CỦA HOẠT ĐỘNG KIỂM SÁT XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ
CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
3.1. SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ HÌNH SỰ
Thứ nhất, về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn xét xử sơ thẩm
Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn điều tra và trong giai đoạn xét xử. Trong giai đoạn điều tra, Điều 113, Điều 114 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành đã quy định cụ thể, rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi tiến hành kiểm sát điều tra cũng như trách nhiệm của cơ quan Điều tra trong việc thực hiện các yêu cầu và quyết định của Viện kiểm sát. Tuy nhiên trong giai đoạn xét xử, Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn gì thì chưa được quy định cụ thể. Điều này là một thiếu sót ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động thực hiện chức năng kiểm sát xét xử sơ thẩm của Viện kiểm sát nhân dân bởi trên thực tế, dù Viện kiểm sát có thực hiện tốt chức năng này, khi phát hiện vi phạm trong hoạt động xét xử của Tòa án thì Viện kiểm sát làm thế nào và phải căn cứ vào đâu để yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm trong khi luật không trao quyền cho Viện kiểm sát. Chúng tôi xin đưa ra một ví dụ, qua kiểm sát phát hiện việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn của Tòa án có vi phạm pháp luật hoặc Tòa án vi phạm thời hạn đưa vụ án ra xét xử thì Viện kiểm sát làm thế nào và căn cứ vào quy định nào để yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm hoặc tại phiên tòa phát hiện Hội đồng xét xử không đúng thành phần thì Kiểm sát viên phải làm gì? Tất nhiên là phải đề nghị hoãn phiên tòa. Vấn đề đặt ra ở đây là Kiểm sát viên căn
cứ vào điều luật nào để đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa và nếu Hội đồng xét xử không đồng ý mà vẫn tiếp tục xét xử thì Kiểm sát viên xử lý thế nào? Kiểm sát viên có tiếp tục tham gia phiên tòa không hay Kiểm sát viên không thể tự ý bỏ về mà phải tiếp tục tham gia phiên tòa sau đó báo cáo Viện trưởng để quyết định kháng nghị bản án của Tòa án theo quy định tại Điều 232 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003. Cách giải quyết này thì hợp lý và đúng trình tự tố tụng nhưng xem xét một cách toàn diện hơn thì thấy rằng có những vấn đề bất cập: Thứ nhất, việc phát hiện Hội đồng xét xử không đúng thành phần là vi phạm pháp luật tố tụng hình sự nhưng Kiểm sát viên vẫn tham gia xét xử vụ án; Thứ hai, mặc dù theo nguyên tắc hai cấp xét xử, xét xử phúc thẩm là thủ tục có tính thông lệ chung nhằm xét lại các phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị nhằm đảm bảo tính hợp pháp và đúng đắn của bản án, quyết định sơ thẩm. Như vậy, bản án sơ thẩm có vi phạm, Viện kiểm sát kháng nghị thì vẫn còn có cấp phúc thẩm xét lại. Song đây là một vòng quay tố tụng mất rất nhiều thời gian, tốn kém nhiều tiền của nhân dân, của Nhà nước và quan trọng nhất là vụ án xử đi, xử lại nhiều lần làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân vào các cơ quan tư pháp. Do vậy, chúng tôi cho rằng cần bổ sung trong Bộ luật Tố tụng hình sự một quy định rõ ràng và cụ thể về những nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn xét xử: 1. Kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn của Tòa án đảm bảo việc việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn là có căn cứ và hợp pháp; 2. Kiểm sát việc chấp hành thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn mở phiên tòa của Tòa án, đảm bảo không xảy ra trường hợp án quá hạn luật định, án tồn đọng, kéo dài; 3. Kiểm sát quyết định đưa vụ án ra xét xử; 4. Kiểm sát việc đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án, đảm bảo quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ của Tòa án phải đúng thẩm quyền, đúng căn cứ; 5. Kiểm sát thành phần Hội đồng xét xử, thủ tục xét hỏi và việc đảm bảo quyền được hỏi, quyền yêu cầu của người tham gia phiên tòa; 6. Yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm; 7. Đề nghị Hội
đồng xét xử hoãn phiên tòa; 8. Kiến nghị cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, bên cạnh đó cần quy định cơ chế để Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng này cũng như quy định trách nhiệm của Tòa án trong việc thực hiện các yêu cầu của Viện kiểm sát.
Thứ hai, về quyền kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân
Đối với nước ta từ khi giành độc lập đến nay, trải qua các thời kỳ và các cuộc cải cách tư pháp, quyền kháng nghị phúc thẩm luôn luôn là quyền năng pháp lý duy nhất mà Nhà nước chỉ giao cho Viện kiểm sát. Thực tế hiện nay, cũng có những quan điểm trái ngược nhau gây tranh cãi xung quanh việc giới hạn quyền kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cũng như về người có thẩm quyền kháng nghị.
Một số quan điểm cho rằng nên giới hạn quyền kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát đối với những trường hợp Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội như một số nước theo truyền thống tố tụng tranh tụng để đảm bảo quyền của bị cáo và tôn trọng phán quyết độc lập của Tòa án. Tuy nhiên, ở nước ta Viện kiểm sát là cơ quan duy nhất được giao quyền thay mặt Nhà nước buộc tội một người nào đó trước Tòa án, việc kháng nghị của Viện kiểm sát là sự tiếp tục duy trì lời buộc tội của Viện kiểm sát nhưng được xem xét ở thủ tục phúc thẩm với sự cẩn trọng của ba Thẩm phán chuyên nghiệp. Nếu có căn cứ cho rằng bị cáo có tội, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền hủy án sơ thẩm để xét xử lại (khoản 2 Điều 250 Bộ luật Tố tụng hình sự). Điều này vừa đảm bảo sự thận trọng trước phán quyết vô tội, vừa đảm bảo việc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời tránh những bước rườm rà về thủ tục. Do vậy, chúng tôi cho rằng không nên giới hạn quyền kháng nghị của Viện kiểm sát đối với những phán quyết vô tội.
Một vấn đề cần thiết phải bàn đó là xem xét lại việc có nên trao thẩm quyền kháng nghị cho Viện kiểm sát cấp trên đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới. Có ý kiến cho rằng không nên trao thẩm quyền kháng nghị
cho Viện kiểm sát cấp trên vì xét về thẩm quyền của Viện kiểm sát là hợp lý nhưng xét về góc độ thực tế không đảm bảo tính khả thi do Viện kiểm sát cấp trên không có đủ thời gian và lực lượng để theo dõi tất cả các vụ án do cấp dưới thụ lý. Mặt khác, trong suốt quá trình điều tra, xét xử ở cấp sơ thẩm, Viện kiểm sát cấp trên không tham gia và có thể cũng không theo dõi vụ án nên nếu Viện kiểm sát cấp trên có quan tâm và mặc dù có thời gian 30 ngày tính từ ngày tuyên án sơ thẩm thì cũng không thể nghiên cứu kỹ hồ sơ để quyết định kháng nghị hay không kháng nghị những vấn đề gì và theo hướng nào. Do vậy, việc quy định cho Viện kiểm sát cấp trên quyền kháng nghị theo thủ tục phúc phẩm các quyết định và bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là không hiện thực; cần sửa đổi Điều 232 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bãi bỏ thẩm quyền kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên. Nhưng theo chúng tôi, việc trao thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm cho Viện kiểm sát cấp trên là hợp lý bởi xuất phát từ nguyên tắc bảo đảm sự thống nhất của pháp chế, chống lại mọi biểu hiện cục bộ, bản vị địa phương và phù hợp với truyền thống tố tụng của nước ta. Mặt khác, một tình trạng thực tế xảy ra khá phổ biến ở các Viện kiểm sát địa phương là việc chấp nhận để Tòa án gửi bản án, quyết định sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày đúng bằng thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cấp sơ thẩm. Khi Viện kiểm sát cấp sơ thẩm nhận được bản án, quyết định cũng chỉ còn thời gian là 5 ngày hoặc có thể là ít hơn để nghiên cứu hồ sơ, trong trường hợp phát hiện những thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến bản chất của vụ án, không đúng với thực tế khách quan mà đã hết thời hạn kháng nghị do pháp luật quy định hoặc vì lí do ngại kháng nghị do mối quan hệ phối hợp giữa Tòa án và Viện kiểm sát cùng cấp thì Viện kiểm sát cấp sơ thẩm có thể khắc phục bằng cách đề nghị Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét việc kháng nghị phúc thẩm. Do vậy, việc trao cho Viện kiểm sát cấp trên quyền kháng nghị phúc thẩm trên thực tế hoàn toàn mang tính khả thi và đem lại hiệu quả tích cực. Trong dự án Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi cần giữ nguyên quy định về thẩm quyền kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên
trực tiếp, không giới hạn quyền kháng nghị của Viện kiểm sát đối với trường hợp Tòa án tuyên không phạm tội và tạo cơ chế để Viện kiểm sát thực hiện quyền này.
Thứ ba, về việc gửi bản án sơ thẩm để đảm bảo thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân cấp phúc thẩm
Việc Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 không quy định Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi bản án, quyết định sơ thẩm cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, như vậy chưa có cơ chế để Viện kiểm sát cấp trên thực hiện thẩm quyền này. Theo quy định tại Điều 232 và Điều 234 Bộ luật Tố tụng hình sự thì: "Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm". "Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là mười lăm ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là ba mươi ngày, kể từ ngày tuyên án" [28]. Tuy nhiên, tại Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự lại quy định:
Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; gửi bản án cho người bị xử vắng mặt, cơ quan Công an cùng cấp; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị cáo cư trú hoặc làm việc [28]. Như vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành có quy định về thẩm quyền, thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp nhưng không quy định Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi bản án cho Viện kiểm sát cấp này nên trong thực tiễn đã xảy ra không ít khó khăn trong việc thực hiện quyền kháng nghị của Viện kiểm sát cấp phúc thẩm. Để giải quyết vấn đề này, ngành Kiểm sát đã có quy định mang tính nội bộ, đó là sau khi nhận được bản án hoặc quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát cấp sơ thẩm phải sao gửi ngay cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Tuy nhiên, trong thực tế đã có rất nhiều bản án khi được gửi đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp thì đã hết thời hạn kháng nghị
phúc thẩm. Thực trạng trên xảy ra do nhiều lý do khác nhau, trong đó không loại trừ khả năng Viện kiểm sát cấp sơ thẩm biết rõ bản án sơ thẩm có vi phạm nhưng vì lý do nào đó không muốn kháng nghị nên đã không gửi bản án cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc trì hoãn đến khi hết hạn kháng nghị mới gửi. Chúng tôi cho rằng, dù ngành Kiểm sát được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung, thống nhất nhưng khi nhà làm luật đã quy định chủ thể có quyền kháng nghị phúc thẩm là Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cùng với đó là quy định cụ thể về thời hạn cho từng cấp kiểm sát trong việc kháng nghị thì có nghĩa là đã công nhận sự "độc lập tương đối" giữa hai cấp kiểm sát trong việc xem xét kháng nghị bản án sơ thẩm. Một khi pháp luật đã thừa nhận quyền kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp như một chủ thể độc lập thì phải tạo điều kiện để chủ thể này thực hiện quyền kháng nghị của mình. Cụ thể, cần phải quy định rõ trong Bộ luật Tố tụng hình sự là Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi bản án cho Viện kiểm sát cấp phúc thẩm. Kiến nghị bổ sung Điều 229, từ: …Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, Viện kiểm sát cùng cấp…" thành: "…Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp… Mặt khác, việc pháp luật tố tụng hình sự quy định thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án là phù hợp vì Kiểm sát viên vừa làm nhiệm vụ kiểm sát điều tra vụ án, đồng thời trực tiếp tham gia phiên tòa sơ thẩm, đã có cả một quá trình thời gian để theo dõi, nghiên cứu hồ sơ vụ án nên có điều kiện nắm chắc hồ sơ cũng như thủ tục, diễn biến trước, trong và sau phiên tòa. Do vậy, họ có thể phát hiện ngay được các sai phạm của Tòa án trong quá trình xét xử để kịp thời kiến nghị hoặc kháng nghị. Nhưng việc quy định Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị phúc thẩm trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tuyên án là bất hợp lý mà lẽ ra phải quy định kể từ ngày nhận được bản án do Tòa án cấp sơ thẩm gửi. Chúng tôi cho rằng cần thiết phải sửa đổi quy định: "…Thời hạn kháng
nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là mười lăm ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là ba mươi ngày, kể từ ngày tuyên án" (Điều 234 Bộ luật Tố tụng hình sự) thành: "Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là mười lăm ngày kể từ ngày tuyên án, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định do Tòa án cấp sơ
thẩm gửi.
Thứ tư, về căn cứ kháng nghị phúc thẩm
Liên quan đến kháng nghị phúc thẩm cũng có một số ý kiến cho rằng, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 không quy định căn cứ để kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Căn cứ để kháng nghị phúc thẩm là tiêu chí để đánh giá kháng nghị có căn cứ hay không cũng như việc chấp nhận hay bác kháng nghị của cấp phúc thẩm có đúng hay không? Hiện tại căn cứ kháng nghị phúc thẩm chỉ quy định trong Quy chế kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Đây là văn bản nội ngành không có hiệu lực đối với Tòa án nên cần được luật hóa về căn cứ kháng nghị phúc thẩm. Bộ luật Tố tụng hình sự cần bổ sung một số điều luật mới cụ thể hóa về từng căn cứ này (về các trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, các trường hợp sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng Bộ luật Hình sự…). Cụ thể, cần bổ sung một điều luật quy định các căn cứ kháng nghị phúc thẩm như sau: 1. Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm phiến diện hoặc không đầy đủ; 2. Kết luận của bản án hoặc quyết định hình sự sơ