Quảng bá, môi giới và hướng dẫn viên du lịch

Một phần của tài liệu Du lịch cộng đồng vùng núi phía bắc Việt Nam ( nghiên cứu trường hợp bản Sả Séng, Tả Phìn, Sapa, Lào Cai và bản Lác, Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình (Trang 71)

5. Bố cục luận văn

2.1.4.Quảng bá, môi giới và hướng dẫn viên du lịch

Quảng bá du lịch là một trong những phương thức quan trọng để thu hút khách và kêu gọi đầu tư. Đối với vùng đồng bào dân tộc như đồng bào Dao, Thái, Mông… thì đây là một phạm trù rất mới mẻ và dường như nó mới bắt đầu xuất hiện mang tính tự phát và còn lẻ tẻ. Tìm hiểu cách quảng bá, môi giới du lịch tại hai bản nghiên cứu cũng chính là quá trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Làm thế nào để du khách biết đến dịch vụ nhà anh/chị?”

Qua điều tra, phỏng vấn các gia đình tham gia làm du lịch tại Sả Séng về cách làm của họ để du khách biết đến ngôi nhà của mình, tác giả đều nhận được câu trả lời: Gia đình mình chưa biết làm thế nào. Những khách du lịch đã về đây nghỉ phần lớn là do họ tự chọn nhà nghỉ hoặc theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên. Khách du lịch về đây cũng nhiều người đi theo đoàn, cũng có người đi tự do. Khi đi theo đoàn, họ thường làm theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên, còn nếu đi tự do, họ thích nhà nào thì nghỉ ở nhà đó.

Cô Lý Mẩy Chạn - chủ của hai nhà nghỉ tại Sả Séng cho biết:

“Mình được tham gia nhiều lớp tập huấn do các tổ chức nước ngoài tài trợ. Nhờ vậy mà được đi nhiều nơi, quen nhiều bạn, cả bạn trong nước và bạn quốc tế. Mỗi lần có dịp được đi như vậy, mình thường nói chuyện và giới

thiệu với bạn bè về mảnh đất và con người ở Tả Phìn và mời họ về thăm Tả Phìn, thăm người Dao đỏ. Những lúc làm được như vậy mình vui lắm”. Để hiểu rõ hơn cách làm du lịch của người Dao đỏ, tôi tiến hành các điều tra ngược, phỏng vấn du khách: “Anh, chị biết đến Tả Phìn bằng cách nào?”. Các câu trả lời đều chung một điểm: “Tôi biết đến Tả Phìn, Sapa thông qua các trang website quảng cáo trên mạng, tham gia vào các tour du lịch được quảng cáo trên mạng. Xem trên đó, tôi thấy họ quảng cáo về Tả Phìn đẹp lắm, thơ mộng lắm, người phụ nữ Dao đỏ đằm thắm và quyến rũ lắm. Tôi rủ bạn bè tổ chức một chuyến du lịch về Tả Phìn xem sao!”. Một số khác lại cho rằng: “Tôi nghe bạn bè giới thiệu về Tả Phìn, về người Dao đỏ, vậy là tôi quyết định đi để biết”.

Như vậy, qua hai luồng ý kiến, ta thấy công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch, sức hấp dẫn của Tả Phìn chưa thực sự được người Dao đỏ quan tâm và chính quyền cũng chưa thực sự quan tâm hướng dẫn người dân thực hiện việc làm này. Khách biết đến Tả Phìn phần lớn là thông qua các kênh quảng cáo bên ngoài hoặc qua giới thiệu. Cộng đồng địa phương chưa thực sự chủ động trong việc giới thiệu, quảng bá chính mình.

Về lực lượng hướng dẫn viên, toàn xã Tả Phìn có 15 em làm hướng dẫn viên du lịch cho các công ty kinh doanh du lịch lữ hành tại Sapa, trong đó Sả Séng có 4 em. Lực lượng này chủ yếu là người Mông, Dao. Trước khi đi, các em đều phải đến xã làm đơn xin đi làm hướng dẫn viên du lịch và được trải qua các khoá đào tạo hướng dẫn viên du lịch ngắn hạn do Phòng Thương mại Du lịch tổ chức.

Ở bản Lác, người Thái dường như chủ động, linh hoạt hơn trong công tác quảng bá, tự giới thiệu mình và thu hút khách đến với dịch vụ của gia đình. Để khách du lịch biết đến dịch vụ của mình, gia đình cô Hà Thị Trang ở bản Lác thường sử dụng một số biện pháp như: Môi giới với khách thông qua cậu con trai vừa học hết lớp 12 và con gái đang học Khoa Du lịch, Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội. Phương tiện để gia đình liên hệ với khách gồm có: Máy vi tính, máy Fax, điện thoại cố định, di động và Internet. Khách du lịch giới thiệu cho nhau (môi giới thông qua khách du lịch là con đường phi chính thức và mang lại hiệu quả cao nhất) hoặc do khách du lịch tự tìm đến. Cũng giống như gia đình cô Hà Thị Trang, nhiều

lái xe, hướng dẫn viên du lịch của các Công ty du lịch tại Hà Nội, Hoà Bình để mỗi khi Công ty có khách về bản Lác sẽ liên hệ đặt trước với gia đình để gia đình chuẩn bị. Một lái xe của Công ty Công ty Vietnam Tourism cho hay: “Chú vẫn thường xuyên liên hệ với gia đình chủ nhà, khi nào có khách chú sẽ liên hệ với gia chủ để họ chuẩn bị kế hoạch đón khách. Thường thì chú không thu lệ phí trong việc này mà chi phí đó đều đã tính cả cho khách” (Trần Văn Đạt, 39 tuổi, lái xe của Công ty Vietnam Tourism).

Một con đường khác để đón khách về nhà mình được một số hộ ở bản Lác thực hiện đó là “ăn dơ” với đội xe ôm ở thị trấn Mai Châu, để mỗi khi có khách về bản sẽ bán lại cho gia đình với giá 30 - 40 nghìn đồng/khách và chi phí này được gia đình tính vào chi phí của khách. Phỏng vấn đội xe ôm tại bến xe Mai Châu, thử đóng vai khách du lịch từ Hà Nội về bản Lác, các chú, các bác xe ôm sẵn sàng cung cấp cho tôi danh sách các nhà nghỉ thu hút nhiều khách, phục vụ tốt tại bản Lác, đó là các nhà nghỉ: số 7, 8, 9, 10, 15... Mỗi khi có khách về bản Lác, họ thường đưa khách về những nhà nghỉ này, nếu khách chưa có địa chỉ cần đến. Tại ngôi nhà đầu làng vào bản Lác (thuộc bản Mỏ) có 1 - 2 gia đình vẫn thường môi giới dẫn khách về cho một số gia đình tại Lác 1. Nếu có khách về và hỏi đường, họ sẽ chỉ đường và gọi điện báo trước và dẫn khách về cho các gia đình này. Chi phí khoảng 30.000 - 40.000 đồng/khách, chủ nhà nghỉ sẽ trả tiền cho người môi giới và chi phí đó lại được tính cho khách. Trên thực tế, cách làm này không được các gia đình khác chấp nhận và đã xảy ra nhiều xung đột giữa các gia đình, song nó đều đã được giải quyết trong các cuộc họp bản.

Qua một vài dẫn chứng trên cho ta nhận xét, người Thái ở bản Lác đã hoà nhập rất nhanh, rất nhạy bén vào dòng chảy của nền kinh tế thị trường. Người dân ở đây đã biết làm nhiều cách để thu hút khách du lịch đến với gia đìn mìnhh. Đây là một sự cạnh tranh lành mạnh, chưa để xảy ra những sứt mẻ nghiêm trọng trong mối quan hệ cộng đồng dù rằng đây đó vẫn còn những đố kỵ, ghen tỵ giữa nhà ít khách và nhà đông khách.

Một trong những con đường quảng bá du lịch nhanh nhất, hiệu quả nhất đó là giới thiệu qua khách du lịch. Khi đó, cảnh quan, môi trường, chất lượng dịch vụ tại điểm đến có ý nghĩa quyết định đối với việc trở lại của khách. Nếu điểm du lịch

sạch, đẹp, chất lượng phục vụ tận tình, chu đáo, chủ nhà đôn hậu, chất phác thì khách du lịch sẽ quay trở lại và giới thiệu bạn bè cùng đến và ngược lại. Qua phỏng vấn một đoàn khách về nghỉ tại bản Lác: “Làm thế nào anh chị biết được bản Lác và nhà nghỉ này (nhà nghỉ số 15-TG)?”, anh trưởng đoàn cho hay: “Trong đoàn có người trước đây đã từng đến bản Lác và từng đến nghỉ tại nhà này, có cả địa chỉ và số điện thoại của gia đình nên đã giới thiệu cả đoàn đến đây”.

Người Thái ở bản Lác chưa có ai làm hướng dẫn viên du lịch, một phần do tâm lý ngại ngùng, phần khác do khả năng giao tiếp với khách bằng tiếng Anh còn hạn chế. Song, các đoàn khách du lịch khi về bản Lác nếu có nhu cầu đi thăm các bản lân cận như Hang Kia, Pà Cò, hang Triều, hang Mỏ Luông… thì gia đình sẵn sàng cử người đi dẫn đường. Chi phí cho một hành trình tham quan như vậy khách phải trả 200 - 300 nghìn đồng. Ở bản Lác, nhiều gia đình vẫn thường mở tour và dẫn đường cho khách đi tour đến các bản làng này, thời gian cho một tour du lịch này thường kéo dài 2-3 ngày. Trong tương lai, UBND huyện và Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Mai Châu cần có định hướng, chính sách giúp đỡ người dân nơi đây mở rộng hơn loại hình dịch vụ này, đặc biệt là hướng dẫn, đào tạo người dân nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, để có thể hình thành đội ngũ hướng dẫn viên ngay tại bản, sử dụng chính người Thái để giới thiệu về văn hoá truyền thống của dân tộc.

Một phần của tài liệu Du lịch cộng đồng vùng núi phía bắc Việt Nam ( nghiên cứu trường hợp bản Sả Séng, Tả Phìn, Sapa, Lào Cai và bản Lác, Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình (Trang 71)