Để làm tốt nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử ở phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên phải thực hiện nhiều giai đoạn khác nhau: Trước khi phiên tòa sơ thẩm được mở, khi vụ án được xét xử tại Tòa án và cả sau khi đã được Hội đồng xét xử tuyên án, kết thúc việc xét xử sơ thẩm để đảm bảo các hoạt động của Tòa án sau phiên tòa được thực hiện đúng pháp luật.
Thực tế hiện nay cho thấy các Kiểm sát viên thường chỉ tập trung vào lúc vụ án được đưa ra xét xử, còn khi phiên tòa đã kết thúc thì thường ít quan tâm, chú ý đến các hoạt động nghiệp vụ tiếp theo, buông lỏng chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử đối với các quyết định tố tụng quan trọng. Chính điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng các bản án hình sự sơ thẩm.
Theo Điều 3 Quy chế kiểm sát xét xử các vụ án hình sự thì công tác kiểm sát xét xử vụ án hình sự bắt đầu từ khi chuyển bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn cùng hồ sơ vụ án sang Tòa án để xét xử và kết thúc khi bản án và quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật không bị kháng cáo, kháng nghị. Như vậy phạm vi của công tác này bắt đầu từ ngay sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm và kết thúc khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật không bị kháng cáo, kháng nghị. Theo quy định tại
Điều 255 Bộ luật Tố tụng hình sự thì những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật là những bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm. Tuy nhiên trên thực tế cần chú ý một số vấn đề sau: Trường hợp đối với những bản án, quyết định được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 255 Bộ luật Tố tụng hình sự như: quyết định đình chỉ vụ án khi bị cáo đang bị tạm giam, bản án không kết tội bị cáo khi bị cáo đang bị tạm giam, bản án quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo khi bị cáo đang bị tạm giam, bản án tuyên hình phạt không phải là tù giam hoặc cho hưởng án treo khi bị cáo đang bị tạm giam, bản án tuyên thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn bị cáo đã bị tạm giam thì công tác kiểm sát sau xét xử sơ thẩm vẫn có nhiệm vụ kiểm sát các bản án, quyết định đó để kháng nghị phúc thẩm các bản án, quyết định nếu có căn cứ; Trường hợp tại phiên tòa Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố, Hội đồng xét xử thấy việc rút đó không có căn cứ đã quyết định tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị Viện kiểm sát cấp trên thì các hoạt động của Viện kiểm sát đã rút quyết định truy tố vẫn thuộc phạm vi công tác kiểm sát xét xử sau phiên toà sơ thẩm.
Đối tượng của hoạt động kiểm sát xét xử sau phiên tòa sơ thẩm là các bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, hoạt động chấp hành pháp luật của Tòa án sau phiên tòa sơ thẩm.
Như vậy, không phải chỉ khi Tòa án xét xử sơ thẩm xong là Kiểm sát viên đã xong nhiệm vụ mà sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, hoạt động của Kiểm sát viên vẫn phải được tiếp tục. Cụ thể là: Viện kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, kiểm tra biên bản phiên tòa, kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật, yêu cầu Tòa án cùng cấp và cấp dưới chuyển hồ sơ những vụ án hình sự để xem xét, quyết định việc kháng nghị. Kiểm tra biên bản phiên tòa là nhiệm vụ bắt buộc của Kiểm sát viên.
Điều 224 Bộ luật Tố tụng hình sự đã ghi đầy đủ về "Bản án" bao gồm khoản 1 là phần ghi chép đầy đủ thành phần những người tiến hành tố tụng tại phiên tòa và tham gia tố tụng tại phiên tòa, cũng như những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án được Tòa án triệu tập. Khoản 2 ghi rõ yêu cầu về phần nội dung bản án. Kiểm sát viên cần căn cứ vào nội dung nêu trên để tiến hành kiểm sát bản án.
Điều 27 Quy chế kiểm sát xét xử các vụ án hình sự quy định: "Kiểm sát viên phải kiểm tra bản án hoặc quyết định của Tòa án nhằm phát hiện những sai sót và vi phạm của Tòa án trong việc ra bản án hoặc quyết định" [43]. Khi kiểm sát bản án, Kiểm sát viên phải tập trung đọc kỹ lưỡng toàn bộ bản án, cả phần thủ tục cũng như phần nội dung và phần quyết định của vụ án. Cần khắc phục tình trạng Kiểm sát viên chỉ chú ý đọc phần quyết định của bản án mà không chú ý đọc phần nội dung và thủ tục của bản án. Thực tế đã xảy ra trường hợp bản án ghi sai cả họ tên của các vị Hội thẩm nhân dân, nhầm tên của chủ tọa phiên tòa, tên của Kiểm sát viên tiến hành tố tụng tại phiên tòa, Luật sư vắng mặt tại phiên tòa lại ghi trong bản án là Luật sư có mặt…Có trường hợp biên bản nghị án của Hội đồng xét xử khác với mức án được ghi trong bản án, giữa bản án mà chủ tọa phiên tòa đọc khi tuyên án với bản án chính thức (đánh máy, có chữ ký, đóng dấu) có khi khác nhau về mặt nội dung, phần đọc ở Tòa án phản ánh nội dung sơ sài, đơn giản, thiếu phân tích, nhưng sau đó được sửa chữa viết lại. Hay hiện tượng bản án bị dập, xóa, viết chèn, viết thêm cũng còn xảy ra nhiều, đáng chú ý là tình trạng "đính chính" các bản án hiện nay của Tòa án. Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn chi tiết về vấn đề này, nhưng có nhiều bản án vẫn ra những đính chính không đúng quy định (đính chính cả mức án từ 36 tháng tù thành 30 tháng tù…). Trong quá trình kiểm sát bản án, Kiểm sát viên phải tập trung tư tưởng, đọc kỹ từng phần, từng câu, từng chữ của bản án. Những vi phạm, thiếu sót của bản án phải được phát hiện kịp thời và có hướng xử lý tùy theo mức độ. Những sai sót nhỏ không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án thì nhắc nhở, kiến
nghị Thẩm phán - chủ tọa phiên tòa khắc phục, sửa chữa kịp thời. Những thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến bản chất của vụ án, không đúng với thực tế khách quan thì phải xem xét thận trọng, kịp thời đề xuất với lãnh đạo Viện quyết định kháng nghị.
Sau khi xét xử sơ thẩm xong, Kiểm sát viên cần tập trung vào kiểm sát việc giao bản án của Hội đồng xét xử. Thời hạn giao bản án cho các đối tượng được là 10 ngày theo quy định tại Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự, nhằm tạo điều kiện để những người quy định tại Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự thực hiện việc kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Vì vậy Kiểm sát viên cần chú ý theo dõi, nếu qua 10 ngày mà Tòa án chưa giao bản án thì phải kiến nghị ngay. Việc giao bản án phải được thể hiện bằng biên bản giao - nhận, có chữ ký của người nhận, tránh tình trạng do ngại việc mà Thư ký Tòa án thường giao qua bưu điện nên đã xảy ra việc thất lạc, khó quy kết trách nhiệm.