Khách thể của tội gián điệp:

Một phần của tài liệu Tội gián điệp trong luật hình sự Việt Nam (Trang 45)

Trong các chế độ xã hội có giai cấp, giai cấp thống trị bao giờ cũng thông qua nhà nước, bằng pháp luật xác lập và củng cố hệ thống các quan hệ xã hội phù hợp với lợi ích và nền thống trị của giai cấp đó, đồng thời sử dụng pháp luật với những loại biện pháp tác động khác nhau nhằm bảo vệ các quan hệ này tồn tại. Nhà nước XHCN Việt Nam ban hành luật hình sự nhằm bảo vệ những quan hệ xã hội có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của chế độ XHCN. Vì vậy, khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ bị tội phạm xâm hại.

Khách thể của tội phạm là yếu tố không tách rời của tội phạm, tội phạm bao giờ cũng xâm hại đến một hoặc một số quan hệ xã hội được nhà nước xác định bảo vệ bằng pháp luật hình sự.

Khách thể của các tội xâm phạm ANQG nói chung là những quan hệ xã hội có tầm quan trọng đặc biệt, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của các quan hệ xã hội khác. Trong phạm vi khách thể loại, các tội xâm phạm ANQG

khác nhau xâm hại tới những quan hệ xã hội khác nhau. Và, ở Điều 80 của BLHS năm 1999, hành vi phạm tội gián điệp xâm phạm an ninh đối ngoại của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, xâm phạm sự vững mạnh của chính quyền nhân dân.

An ninh đối ngoại được hiểu là nền độc lập của quốc gia, sự bất khả xâm phạm lãnh thổ và sự vững mạnh quốc phòng. Nền độc lập của quốc gia là chủ quyền của quốc gia, là quyền tự quyết trong các vấn đề đối nội và đối ngoại. Sự bất khả xâm phạm lãnh thổ chính là biểu hiện sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia không thể bị chia cắt. Sự vững mạnh quốc phòng thể hiện khả năng phòng thủ đất nước.

Hành vi phạm tội gián điệp nếu được thực hiện sẽ làm ảnh hưởng đến sự độc lập của quốc gia, bất khả xâm phạm lãnh thổ và khả năng phòng thủ đất nước.

Quan hệ xã hội không thể tồn tại bên ngoài các bộ phận cấu thành nó, vì vậy quan hệ xã hội chỉ có thể bị xâm hại nếu có sự tác động nào đó lên các bộ phận cấu thành của chúng. Các bộ phận cấu thành quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ bị tội phạm trực tiếp tác động vào gọi là đối tượng tác động của tội phạm. Với quan niệm như vậy thì không thể tồn tại tội phạm mà không có đối tượng tác động, đối tượng tác động của tội phạm tồn tại đương nhiên. Những thay đổi diễn ra với đối tượng tác động góp phần xác định tội phạm và mức độ nguy hiểm của tội phạm.

Đối với tội gián điệp, đối tượng tác động của tội phạm gồm nhiều loại. Đối tượng tác động của tội phạm có thể là con người (con người ở đây được nhìn nhận trên phương diện xã hội và tự nhiên); đối tượng tác động của tội gián điệp có thể là những vật cụ thể của thế giới bên ngoài, người ta còn gọi là vật thể của tội phạm như tài liệu thuộc bí mật nhà nước, công trình, phương

tiện, tài sản; đối tượng tác động là hoạt động bình thường của con người khi tham gia các quan hệ xã hội với tư cách là chủ thể của quan hệ xã hội, hành vi phạm tội tác động làm biến dạng các xử sự của chủ thể so với các chuẩn mực xã hội, chẳng hạn như hành vi gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại tác động làm thay đổi xử sự bình thường của con người qua đó gây thiệt hại cho khách thể loại của tội phạm.

Ở tội gián điệp, đối tượng tác động không là dấu hiệu bắt buộc để định tội, không phải là căn cứ để phân biệt hành vi bị coi là tội phạm với hành vi không bị coi là tội phạm, cũng không phải là cơ sở phân biệt các tội phạm có nội dung cấu thành giáp ranh nhau. Tuy nhiên, đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận của khách thể của tội gián điệp mà khi tác động tới bộ phận này người phạm tội gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ với tư cách là khách thể của tội gián điệp.

Một phần của tài liệu Tội gián điệp trong luật hình sự Việt Nam (Trang 45)