Quá trình thương mại hoá văn hoá

Một phần của tài liệu Du lịch cộng đồng vùng núi phía bắc Việt Nam ( nghiên cứu trường hợp bản Sả Séng, Tả Phìn, Sapa, Lào Cai và bản Lác, Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình (Trang 123)

5. Bố cục luận văn

3.2.3. Quá trình thương mại hoá văn hoá

Dưới tác động của làn sóng du lịch về làng tại bản Lác và bản Sả Séng, nhiều sản phẩm thủ công truyền thống của cư dân bản địa, trong đó đặc biệt là hàng thổ cẩm đã được khôi phục và phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm lưu niệm có giá trị. Tại Sả Séng, Tả Phìn, dưới sự hỗ trợ đầu tư của Thuỵ Điển và Hội phụ nữ huyện Sapa, cửa hàng kinh doanh thổ cẩm dành cho người Dao đỏ đã được thành lập tại Sả Séng, Tả Phìn và kinh doanh rất hiệu quả. Mặc dù việc bán lẻ tại chỗ cho du khách không nhiều, nhưng những người quản lý cửa hàng ở đây đã tìm được một hướng đi mới, đó là xuất khẩu mặt hàng thổ cẩm. Số người làm việc thường xuyên và không thường xuyên của cửa hàng thổ cẩm này lên tới hơn 300 người, trong đó có 4 người làm công tác quản lý. Đa số họ là người H’mông, một số ít là người Dao đỏ. Các

sản phẩm chủ yếu bao gồm túi, mũ, ví, áo, vỏ gối, đồ trang trí treo tường... đều bằng thổ cẩm. Cửa hàng này được cấp vốn để mua nguyên liệu đầu vào như vải, chỉ thêu, chỉ khâu... Những người làm việc cho cửa hàng (đại đa số là phụ nữ) họ nhận vải, chỉ về nhà thêu các chi tiết nhỏ như ống tay áo, các mảnh thổ cẩm nhỏ để may ví, vỏ gối... tất cả các sản phẩm đều làm theo mẫu do bên trung gian là Công ty Craftlink (trụ sở ở Hà Nội) gửi lên. Sau khi thêu xong, các chi tiết ấy và vải được gửi xuống cho Công ty Craftlink, tại Công ty, các chi tiết này được ghép với nhau và may vào vải, trở thành sản phẩm hoàn chỉnh, sau đó mới được xuất khẩu đi các nước (Pháp, Mỹ, Ý). Tóm lại cửa hàng Tả Phìn chỉ làm sản phẩm thô, mọi công việc tạo mẫu cho toàn bộ sản phẩm, ráp nối lại thành sản phẩm hoàn chỉnh là do công ty trung gian Craftlink đảm nhận. Mỗi khi có đơn đặt hàng của khách thì việc ký kết hợp đồng chỉ diễn ra giữa công ty trung gian này và phía đối tác chứ khách không làm việc trực tiếp với cửa hàng thổ cẩm Tả Phìn. Thu nhập của cửa hàng nhìn chung là không lớn do họ chỉ làm sản phẩm thô (dù đó là công việc chính của toàn bộ dây chuyền). Theo lời bà Lý Mẩy Chạn, một trong 4 người quản lý của cửa hàng, thu nhập trung bình của cửa hàng thổ cẩm Tả Phìn chỉ vào khoảng 20 triệu đồng/tháng, số tiền này bao gồm tất cả nguyên liệu và công thêu. Như vậy, có thể thấy rằng, phần lớn lợi nhuận của công việc kinh doanh mặt hàng thổ cẩm xuất khẩu là rơi vào tay công ty trung gian Craftlink. Tuy họ chỉ làm công việc trung gian trong toàn bộ quá trình sản xuất nhưng họ lại là người có khả năng tìm đối tác, liên lạc, thoả thuận và ký kết các hợp đồng. “Mình chưa có trình độ để tự liên lạc và tìm đối tác làm ăn thì mình phải phụ thuộc vào công ty trung gian và chịu phần lợi nhuận ít hơn. Bao giờ mình đủ khả năng thì mới tính đến việc đảm nhận toàn bộ quá trình sản xuất cho đến phân phối, ký hợp đồng” (Bà Lý Mẩy Chạn, 50 tuổi, cán bộ xã và là một trong bốn người quản lý cửa hàng). Nhưng dù lợi nhuận thu được chưa thực sự xứng đáng với công sức các thành viên bỏ ra thì công việc tại cửa hàng cũng vẫn giúp họ có được một nguồn thu nhập đáng kể đóng góp và chi tiêu của gia đình và quan trọng hơn là nó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.

Bên cạnh việc kinh doanh, buôn bán sản phẩm thổ cẩm truyền thống thông qua quá trình xuất khẩu, thổ cẩm truyền thống của người Dao đỏ còn được buôn bán rộng rãi qua thị trường bán hàng rong khá nhộn nhịp, xô bồ tại địa phương và cả trên thị trấn Sapa. Những người bán hàng rong đều là phụ nữ, già có, trẻ có, nhỏ tuổi cũng có. Các mặt hàng thổ cẩm được bán bao gồm áo, mũ, tay áo, mảnh vải thêu... Nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm thổ cẩm này một phần là sản phẩm truyền thống của người Dao, một số là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, một số được người dân mua lại của người Dao tuyển ở Bắc Hà... Những người bán rong ở Tả Phìn có cách bán rất “quyết liệt”. Ngay khi khách du lịch vừa dừng xe tại bản, nhiều phụ nữ bán hàng đã nháo nhào chạy ra chào đón khách, “xuý” khách và đi theo trò chuyện cùng khách (bằng tiếng Anh) trên toàn bộ hành trình tham quan, nài nỉ khách mua hàng cho mình, nhất quyết đi theo khách là cách mà những người này bán hàng. Khách du lịch có thể thích thú khi có người nói chuyện (một số ít) nhưng nhìn chung đều rất không hài lòng khi có người cứ bắt mình phải mua hàng. Vì lực lượng bán hàng rong là đông đảo nên một đoàn khách có khoảng 4- 6 người thì phải có tới hàng chục người bán hàng rong đeo bám theo khách. Không nhiều du khách có thể thích thú với cách “đón tiếp ấy”, thậm chí rất nhiều người khó chịu. Họ có cảm giác như bị ép phải mua hàng, mất tự do khi đi tham quan. Với cách đeo bám đó thì trước sau gì khách du lịch cũng phải mua cho “đội quân” bán hàng rong này một vài thứ. Thậm chí một số người còn cho luôn tiền mà không lấy thứ gì. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ cũng như các đeo bám của họ, vì sẽ làm cho họ cảm thấy lợi mà càng “quyết tâm” bán hàng hơn. Nhiều trường hợp, du khách nhất quyết không mua hàng, nhiều người bán hàng không được quay lại chửi mắng khách, thậm chí bằng cả tiếng Anh đối với khách nước ngoài. Một cảnh tượng tác giả bắt gặp tại Thị trấn Sapa, một em bé lên 6 tuổi, địu trên lưng một em nhỏ nặng gần bằng trọng lượng cơ thể mình, em đang đứng trò chuyện cùng một vị khách nữ người Australia, qua trò chuyện với em nhỏ, em cho hay:

"Em lên 6 tuổi (là người bán hàng cạnh đó cho hay, chứ em cũng không biết mình lên mấy tuổi). Em không đi học, ngày ngày theo mẹ từ Giàng Tả Chải lên Sapa bán hàng tối mới về nhà. Mẹ thì ngồi bán hàng và thêu, còn em thì địu em nhỏ trên lưng

và đi xin tiền khách, phải làm vậy thì khách mới thương và cho tiền. Tôi hỏi, địu em thế này có nặng lắm không, em nói: nặng chứ, nhưng nếu không địu em thì khách không thương, không cho tiền đâu. Mỗi lần khách muốn chụp ảnh, em bảo khách phải cho em tiền thì em mới cho chụp. Tôi vội hỏi: Ai bảo em làm điều đó? Em trả lời: Mẹ em bảo vậy". (Em bé người H'mông, 6 tuổi, ở Giàng Tả Chải, Sapa)

Sự thương mại hoá bản sắc văn hoá đang diễn ra là rất rõ ràng, mang nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới cách bán hàng của người dân bản địa và để lại ấn tượng không tốt trong lòng du khách. Nhiều giá trị văn hoá đang bị mai một dần (sự hiếu khách, tôn trọng khách...) và chính người dân địa phương đang tự làm xấu đi hình ảnh của dân tộc mình trong mắt du khách.

Quá trình thương mại hoá bản sắc văn hoá ở bản Lác lại diễn ra theo chiều hướng khác. Đến bản Lác của người Thái, nhiều mặt hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu, đa dạng về mẫu mã, chủng loại được bày bán trên các lối đi, dưới chân cầu thang nhà sàn. Nhưng trên thực tế, hầu hết thổ cẩm được bày bán hiện nay tại các điểm du lịch nơi đây không còn giữ được bản chất thuần túy của nó. Theo ông Hà Công Tím, Trưởng bản Lác, những sản phẩm thổ cẩm được bầy bán cho khách du lịch hiện nay đa phần đều là nguyên liệu pha ni-lông được nhập từ dưới xuôi lên. Việc trồng bông dệt vải ở Mai Châu giờ rất hiếm thấy, lại càng khó tìm hơn việc bà con sử dụng cách nhuộm màu truyền thống. Theo người dân cho biết, trước đây, để dệt một tấm thổ cẩm, người ta phải mất nhiều tháng trồng bông, trồng dâu rồi sau nhiều công đoạn mới xe được sợi vải để dệt nên tấm thổ cẩm truyền thống. Do mất nhiều thời gian như vậy, nên hiện nay, mọi người hầu như không trồng bông, trồng dâu để dệt vải nữa. Những tấm vải thổ cẩm truyền thống của các dân tộc Mai Châu đa phần được dệt từ những sợi tổng hợp qua xử lý mang từ dưới xuôi lên. Đây chính là nguyên nhân làm cho dệt thổ cẩm ở Mai Châu trở nên mai một, không giữ được hồn cốt như vốn có. Qua trao đổi với những nghệ nhân, cái khó và cũng là trăn trở cho nghề dệt thổ cẩm Mai Châu chính là cơ chế thị trường đã tác động tiêu cực đến nhiều nghề truyền thống. Đó chính là công lao động, một sản phẩm thổ cẩm thực chất của người Thái làm ra có giá cao hơn rất nhiều so với mẫu mã cùng loại nhưng mang từ dưới xuôi lên. Lợi nhuận từ mặt hàng “giả Thái” này khá cao nên đại đa

phần người bán hàng không đề cao giá trị của thổ cẩm chính thống đối với du khách. Mặt khác, cũng theo ông Hà Công Tím, do quỹ đất trồng cây bông, cây dâu, nuôi tằm ở Mai Châu quá chật hẹp, không đủ đáp ứng nguyên liệu. Chính vì vậy, người dân Mai Châu cũng phải về tận Thanh hoá, Sơn La để tìm mua nguyên liệu. Ngoài ra, điều quan trọng nhất là cách nhuộm màu từ cây rừng cho sợi thổ cẩm Thái Mai Châu cũng đang dần bị quên lãng. Cả bản Lác hiện nay cũng chỉ còn từ 2 đến 3 người biết nhuộm màu nhưng tuổi cũng đã khá cao. Trong khi đó, nhuộm màu cho thổ cẩm là một bí quyết gia truyền, nhưng hiện nay tầng lớp trẻ cũng chẳng mấy quan tâm đến. Theo ông Tím, sự mai một của một nghề dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở Mai Châu hiện giờ đã đến lúc báo động. Cho dù có một số dựa án khôi phục nghề dệt đã được triển khai nhưng thực sự chưa tìm được hướng giải quyết tận gốc rễ vấn đề này. Bên cạnh hàng thổ cẩm, trên các quầy hàng ở bản Lác còn bày bán nhiều nhạc cụ, nông cụ truyền thống của dân tộc. Các sản phẩm này phần lớn do đôi bàn tay khéo léo của người đàn ông tạo nên, họ luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Chiếc khung cửi dệt vải giờ cũng không được sử dụng thường xuyên để dệt nên những tấm vải mang đậm tâm hồn, cốt cách dân tộc mà nó trở thành sản phẩm trưng bày, giới thiệu cho khách du lịch. Ở bản Lác, một số gia đình cho cung cấp dịch vụ cho thuê trang phục truyền thống của người Mông, người Thái để chụp ảnh... Sự thương mại hoá bản sắc văn hoá diễn ra ở đây là khá rõ ràng.

Một phần của tài liệu Du lịch cộng đồng vùng núi phía bắc Việt Nam ( nghiên cứu trường hợp bản Sả Séng, Tả Phìn, Sapa, Lào Cai và bản Lác, Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình (Trang 123)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)