Cơ sở lý luận

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát xét xử vụ án hình sự của Viện kiếm sát nhân dân (Trang 26 - 30)

Từ khi giành độc lập, Nhà nước ta đã sử dụng các cơ quan khác nhau của bộ máy nhà nước để quản lý, giữ vững nền độc lập. Để bộ máy nhà nước thực hiện nhịp nhàng, chính xác và hiệu quả, Nhà nước tiến hành phân công giữa các bộ phận của bộ máy, nghĩa là phân định thẩm quyền trong đó mỗi cơ quan nhà nước được giao mỗi chức năng khác nhau để hoạt động. Đó có thể là hình thức hoạt động xây dựng và ban hành pháp luật, thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật…

Ngay từ ngày thành lập Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành một loạt các sắc lệnh để thiết lập ngay các cơ quan tư pháp, trong đó có cơ quan Công tố nhằm đấu tranh có hiệu quả với các hành vi phạm tội đảm bảo cho việc củng cố chính quyền cách mạng. Hệ thống Công tố được tách dần ra khỏi hệ thống Tòa án và sự ra đời của Hiến pháp năm 1959 đánh dấu bước ra đời của Viện kiểm sát nhân dân với tư cách là một hệ thống cơ quan trong bộ máy nhà nước. Chức năng Nhà nước của Viện kiểm sát nhân dân từ thẩm quyền được giao là thực hiện chức năng tư pháp cùng với Tòa án nhân dân và các cơ quan tư pháp khác. Theo Hiến pháp năm 1959, ngoài chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát còn thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội. Đánh giá và nhìn nhận về chức năng của Viện kiểm sát trong hệ thống cơ quan nhà nước nói chung và trong tố tụng hình sự nói riêng được nâng lên một bước rõ rệt theo quy định của Hiến pháp năm 1980 và tiếp tục khẳng định trong Hiến pháp năm 1992. Theo Điều 137 Hiến pháp năm 1992 và Điều 1 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 quy định: "Viện

kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng kiểm sát tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố" [27].

Xét xử vụ án hình sự là một giai đoạn của tố tụng hình sự trong đó Viện kiểm sát ngoài chức năng thực hành quyền công tố nhằm bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội thì Viện kiểm sát nhân dân còn thực hiện chức năng kiểm sát xét xử nhằm đảm bảo xét xử vụ án hình sự được khách quan, toàn diện, nghiêm minh kịp thời và tuân thủ đúng trình tự, thủ tục tố tụng mà pháp luật quy định bảo đảm tính hợp pháp và có căn cứ trong các phán quyết của Tòa án.

Điều 16 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 quy định:

"Trong giai đoạn xét xử các vụ án hình sự, Viện kiểm sát có trách nhiệm thực hành quyền công tố, bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội; kiểm sát việc xét xử các vụ án hình sự, nhằm đảm bảo việc xét xử đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời" [27].

Điều 1 Quy chế kiểm sát xét xử các vụ án hình sự quy định: "Trong giai đoạn xét xử các vụ án hình sự, Viện kiểm sát có trách nhiệm: kiểm sát việc xét xử các vụ án hình sự, nhằm bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời" [43].

Điều 3 Quy chế kiểm sát xét xử các vụ án hình sự quy định:

"Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự bắt đầu từ khi chuyển bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn cùng hồ sơ vụ án sang Tòa án để xét xử và kết thúc khi bản án và quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, không có kháng cáo, kháng nghị [43].

Theo nguyên tắc được quy định tại Điều 20 Bộ luật Tố tụng hình sự, Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử: cấp xét xử sơ thẩm và cấp xét xử phúc thẩm. Ngoài ra còn có thủ tục xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp

luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Như vậy, tùy theo từng vụ án, từng bị cáo mà công tác kiểm sát xét xử hình sự có thể kéo dài hay ngắn. Có những vụ án chỉ bị giải quyết ở thủ tục xét xử sơ thẩm mà không có kháng cáo, kháng nghị thì công tác kiểm sát xét xử sẽ chấm dứt từ thời điểm hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà không có kháng cáo, kháng nghị. Ngược lại, đối với các vụ án mà sau khi xét xử sơ thẩm nếu phát hiện bản án hoặc quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật hoặc phát hiện tình tiết mới thì vụ án có thể bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Theo quy định tại Điều 18, Điều 19 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 thì khi thực hiện kiểm sát xét xử vụ án hình sự, Viện kiểm sát có quyền hạn, nhiệm vụ sau:

- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân và của những người tham gia tố tụng.

Có thể nói hoạt động xét xử là hoạt động trung tâm nhất trong các hoạt động tư pháp trong tố tụng hình sự. Vì vậy kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giai đoạn này có vai trò rất quan trọng. Thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn này, Kiểm sát viên phải kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án từ giai đoạn chuẩn bị xét xử như kiểm sát việc chấp hành thời hạn chuẩn bị xét xử, việc ra các quyết định sơ thẩm và việc giao các quyết định đó theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Trường hợp phát hiện có vi phạm thì yêu cầu Tòa án khắc phục và báo cáo với lãnh đạo Viện để kháng nghị theo quy định của pháp luật. Khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên phải kiểm sát việc chấp hành các thủ tục tố tụng của Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và những người tham gia tố tụng từ khi bắt đầu đến khi kết thúc phiên tòa nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, bảo đảm cho việc xét xử được công minh, đúng pháp luật; Viện kiểm sát có quyền kiểm sát việc tham gia tố tụng của những người tiến hành tố tụng và có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng khác, có quyền đưa ra những yêu cầu

để bảo đảm cho việc xét xử của Tòa án đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, trong đó có việc đề nghị triệu tập thêm người làm chứng, đưa thêm vật chứng ra để xem xét…

- Kiểm sát bản án và quyết định của Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật.

Sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên cần kiểm tra biên bản phiên tòa, lưu ý những trường hợp kết luận của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố cũng như quyết định của chủ tọa tại phiên tòa khác với quyết định ghi trong bản án. Nếu phát hiện có những điểm biên bản phiên tòa ghi thiếu sót hoặc không chính xác thì kiến nghị yêu cầu Hội đồng xét xử bổ sung hoặc điều chỉnh. Kiểm sát viên phải kiểm tra bản án, quyết định của Tòa án để kịp thời phát hiện những sai sót, vi phạm và kiểm tra việc giao bản án, quyết định của Tòa án.

- Yêu cầu Tòa án nhân dân cùng cấp và cấp dưới chuyển hồ sơ vụ án hình sự để xem xét, quyết định việc kháng nghị.

Khi phát hiện bản án sơ thẩm hoặc quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện để kháng nghị theo quy định của pháp luật. Nếu thấy cần thiết thì Kiểm sát viên yêu cầu Tòa án cùng cấp chuyển hồ sơ vụ án đó để Viện kiểm sát nghiên cứu.

Khi ra quyết định kháng nghị, Viện kiểm sát phải căn cứ vào những quy định cụ thể của pháp luật về thẩm quyền và thời hạn kháng nghị bản án, quyết định. Nếu bản án, quyết định vi phạm Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan nhưng chưa có hiệu lực pháp luật thì kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Nếu bản án, quyết định đó đã có hiệu lực pháp luật thì kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm căn cứ quy định tại Điều 273, Điều 278 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 hoặc kháng nghị theo thủ tục tái thẩm theo quy định tại Điều 291, Điều 295 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Ngoài ra, theo các quy định của Bộ luật Tố tụng hình

sự và pháp lệnh Kiểm sát viên, Viện kiểm sát còn có nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo đối với bản án, quyết định của Tòa án trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự; kiến nghị Tòa án nhân dân cùng cấp và cấp dưới khắc phục các vi phạm trong xét xử; kiến nghị với các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm và tội phạm. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của các cơ quan tư pháp nói chung.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát xét xử vụ án hình sự của Viện kiếm sát nhân dân (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)