1.3.1. Ranh giới địa lý, hành chính
Tên gọi Nam Kì theo khu vực địa lý, hành chính cũng bắt đầu có từ thời Minh Mạng và bao gồm Gia Định, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Đến thời Pháp thuộc thì bao gồm địa giới từ phía nam tỉnh Bình Thuận trở
vào trong. Đến năm 1946, cùng cách gọi Bắc Bộ thì cách gọi Nam Bộ cũng lần đầu tiên được nhắc đến. Cho đến nay thì cách gọi này tương ứng với vùng lãnh thổ có tên gọi là đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Nam Bộ theo phân vùng văn hóa thì thuộc vùng văn hóa Nam Bộ bao gồm 2 vùng văn hóa Đồng Nai- Gia Định (Đông Nam Bộ) và vùng văn hóa đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam Bộ).
Vùng văn hóa Nam Bộ nằm trong lưu vực sông Đồng Nai và hệ thống sông Cửu Long, với khí hậu hai mùa (khô- mưa), với mênh mông sông nước và kênh rạch. Các cư dân Việt, Chăm, Hoa tới khai phá đã nhanh chóng hòa nhập với thiên nhiên và cuộc sống của cư dân bản địa (Khơme, Xtiêng, Chơro, Mnông). Nhà ở có khuynh hướng trải dài ven kênh, ven lộ, bữa ăn giàu thủy sản, tính cách con người ưa phóng khoáng, tín ngưỡng tôn giáo hết sức phong phú và đa dạng, sớm tiếp cận và đi đầu trong quá trình giao lưu hội nhập với văn hóa phương Tây... Đó là một số nét phác thảo về đặc trưng văn hóa của vùng này.
1.3.2. Đặc điểm lịch sử, tự nhiên, xã hội
Nhắc đến Nam Bộ người ta thường liên tưởng đến một vùng đất còn nhiều vẻ hoang sơ và hết sức huyền bí, một vùng đất được “khai phá” chưa lâu, một vùng đất còn gắn liền với những “truyền thuyết dân gian”. Nếu so với Bắc Bộ thì Nam Bộ còn là một vùng đất “mới”. Tuy nhiên do đặc thù của địa lý và lịch sử hình thành mà Nam Bộ lại mang một nét văn hóa hết sức độc đáo, có dấu ấn và có bản sắc không thể lẫn lộn với bất cứ vùng miền nào.
Nam Bộ được mệnh danh là xứ sở của những dòng sông, nơi có khoảng 54.000 km chiều dài sông, rạch. Chính yếu tố sông rạch đã góp phần quan trọng vào cuộc sống của người dân nơi đây. Công cuộc mở đất phương Nam, khẳng định vùng văn hóa phương Nam chỉ thực sự được định hình từ những
cuộc di dân lớn của người Việt ở thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVIII. Đó là quá trình chuyển cư tại chỗ. Quá trình di dân tự nhiên này là quá trình di dân lẻ tẻ, chưa đủ để định hình bản sắc văn hóa của vùng đất. Chỉ đến khi nhà Nguyễn tiến hành những cuộc di dân lớn từ vùng Ngũ Quảng vào, kết hợp với sự di dân cơ chế thất bại của nhà Minh trước triều Mãn Thanh, cùng với việc di dân cơ chế trước thế kỷ XV của những lớp cư dân cổ Khơme từ nhiều vùng trên đất nước Campuchia, tràn về sông Tiền, sông Hậu để tránh họa diệt tộc của chúa Xiêm La và sự di dân cơ chế của người Chăm Hồi giáo đến cùng Châu Đốc kết hợp với quá trình chuyển cư tại chỗ của cộng đồng các tộc người để lập làng, lập ruộng, vùng văn hóa mang bản sắc Nam Bộ mới thực sự hình thành. Chính nhờ quá trình chuyển cư tại chỗ mới có việc thúc đẩy sự gần gũi giữa các nhóm dân cư, giữa các cộng đồng dân tộc, mới làm xuất hiện những điều kiện khách quan, tạo nên những tiếp xúc văn hóa giữa các cộng đồng người có những đặc trưng văn hóa khác nhau, làm nên tính chất địa văn hóa, địa kinh tế của một vùng đất châu thổ phương Nam rộng lớn. Đó chính là một vùng văn hóa trẻ, phong phú, đa dân tộc, đa tôn giáo, đa màu sắc.
Nam Bộ có mật độ sông ngòi dày đặc. Sông lớn sông bé khắp nơi. Ở Nam Bộ có hai nhóm sông chính là sông Tiền và sông Hậu. Sông Tiền có dòng chảy mở rộng, quanh co, giữa sông có những cù lao lớn, nước chảy chậm, bồi đắp phù sa cho vùng Sa Đéc, Mỹ Tho thuận lợi cho việc phát triển trồng trọt. Sông Hậu được hình thành muộn hơn, dòng chảy thẳng và nhanh. Vùng đất quanh sông Hậu mới được khai phá mạnh vào đầu thời kỳ hình thành con sông này. Thiên nhiên Nam Bộ tương đối thuận lợi cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đất màu mỡ vì phù sa của các con sông bồi đắp. Tài nguyên trên rừng dưới biển đều phong phú. Người dân từ khắp nơi đổ về đây, nương tựa vào thiên nhiên mà sống. Hầu hết dân Nam Bộ là dân thập phương tứ xứ, họ không có mối quan hệ thân tộc hay bất kì ràng
buộc gì với nhau. Do vậy những khoán ước, hương ước, quy định cộng đồng ở Nam Bộ không quá chặt chẽ, nghiêm túc như ở Bắc Bộ.
Dù nghề chính vẫn là nghề làm ruộng nhưng cư dân Nam Bộ không phải thâm canh như cư dân Bắc Bộ mà tập trung quảng canh và khai hoang. Tập quán quảng canh, khai hoang này cũng khiến cho người dân Nam Bộ mang đậm tính cách tự do, không muốn ràng buộc hay nặng nề trong suy nghĩ. Gia đình ở Nam Bộ có quy mô nhỏ hơn, thường chỉ có 2 đến 3 thế hệ sống quấn túm để phù hợp hơn với việc di chuyển. Cư dân Nam Bộ cũng sống thành làng, thành ấp nhưng nhà cửa tản mát. Làng xóm không có đất công. Đất đai là do người dân tự đi khai phá, biến thành của riêng mình. Người dân rất nhiều khi nay đây mai đó, di chuyển từ nơi này đến nơi khác nên cơ cấu xã hội ở làng không bền chắc như ở Bắc Bộ.
1.3.3. Đặc điểm tín ngưỡng, lễ hội
Tín ngưỡng của cư dân Nam Bộ phản ánh rất rõ những đặc trưng nông nghiệp lúa nước của nền văn hóa Việt Nam. Đó là sự tôn trọng và gắn bó mật thiết với thiên nhiên (tín ngưỡng sùng bái tự nhiên), sự phản ánh đậm nét nguyên lý Âm- Dương (từ đối tượng thờ cúng ở mọi làng quê: Mẹ Trời, Mẹ Đất, nữ thần Mây, Mưa…) là tính tổng hợp thể hiện ở tính đa thân, tính cộng đồng. Tín ngưỡng của người Việt ở Nam Bộ thể hiện ở các mặt: tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên và tín ngưỡng sùng bái con người.
Về lễ hội thì nếu như lễ hội cổ truyền của người Việt ở phía Bắc có cội rễ lịch sử hàng ngàn năm (hội Đền Hùng, hội Phù Đổng…) thì ở Nam Bộ chỉ có 300 năm tương ứng với lịch sử đi khẩn hoang. Lễ hội Nam Bộ là một chặng đường mới tiếp nối lễ hội truyền thống từ Bắc vào Nam trong tiến trình lịch sử của dân tộc và có những bước phát triển mới. Ví dụ: Lễ hội Nghinh Ông, Bà chúa Xứ, Dinh Cô… Lễ hội ở Nam Bộ có nền tảng chung là nghi lễ nông nghiệp của cư dân trồng lúa nước. Những lễ hội này cũng thể hiện sự
đan xen, pha trộn nhiều dòng văn hóa khác nhau. Ví dụ: Giao lưu văn hóa Việt- Hoa: Lễ hội chùa bà ở Bình Dương (rước linh vị bà sang miếu Quan Thánh rồi sang chùa bà Chúa Thuận Thiên của người Việt), giao lưu văn hóa Khơme: lễ hội Linh Sơn Thánh Mẫu ở Tây Ninh.
Lễ hội Nam Bộ còn có nội dung tưởng niệm những người anh hùng lịch sử địa phương cận đại, những người có công khai hoang mở đất, bảo vệ đất nước (Nguyễn Trung Trực, Trương Định…) bắt nguồn từ nhu cầu bảo đảm liên kết cộng đồng để sống còn trước những thử thách nghiệt ngã của tự nhiên và kẻ thù xâm lược.
Lễ hội Nam Bộ đã định chế hóa loại hình diễn xướng Hát bội (Cung đình) và một số loại hình diễn xướng dân gian khác như múa bóng rỗi, địa Nàng, múa mâm vàng… (cúng miếu bà Chúa Xứ) vào lễ hội truyền thống của người Việt Nam Bộ. Ngoài ra, một số lễ hội ở Nam Bộ còn tôn vinh nữ thần. Đây được coi là một đặc điểm nổi trội của yếu tố giới, một đặc điểm độc đáo của lễ hội Nam Bộ.