5. Bố cục luận văn
2.1.1. Dịch vụ nhà nghỉ và loại hình du lịch tại gia (homestay)
Cho đến nay, du lịch cộng đồng được hiểu là loại hình du lịch tham quan ngắm cảnh sinh thái tự nhiên, khám phá những nét văn hoá độc đáo của cộng đồng địa phương thông qua những hoạt động cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với gia đình người dân bản địa tại điểm đến. Khách du lịch đến sinh sống tạm thời được coi như một thành viên gia đình và tham gia trực tiếp vào một số hoạt động hàng ngày của người dân bản địa. Đây chính là đặc trưng nổi bật nhất của hoạt động du lịch cộng đồng. Đặc điểm này đã kéo theo nó nhiều loại hình dịch vụ du lịch của người dân địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong thời gian tham quan, nghỉ ngơi tại cộng đồng. Trong các dịch vụ du lịch do người dân địa phương cung ứng thì dịch vụ nhà nghỉ cùng với gia đình (còn gọi là homestay) là một trong những dịch vụ du lịch phổ biến và đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho cộng đồng.
Tại Sả Séng, trong số 99 hộ dân của bản, có 06 hộ đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo hình thức nghỉ tại gia homestay trong đó có 3 hộ gia đình người Dao đỏ và 03 hộ gia đình người Kinh. Các nhà nghỉ của người Dao thuộc dạng nhà ở truyền thống thường thấy ở cộng đồng mặc dù kiến trúc của loại này cũng không đồng nhất, có cả nhà nền đất và nhà nửa sàn, nửa đất. Cơ sở hạ tầng phục vụ lưu trú tại các nhà nghỉ này do gia đình tự trang bị và mua sắm dưới sự hướng dẫn về kỹ thuật của tổ chức SIDA - Canada. Đối với các hộ người dân tộc thiểu số đầu tư nhà nghỉ tại gia cho du khách thì tổ chức SIDA đích thân giúp đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh.
Bên cạnh các nhà nghỉ homestay của người Dao còn có 03 hộ gia đình người Kinhcũng đầu tư vào dịch vụ này. Các nhà nghỉ này tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm xã, thu hút khá đông lượng khách đến nghỉ lưu trú. Kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay là một loại hình khá mới mẻ, chỉ có mặt ở Tả Phìn từ vài năm nay. Tham gia hoạt động kinh tế này chỉ có các gia đình có điều kiện kinh tế tương đối
khá trong xã. Bởi hoạt động này đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng nhất định: Nhà phải tốt, rộng, thoáng; có giường đệm, các cơ sở vệ sinh phải sạch sẽ. Theo quy định của nhà chức trách quản lý du lịch địa phương thì điều kiện để được đón khách tại gia là: Biết nói tiếng Anh; Có khả năng tiếp khách; Điều kiện vệ sinh đảm bảo; Cơ sở vật chất đầy đủ. Đối chiếu với những điều kiện này thì chỉ một số ít các gia đình trong thôn có thể đáp ứng được.
So với Sả Séng (Sa Pa) thì ở bản Lác (Mai Châu), hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú tại gia có phần phát triển sôi động hơn. Toàn bản có 110 hộ gia đình, trong đó có 24 hộ đăng ký kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ (chiếm 21,8% so với 6% ở Sả Séng). Các nhà nghỉ này được đánh số thứ tự, có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát. Tất cả các nhà nghỉ homestay ở bản Lác thuộc loại nhà sàn truyền thống của người Thái địa phương, có sàn được dát bằng tre, rộng, cao ráo, sạch sẽ và phần lớn vẫn giữ được lối kiến trúc cổ. Theo quy định của địa phương thì các hộ gia đình đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay phải đảm bảo đủ các điều kiện như có giấy xác nhận đăng ký kinh doanh của UBND huyện Mai Châu; Có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất gồm nhà nghỉ, đồ dùng sinh hoạt, chăn ga gối đệm, màn, dung cụ ăn uống, công trình vệ sinh hiện đại; Có đủ khả năng để giao tiếp với khách du lịch. Để đáp ứng các điều kiện này, hầu hết các gia đình kinh doanh đều phải huy động nhiều nguồn vốn, bao gồm vốn tự có của gia đình, vốn vay người thân, quen và vốn vay Ngân hàng, chủ yếu là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với lãi suất vay khoảng 1,2%/năm.
Các hộ gia đình khi đã đăng ký kinh doanh với Phòng Văn hoá - Thông tin huyện thì bắt đầu kinh doanh một cách độc lập và đóng thuế cho huyện. Các hộ tự thu, tự chi, tự liên hệ với các công ty lữ hành mà đại diện là hướng dẫn viên và giao kèo về quyền lợi, nghĩa vụ của các bên; các hộ cũng trực tiếp giao dịch với những khách du lịch vãng lai khi họ có nhu cầu tham quan du lịch tại địa phương. Bên cạnh 24 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú có đăng ký với chính quyền, ở bản Lác vẫn còn nhiều hộ gia đình kinh doanh mà chưa có giấy phép, một phần do lượng khách đến nghỉ không thường xuyên, doanh thu chưa nhiều nên ngại đóng thuế, mặt khác, nhiều gia đình muốn thử làm trước, nếu hiệu quả thì mới đăng ký và đầu tư sửa sang nhà cửa. Một gia đình ở Lác 2 tâm sự: “Anh thử đón khách về nhà, nếu thấy có lợi nhuận anh
mới đi đăng ký kinh doanh. Anh thử làm trước bằng cách tự lên Thị trấn đón khách về nhà, nếu thấy làm ăn được anh mới mở rộng nhà” (Người Thái, 39 tuổi, Lác 2).
Do kiến trúc nhà nghỉ khác nhau, nên công năng nhà nghỉ của các gia đình ở bản Sả Séng và bản Lác cũng có sự khác nhau. Nhà nghỉ ở bản Sả Séng là nhà đất, quy hoạch thành từng phòng nghỉ riêng biệt, mỗi phòng đủ cho 2-3 người nghỉ. Trung bình, mỗi nhà nghỉ có thể tiếp đón khoảng 10-15 vị khách trong cùng một thời điểm. Để tiết kiệm diện tích, một số gia đình ở Sả Séng đã thay đổi kiến trúc nhà nghỉ, họ chuyển sang làm nhà nửa sàn, nửa trệt để có thể tận dụng mặt sàn để phục vụ khách du lịch nghỉ ngơi, phần trệt được sử dụng làm nơi sinh hoạt của gia đình và đón tiếp khách. Ngược lại, nhà nghỉ ở bản Lác là kiểu nhà sàn, diện tích mặt sàn rộng trung bình trên 100m2, mặt sàn thoáng đãng, không bị ngăn cách bởi các cột trụ nên sức chứa khá lớn. Trung bình mỗi nhà nghỉ có khả năng chứa tối đa 20-25 vị khách vào cùng một thời điểm. Mặt khác, ở bản Lác, nhiều gia đình đã đầu tư mở rộng nhà cửa thêm 01-02 nếp nhà sàn nên sức chứa tối đa được nâng lên.
Giá dịch vụ lưu trú được áp dụng tại Sả Séng và bản Lác tương đối thống nhất ở mức 40.000 đồng/người/ngày đêm (giá năm 2008). Mức giá dịch vụ này có khác nhau đối với khách Việt Nam và khách nước ngoài. Đối với khách Việt Nam thường chỉ thu với giá 30.000 đồng/người/đêm, khách nước ngoài là 50.000 đồng/người/đêm. Riêng với sinh viên được áp dụng giá ưu đãi là 20.000 đồng/người/đêm. Trên cơ sở giá đó, các gia đình sẽ tự thu, tự chi, chịu trách nhiệm đóng thuế (5.000 đồng một khách một đêm). Riêng ở Sả Séng, khách du lịch khi về tham quan bản làng sẽ phải nộp phí tham quan 20.000/đoàn khách, do UBND xã thu và quản lý nên các nhà nghỉ homestay không phải chịu thêm thuế. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý về mặt hành chính, giữ hộ chiếu, hoặc chứng minh thư nhân dân của khách (đại diện của đoàn). Tổ an ninh thôn thường xuyên đi tuần tra, kiểm tra, đảm bảo an ninh trật tự cho thôn bản và cho khách, đảm bảo một môi trường kinh doanh lành mạnh, hợp pháp.
Thu nhập bình quân từ dịch vụ lưu trú tại gia của các gia đình ở hai bản có sự chênh lệch nhau khá lớn. Ở Sả Séng, mỗi nhà nghỉ trung bình mỗi năm đón khoảng 20-25 lượt khách, doanh thu ước đạt 800.000 - 1000.000 đồng. Cao nhất là các gia đình cô Lý Mẩy Chạn (2 nhà), Lương Minh Tuấn (nhà ở vị trí trung tâm xã), thu nhập từ dịch vụ lưu trú du lịch đạt khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/năm. Ngược lại, ở bản Lác,
lượng khách về bản nghỉ lưu trú qua đêm khá lớn và không ngừng tăng qua các năm. Doanh thu từ dịch vụ lưu trú trung bình mỗi năm ước đạt hàng chục triệu đồng. Đặc biệt một số gia đình nhà ông Hà Công Hồng doanh thu du lịch trung bình mỗi năm ước đạt hàng trăm triệu đồng. Con số này lớn hơn rất nhiều lần so với doanh thu du lịch mà các gia đình ở Sả Séng đạt được. Điều này có nguyên nhân sâu xa của nó. Khách du lịch về Tả Phìn thường rất ít khi ngủ qua đêm, một phần là do Tả Phìn chỉ nằm ở đoạn giữa của tuyến tham quan du lịch Lào Cai - Tả Phìn - Sapa và chỉ cách trung tâm du lịch Sapa khoảng 12km. Bên cạnh đó do lịch trình của các chương trình du lịch tham quan bản làng, khách du lịch thường đi theo tour do công ty du lịch bố trí, về tham quan Tả Phìn sau đó quay lại Sapa nghỉ qua đêm. Mặt khác, ở Tả Phìn, các điểm tham quan du lịch chưa phong phú, hấp dẫn, nhiều tiềm năng du lịch chưa được địa phương khai thác, phát huy, do đó không mất nhiều thời gian để đi tham quan bản làng. Đó là lý do tại sao khách du lịch về Tả Phìn thường chỉ đi trong ngày và rất ít khi ngủ lại bản.
Bảng 2.1. So sánh dịch vụ nhà nghỉ ở bản Lác và Sả Séng
Tiêu chí Bản Lác Bản Sả Séng Số lượng (nhà) 24/110 (21,8%) 6/99 (6%)
Lượt khách đến nghỉ 250-300 lượt khách/năm 20-25 lượt khách/năm Giá dịch vụ 40.000 đồng/người/đêm 40.000 đồng/người/đêm Thu nhập bình quân 10-15 triệu đồng/năm /hộ 1,5-2 triệu đồng/năm/hộ
(Nguồn: Điều tra thực địa 2009)
Như vậy, dù mức độ và hiệu quả kinh doanh có khác nhau, song cũng đủ để khẳng định, dịch vụ lưu trú - một bộ phận của du lịch cộng đồng ra đời và phát triển đã góp phần tăng cường quyền làm chủ của người dân địa phương trong những hoạt động du lịch tại cộng đồng nhằm đảm bảo lợi ích du lịch được phân chia một cách công bằng, góp phần xoá đói giảm nghèo, hướng đến phát triển bền vững.