Kiểm sát việc chuẩn bị xét xử sơ thẩm

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát xét xử vụ án hình sự của Viện kiếm sát nhân dân (Trang 40 - 44)

Chuẩn bị xét xử là chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đưa vụ án ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện tốt việc chuẩn bị xét xử sẽ nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết vụ án được nhanh chóng, chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án, Viện kiểm sát và những người tiến hành tố tụng phải tiến hành các hoạt động nhất định tùy theo chức năng tố tụng của mình. Trong giai đoạn này, đối với Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa tiến hành các hoạt động nghiên cứu hồ sơ vụ án; giải quyết việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn (trừ biện pháp tạm giam), các yêu cầu, khiếu nại của những người tham gia tố tụng; đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án nếu có các căn cứ theo luật định và tiến hành các công việc cần thiết khác cho việc mở phiên tòa. Đối với Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự thì việc kiểm sát các hoạt động chuẩn bị xét xử của Tòa án là một trong số những nhiệm vụ của Kiểm sát viên nhằm thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự. Như vậy, kiểm sát việc chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tiến hành và tham gia tố tụng trong giai đoạn chuẩn

bị xét xử nhằm bảo đảm cho hoạt động xét xử của Toà án đúng pháp luật. Kể từ năm 2002 trở lại đây, hoạt động kiểm sát xét xử do Kiểm sát viên - người đã tiến hành tố tụng ngay từ khi khởi tố vụ án đảm nhiệm. Kiểm sát việc chuẩn bị xét xử sơ thẩm là hoạt động tiếp theo kiểm sát điều tra mà Kiểm sát viên phải thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ được phân công xuyên suốt từ khi bắt đầu đến khi kết thúc việc giải quyết vụ án hình sự.

Phạm vi của hoạt động kiểm sát chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là kiểm sát một phần của giai đoạn xét xử sơ thẩm, bắt đầu từ khi Tòa án nhận được hồ sơ vụ án và kết thúc khi vụ án được đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Đối tượng của hoạt động kiểm sát chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự chính là việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành và tham gia tố tụng tại giai đoạn chuẩn bị xét xử. Về nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm sát viên khi kiểm sát việc chuẩn bị xét xử, căn cứ vào Điều 14 Quy chế kiểm sát xét xử các vụ án hình sự thì:

Kiểm sát viên phải kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án về thẩm quyền xét xử; về việc chuyển vụ án; về thời hạn chuẩn bị xét xử; về việc ra các quyết định: Quyết định áp dụng thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án và việc giao các quyết định này theo Điều 182 Bộ luật Tố tụng hình sự [43].

Cụ thể, Kiểm sát viên phải kiểm sát việc chấp hành thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, kiểm sát việc gửi các quyết định trên cho Viện kiểm sát và những người có liên quan theo quy định của pháp luật (Điều 182 Bộ luật Tố tụng hình sự). Ngoài ra, Kiểm sát viên phải kiểm sát việc ra các quyết định của Tòa án trong thời hạn chuẩn bị xét xử, phải kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của các quyết định, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật trong việc ban hành các quyết định tố tụng của Tòa án.

Đối với trường hợp Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử, Kiểm sát viên tiến hành kiểm sát tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định đưa vụ án ra xét xử bởi quyết định đưa vụ án ra xét xử là một văn bản pháp lý có ý nghĩa quan trọng, khẳng định việc giải quyết vụ án bằng thủ tục xét xử chặt chẽ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Điều này nhằm đảm bảo quyền tham gia bào chữa của bị cáo, đảm bảo quyền chuẩn bị xét xử của những người tham gia tố tụng đối với các vấn đề có liên quan đến họ. Nội dung quyết định đưa vụ án ra xét xử phải có đầy đủ 10 nội dung theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong đó chú ý đến: Thành phần Hội đồng xét xử, danh sách những người tham gia tố tụng được triệu tập đến phiên tòa; sự tham gia phiên tòa của người giám hộ cho người chưa thành niên, luật sư, người bào chữa trong các vụ án theo quy định của điểm a, điểm b khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự; sự tham gia của những người mà lời khai của họ có giá trị chứng minh tại phiên tòa như nhân chứng, bị hại… (Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự), nếu những người đó vắng mặt thì sẽ gây khó khăn cho việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Nếu thấy nội dung quyết định đưa vụ án ra xét xử chưa đầy đủ hoặc chưa đúng thì phải kiến nghị ngay với Tòa án để bổ sung. Kiểm sát viên phải kiểm sát việc giao quyết định này cho Viện kiểm sát, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ và người bào chữa chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa và sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử phải kiểm sát thời hạn mở phiên tòa theo quyết định tại khoản 2 Điều 176 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đối với quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, đây là một biện pháp tố tụng do Tòa án áp dụng nhằm khắc phục những thiếu sót về thủ tục tố tụng cũng như những chứng cứ quan trọng trong việc chứng minh tội phạm, đảm bảo việc truy tố, xét xử đúng người, đúng tội. Khi kiểm sát quyết định trả hồ sơ của Tòa án, Kiểm sát viên phải kiểm tra về thẩm quyền, thời hạn và các căn cứ trả hồ sơ theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Ngoài ra, Viện kiểm sát cũng cần phải xác định tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án sau khi nhận được các

quyết định này. Đối với quyết định tạm đình chỉ vụ án, Kiểm sát viên phải kiểm sát:

1- Thẩm quyền của người ra các quyết định; 2- Căn cứ để tạm đình chỉ phải đúng theo quy định của Điều 160 Bộ luật Tố tụng hình sự; 3- Sau khi tạm đình chỉ, Tòa án phải yêu cầu Cơ quan Điều tra truy nã bị cáo trong trường hợp không rõ bị cáo đang ở đâu hoặc ra quyết định bắt buộc chữa bệnh đối với bị cáo bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh hiểm nghèo khác [28].

Đối với quyết định đình chỉ vụ án, Kiểm sát viên phải kiểm sát các căn cứ mà Tòa án đình chỉ vụ án (Điều 180 Bộ luật Tố tụng hình sự). Tòa án chỉ được đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ sau: "1- Người có yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa (Khoản 1 Điều 105); 2- Căn cứ theo các điểm 3, 4, 5, 6, 7 Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự; 3- Khi Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa" [28]. Nếu phát hiện thấy việc tạm đình chỉ, đình chỉ không đúng theo quy định của pháp luật, thì Kiểm sát viên phải báo cáo lãnh đạo Viện để xem xét, quyết định việc kháng nghị.

Để kiểm sát việc Tòa án giao các quyết định trên thì Kiểm sát viên sau khi nhận được các quyết định trên yêu cầu Tòa án gửi cho những người khác theo quy định, thông qua hoạt động kiểm sát phần thủ tục tại phiên tòa hoặc khiếu nại của người bào chữa, bị can, bị cáo, để phát hiện các vi phạm của Thẩm phán, Thư ký trong việc giao các quyết định để có kiến nghị kịp thời với Chánh án.

Bên cạnh việc kiểm sát quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định trả điều tra bổ sung, quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án, Kiểm sát viên cũng cần phải kiểm sát tính có căn cứ và hợp pháp cũng như thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn, kiểm sát tính có căn cứ và tính hợp pháp của việc hủy bỏ, thay đổi biện pháp ngăn chặn của Tòa án, đồng thời phải liên hệ chặt chẽ

với Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người thi hành án phạt tù về việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với bị cáo của Tòa án để phối hợp theo dõi (Điều 53 Quy chế kiểm sát xét xử các vụ án hình sự). Kiểm sát viên phải phát hiện kịp thời vi phạm của Tòa án để báo cáo lãnh đạo Viện có biện pháp khắc phục.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát xét xử vụ án hình sự của Viện kiếm sát nhân dân (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)