Quan điểm định hướng phát triển nông nghiệp

Một phần của tài liệu Tác động của việc gia nhập WTO tới xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam (Trang 96)

Gia nhập WTO là một dấu mốc quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, nền kinh tế nước ta bước vào một giai đoạn mới, hội nhập sâu và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới. Trở thành thành viên của WTO đã nâng cao vị thế thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo ra những cơ hội lớn để đất nước ta phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn, đồng thời cũng đặt ra những thách thức gay gắt, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phải nỗ lực vượt qua.

Trước tình hình và bối cảnh mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 5/2/2007 đề ra một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết đã nhận định những cơ hội, thách thức trong điều kiện mới, qua đó đề ra một số chủ trương lớn cho phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế đối ngoại và phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Quan điểm chỉ đạo chung của Nghị quyết là: giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hội nhập vì lợi ích đất nước, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nghị quyết cũng nhấn mạnh một số quan điểm cụ thể sau:

- Gắn khai thác với sử dụng có hiệu quả cao các nguồn lực; phát huy tối đa nội lực đi đôi với thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài

tạo thành sức mạnh quốc gia, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động, tích cực tạo ra và sử dụng có hiệu quả cao các lợi thế so sánh của đất nước.

- Trên cơ sở thực hiện các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, đẩy nhanh nhịp độ cải cách thể chế, cơ chế chính sách phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước; chủ động xây dựng các quan hệ với đối tác mới, tham gia vào các vòng đàm phán mới, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế song phương, khu vực và đa phương.

Nghị quyết đề ra một số chủ trương chính sách lớn về nông nghiệp như sau:

- Rà soát, điều chỉnh chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế so sánh, phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, các nguyên liệu, sản phẩm trung gian cạnh tranh được với nguyên liệu và sản phẩm nhập khẩu.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, điều chỉnh quy hoạch phát triển, nhanh chóng có biện pháp nâng cao sức cạnh tranh của một số sản phẩm dự báo sẽ bị ảnh hưởng mạnh khi Việt Nam là thành viên của WTO, như mía đường, bông, rau quả, thịt sữa… quy hoạch lại địa bàn phát triển các ngành hiện đang sử dụng nhiều lao động, có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng giá trị gia tăng thấp như chế biến nông phẩm…

- Bổ sung nguồn lực và tăng cường chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn:

+ Dựa trên nguyên tắc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao hơn, hình thành những vùng sản xuất hàng hoá lớn, tập trung. Đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho

nông dân. Phát triển các loại giống cây, con, ứng dụng công nghệ nuôi trồng tiên tiến…

+ Phát triển quan hệ liên kết giữa các hộ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất muối với cơ sở chế biến, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, cơ sở nghiên cứu khoa học theo mô hình liên kết “3 nhà”; khuyến khích nông dân mua cổ phần trong các nhà máy chế biến nông sản, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất gắn với việc chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các ngành, nghề khác. Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động ở nông thôn, phát triển các làng nghề, các cụm công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Đẩy nhanh tiến trình đô thị hoá nông thôn gắn liền với quy hoạch, hình thành các khu dân cư nông thôn có điều kiện sinh hoạt cao hơn.

+ Tăng ngân sách đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn cùng với việc dành toàn bộ các nguồn vốn hỗ trợ trước đây cho khuyến khích xuất khẩu nông sản để đầu tư phát triển thuỷ lợi, giao thông nông thôn đồng bộ, phù hợp với yêu cầu phát triển. Nhà nước hỗ trợ việc xây dựng hệ thống kho tàng, các cơ sở bảo quản, phơi sấy, sơ chế nhằm giảm hao hụt, đảm bảo chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, hỗ trợ phát triển chợ nông thôn, chợ đầu mối nông sản, tạo điều kiện đẩy mạnh lưu thông, điều tiết giá cả nông sản. Phát triển mạnh hệ thống khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật từ trung ương đến cơ sở để giúp nông dân áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Ngày 5/8/2008, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X đã ra Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu tổng quát như sau: “… xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng,

hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài…”.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng nông, lâm thuỷ sản đạt 3,5-4%/năm.

Các nhiệm vụ cụ thể:

- Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế từng vùng. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường. Phát triển sản xuất với quy mô hợp lý các loại nông sản hàng hoá có lợi thế xuất khẩu;

- Phát triển ngành trồng trọt, hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, thực hiện đầu tư thâm canh, áp dụng giống và quy trình sản xuất mới có năng suất, chất lượng cao; hiện đại hoá công nghiệp bảo quản, chế biến, nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giá trị gia tăng của nông sản hàng hoá. Xây dựng các vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa hàng hoá tập trung, trước hết là các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến …

Trước đó, ngày 20/06/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 150/2005/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn 2020.

Quan điểm của quy hoạch: dựa trên nhu cầu thị trường, phát huy lợi thế và điều kiện tự nhiên của từng vùng, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm đạt năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, tăng khả năng cạnh tranh nông, lâm, thuỷ sản hàng hoá Việt Nam.

Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm, thuỷ sản phải gắn kết chặt chẽ với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung.

Mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp: Xây dựng một nền nông nghiệp hàng hoá mạnh, đa dạng và bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, áp dụng khoa học công nghệ, làm ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và tăng khả năng cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

Mục tiêu cụ thể của phát triển nông nghiệp đến năm 2020 như sau: - Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản đạt bình quân 4%/năm.

- Cơ cấu kinh tế nông nghiệp: trồng trọt 50%, chăn nuôi 35% và dịch vụ 15%.

- Kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thuỷ sản hàng năm đạt 17,5-18 tỷ USD, trong đó nông sản đạt 9,5-10 tỷ USD.

Một phần của tài liệu Tác động của việc gia nhập WTO tới xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam (Trang 96)