Kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa phúc thẩm

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát xét xử vụ án hình sự của Viện kiếm sát nhân dân (Trang 51 - 52)

Thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm cũng được tiến hành tương tự như phiên tòa sơ thẩm. Kiểm sát viên cần kiểm sát việc Tòa án tiến hành các trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; việc giải thích quyền và nghĩa vụ cho những người tham gia phiên tòa; giải quyết các yêu cầu, đề nghị của những người tham gia tố tụng. Tuy nhiên có một số điểm khác so với thủ tục tại phiên tòa sơ thẩm. Cụ thể:

- Chủ tọa phiên tòa không đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử mà chỉ tuyên bố khai mạc phiên tòa.

- Chủ tọa phiên tòa chỉ kiểm tra căn cước và giải thích quyền, nghĩa vụ đối với các bị cáo có kháng cáo hoặc bị kháng cáo, kháng nghị.

- Chủ tọa hỏi bị cáo và những người có liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị đã nhận được thông báo về kháng cáo, kháng nghị chưa (trường hợp họ chính là người đã kháng cáo thì Tòa án không phải thông báo cho họ), hỏi xem có ai bổ sung, thay đổi, rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo, kháng nghị không.

Kiểm sát viên phải chủ động kiểm sát thành phần Hội đồng xét xử có hợp pháp không, trường hợp hoãn hoặc không hoãn phiên tòa có đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự không.

Kiểm sát viên phải theo dõi và kiểm sát chặt chẽ việc tiến hành trình tự, các thủ tục xét hỏi và việc bảo đảm quyền tham gia xét hỏi, quyền yêu cầu xét hỏi của những người tham gia phiên tòa. Trường hợp Hội đồng xét xử có vi phạm pháp luật như thực hiện không đúng các thủ tục xét hỏi bị cáo, người làm chứng hoặc công bố lời khai trước khi người được xét hỏi khai tại phiên tòa…thì Kiểm sát viên phải yêu cầu Hội đồng xét xử chấp hành đúng quy định của pháp luật tố tụng nhằm bảo đảm việc xét xử được toàn diện, đầy đủ, khách quan.

Kiểm sát việc Hội đồng xét xử bảo đảm quyền được bổ sung, xem xét chứng cứ tại phiên tòa và quyền tranh luận của những người tham gia phiên tòa một cách bình đẳng và dân chủ. Kiểm sát viên phải đề nghị Hội đồng xét xử kiểm tra tính hợp pháp và có căn cứ của các tài liệu, chứng cứ đó, đảm bảo nguyên tắc tất cả các chứng cứ cũ, chứng cứ mới, tài liệu, đồ vật mới bổ sung đều phải được xem xét tại phiên tòa.

Khi Hội đồng xét xử tuyên án, Kiểm sát viên cần chú ý theo dõi và ghi chép đầy đủ những nhận định quan trọng và nội dung quyết định của bản án hoặc quyết định phúc thẩm để làm căn cứ kiểm tra bản án đã tuyên và bản án sau này gửi cho Viện kiểm sát và những người liên quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện nội dung bản án đã tuyên không đúng với diễn biến phiên tòa hoặc giữa nội dung tuyên án với bản án không đúng hoặc có mâu thuẫn thì tùy từng trường hợp cụ thể Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát để kiến nghị Tòa án khắc phục hoặc đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm nếu thấy cần thiết.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát xét xử vụ án hình sự của Viện kiếm sát nhân dân (Trang 51 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)