Thị trường khách quốc tế: Căn cứ vào thực tế phát triển thị trường du lịch của Phú Thọ vừa qua, xu thế phát triển thị trường khách du lịch Việt Nam và khu vực, khả năng phát triển sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường, định hướng thị trường khách du lịch Phú Thọ từ nay đến năm 2020 theo các phân đoạn: thị trường gần, cần ưu tiên và thị trường truyền thống.
Thị trường gần: Mặc dầu khách quốc tế đến Phú Thọ thời gian qua còn ít, nhưng căn cứ vào xu thế phát triển chung việc thu hút khách thị trường khách này vẫn là hướng ưu tiên, đặc biệt là khi hát Xoan được UNESSCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, và trong tương lai khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được công nhận Di sản văn hóa thế giới.
Từ thực tế và khả năng khai thác, trong các thị trường khách du lịch quốc tế đến Phú Thọ khả năng phát triển gồm:
- Thị trường, các nước và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan sẽ là thị trường trọng điểm hàng đầu.
- Thị trường các nước ASEAN.
Đặc điểm các thị trường khách quốc tế theo định hướng như sau:
* Thị trường Đông Bắc Á: Chiếm trên 15% thị phần khách quốc tế đến vùng và có xu hướng phát triển nhanh trong thời gian tới.
- Khách du lịch Trung Quốc: Khách du lịch Trung quốc đến Phú Thọ sẽ chiếm số đông chủ yếu khai thác từ hành lang Côn Minh - Lào Cai-Hà Nội. Khả năng chi tiêu của khách Trung Quốc không cao, sử dụng các dịch vụ du lịch với chất lượng ở mức trung bình, ít khi sử dụng các dịch vụ cao cấp so với các thị
88
trường khác. Khách Trung Quốc thường đến với mục đích buôn bán, thăm quan thắng cảnh, thăm thân.
- Khách du lịch Đài Loan: Khách du lịch Đài Loan đến chủ yếu với mục đích thương mại, hội nghị hội thảo, tìm kiếm cơ hội đầu tư kết hợp tham quan du lịch. Vì vậy Phú Thọ có nhiều cơ hội đón dòng khách du lịch này. Khách Đài Loan còn thích vui chơi giải trí, thể thao. Khả năng chi tiêu của họ tương đối cao và thường sử dụng các dịch vụ lưu trú có chất lượng cao, sử dụng nhiều các dịch vụ du lịch bổ sung khác.
- Khách du lịch Nhật Bản: Hiện nay Phú Thọ còn ít hấp dẫn đối với thị trường này, tuy nhiên với tiềm năng du lịch, đặc biệt về văn hoá và nghỉ dưỡng, Phú Thọ sẽ là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch Nhật Bản trong tương lai gần. Khách Nhật Bản có khả năng chi trả rất cao, tuy nhiên đòi hỏi chất lượng các dịch vụ hoàn hảo, họ thường ở các khách sạn cao cấp 4-5 sao.
- Khách du lịch Hàn Quốc: Chiếm tỷ trọng không lớn nhưng khách Hàn Quốc chủ yếu là khách thương mại, công vụ, là các nhà đầu tư có khả năng chi trả cao, có sở thích gần giống như khách Nhật Bản.
* Thị trường các nước ASEAN: Khách du lịch từ các nước ASEAN đến Phú Thọ thông qua trung tâm du lịch Hà Nội và có thể trực tiếp từ các tỉnh trong vùng Trung du miền núi Bắc Bộ. Từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN, số lượng khách du lịch đến từ các nước này có xu hướng tăng nhanh. Đặc điểm của thị trường khách ASEAN đến Việt Nam nói chung là vì mục đích thương mại sau đó là mục đích tham quan thắng cảnh, thăm thân. Phần lớn khách ASEAN đi lẻ và đến Việt Nam lần đầu. Tuy vậy có hơn nửa số khách có nguyện vọng quay trở lại du lịch Việt Nam. Khách du lịch ASEAN đến Việt Nam có khả năng chi tiêu lớn, đặc biệt là khách thương mại. Tuy nhiên, những thị trường này cũng có những đòi hỏi cao như giá rẻ, dịch vụ chất lượng, hiệu quả, mặt hàng phong phú phù hợp với ý thích mua sắm, đồng thời các sản phẩm du lịch phải khác riêng biệt so với sản phẩm ở nước họ, tránh sự nhàm chán, lặp lại giữa các nước trong khu vực.
89
Đối với du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Phú Thọ nói riêng thì thị trường các nước ASEAN (chủ yếu là Lào, Thái Lan, Campuchia) sẽ là thị trường hết sức quan trọng, cần hướng tới khai thác qua các chương trình du lịch chung của các quốc gia trong khu vực, du lịch carnavan...
Thị trường truyền thống: Gồm thị trường Bắc Mỹ (Mỹ, Canada), thị trường Tây Âu (Đức, Anh, Pháp) là những thị trường khách du lịch nước ngoài hàng đầu thế giới đã đến Việt Nam từ lâu và tiếp tục hướng tới khai thác. Đây là thị trường với khả năng tiêu dùng du lịch rất lớn cần được ưu tiên khai thác.
Thị trường Tây Âu: Đây là phần thị trường quan trọng, trong tương lai sẽ chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu khách quốc tế đến vùng. Thực tế phát triển du lịch thời gian qua cho thấy đây là một thị trường du lịch triển vọng, tuy nhiên thời gian gần đây thị trường này có xu hướng chững lại và giảm dần thị phần của mình. Hai thị trường truyền thống quan trọng nhất là Pháp, ngoài ra vùng còn đón khách du lịch từ Anh, Đức.
Khách du lịch Tây Âu đến Việt Nam nói chung chủ yếu với mục đích tham quan thắng cảnh, thương mại, khám phá, mạo hiểm. Họ thích tìm hiểu văn hóa lịch sử và đến các khu vực còn bảo tồn được tương đối nguyên vẹn các giá trị văn hoá, tự nhiên. Các đồ thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm và món ăn Việt Nam rất được khách Tây Âu ưa chuộng. Đây cũng là thế mạnh mà du lịch Phú Thọ cần quan tâm.
Thị trường du lịch Bắc Mỹ: Cũng giống như thị trường du lịch Tây Âu, thị trường du lịch Bắc Mỹ (chủ yếu là Mỹ và Canada) là thị trường có nhiều triển vọng đối với du lịch Phú Thọ bởi ở đây có thể phát triển được những sản phẩm ưa chuộng của thị trường này, đặc biệt là du lịch sinh thái, thể thao, mạo hiểm. Đây cũng là thị trường có khả năng thanh toán cao, có nhu cầu về chất lượng các dịch vụ du lịch cao.
Thị trường du lịch Úc: Cũng được xác định là thị trường truyền thống cần quan tâm khai thác. Tính chất của dòng khách du lịch từ Úc giống như các nước Châu Âu, Bắc Mỹ.
90
Tập trung khai thác thị trường khách quốc tế là Việt Kiều tại các nước trên thế giới (Mỹ, Canada...) với các sản phẩm du lịch “Về cội nguồn các dân tộc Việt Nam”.
(Tham khảo định hướng các thị trường khách quốc tế của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ theo mục đích đi du lịch ở phụ lục 4)
Thị trường khách nội địa: Thị trường khách nội địa được định hướng là thị trường chú trọng phát triển của du lịch Phú Thọ đặc biệt là khách có sử dụng dịch vụ lưu trú do xu hướng đi du lịch trong nước tăng nhờ kinh tế phát triển, mức sống cao hơn, thời gian rỗi nhiều hơn, nhận thức về du lịch được nâng cao, thông tin du lịch được phổ biến thường xuyên hơn. Đặc biệt từ khi Giỗ Tổ Hùng Vương được công nhận là Quốc giỗ; Đền Hùng được định hướng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Phú Thọ là cội nguồn của các dân tộc nên việc thu hút khách nội địa ngày càng đông.
Khách nội địa đến Phú Thọ được xác định rất đa dạng thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau có thể đi lẻ hoặc đi theo đoàn. Đặc điểm của từng đối tượng chính như sau:
- Khách du lịch văn hóa, tâm linh: Trong mấy năm gần đây khách du lịch lễ hội - tín ngưỡng phát triển nhanh. Đối tượng chính của loại hình du lịch này là những người lớn tuổi, những người buôn bán, kinh doanh đến từ khắp nơi trên cả nước. Các địa bàn chủ yếu thu hút khách du lịch loại này tập trung ở khu vực Đền Hùng, Việt Trì, Đền Mẫu Âu Cơ,... Tuy nhiên loại khách này ít sử dụng lưu trú nếu Phú Thọ không có sự đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
- Khách du lịch thương mại, công vụ: Chủ yếu đến từ Hà Nội và các thành phố lớn khác. Đối tượng chính của loại hình du lịch này là cán bộ công nhân viên trong các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp... thường kết hợp giữa công tác và du lịch. Khả năng chi tiêu của các đối tượng du lịch này khá cao, nên họ thường sử dụng các dịch vụ du lịch cao cấp hơn. Loại hình du lịch này cũng thường diễn ra quanh năm. Địa bàn chủ yếu là khu vực TP. Việt Trì. Đối với du lịch Phú Thọ cần
91
phát triển loại khách này gắn với các sự liện như hội nghị, hội thảo, thi đấu thể thao…
- Khách du lịch tham quan thắng cảnh, di tích: Đối tượng khách du lịch thuộc nhiều lứa tuổi. Các khu vực đón nhiều khách du lịch nội địa với mục đích này là Thành phố Việt Trì, Vườn quốc gia Xuân Sơn, đầm Ao Châu, đầm Vân Hội… tham quan các di tích lịch sử văn hóa; thắng cảnh hang động,...
- Khách du lịch sinh thái: Đây là loại hình du lịch mới phát triển ở nước ta. Mặc dù những hoạt động đích thực với bản chất du lịch sinh thái còn rất hạn chế, tuy nhiên đã thu hút một lượng khách du lịch đáng kể, đặc biệt là sinh viên, học sinh, cán bộ nghiên cứu. Phú Thọ có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái hang động, suối thác ở Vườn quốc gia Xuân Sơn, Cự Thắng, Ao Giời - Suối Tiên...
- Khách du lịch nghỉ dưỡng, cuối tuần: Đối tượng là người Hà Nội, dân chúng vùng lân cận các điểm du lịch cuối tuần, muốn đi dã ngoại tìm cảm giác thoải mái sau một tuần làm việc. Loại hình này có xu hướng phát triển, đặc biệt sau khi nhà nước cho nghỉ 2 ngày/tuần. Các điểm thu hút khách nghỉ cuối tuần của Phú Thọ hiện nay là Thanh Thủy, cụm di tích danh thắng ở thành phố Việt Trì.
Khách nội địa cần chú trọng khai thác các nguồn đến từ các vùng đồng bằng sông Hồng, vùng núi phía Bắc, các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...và từ trong tỉnh.
3.1.4. Phát triển sản phẩm du lịch