Giải pháp về cán bộ

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát xét xử vụ án hình sự của Viện kiếm sát nhân dân (Trang 88)

Đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát xét xử hiện nay có thể nói còn mỏng về số lượng và chất lượng, ở một số đơn vị cũng chưa đạt yêu cầu. Về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ Kiểm sát viên ở hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm còn nhiều bất cập, không đồng đều, kỹ năng nghiệp vụ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp và nâng cao chất lượng kiểm sát xét xử vụ án hình sự. Về công tác đào tạo, mặc dù kiểm sát xét xử là một nghề nhưng chúng ta chưa có khung hoàn chỉnh về nội dung và chương trình đào tạo riêng. Vì vậy, xây dựng đội ngũ

Kiểm sát viên ở nước ta có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp giỏi là một yêu cầu cấp thiết, một giải pháp có ý nghĩa quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động thực hiện chức năng kiểm sát xét xử vụ án hình sự của Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự. Các giải pháp này bao gồm:

* Quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm sát xét xử hình sự của lãnh đạo Viện kiểm sát cấp tỉnh

Thực tế cho thấy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có một số Kiểm sát viên chỉ quan tâm thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, nhưng công tác kiểm sát xét xử chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí nhiều phiên tòa Kiểm sát viên bỏ qua không thực hiện. Do vậy, trong Chỉ thị công tác năm 2009, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu các lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp mình, thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần tăng cường tập trung đẩy mạnh công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật đặc biệt là hoạt động kiểm sát xét xử hình sự của Viện kiểm sát. Để thực hiện Chỉ thị đó, đòi hỏi lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp nhất là các tỉnh, thành cần có kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện, thường xuyên kiểm tra sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm và tổ chức nâng cao kỹ năng kiểm sát xét xử cho đội ngũ Kiểm sát viên. Viện kiểm sát các cấp rà soát và tổng kết thực tiễn để đề xuất với lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ sung, sửa đổi các Bộ luật liên quan đến hoạt động kiểm sát xét xử hình sự mà trước hết là: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân… một cách đồng bộ, thống nhất; Viện kiểm sát các cấp đánh giá về tổ chức, về đội ngũ Kiểm sát viên để kiện toàn tổ chức, tăng thêm số lượng cán bộ, Kiểm sát viên, bố trí sắp xếp hợp lý, tăng cường công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để hướng dẫn kịp thời cho cán bộ, Kiểm sát viên trong kiểm sát xét xử hình sự; lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo phải xây dựng kế hoạch, phân công, phân nhiệm rõ ràng cụ thể và phù hợp, tăng cường nâng cao nhận thức và ý thức,

trách nhiệm cho cán bộ Kiểm sát về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân, thường xuyên kiểm tra, kịp thời chỉ ra những yếu kém và hướng dẫn các biện pháp khắc phục một cách kịp thời; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ Kiểm sát viên làm nhiệm vụ kiểm sát xét xử hình sự, nhất là cập nhật các kiến thức pháp luật và kiến thức để hội nhập quốc tế; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhất là trang bị những phương tiện kỹ thuật cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, nghiên cứu cải tiến chế độ thỏa đáng cho đội ngũ Kiểm sát viên nói riêng và cán bộ ngành Kiểm sát nói chung.

* Thực hiện tốt công tác tuyển dụng và bổ nhiệm Kiểm sát viên, phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ và năng lực thực tế của Kiểm sát viên

Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đề ra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện đúng quy trình tuyển dụng cán bộ, công chức, bổ nhiệm Kiểm sát viên các cấp. Từ 2007 - 2011, Viện kiểm sát các cấp đã bổ nhiệm 1.835 Kiểm sát viên thuộc Viện kiểm sát cấp tỉnh, huyện; tuyển dụng thêm 2.600 biên chế

(đặc biệt từ 2010 - 2011, Viện kiểm sát các cấp đã bổ sung 1.896 biên chế), số cán bộ mới tuyển dụng được tăng cường cho công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp. Về số lượng cán bộ, Kiểm sát viên, tính đến năm 2011, toàn ngành Kiểm sát nhân dân có 14.103 biên chế. Hiện nay, so với tổng biên chế được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao thì toàn ngành Kiểm sát còn thiếu nhiều. Trong khi đó, lĩnh vực thụ lý, giải quyết án hình sự trong toàn ngành đang tăng cao, mặc dù đã rất nhiều cố gắng trong việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức; cải tiến, đổi mới phương pháp giải quyết công việc, điều động, tăng cường cán bộ…song với số lượng biên chế hiện có, ngành Kiểm sát vẫn chưa đáp ứng triệt để yêu cầu giải quyết công việc. Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung thêm biên chế cho công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp nói chung và công tác kiểm sát xét xử nói riêng…

Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị, trong số 14.103 Kiểm sát viên, công chức nghiệp vụ kiểm sát có 8.754 người đạt trình độ cử nhân Luật trở lên (trong đó có 21 tiến sĩ, 109 thạc sĩ (chiếm 1,2%), 892 người đạt trình độ Cao đẳng kiểm sát (chiếm 8,5%); 1.608 người đạt trình độ cử nhân hoặc cao cấp chính trị (chiếm 15,5%); 5.170 người đạt trình độ trung cấp chính trị (chiếm 50%). Thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa về trình độ cán bộ theo yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, trong năm 2011, Viện kiểm sát đã chú trọng triển khai, thực hiện đào tạo nguồn nhân lực và đào tạo theo Đề án 165 của Ban tổ chức Trung ương, đã chọn 2.650 lượt cán bộ, Kiểm sát viên các cấp đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát, 40 cán bộ đi đào tạo sau đại học, 17 cán bộ đi đào tạo tiếng Anh ở nước ngoài, 20 cán bộ đi học theo chỉ tiêu Đề án 165 của Ban tổ chức Trung ương, 09 cán bộ theo Đề án 322 của Chính phủ. Do vậy đã góp phần đẩy nhanh tiến độ tiêu chuẩn hóa trình độ cán bộ làm công tác kiểm sát, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế [45].

Bên cạnh việc phải làm tốt công tác tuyển dụng cán bộ và bổ nhiệm các chức danh Kiểm sát viên; sắp xếp, bố trí và phân công nhiệm vụ đối với Kiểm sát viên hai cấp căn cứ vào trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ thực tế của họ, kịp thời chuyển những Kiểm sát viên hạn chế về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp sang làm công việc khác phù hợp hơn thì cần lựa chọn những người có đạo đức, phẩm chất tốt, lập trường tư tưởng vững vàng, không bị mua chuộc, cám dỗ, vụ lợi cá nhân để bổ sung vào đội ngũ Kiểm sát viên các cấp đồng thời phải xử lý kịp thời nghiêm minh những cán bộ thoái hóa, biến chất.

* Xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên có đủ trình độ, năng lực đáp ứng các yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế

Kiểm sát viên có một vị trí quan trọng và vai trò không thể thiếu được trong hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nói chung và từng cấp Kiểm sát nói riêng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Do yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế đặt ra, cần xây dựng một đội ngũ Kiểm sát viên có bản lĩnh và ý chí kiên quyết bảo vệ công lý và pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, không làm sai pháp luật; phải luôn khách quan, không được vì ý định chủ quan và không thể vì tiền tài, vật chất, vì lợi ích riêng tư mà thiên lệch, sai sót trong công việc.

Muốn vậy, Kiểm sát viên phải rèn luyện phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững kiến thức pháp luật, có năng lực và kinh nghiệm trong công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và trước yêu cầu của cải cách tư pháp, Kiểm sát viên càng phải tự học hỏi, nâng cao tri thức để am hiểu kiến thức pháp luật trong nước và quốc tế, kiến thức ngoại ngữ cùng các kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế… Để có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm công tác, ngoài ý chí, trách nhiệm và sự nỗ lực tự phấn đấu của Kiểm sát viên, một vấn đề hết sức quan trọng là cần có sự quan tâm đào tạo, bồi dưỡng của ngành, của những người lãnh đạo, cán bộ quản lý trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát cấp tỉnh cần xây dựng một đội ngũ Kiểm sát viên có trình độ cao, có năng lực thực tiễn và có kinh nghiệm công tác để hình thành một đội ngũ chuyên gia đầu ngành, làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo Viện, lãnh đạo phòng quản lý, chỉ đạo điều hành có hiệu quả. Trong giai đoạn trước mắt, cần nhanh chóng đào tạo, trang bị những kiến thức về quản lý, về tin học, ngoại ngữ cho Kiểm sát viên các cấp; tổ chức đào tạo lại cho lực lượng Kiểm sát viên, nhất là Kiểm sát viên cấp huyện.

* Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ Kiểm sát viên

Cần xây dựng một kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng ngắn hạn cho đội ngũ Kiểm sát viên về kỹ năng kiểm sát xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm thông qua các hội nghị tập huấn, hội thảo chuyên môn hàng năm cũng như cập nhật thường xuyên các kiến thức pháp luật. Cần thiết phải tiến hành thường xuyên công tác bồi dưỡng để trang bị cho các Kiểm sát viên những kiến thức cơ bản về các chuyên ngành có liên quan: Tâm lý tội phạm, giám định tư pháp, khoa học dấu vết, sở hữu trí tuệ, tài chính ngân hàng, thuế… Ngoài ra cũng cần quan tâm đến hội thảo, tập huấn theo các chuyên đề về các vấn đề vướng mắc thường gặp trong thực tiễn. Đây là một giải pháp cấp bách cần triển khai và thực hiện kịp thời để sớm trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ Kiểm sát viên để có thể đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài.

Mặt khác trong công tác cán bộ cần phải có chiến lược đào tạo bài bản có tính đến kế hoạch và quy hoạch sử dụng cán bộ trong 5 năm, 10 năm và 20 năm sau. Kế hoạch và quy hoạch sử dụng cán bộ cần chú ý từ đội ngũ thực thi nhiệm vụ đến các cán bộ lãnh đạo ở từng cấp kiểm sát. Trong nhiều năm qua, kiểm sát xét xử luôn luôn ở trong tình trạng thiếu cán bộ, thiếu những chuyên gia đầu ngành và người lãnh đạo có đủ tầm. Trong các báo cáo tổng kết hàng năm đều có nhận định công việc nhiều nhưng luôn thiếu cán bộ đến mức trầm trọng. Ở các Viện kiểm sát cấp phúc thẩm mới chỉ chủ yếu làm nhiệm vụ trực tiếp là giải quyết án phúc thẩm còn nhiệm vụ cực kỳ quan trọng khác là làm công tác kiểm tra, chỉ đạo về đường lối xử lý, tham mưu chiến lược về công tác kiểm sát xét xử thì dường như bỏ ngỏ. Mặt khác, còn phải chịu sức ép lớn khi số án phải giải quyết theo thủ tục phúc thẩm ngày càng gia tăng cùng với lộ trình tăng thẩm quyền cho cấp huyện. Cùng với lực lượng cán bộ thì đội ngũ lãnh đạo các cấp cũng là yếu tố quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy ở đâu mà lãnh đạo có đủ tầm và đủ tâm thì ở đó công tác nghiệp vụ chuyên môn

cũng vững vàng và chính họ là người có thể tham gia đội ngũ kế cận. Để lựa chọn cán bộ lãnh đạo xứng tầm cũng cần phải có chiến lược riêng. Đó là lựa chọn những người ưu tú trong đội ngũ Kiểm sát viên đã trải qua thử thách có khả năng chuyên môn, có bản lĩnh nghề nghiệp và có đạo đức trong sáng để đưa đi đào tạo. Việc đào tạo cán bộ lãnh đạo cần phải trải qua việc lãnh đạo từ cấp cơ sở, kết hợp việc đào tạo trong nước cũng như những khóa ngắn hạn ở nước ngoài. Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo phải gắn với việc thử thách cán bộ, có sự chọn lọc và cương quyết đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu đồng thời cần tuân thủ nguyên tắc việc bổ nhiệm chức danh quản lý phải dựa trên quy hoạch trừ trường hợp đặc biệt. Mỗi chức danh lãnh đạo phải có ít nhất hai cán bộ dự nguồn. Có chiến lược, quy hoạch và kế hoạch, chúng ta mới có thể chủ động được vấn đề cán bộ lãnh đạo, yếu tố hết sức quan trọng trong khâu tổ chức cán bộ, xây dựng lực lượng Kiểm sát viên lành nghề.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát xét xử vụ án hình sự của Viện kiếm sát nhân dân (Trang 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)