CHƯƠNG 2 THỜI GIAN HUYỀN THOẠ
2.1.3. Quay ngược (analepsés)
Quay ngược là trong quá trình kể tác giả ngoái lại quá khứ. Quay ngược trong truyện kể bao gồm quay ngược bên trong và quay ngược bên ngoài. Quay ngược bên ngoài là quay ngược nằm bên ngoài của truyện kể, biên độ xa, quay ngược bên trong là quay ngược nằm bên trong của truyện kể, nhân vật quay ngược lại, câu chuyện thuộc về hoạt động của nhân vật. Quay ngược bên trong đồng nhất truyện mang ý nghĩa gợi nhớ, hoàn trả.
Trong tác phẩm, quay ngược không chỉ được thể hiện rõ nét ở các lớp sự kiện lớn mà còn thể hiện trong rất nhiều sự kiện nhỏ. Khi Amaranta nghe điệu nhạc mà Úrsula bật lên để dọn dẹp nhà cửa đón năm mới, cô nhớ da diết Pietro Crespi. Ngoái lại ở đây không chỉ là gợi nhớ thông thường mà hoàn toàn trả và xây dựng trọn vẹn bức chân dung cô đơn của cô gái. Thương yêu người yêu cũ đến nỗi bao năm cô vẫn nhớ từng đặc điểm của anh, từ bông hoa ngả vàng cài trên ve áo đến mùi oải hương lan tỏa từ cơ thể người yêu. Có lẽ một phần vì thiếu thốn tình cảm nên cô đã chôn vùi nỗi cô đơn và thèm khát của mình với người cháu trai và mắc tội loạn luân. Ngoái lại giải thích rõ hơn nguyên nhân đã đẩy Amaranta đến tâm trạng cô đơn và mắc tội loạn luân. Tác giả đã tả lại cái thời khắc mà trong trái tim héo khô của cô đã bừng nở một tình cảm trong sáng, được thanh sạch nhờ thời gian. Điều đó khiến độc giả tự ngoái lại những chi tiết
Rất nhiều lần bà cụ Úrsula nhớ lại về những đức tính lặp đi lặp lại giữa các thế hệ và có cảm giác thời gian quay vòng tròn. Đây là nhân vật có tần suất ngoái lại về thời gian nhiều nhất trong tác phẩm. Tổng cộng có tất cả hơn 20 lần bà ngoái lại, trong đó có 8 lần ngoái lại để thấy sự giống nhau những người con trai cùng dòng họ (những Aureliano có trí thông minh tuyệt vời nhưng lại mắc chứng trầm tư, ủ dột và lánh đời; những José Arcadio bao giờ cũng khỏe mạnh, táo gan và sống chan hòa). Tám lần ngoái lại để so sánh về sự giống nhau giữa những người con gái trong dòng họ và 4 lần về quá khứ của hai người. Mỗi lần bà cụ đều nói những câu đại ý như: “Cứ như thể thời gian chạy vòng tròn và giờ đây chúng ta trở lại từ đầu” [7, tr. 240]. Bà sống gần như trọn vẹn tác phẩm và luôn than phiền bộ máy thời gian đã hỏng và cho rằng mọi việc lặp đi lặp lại y như cũ, thậm chí Úrsula tưởng nhầm chít Aureliano là con trai của mình.
Khi ngắm Aureliano tỉ mẩn cạo râu, Amaranta chợt nhớ lại hình ảnh bố thằng bé và nói: “Nom cháu giống Aureliano như đúc khi anh ấy vào tuổi cháu”. Dựa vào kí ức và sự vận động của nó, cô kết luận: “Cháu đã lớn rồi đấy” [7, tr.181]. Ngoái lại cho phép nhân vật có thêm độ tin tưởng cho kết luận của mình.
Khi tuổi già cô đơn, mặc chiếc áo bông hoàng hậu ngày trước, Fernanda lại nhớ như in cảm giác thuở ban đầu. Bà như cảm thấy mùi xi trên ủng một quân nhân đã đến tận nhà để cho bà làm hoàng hậu. Fernanda vô cùng tiếc nuối những ngày tháng đã qua. Quay ngược lại những hồi ức tươi đẹp của mình, với những thứ giống như thiên đường mà người ta đã để mất như M. Proust trong Đi tìm thời gian đã mất, Fernanda thấy hiện tại đen tối, lạc lõng, cuộc sống rạn vỡ và vô vị.
Aureliano Segundo khi hấp hối trên giường bệnh đã nhớ lại buổi chiều mưa tháng sáu, khi anh bước vào phòng ngủ để nhận mặt cậu con trai.
Như thế, thời gian hiện tại chỉ là nền để nhà văn tái hiện lại kí ức. Hiện tại trở thành một “cái cớ sinh động”, hợp lí để nhà văn khẳng định những gì đã qua. Quá khứ, hiện tại, tương lai chung sống một cách hài hòa trong nỗi cô đơn và sự nuối tiếc.