Khởi nguồn huyền thoạ

Một phần của tài liệu Thời gian và không gian huyền thoại trong Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez (Trang 54)

CHƯƠNG 3 KHÔNG GIAN HUYỀN THOẠ

3.1.1. Khởi nguồn huyền thoạ

Trở đi trở lại nhiều lần trong các sáng tác của Márquez ở cả truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết, Macondo là không gian hư cấu đặc trưng mang tính liên văn bản, xuất hiện trong nhiều sáng tác của nhà văn như: Bà già Montien, Một ngày sau thứ bảy, Buổi chiều kỳ diệu của Bantaxa, Độc thoại ngắm mưa

của Isabel ở làng Macondo, Biển của thời đã mất, Đám tang Bà mẹ vĩ đại, Ngài đại tá chờ thư…

Đây là thành phố do Márquez tưởng tượng ra, nơi đây ông đã chắp cánh cho biết bao câu chuyện quái dị và hấp dẫn. Aracataca quê hương tác giả sống có nhiều điểm tương đồng với Macondo. Cho đến nay, người dân Aracataca tự hào với cái tên Macondo và tự hào đón chào du khách bằng tấm biển: “Welcome to Macondo” (Chào mừng các bạn đến với Macondo). Trong tiếng địa phương, “ara” chỉ một con sông nhỏ, còn “cataca” là tên của một tộc người cư trú ở đó. Macondo trong mỗi tác phẩm của nhà văn lại có những nguồn gốc tên gọi khác nhau.

Macondo trong Trăm năm cô đơn là một thị trấn nhỏ bé nhưng mang tầm vóc Mỹ Latinh. Nơi đây chứng kiến bao thăng trầm của cả một dòng họ, một cộng đồng dân cư.

Về mặt địa lý, Macondo gắn với cuộc hành trình đi tìm biển nhằm thoát khỏi mặc cảm tội lỗi của vợ chồng José Arcadio Buendía và một nhóm bạn bè của ông. Hai nhân vật lập ra làng Macondo có những nét tương đồng với ông ngoại (người hay nặn hình những con cá vàng) và bà ngoại nhà văn (người thường đổ những chiếc kẹo hình con thú). Cuộc chạy trốn ấy bắt nguồn từ huyền tích của tổ tiên José Arcadio Buendía và Úrsula. Sau thảm họa bị tên cướp biển Francis Drake tấn công, bà tổ của Úrsula quá kinh ngạc đến mức quẫn trí ngồi vào bếp than hồng, kết quả là những vết sẹo cháy đã biến cụ thành “người vợ ăn bám suốt đời”. Kể từ đó, cụ thu mình trong ốc đảo của riêng mình, bị ám ảnh bởi ý nghĩ người mình phả ra mùi khó chịu. Tự cụ tổ bà của Úrsula giam hãm mình trong cảm giác sợ hãi. Giải pháp được chồng bà lựa chọn là di cư đến miền xa biển, xây phòng ngủ không cửa sổ với mong muốn xua tan những cơn ác mộng của vợ. Phản ứng trước thái độ của vợ, cụ tổ ông của Úrsula cũng lựa chọn giải pháp có thể nói là tối kiến nhất. Thay vì việc cố gắng động viên vợ hòa nhập với cuộc sống, cụ lại vô tình “tiếp tay” cho nỗi cô đơn gặm nhấm tâm hồn vợ ngày một nhanh hơn. Cũng từ đó, những cuộc hôn nhân cận huyết giữa con cháu cụ tổ

Úrsula và Don José Arcadio Buendía diễn ra.

Bản thân những cuộc hôn nhân cận huyết đã dung chứa trong mình nét mông muội của loài người. Hậu quả của nó chỉ là vấn đề thời gian. Chính vì thế, hình ảnh chiếc đuôi lợn sau mỗi lần sinh con luôn ám ảnh họ. Cho đến cuộc hôn nhân của Úrsula và Don José Arcadio Buendía, với lời tuyên bố với vợ rằng có đẻ ra lợn anh ta cũng cóc cần, bi kịch của họ đã thực sự bắt đầu. Sau thời gian khá dài luôn mặc chiếc quần trinh tiết do mẹ may, Úrsula buộc phải bỏ nó vì câu khích bác của Prudencio Aguilar cay cú bởi thua chọi gà với José Arcadio Buendía. Sự kiện xảy ra chỉ mang tính thường nhật. Thế nhưng người trong cuộc lại không làm chủ được bản thân. Những lời khích bác đó cũng khiến Prudencio phải trả giá bằng cả tính mạng của mình, chết tươi bởi cây giáo của José Arcadio Buendía phóng đi với sức mạnh của một con bò tót. Vợ chồng José Arcadio Buendía ý thức rất rõ hậu quả cuộc hôn nhân của mình, thế nhưng họ vẫn chấp nhận nếu đẻ ra kỳ đà thì sẽ nuôi kỳ đà. Trớ trêu, sau cái chết của mình, Prudencio Aguilar liên tục hiện về ám ảnh hai vợ chồng. Không thể chịu nổi mặc cảm tội lỗi, họ quyết định tìm đến miền đất hứa để linh hồn anh ta được thanh thản.

Rõ ràng, cuộc hành trình đi tìm biển của những Buendía không xuất phát từ mục đích khám phá miền đất mới, mà thực chất là cuộc chạy trốn giữa cõi dương (những người đang sống) và cõi âm (linh hồn chết). Macondo là điểm dừng chân để thoát khỏi bóng ma của Prudencio Aguilar. Chính vì vậy, cuộc hành trình ấy sẽ không thể thiếu sự hiện diện của những bóng ma. Bởi lẽ sự ám ảnh không có giới hạn về không, thời gian. Điều đó được minh chứng bởi sự trở lại của bóng ma Prudencio Aguilar để trò chuyện cùng José Arcadio Buendía khi ông bị trói bên gốc cây dẻ vì chứng lẩn thẩn. José Arcadio Buendía không những không chạy trốn được bóng ma Prudencio mà còn rơi vào cái bẫy do chính mình gài sẵn. Cuối cùng, cục diện thay đổi hoàn toàn, bóng ma ông chạy trốn lại trở thành bạn tâm giao lúc sắp lìa đời. Ngược lại, những người thân yêu nhất lại trở nên xa lạ. Ngay cả giải pháp gia đình chọn: trói ông dưới một gốc cây dẻ khi ông mắc

chứng điên loạn cũng là nguyên nhân đẩy ông đến vương quốc cô đơn nhanh hơn.

Về mặt tên gọi, cái tên Macondo cũng không xuất phát từ cơ sở phong thủy, địa lý, mà lại xuất phát từ giấc mơ kì lạ của José Arcadio Buendía. “Trong đêm ngủ lại bên một con sông nhiều đá, nước trong như một dải pha lê đông lạnh, José Arcadio Buendía nằm mộng thấy ngay ở đó một thành phố đông vui với những ngôi nhà có tường kính mọc lên. Ông hỏi đó là thành phố gì và được trả lời bằng một cái tên chưa bao giờ nghe thấy và chả có ý nghĩa gì nhưng nó cứ vang vọng trong mơ: Macondo. Ngay ngày hôm sau, ông thuyết phục các bạn mình rằng sẽ chẳng bao giờ bọn họ tìm thấy biển. Ông hạ lệnh cho họ phát quang một vùng bên cạnh sông, nơi thoáng mát hơn và tại đó họ lập làng” [7, tr. 5].

Tưởng như ngẫu nhiên, nhưng với Márquez lại là ý đồ nghệ thuật. Đặc biệt, bản thân ý đồ nghệ thuật đó cũng mang màu sắc huyền thoại. Tác giả cũng không lý giải được cái tên Macondo có thật hay không. Trong ngôn ngữ Bantu, Macondo nghĩa là chuối. Loài cây này trở đi trở lại trong suy nghĩ của cậu bé hay ưu tư và sầu muộn ngay từ thủa còn thơ. Trong Hồi ức Sống để kể lại,

Márquez kể rằng trong dịp cùng mẹ về Aracataca để bán ngôi nhà cũ của bà ngoại, tàu dừng lại trước một đồn điền trồng chuối mang tên Macondo. Lớn lên, ông nhận rằng hồi đó mình rất thích cái tên Macondo vì khi đọc nghe rất nên thơ.

Khi dùng tên gọi Macondo trong tác phẩm của mình, ông tìm thấy trong một cuốn Bách khoa toàn thư giải thích đó là một loài cây vùng nhiệt đới, giống cây gạo nhưng không có hoa và quả, thân gỗ xốp thường được dùng làm thuyền độc mộc và đồ dùng nhà bếp. Tiếp đó, ông lại phát hiện ra trong một cuốn Bách khoa toàn thư của Anh ghi rằng ở Tanganyika có một tộc người du mục tên là Makondos. Nhà văn cho rằng cách giải thích này là hợp lý hơn cả. Tuy nhiên, Márquez cũng nói rằng ông đã từng nhiều lần hỏi ở vùng trồng chuối để xác minh nhưng không ai biết loài cây đó là cây gì. Vì thế, ông nhận định rất có thể trên cõi đời này nó cũng chưa hề tồn tại.

Như thế, chính tác giả cũng không xác minh được ý nghĩa thực tại của Macondo. Có nhiều cách giải thích được đưa ra, nhưng không có một khẳng định nào chính xác. Cái tên là sự kết hợp giữa thực và mơ ngay trong ý nghĩa đời thường của nó. Nó ít nhiều mang dáng dấp của ngôi làng nguyên mẫu Aracataca - quê hương của tác giả.

Một phần của tài liệu Thời gian và không gian huyền thoại trong Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)