Lối diễn đạt thậm xưng, ngoa dụ là lối nói cường điệu hóa sự vật gợi sự liên tưởng để phản ánh cuộc sống một cách sinh động thấm thía của người bình dân. Lối nói này chúng ta có thể tìm thấy trong ca dao về quan hệ gia đình của hai miền Nam Bắc ở nhiều cách sử dụng, nhiều hoàn cảnh sử dụng khác nhau. Mang tính chất cường điệu nên lối nói này hữu dụng khi thể hiện những tình cảm sâu nặng, những xúc cảm mạnh mà nhân vật trữ tình cần khẳng định. Ví như tình cảm vợ chồng:
Đã rằng là nghĩa vợ chồng
Dù cho nghiêng núi cạn sông chẳng rời
Lời ca dao viện dẫn những hiện tượng tự nhiên hiếm thấy như “nghiêng núi”, “cạn sông” để thể hiện tình yêu chung thủy, sắt son, không gì lay chuyển.
Ca dao Bắc Bộ thường sử dụng lối nói cường điệu, ngoa dụ, phóng đại để phê phán những thói hư, tật xấu trong cuộc sống gia đình tạo nên tiếng cười trào lộng:
Đêm nằm nghĩ lại mà coi Lấy chồng đánh bạc như voi phá nhà
Chồng người thổi sáo thổi tiêu Chồng tôi ngồi bếp húp riêu bỏng mồm
Chồng người đánh Bắc dẹp Đông Chồng em ngồi bếp giương cung bắn mèo
Lối diễn đạt thậm xưng, ngoa dụ còn được tác giả dân gian Bắc Bộ sử dụng để tạo nên sự hóm hỉnh, khôi hài, bông đùa rất thú vị, đặc biệt là những lời ca về chuyện vợ chồng:
Lỗ mũi em có tám gánh lông Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho
Đêm nằm thì gáy o o
Chồng yêu chồng bảo gáy cho vui nhà Đi chợ thì hay ăn quà
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm Trên đầu những rác cùng rơm Chồng yêu chồng bảo hoa thơm đội đầu
Các tác giả bình dân Nam Bộ lại tỏ ra rất đặc sắc trong việc dùng thậm xưng, ngoa dụ để biểu hiện trạng thái tình cảm cực mạnh, nhiều khi thái quá:
Tôi than hết sức, tôi dứt hết tình Thiếu điều cắt ruột trao cho mình mình ôi
Lời thề “cắt ruột trao mình” là cách nói quá, ngoa dụ để bày tỏ tình cảm mạnh mẽ cực điểm. Những lời thề nguyện của vợ chồng thủy chung, yêu thương đến răng long đầu bạc thường lấy núi, sông, trời, đất, thời gian vĩnh cửu thiêng liêng để làm đối tượng chứng tỏ cho tấm lòng:
Sông dài cá lội biệt tăm
Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ