Nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương

Một phần của tài liệu Du lịch cộng đồng vùng núi phía bắc Việt Nam ( nghiên cứu trường hợp bản Sả Séng, Tả Phìn, Sapa, Lào Cai và bản Lác, Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình (Trang 88)

5. Bố cục luận văn

2.3.1.Nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương

Cùng với sự gia tăng lượng khách về các bản làng không chỉ gây ra những thay đổi trong sản xuất kinh tế, văn hoá mà còn tạo nên những tác động nhất định đến môi trường sinh thái tại địa phương. Sự xuất hiện nhu cầu và đáp ứng nhu cầu của du khách là một quan hệ tất yếu trong hoạt động du lịch, đó là chìa khoá để tạo ra sức hấp dẫn của điểm đến. Song chính sự gia tăng lượng khách về các bản làng kéo theo sự mở rộng sản xuất và các hoạt động dịch vụ du lịch của địa phương đã tạo nên những áp lực lớn đến môi trường sinh thái, từ đó dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương.

Ta thử làm một phép tính đơn giản về sự mở rộng sản xuất của Công ty khai thác các sản phẩm bản địa Sapa - Sapa Napro: Cứ mỗi tuần công ty nấu 3-4 nồi thuốc, mỗi nồi khoảng 50kg cây thuốc. Trung bình mỗi tháng có khoảng 600-800 cây thuốc bị khai thác. Và mỗi năm sẽ có khoảng gần 10 tấn cây thuốc bị khai thác.

Cây thuốc trong rừng không phải là vô hạn, nếu khai thác tận thu, tức là nhổ cả gốc cây thuốc, thì sớm muộn nguồn cây thuốc có trong tự nhiên sẽ hết và đồng nghĩa với nó Công ty sẽ hết nguồn nguyên liệu và phải dừng hoạt động. Đó còn chưa kể lượng cây thuốc do các gia đình khai thác để phục vụ nhu cầu bản thân và phục vụ khách du lịch.

Xác định được nguồn cây thuốc trong rừng không phải là vô hạn, nếu cứ khai thác và không biết cách ươm cây trồng thuốc thì sớm muộn Công ty cũng sẽ hết nguồn nguyên liệu sản xuất. Từ năm 2007, Công ty đã vận động nhân dân trong bản nhân giống những loài cây có nguy cơ tuyệt chủng, đến nay đã trồng được gần 10 ha rừng thuốc tái sinh. Dưới sự giúp đỡ của Trường Đại học Dược Hà Nội, người dân ở đây vẫn đang tiếp tục nhân giống các loài thuốc sẵn có và hiếm có trong rừng Tả Phìn để phục vu cho sản xuất. Đây là một việc làm có ý nghĩa quan trọng để duy trì sản xuất ổn định và bền vững.

Bên cạnh đó, hoạt động khai thác nấm hương, phong lan cũng diễn ra ngày càng nhiều. Nhận thức được giá trị kinh tế của các loại thực vật quý này, nhiều gia đình người Dao đỏ ở Sả Séng đã lên rừng tìm, khai thác nấm hương, phong lan để bán cho khách du lịch. Hoạt động đó cũng làm giảm đáng kể lượng nấm hương, phong lan có trong tự nhiên.

Một phân tích nhỏ tại bản Lác của người Thái cũng cho thấy: Do lượng khách về bản ngày càng đông, nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm cũng theo đó tăng nhanh. Đặc biệt, du khách về bản thường có nhu cầu tiêu dùng các loại lương thực, thực phẩm là đặc sản của địa phương như: Các loại thịt thú rừng: lợn mường, hoẵng, cầy, lợn rừng, gà đồi, chim cút, lửng, gấu đất... hoàn toàn khai thác trong rừng; Các loại thú nuôi gồm: cá dầm xanh (cá sông Mã), gà đồi... Các loại rau: măng (được khai thác trên rừng), khoai sọ, su su, cải mèo... Cơm lam, sôi đồ... Rượu cần, rượu Mai Hạ… Trung bình mỗi ngày bản Lác tiêu thụ hàng chục kg các loại thịt thú rừng, đặc biệt măng là món ăn ưa thích của mọi du khách mỗi khi về bản. Đồng nghĩa với nó, lượng thú rừng, măng rừng được khai thác phục vụ khách du lịch mỗi ngày là tương đối lớn, nó đang làm cạn kiệt dần số lượng các loài động thực vật sẵn có trong tự nhiên. Đó còn chưa kể lượng ống tre, ống bương được người dân chặt trong rừng về để làm ống cơm lam phục vụ khách du lịch cũng ngày một tăng theo nhu cầu của khách. Các hoạt động này đang làm cạn kiệt dần số lượng các loài động, thực vật có trong tự nhiên.

Một phần của tài liệu Du lịch cộng đồng vùng núi phía bắc Việt Nam ( nghiên cứu trường hợp bản Sả Séng, Tả Phìn, Sapa, Lào Cai và bản Lác, Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình (Trang 88)