Xây dựng chiến lược phát triển ngành

Một phần của tài liệu Tác động của việc gia nhập WTO tới xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam (Trang 107)

Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế so sánh từng vùng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường, phát triển sản xuất với quy mô hợp lý các loại nông sản hàng hoá xuất khẩu có lợi thế. Ngành nông nghiệp cần phải được hoạch định một chiến lược tổng thể, chủ động hội nhập

kinh tế quốc tế. Bản thân ngành nông nghiệp không phải là mục tiêu cuối cùng của quá trình hội nhập mà sự phát triển đó phải gắn kết hài hoà với chiến lược phát triển chung, làm nền móng, cơ sở cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Quy hoạch phát triển nông nghiệp phải gắn kết với các chính sách khác, đặc biệt là chính sách thương mại, môi trường, lao động…

Quy hoạch phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển tổng hợp, nhưng cần ưu tiên phát triển các mặt hàng có thế mạnh và có khả năng cạnh tranh cao. Trong quá trình quy hoạch cần phải tính đến và cân nhắc kỹ càng đến các cam kết quốc tế để tránh đầu tư vào các lĩnh vực lợi thế so sánh thấp, sau một số năm phát triển lại đòi hỏi bảo hộ. Cần hình thành nên các vùng sản xuất tập trung, thực hiện đầu tư thâm canh, sử dụng giống và quy trình sản xuất mới có năng suất, chất lượng cao. Xây dựng các vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả, rau… làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Mỗi doanh nghiệp và ngành hàng cần chủ động và thực thi chiến lược đa dạng hoá thị trường. Nhà nước cũng cần xây dựng chiến lược thị trường đối với các thị trường lớn, dài hạn và tin cậy.

Đối với những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu, có sức cạnh tranh khá, có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao cần xây dựng chiến lược sản phẩm từ khâu giống, khối lượng, công nghệ, chế biến, nghiên cứu và tiếp cận thị trường. Đây là vấn đề đầu tư phát triển theo chiều sâu có chọn lọc nhằm cho phép phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đất nước.

Tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, trước mắt đầu tư xây dựng hiện đại hoá kết cấu hạ tầng nông nghiệp. Trong điều kiện gia nhập WTO, không

nên đầu tư vào các lĩnh vực hấp dẫn đầu tư tư nhân mà nên tập trung phát triển vào một số hoạt động như cơ sở hạ tầng, khuyến nông. Đầu tư cho khuyến nông là biện pháp đầu tư hiệu quả cho việc nâng cao trình độ nhận thức cho nông dân và phát triển nguồn nhân lực của Chính phủ. Cần tuyên truyền cho nông dân nhận thức rõ nông sản nước ta muốn cạnh tranh và chiếm lĩnh được thị trường trong nước và quốc tế thì phải có chất lượng cao và đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, về hình thức, đặc tính, hương vị, có khối lượng lớn, giao hàng đúng thời hạn…

Dịch vụ khuyến nông phải trở thành dịch vụ tư vấn toàn diện, không chỉ làm nhiệm vụ xúc tiến đầu vào mà cả cung cấp hướng dẫn kỹ thuật, canh tác, chăn nuôi, tư vấn tiếp thị…, thông qua đó, nông dân có thể làm quen với công nghệ sản xuất tiên tiến mà còn tiến tới làm chủ các công nghệ đó và kết hợp với kỹ thuật sản xuất, canh tác truyền thống để đạt hiệu quả cao trong sản xuất. Trong điều kiện ràng buộc bởi WTO, đầu tư hơn nữa và đảm bảo cho hệ thống khuyến nông hoạt động hết năng lực và hiệu quả là chính sách phù hợp với cam kết WTO nhằm giúp đỡ nông dân một cách hiệu quả.

Một phần của tài liệu Tác động của việc gia nhập WTO tới xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam (Trang 107)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)