Cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu

Một phần của tài liệu Tác động của việc gia nhập WTO tới xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam (Trang 51)

Cơ hội

Thứ nhất, cơ hội tiếp cận, mở rộng thị trường và được đối xử bình đẳng trên thị trường quốc tế: Thị trường xuất khẩu nông sản sẽ được mở rộng hơn rất nhiều do được hưởng quy chế tối huệ quốc (MFN) vô điều kiện. Hàng

Việt Nam sẽ được cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ khác, không còn vướng các rào cản thuế quan và hạn ngạch. Chính sách bảo hộ nông nghiệp của các nước phát triển cũng phải hạn chế nên sẽ tạo điều kiện để những nông sản có lợi thế cạnh tranh của nước ta xâm nhập vào các thị trường đó. Như vậy, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ được hưởng một môi trường ổn định và bình đẳng hơn. Điều đó không chỉ thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường truyền thống mà còn xuất khẩu các sản phẩm mới sang các thị trường mới.

Khi chưa là thành viên WTO, Việt Nam phải chịu mức thuế phân biệt đối xử, lệ phí hạn ngạch cao hơn. Ví dụ, lệ phí hạn ngạch cho những doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu cao su của Thái Lan, Malaysia, Indonesia chỉ bằng 60-65% so với lệ phí hạn ngạch nhập khẩu cao su của Việt Nam. Gia nhập WTO cũng giúp Việt Nam có nhiều cơ hội kí kết hợp đồng với các đối tác ở nhiều nước thành viên WTO, tránh được tình trạng lệ thuộc - xuất khẩu phần lớn sản phẩm vào một thị trường vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì mức độ lệ thuộc quá lớn.

Hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ ít bị tổn thương bởi những hành vi bảo hộ mậu dịch, trừng phạt kinh tế của các quốc gia trong trường hợp có tranh chấp kinh tế, thương mại hoặc do chính trị. Khi gia nhập WTO, tất cả các nước thành viên đều phải tuân thủ theo nguyên tắc chung là sự đồng thuận giữa các thành viên. Do đó, trong quá trình giải quyết tranh chấp trong WTO, nước ta sẽ được đối xử một cách bình đẳng hơn.

Thứ hai, thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới: Là thành viên WTO sẽ như một chứng chỉ giúp Việt Nam tạo dựng được lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Nước ta có nguồn lao động rẻ, nguyên liệu dồi dào, gần thị trường nội địa, là yếu tố tích

cực thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài là một kênh giúp nước ta tiếp cận khoa học công nghệ và kiến thức quản lý tiên tiến trên thế giới, tạo cơ hội hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng các cơ sở chế biến các sản phẩm có chất lượng cao, giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, giảm bớt xuất khẩu các sản phẩm thô, sản phẩm sơ chế…

Thứ ba tạo áp lực đổi mới, minh bạch chính sách trong nước: Gia nhập WTO sẽ tạo áp lực cho nước ta đổi mới các chính sách và phát triển khuôn khổ pháp lý hài hoà với các quy định quốc tế, đó là minh bạch hơn, có thể dự đoán được và có tính ổn định. Bên cạnh đó, công tác quản lý hành chính một số công đoạn được đơn giản hoá và hài hoà với sự nỗ lực đảm bảo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại.

Việc cải cách, minh bạch hoá chính sách trong nước góp phần tạo môi trường cạnh tranh và bình đẳng tạo điều kiện cho việc phát triển các loại hình doanh nghiệp trong nông nghiệp. Môi trường và cơ chế được điều chỉnh phù hợp với các quy định quốc tế đang khuyến khích các ngành kinh tế tăng đầu tư, mở rộng các hoạt động kinh doanh nông nghiệp, góp phần đa dạng hoá các hoạt động theo định hướng sản xuất hàng hoá với năng suất cao, chất lượng và hiệu quả cũng như nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thứ tư, nâng cao năng lực cạnh tranh: Khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp phải đối mặt với môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn. Để đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh quốc tế, các doanh nghiệp buộc phải liên tục đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, kỹ năng quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia.

Việc giảm thuế quan một mặt làm giảm thu ngân sách quốc gia, gia tăng áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhưng mặt khác đây cũng là một

động lực thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển hơn, tăng chuyên môn hoá, tăng quy mô sản xuất, phát huy tốt hơn lợi thế so sánh về lao động, tài nguyên, thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu. Áp dụng một mức thuế thống nhất góp phần làm giảm sự khác biệt giữa mức thuế bảo hộ thực tế trong các ngành khác nhau, cải thiện được việc phân bổ nguồn lực.

Khó khăn, thách thức

Sau khi gia nhập WTO, bên cạnh những cơ hội, nước ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Một là áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. Khi gia nhập WTO nước ta phải trao quy chế đối xử quốc gia cho các thành viên của WTO, phải tiến hành giảm thuế quan và ràng buộc các dòng thuế, gỡ bỏ các hàng rào phi thuế nhất định. Khi đó, nông sản nước ta sẽ phải cạnh tranh gay gắt với nông sản các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh của nông sản nước ta hiện nay còn thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ chế biến còn thiếu và yếu. Gia tăng áp lực cạnh tranh là một thách thức không nhỏ đối với sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản nước ta.

Hai là điều chỉnh hệ thống, chính sách nông nghiệp: Việt Nam đã, đang và sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp với các quy định của WTO và điều kiện phát triển trong nước. Trong thời kỳ đầu gia nhập WTO, việc điều chỉnh hệ thống chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách nông nghiệp nói riêng phù hợp với các quy định của WTO và các cam kết gia nhập tổ chức này của nước ta, đồng thời tận dụng được cơ hội của hội nhập mang lại, giảm thiểu các nguy cơ, thách thức là một bài toán không đơn giản với các nhà hoạch định chính sách. Ví dụ như nước ta cam kết hỗ trợ trong nước 10% giá trị sản xuất nông nghiệp, hiện nay việc bảo hộ nước ta chưa đến mức đó. Tuy nhiên, với lộ trình cắt giảm thuế quan và rỡ bỏ hàng rào phi thuế thì nước ta

sẽ phải hỗ trợ cho nông nghiệp như thế nào để vẫn đảm bảo sự phát triển nhưng không vi phạm các cam kết với WTO.

Ba là tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo vệ môi trường: Các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường và sức khoẻ con người đã được nhiều nước sử dụng như một hàng rào mới để bảo vệ sản xuất trong nước. Khi muốn xâm nhập vào thị trường các nước này, nông sản Việt Nam cũng buộc phải đạt được các tiêu chuẩn đó. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là Việt Nam chưa có hệ thống giám sát chất lượng hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều này dẫn đến nguy cơ vi phạm các quy định của WTO về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh do bản thân quá trình nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu nông sản của Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu. Nhiều sản phẩm có dư lượng thuốc trừ sâu, kháng sinh khá cao. Việc lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu của nông dân nước ta gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, môi trường, năng suất và chất lượng vật nuôi, cây trồng, độ an toàn của thực phẩm. Mặt khác, việc thực hiện SPS đòi hỏi áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia trong sản xuất nông nghiệp rất khó thực hiện đối với những người sản xuất nghèo, quy mô nhỏ, ở những vùng sâu, vùng xa. Nhưng nếu nước ta thực hiện không tốt thì các nông sản xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của WTO và của các bạn hàng quốc tế.

Hơn nữa, các quy định liên quan đến môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm của WTO còn chung chung, chưa đưa ra căn cứ sát thực để xác định những tác động đến môi trường, sức khoẻ của các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân đạm… Do đó, các nước phát triển đã áp dụng các tiêu chuẩn môi trường một cách nghiêm ngặt sẽ làm cản trở rất lớn tới khả năng cạnh tranh của nông sản nước ta ví dụ như Nhật Bản, các nước EU… Điều này càng đặc biệt khó khăn khi nhiều nước sử dụng hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm với mục đích bảo hộ sản xuất trong nước

Một phần của tài liệu Tác động của việc gia nhập WTO tới xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam (Trang 51)