Là con trai của một gia đình thợ may đông con ở Auxerre, FOURIER mồ côi cha từ năm 10 tuổi, nên từ bé được gia đình hướng theo nghề thợ may của cha. Từ năm 12 tuổi FOURIER đã có tài viết văn, vì thế ông được sai bảo vào trong nhà thờ viết bài phát biểu cho các chức sắc. Nhưng vì say mê Toán học, lợi dụng công việc được giao, ông lấy trộm nến của nhà thờ để thức đêm đọc tác phẩm Toán học của BÉZOUT và CLAIRAUT. Nhưng tổ phụ của FOURIER là Pierre de Mattincourt vốn là người hiền đức, có công với nhà thờ, về sau được phong Thánh nên nhà thờ có nhiệm vụ chăm sóc, lo cho ông học hành. Ban đầu người ta dạy ông tiếng La tinh. Ông học rất giỏi nên được tiếp tục học ở trường trung học Auxerre. Ở đó ông là một học sinh xuất sắc nên người ta gửi ông lên học Trung học ở Paris. Học xong, trở về Auxerre ông muốn tham gia binh nghiệp nhưng vì là cháu chắt của người được phong Thánh nên ông được chọn vào con đường tu hành ở Nhà thờ thánh Benoit trên sông Loire. Ông thất vọng, nhanh chóng chán cuộc sống kinh kệ nên xin được trở về quê dạy học và bắt đầu nghiên cứu Khoa học. Cách mạng Pháp nổ ra năm 1789 thì FOURIER vẫn đứng ngoài thời cuộc cho đến 1793 và từ đó ông bắt đầu tham gia bằng việc đi tuyển quân cho quân đội Cách mạng vùng Yonne. Ông được phái về Orléans để tịch thu ngựa và tài sản của bọn quý tộc phản động. Trong thành phố lúc ấy đang có cuộc ẩu đả giữa người nghèo và dân tư sản. FOURIER đứng về phía người nghèo. Ông bị bắt và bị bỏ tù cho đến 11/8/1794 thì được giải phóng.
Năm 1794, FOURIER vào học trường Cao học sư phạm vừa mới mở. Sau khi tốt nghiệp, ông vào dạy trường Đại học bách khoa. Năm 1798 ông theo Hoàng đế Napoléon sang chinh phục Ai Cập. Năm 1801 ông trở về Pháp, quyết tâm đi vào con đường nghiên cứu Khoa học nhưng ông lại bị phong làm quan huyện ở Isére năm 1802. Ông đành lao vào công việc cũng say sưa như nghiên cứu Khoa học. Ông có công trong việc lấp đồng lầy ở Bourgoin, xây con đường Grenoble-Briancon qua đèo Lautaret, phát triển mạnh văn hóa vùng Dauphiné. Ông lại chuyển qua làm huyện quan vùng Rhône năm 1815. Sau một thời gian ngắn ông được chuyển về Sở Thống kê của vùng Seine (Paris). Năm 1816 ông đắc cử vào Viện Hàn lâm Khoa học nhưng vua Louis XVIII không chấp nhận, có lẽ muốn giữ ông lại làm quan. Năm sau ông lại đắc cử, nhà vua đành nhường bộ, FOURIER nhanh chóng được bầu làm Bí thư vĩnh viễn của Viện Hàn lâm Khoa học. Năm 1826 ông được bầu vào Viện hàn lâm Văn học Pháp (Académie francaise). Về Khoa học, FOURIER có công trình nghiên cứu về Lý thuyết Nhiệt học ; về Toán học ông nghiên cứu về phương trình vi phân, các chuỗi lượng giác ; nhưng có thiếu sót là công trình nghiên cứu của ông chưa chặt chẽ cho nên phải xem đi xem lại nhiều lần trước khi công bố. Bệnh hoạn, ông tự cho là chỉ có nhiệt mới cứu sống nổi ông nên ông sưởi nóng thái quá chỗ ở của ông và ông mất sau một cơn suy tim. Có lẽ bắt nguồn từ những ngày ở Ai Cập, nên khi về Pháp ông nghiên cứu hiện tượng truyền nhiệt trong vật rắn. Việc nghiên cứu này dẫn tới các phương trình đạo hàm riêng. FOURIER giải các phương trình ấy dưới dạng một tổng vô hạn các số hạng cos nx với n nguyên. Ông tìm các hệ số an trước mỗi số hạng. Lúc đầu ông tự hạn chế trong 7 phương trình đầu nhưng sau đó ông nhận thấy rằng có thể giải dễ dàng nhờ tính tích phân dựa vào tính chất trực giao của các hàm lượng giác. Ông là người đầu tiên giải quyết bài toán khai triển một hàm thành chuỗi lượng giác. Bài toán này được đặt ra
từ thời EULER, Daniel BERNOULLI và D'ALEMBERT. Nhưng bài toán này cần xem xét kỹ hơn nên được tiếp tục sau khi FOURIER mất. DIRICHLET là người có công trong việc này. Một khi làm việc gì thì FOURIER say sưa, vì thế ông để lại cho đời sau nhiều bài viết có giá trị thuộc lĩnh vực Khoa học cũng như Văn học. Hồi ký về chuyến đi Ai Cập là một ví dụ. Còn một chi tiết thú vị nữa là FOURIER có sáng chế một thủy triều kế dùng để đo giờ giấc và độ cao của thủy triều ở từng hải cảng lớn của nước Pháp.