Đặc điểm văn học, nghệ thuật

Một phần của tài liệu Quan hệ gia đình trong cái nhìn so sánh giữa ca dao Nam Bộ và ca dao Bắc Bộ (Trang 30)

Người dân Nam Bộ luôn sôi nổi trong những sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng. Những sinh hoạt này chính là môi trường sản sinh và nuôi dưỡng văn hóa dân gian. Người Nam Bộ dù là sắc tộc nào, người Kinh, người Chăm hay người Khơme cũng đều yêu thích âm nhạc và ca hát. Nói đến nghệ thuật ca hát dân ca cổ truyền Nam Bộ thì phải kể tới một loạt những loại hình nghệ thuật phổ biến như: đờn ca tài tử, cải lương, hát bội, lý… và một kho tàng dân ca nhạc cổ phong phú. Có được kho tàng âm nhạc độc đáo như vậy cũng nhờ Nam Bộ có sự đa dạng và hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Những điệu hò, lý, điệu hát ru cũng mang đậm hình ảnh thiên nhiên và con người, chứa đựng những sắc thái riêng biệt. Hình thức văn học truyền miệng là hình thức phát triển mạnh mẽ và được ưa chuộng ở Nam Bộ. Do vậy Nam

Bộ cũng là mảnh đất màu mỡ cho ca dao, tục ngữ, truyện kể dân gian phát triển rực rỡ.

Về ngôn ngữ thì đặc trưng của ngôn ngữ Nam Bộ là giàu tính hình tượng cụ thể, giàu hình ảnh và giàu chất hài hước. Từ cách sống phóng khoáng của cư dân miệt vườn mà người dân Nam Bộ hình thành thói quen sử dụng từ tùy thích miễn là phản ánh đúng điều mà họ muốn nói tới. Do đó ngôn ngữ của Nam Bộ trong các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian cũng rất bình dân, gần gũi. Đặc biệt người Nam Bộ còn đưa phương ngữ vào những điệu lý, điệu hò, những câu ca dao, dân ca, những câu chuyện kể… một cách vô cùng tự nhiên, tạo nên một đặc điểm riêng biệt, độc đáo cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian của mình.

Tiểu kết

Giống như tất cả các thể loại văn học, ca dao cũng hướng đến đối tượng trung tâm là con người, khám phá và phát hiện ra những vẻ đẹp của con người thể hiện trong cuộc sống. Với đời sống tinh thần của người bình dân có thể nói tình và nghĩa luôn luôn là hai điều cốt lõi, được đề cao. Tình và nghĩa đó được thể hiện ở mọi phương diện của cuộc sống, thể hiện trong cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt và đặc biệt là trong các mối quan hệ tình cảm như tình yêu đôi lứa và tình cảm gia đình. Ca dao về quan hệ gia đình, về mối quan hệ cha con, chồng vợ, anh em chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong kho tàng ca dao của người Việt.

Người Việt luôn mang trong mình lòng yêu quý tổ tông, giống nòi nên tình cảm gia đình được coi là một nét đẹp truyền thống muôn đời và cũng chính vì vậy mảng ca dao về quan hệ gia đình luôn luôn phong phú và nhiều màu sắc. Những câu ca dao về quan hệ gia đình có một đời sống riêng, có vị trí và vai trò không thể thay thế được trong ca dao dân tộc. Tình cảm gia đình

là một trong những tình cảm thiêng liêng, tôn quý mà không một người dân Việt Nam nào không trân trọng. Có thể nói ca dao đã góp phần thể hiện và lưu giữ hoàn hảo nét đẹp cao quý, thiêng liêng của những mối quan hệ gia đình đó. trong khi quan hệ gia đình cũng là một yếu tố nội dung làm nổi bật lên được giá trị nhân văn của ca dao. Việc so sánh ca dao về quan hệ gia đình giữa Nam Bộ và Bắc Bộ thiết nghĩ cho đến cùng cũng để chỉ ra giá trị và vị trí của những câu ca với chủ đề này trong kho tàng ca dao cổ truyền Việt Nam. Việc phân vùng văn hóa để tìm hiểu về ca dao có ý nghĩa quan trọng để nghiên cứu sự chuyển động về mặt không gian và sự phát triển thể loại theo thời gian. So sánh ca dao của hai vùng để chỉ ra những điểm giống nhau và khác nhau, chỉ ra sự thống nhất trong dòng chảy của ca dao Việt cũng như bản sắc độc đáo của mỗi vùng văn hóa đối với một chủ đề quen thuộc. Để làm được điều này, luận văn sẽ xem xét và đối chiếu ca dao về quan hệ gia đình của Nam Bộ và Bắc Bộ ở cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật, phân tích những điểm giống, khác nhau và lí giải nguyên nhân. Có thể kể ra ở đây nhiều mối quan hệ gia đình của người Việt như quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, quan hệ giữa người làm dâu và anh em chồng, quan hệ giữa chàng rể với bố mẹ hay anh em vợ, quan hệ mẹ kế - con chồng, quan hệ cô, bác, cậu, dì… nhưng luận văn sẽ tập trung so sánh dựa trên ba mối quan hệ gia đình chính mang tính rường cột, phản ánh đặc điểm chung của quan hệ gia đình Việt Nam: quan hệ cha mẹ - con cái, quan hệ vợ chồng và quan hệ anh em.

Chương 2

SO SÁNH NỘI DUNG CÁC BÀI CA DAO QUAN HỆ GIA ĐÌNH TRONG CA DAO BẮC BỘ VÀ CA DAO NAM BỘ

Một phần của tài liệu Quan hệ gia đình trong cái nhìn so sánh giữa ca dao Nam Bộ và ca dao Bắc Bộ (Trang 30)