Một trong những biện pháp nghệ thuật của ca dao là việc sử dụng biểu tượng. Biểu tượng có thể hiểu là hình ảnh cảm tính về hiện thực khách quan, thể hiện quan niệm thẩm mĩ, tư tưởng của từng nhóm tác giả (có khi là của
riêng một tác giả), từng thời đại, từng dân tộc, từng khu vực cư trú. Biểu tượng đại diện cho những hình ảnh tượng trưng được cả cộng đồng dân tộc chấp nhận và sử dụng trong thời gian lâu dài. Nghĩa của biểu tượng là nghĩa bóng, nghĩa ẩn kín, nhiều tầng bậc bên trong nhiều khi rất khó nắm bắt.
Biểu tượng có thể coi là một đặc trưng của ca dao và được sử dụng ưu việt trong ca dao. Bởi lẽ ca dao đặc trung là ngắn gọn, kiệm lời cho nên việc sử dụng biểu tượng sẽ phát huy được những thế mạnh của thể loại. Với ý nghĩa phong phú, hàm súc, biểu tượng vừa góp phần khắc phục hạn chế về dung lượng phản ánh hiện thực của ca dao vừa nâng cao giá trị thẩm mĩ cho lời ca. Ca dao Nam Bộ và Bắc Bộ cùng sử dụng những biểu tượng tuyền thống của văn hóa Việt Nam nhưng cũng sáng tạo những biểu tượng gắn với môi trường văn hóa, với điều kiện tự nhiên, lịch sử của từng miền.
Ca dao hai miền cùng thống nhất trong việc sử dụng biểu tượng đơn và biểu tượng đôi. Biểu tượng con cò, cái bống, hoa nhài, con thuyền, hạt mưa, cái áo, cái giếng… là những biểu tượng được sử dụng trong ca dao về quan hệ giữa cha mẹ- con cái và ca dao về tình cảm vợ chồng. Ca dao Bắc Bộ đặc sắc với biểu tượng con cò, cái bống là biểu tượng của người mẹ, người vợ vất vả:
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trảy nước non Cao Bằng
Hình ảnh người mẹ qua biểu tượng con cò đã bộc lộ vẻ đẹp tảo tần, lam lũ mà tràn đầy yêu thương. Hình ảnh đó từ một biểu tượng của ca dao đã trở thành biểu tượng của văn hóa Việt Nam khi nói nhắc tới bóng hình người mẹ. Cùng biểu cảm bình dị, mộc mạc đó, biểu tượng cái bống khi thì gợi nhắc tới hình ảnh người mẹ:
Mua một mớ tép với hai quả bầu Về nhà con khóc đã lâu Vứt ịch quả bầu mà bế lấy con Khi thì gợi nhắc đến hình ảnh người vợ:
Cái bống đi chợ Cầu Canh Mua giấy mua bút cho anh vào trường
Nay mai anh đỗ làm quan
Võng anh đi trước võng nàng theo sau
Trong câu ca này là hình ảnh người vợ đầy vất vả, lo toan nhưng cũng tràn đầy lạc quan, tin tưởng.
Ngoài ra, ca dao về quan hệ gia đình ở Bắc Bộ cũng sử dụng biểu tượng hoa ví dụ như biểu tượng hoa nhài:
Đôi ta lấm tấm hoa nhài Chồng đây vợ đấy kém ai trên đời
Ta cũng có thể gặp biểu tượng hoa nhài ở trên được sử dụng như một biểu tượng đơn trong ca dao Nam Bộ về quan hệ vợ chồng:
Anh đừng ham bông quế mà bỏ phế bông lài Mai sau quế rụng bông lài thơm lâu
Ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ thưởng sử dụng các biểu tượng sóng đôi, đối ứng, được hình thành dựa trên cơ sở của biểu tượng đơn. Sự xuất hiện của từng cặp biểu tượng phần nào phản ánh kiểu tư duy lưỡng hợp, chi phối nhận thức, lối nhận thức của người Việt từ xa xưa. Một sự vật, một hiện tượng, một vấn đề bao giờ cũng có hai yếu tố. Cái bên này và cái bên kia như trời - đất, rồng - mây, loan - phượng, thuyền - sông, trầu - cau, trúc - mai, mận - đào, én - nhạn, tằm - nhện… Những biểu tượng đôi này xuất hiện nhiều trong ca dao về tình yêu đôi lứa và vì thế một số cũng xuất hiện trong ca dao về quan hệ vợ chồng cử cả hai miền Nam, Bắc.
Ca dao Bắc Bộ hay xuất hiện những biểu tượng đôi liên quan chặt chẽ đến môi trường tự nhiên, văn hóa nơi đây như trúc - mai, trầu - cau, mận - đào, én - nhạn, loan - phượng, tằm - nhện… thể hiện sự gắn bó kết hợp xứng đôi:
Trầu này cúc, trúc, mai, đào Trầu này thục nữ anh hào sánh đôi
Ca dao Bắc Bộ có số lần xuất hiện biểu trưng thuộc vật thể nhân tạo nhiều hơn hẳn so với ca dao Nam Bộ. Nếu biểu trưng như chiếu hoa - sập vàng, đũa ngọc - bát vàng, gương - lược, thuyền rồng - thuyền nan, nhà ngói - nhà tranh…ít xuất hiện trong ca dao Nam Bộ thì lại khá phổ biến trong ca dao Bắc Bộ:
Chiếu hoa trải xuống sập vàng
Gương tàu một chiếc thiếp chàng soi chung
Ngược lại trong ca dao Nam Bộ, số lượng biểu trưng thuộc thế giới tự nhiên (105 lần) hơn gấp đôi số biểu trưng thuộc thế giới vật thể nhân tạo (51 lần), gấp ba số biểu trưng thuộc thế giới con người (35 lần) (thống kê của Trần Văn Nam- Thử nhìn văn hóa Nam Bộ qua lăng kính ca dao).
Xu hướng lựa chọn biểu trưng thế giới tự nhiên cho thấy, tác giả ca dao Nam Bộ có ấn tượng sâu sắc với thế giới tự nhiên. Trong các biểu trưng thuộc thế giới tự nhiên, các tác giả dân gian Nam Bộ quan tâm nhiều đến hệ thống các sự vật, hiện tượng thuộc cấp độ “lớn” với các đặc điểm phổ quát của chúng (chủng loại) hơn các đối tượng tiểu loại. Ví dụ: Về biểu trưng chim và các loài chim cụ thể trong việc biểu trưng cho nhân vật trữ tình thì biểu trưng “chim” được sử dụng đa dạng hơn “rồng, hạc, cò…”. Giải thích điều này Trần Văn Nam cho rằng những đối tượng thuộc chủng loại khi trở thành biểu trưng có khả năng tạo nhiều nghĩa hơn những đối tượng thuộc tiểu loại. Bởi vì đối tượng thuộc tiểu loại với những đặc điểm riêng biệt sẽ giới hạn phạm vi liên
tưởng, so sánh. Khi lựa chọn biểu trưng là những hình ảnh con vật - một nhóm thuộc thế giới tự nhiên, tác giả dân gian có khuynh hướng ví mình với các con vật bình thường, gần gũi. Ảnh hưởng sâu sắc bởi cuộc sống thiên nhiên sông nước khiến cho người vợ, người chồng Nam Bộ thường lựa chọn những biểu tượng thủy sinh để bày tỏ tình yêu:
Đôi ta như con cá ở đìa Ngày ăn tản lạc tối về ngủ đôi
Hai đứa mình như con sấu tắm ao sâu Ban ngày xa cách nhưng tối đâu đâu cũng về
Gắn bó, hòa mình với tự nhiên là đặc điểm của cư dân nông nghiệp nói chung. Nhưng người nông dân Nam Bộ trong quá trình khai phá vùng đất mới chắc hẳn đã có nhiều dịp đối mặt với môi trường tự nhiên hơn những người nông dân đã định cư lâu đời ở Bắc Bộ.