5. Bố cục luận văn
3.1.1. Lễ hội cổ truyền và du lịch
Hoạt động lễ hội là một hiện tượng văn hoá tồn tại phổ biến trong các dân tộc trên khắp thế giới, là một tài nguyên quan trọng của du lịch cộng đồng. Trước sự phát triển mạnh mẽ của loại hình du lịch lưu trú tại cộng đồng, nhiều hoạt động lễ hội được khôi phục và phát huy giá trị.
Người Dao ở Lào Cai còn bảo tồn nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống như Lễ cấp sắc, Lễ nhập tịch, Lễ tết nhảy.
Theo phong tục người Dao đỏ, lễ cấp sắc là một nghi lễ bắt buộc đối với thanh niên người Dao khi đã đến tuổi trưởng thành, có ý nghĩa trình báo với tổ tiên rằng con cháu đã trưởng thành và tỏ lòng tạ ơn tổ tiên. Lễ tết nhảy của người Dao đỏ thường diễn ra vào các ngày tết, ngày mồng một hoặc mồng hai tháng Giêng, diễn ra tại nhà trưởng họ của các dòng họ lớn (ở Sả Séng, người Dao đỏ có 3 dòng họ lớn là Lý, Phàn, Chảo, trong đó họ Lý là dòng họ lớn nhất), với ý nghĩa là tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu được tốt lành. Trong quá trình diễn ra các nghi lễ cúng bái này, thường biểu diễn nhảy múa, ca hát, trò diễn rất phong phú với trên 72 điệu múa khác nhau. Mỗi điệu múa có tính biểu tượng cao diễn tả cảnh các thiên thần, tổ tiên về hạ giới dự lễ, chứng giám cho con cháu. Tết nhảy của người Dao đỏ là sự tổng hợp các loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, giàu bản sắc và đậm tính nhân văn. Nhịp điệu nhảy trong Lễ tết nhảy đã được duy trì truyền dạy cho thế hệ trẻ, hình thành nên đội văn nghệ của xã, phục vụ cho hoạt động du lịch. Người Dao, Mông ở Tả Phìn, Sapa còn được biết đến với các phiên chợ tình vào đêm thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Tại đây các cô gái người Mông, người Dao ăn vận trang phục đẹp nhất, mới nhất để đi chợ. Chợ ở đây không phải là nơi mua bán, trao đổi hàng hoá mà là nơi giao lưu, hẹn hò của các cô gái, chàng trai người Mông, Dao. Ở đây, các cô gái, chàng trai Mông, Dao hát đối đáp nhau bằng những làn điệu hát giao duyên mượt mà của dân tộc. Đây là hình thức hát đối đáp
nam nữ. Các bài hát thường biểu hiện tình cảm đối với làng bản, thiên nhiên, con người, cảnh sinh hoạt, kinh nghiệm sản xuất... đặc biệt là tình yêu đôi lứa, hạnh phúc gia đình. Tất cả những vốn văn hoá ấy đang được tận dụng và khai thác thông qua việc thành lập đội văn nghệ của xã, tập luyện và biểu diễn các điệu múa, điệu nhảy, điệu hát dân gian truyền thống, như điệu múa ba ba, điệu lắc chuông đồng... thu hút đông đảo du khách tham dự.
Nếu như người Dao Sapa nổi tiếng với Lễ tết nhảy, với phiên chợ cuối tuần thì người Thái ở Mai Châu được biết đến với Lễ nhập mo, Lễ hội Chá Chiêng. Các lễ hội này đã từng có một thời gian khoảng sau những năm 50 của thế kỷ XX bị xoá bỏ nhưng nay đang được các cấp chính quyền và người dân địa phương khôi phục lại. Lễ hội Chá Chiêng là một lễ hội tín ngưỡng được tổ chức vào mùa xuân, là dịp để những người con được ông Mùn chữa khỏi bệnh làm lễ cám ơn ông Mùn. Lễ hội diễn ra với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú, lời mo, lời hát giàu hình ảnh, các trò diễn vui nhộn, thu hút đông đảo người dân tham gia, dần dần lễ tạ ơn Then đã trở thành lễ hội của một vùng. Lễ hội Chá Chiêng của đồng bào Thái Mai Châu mang ý nghĩa cộng đồng sâu sắc đã tạo được không khí náo nức và phấn chấn cho mọi người trong bản, trong mường. Ngày nay, với sự tiến bộ về y học nên việc chữa trị bệnh của ông Mùn không còn tồn tại nữa mà nó chỉ còn là di sản văn hoá tâm linh, những nhịp điệu của lễ hội Chá Chiêng cũng đã dần trở thành nét đặc trưng trong vũ điệu dân gian của đồng bào Thái nói chung và của đồng bào Thái Mai Châu nói riêng. Ngày nay dưới tác động của sự phát triển kinh tế xã hội và trước nhu cầu của đông đảo người dân muốn khôi phục loại hình sinh hoạt tín ngưỡng này, Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Mai Châu đã phối hợp cùng các cơ quan ban ngành nghiên cứu, khôi phục lại lễ hội này phục vụ nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của nhân dân, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân tộc và tạo sức hấp dẫn cho hoạt động du lịch tại địa phương.
Như vậy, trước sự phát triển mạnh mẽ du lịch nói chung và làn sóng du lịch cộng đồng nói riêng, nhiều giá trị văn hoá, trong đó có lễ hội đã được khôi phục và phát huy giá trị, tạo ra một nguồn tài nguyên văn hoá nhân văn giá rất có giá trị, tạo sức hấp dẫn kỳ lạ đối với du khách.