Có thể nói đây là giải pháp hết sức quan trọng, là yếu tố quyết định tới việc hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát mà Đảng và Nhà nước đã giao phó. Hệ thống cơ quan Kiểm sát được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung, thống nhất; với hệ thống dọc từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao đến Viện kiểm sát cấp huyện đều thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Thông qua công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp mới nắm chắc được tình hình chấp hành pháp luật, xác định được mục tiêu, nội dung công tác và có biện pháp chỉ đạo cụ thể để triển khai thực hiện kế hoạch công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật nói chung và kiểm sát xét xử nói riêng
được sát thực tiễn. Mặt khác còn đảm bảo cho bộ máy kiểm sát hoạt động thường xuyên, đồng bộ và có hiệu quả. Chính vì vậy, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành là phương tiện, công cụ để Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp thực hiện chức năng do luật định; quyết định và chỉ đạo những công tác cơ bản để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát xét xử hình sự và quyết định về tổ chức bộ máy, biên chế, kinh phí và cơ sở vật chất cho Viện kiểm sát cấp mình và Viện kiểm sát cấp dưới. Nội dung của công tác quản lý, chỉ dạo, điều hành của ngành Kiểm sát trong kiểm sát xét xử hình sự bao gồm các hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành về tổ chức, cán bộ; về hoạt động nghiệp vụ kiểm sát xét xử; về quản lý, sử dụng các phương tiện, điều kiện vật chất phục vụ cho công tác này được tiến hành thông qua tổ chức; bằng pháp luật, chính sách, chế độ; bằng hệ thống các quy chế về tổ chức, hoạt động và các quy chế nghiệp vụ; bằng kế hoạch và bằng công tác kiểm tra, hướng dẫn của Viện kiểm sát cấp trên đối với Viện kiểm sát cấp dưới. Trên thực tế, so với yêu cầu đặt ra thì công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành Kiểm sát trong kiểm sát xét xử hình sự vẫn còn những bất cập, còn bộc lộ những khuyết điểm, tồn tại cần phải khắc phục là: Việc triển khai thực hiện kế hoạch công tác hàng năm có lúc, có nơi còn chậm, hiệu quả công tác kiểm sát xét xử còn hạn chế. Công tác chỉ đạo của Viện kiểm sát cấp trên đối với Viện kiểm sát cấp dưới chưa kịp thời và có lúc, có nơi thiếu sâu sát, cụ thể. Các vướng mắc trong hoạt động nghiệp vụ kiểm sát xét xử chưa được tổng hợp, nghiên cứu và hướng dẫn kịp thời. Vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý ở một số ít đơn vị trong ngành chưa cao… Từ những tồn tại nêu trên, vấn đề đặt ra là phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tổ chức và hoạt động, trước hết là đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của toàn ngành. Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Viện kiểm sát các cấp, chúng tôi xin đưa ra một số đề xuất sau: Đó là sớm có chủ trương và biện pháp kiện toàn bộ máy làm việc của Viện kiểm sát các cấp theo hướng sắp xếp, điều chỉnh lại cho phù hợp và tăng
cường cho những đơn vị, bộ phận còn yếu; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đối với các đơn vị trong toàn ngành về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát cũng như tăng cường các biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát xét xử; cần xây dựng và triển khai đề án xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên của Viện kiểm sát các cấp có đủ trình độ, năng lực đáp ứng các yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ Kiểm sát viên, tiêu chuẩn hóa các chức danh cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân; tăng cường chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy chế tổ chức và hoạt động, các quy chế nghiệp vụ kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân, nghiên cứu, sửa đổi các quy chế của ngành Kiểm sát nhân dân mỗi khi có sự sửa đổi, bổ sung của pháp luật, nhất là các quy chế về hoạt động nghiệp vụ kiểm sát xét xử hình sự, coi việc thực hiện các quy chế là kỷ luật bắt buộc trong toàn ngành và cần có sự kiểm tra việc thực hiện quy chế đối với các đơn vị trong ngành; quan tâm hơn nữa đến các nhu cầu về kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện và điều kiện làm việc cho ngành Kiểm sát nhân dân có đủ điều kiện tối thiểu để hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là có chính sách về tiền lương, phụ cấp, chế độ công tác phí và các khoản chi tiêu cho hoạt động nghiệp vụ để Kiểm sát viên, cán bộ Kiểm sát yên tâm và có đủ điều kiện làm việc.