 - 43)