Ca dao Nam Bộ và ca dao Bắc Bộ có nhiều nét giống nhau do có nhiều đặc điểm tương đồng về văn hóa, do ảnh hưởng của người Việt ở Bắc Bộ vẫn theo dấu chân lưu dân vào với vùng đất mới Nam Bộ. Hầu hết người Nam Bộ đều có gốc gác là người Kinh từ Bắc Bộ và Trung Bộ di cư vào. Đến với miền đất mới, họ vẫn mang theo mình truyền thống văn hóa đã bén rễ lâu đời trong đó là những câu ca dao đặc sắc mà họ vẫn còn ghi nhớ. Ca dao Bắc Bộ với lời lẽ chuẩn mực, ngôn từ chau chuốt đã trở thành chuẩn mực của ca dao Việt Nam. Khuôn mẫu chuẩn mực đó đã được sử dụng như nền tảng đầu tiên để người Nam Bộ tiếp tục sáng tác ca dao. Trong quá trình này, những đặc điểm văn hóa tươi mới của Nam Bộ qua tư duy sáng tạo của các tác giả dân gian đã tạo được dấu ấn, tạo được bộ mặt riêng cho ca dao Nam Bộ.
Sự khác nhau giữa ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ chủ yếu nằm ở quá trình giao lưu văn hóa. Đồng bằng châu thổ Bắc Bộ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước ta nên có sự giao lưu văn hóa khá là mạnh mẽ. Trong khu vực, Bắc Bộ chủ yếu giao lưu với nền văn minh Trung Hoa do lịch sử hàng ngàn năm Bắc thuộc và vị trí địa lý cận kề. Trong khi đó, với lịch sử
300 năm phát triển mới mẻ của mình, Nam Bộ đã diễn ra quá trình giao lưu văn hóa sôi động, tạo ra được nhiều nét văn hóa mới. Sự giao lưu ở Nam Bộ chủ yếu diễn ra giữa các tộc người, giữa cư dân địa phương với nhau và hay với Mã Lai, Inđônêxia, Campuchia, Trung Quốc và cả phương Tây. Sự khác biệt về đối tượng và quá trình giao lưu văn hóa này đã dẫn đến sự khác nhau trong việc biểu hiện nội dung mà một trong số đó là quan hệ gia đình giữa ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ.