CHƯƠNG 3 KHÔNG GIAN HUYỀN THOẠ
3.3.3. Căn phòng của Rebeca sau khi kết hôn
Rebeca không phải là một Buendía. Cô là đứa bé mồ côi, có họ hàng xa với José Arcadio Buendía, tới nhà Buendía mang theo hài cốt của cha mẹ mình. Rebeca bộc lộ những điểm kì lạ ngay từ khi mới đặt chân đến Macondo. Lúc mới đến, cô hầu như chỉ ăn đất, không ăn cơm, không chuyện trò với ai. Mỗi khi có việc gì không thể tự chủ được, cô lại ăn đất và vôi tường. Cô cũng là người đem đến mảnh đất Macondo dịch mất ngủ, khiến dân làng nhiều đêm thức trắng. Hậu quả là dân Macondo bị mắc chứng lãng quên, không nhớ nổi tên của các đồ vật trong nhà.
chỉ dành tình cảm cho Rebeca. Đó cũng là nguyên nhân làm nảy sinh lòng thù hận vĩnh viễn của Amaranta với cô. Ngay cả khi Rebeca từ bỏ Pietro Crepsi, yêu say đắm José Arcadio và kết hôn với anh, bất chấp sự ngăn cản của Úrsula, lòng thù hận ấy vẫn không hề nguôi ngoai. Chính lễ kết hôn của cô và José Arcadio đã khiến họ bị “trục xuất” ra khỏi nhà Buendía.
Đồ vật duy nhất hai vợ chồng Rebeca đem về nhà mới là chiếc võng của José Arcadio. Ngôi nhà nằm ngay trước nghĩa địa. Vợ chồng Rebeca không những không cảm thấy sợ khi một mình ở giữa không gian ấy, mà còn vui mừng tận hưởng gió từ nghĩa địa theo các cửa sổ lùa vào. Hơi diêm sinh của người chết làm cho các bức tường trong nhà cô bạc phếch. Đêm tân hôn, mặc dù Rebeca bị bọ cạp cắn làm tê liệt chân tay, nhưng cơn nồng say của họ làm hàng xóm dù không sát vách cũng phải tỉnh dậy đến tám lần trong một đêm. Rõ ràng, không khí chết chóc từ nghĩa địa không ảnh hưởng gì đến cuộc vui của đôi vợ chồng.
Trong căn nhà này, cái chết của José Arcadio là chuyện bí hiểm nhất không bao giờ được làm sáng tỏ ở Macondo. Vào buổi chiều tháng Chín, sau khi đi săn về, anh chào Rebeca, rồi đóng cửa buồng lại thì một phát súng lục nổ vang làm rung chuyển cả căn nhà. Và đặc biệt, cái chết của anh được miêu tả rất bí hiểm: “Một dòng máu chảy ra từ dưới cánh cửa, bò qua phòng khách, đi ra đường, tiếp tục chảy dọc theo những con đường gập ghềnh, trèo lên những bậc đất và những vật cản, bò một mạch theo đường Thổ Nhĩ Kỳ, rẽ ngoặt sang trái vào một phố rồi ngoặt phải sang phố khác trước khi nó quay ra một góc vuông thước thợ ngay trước nhà Buendía rồi chui dưới cửa đóng kín vào nhà, cứ bám lấy tường mà vượt qua phòng khách để khỏi vấy bẩn những tấm thảm trải nhà, tiếp tục bò qua một phòng khác, lượn một vòng rõ rộng để tránh bàn ăn, bò dọc theo hành lang những chậu thu hải đường và chui qua chiếc ghế Amaranta ngồi dạy toán cho Aureliano José mà không bị nhìn thấy, rồi biến mất khi chui vào kho ngô, rồi xuất hiện ở nhà bếp nơi Úrsula đang đập ba mươi sáu quả trứng để làm bánh” [7, tr. 171]. Lần theo vết máu đó, Úrsula tìm được thi thể của con trai mình. Mùi thuốc súng khét lẹt trên thi thể không thể nào tẩy rửa đi được, ngay cả khi người
ta ướp xác ông với muối tiêu, rau thìa là, lá nguyệt quế và ninh tử thi trên bếp lửa âm ỉ suốt một ngày. Thậm chí đến khi đã xây mộ bê tông và rắc vôi bột, mùi khét lẹt đó vẫn không mất đi. Sau này, công ty chuối đã phải chọn giải pháp đổ chiếc áo bê tông để úp lên ngôi mộ. Cái chết của José Arcadio mãi mãi không bao giờ tìm ra thủ phạm. Và trong bản định mệnh của dòng họ này, văn bản tiếng Phạn cũng không lí giải về cái chết của anh. Hình tượng dòng máu của người chết chảy từ nghĩa địa len lỏi về tận nơi đã sinh ra mình, và dừng lại ở trước đáng sinh thành ra nó chỉ có thể xuất hiện trong tư duy huyền thoại.
Hình tượng này rất gần gũi với hình tượng lá rụng về cội của Việt Nam. Con người ta, dù chết do bất kỳ nguyên nhân và ở địa điểm nào, cũng đều mong muốn được về nơi mình đã sinh thành và lớn lên. Suốt cuộc đời tung hoành, đi đây đi đó, ngang ngược chỉ làm theo ý mình, nhưng khi chết đi, José Arcadio vẫn mong muốn được trở về nhà. Nó không còn là dòng máu của người đã khuất, mà đã hóa thân vào nỗi khát khao và hoàn thành tâm nguyện của chủ nhân. Sự cô đơn, lạc lõng trong sâu thẳm trái tim, ước mong có được tình yêu của người mẹ vẫn còn nóng hổi trong tâm thức người đã khuất. Cuộc hôn nhân của anh đã không được gia đình chấp nhận, sẵn sằng dọn ra căn nhà giữa nghĩa địa, hết lòng với vợ, nhưng anh vẫn rất cần tình yêu thương, che chở của gia đình, đặc biệt là của mẹ.
Sau khi chồng chết, Rebeca gần như chôn sống mình trong nhà, mặc chiếc áo vải thô cũ nát. Năm tháng qua đi, người ta đã dần quên Rebeca, quên đi sự tồn tại của người đàn bà bất hạnh trong căn nhà đó. Dân làng chỉ gặp bà ra đường vào thời điểm quỷ dữ Judio Erangte xuất hiện. Hình ảnh Rebeca già nua, đi đôi ủng trắng bạc cũ kỹ, đội chiếc mũ có gài những bông hoa nhỏ li ti bước ra từ “căn phòng chết” được đặt cạnh hình ảnh chim chóc không chịu được nóng lao đầu qua lưới sắt để rúc vào phòng ngủ mà chết làm cho cái chết càng trở nên tang thương.
Ngôi nhà của Rebeca nằm giữa sự sống và cái chết, âm và dương. Nó dường như có sức chống chịu với mọi tang thương của cuộc đời bằng cách chôn sống chủ
nhân của nó. Trong ngôi nhà ấy, vợ chồng Rebeca đã từng thỏa mãn cơn khát nhục dục của mình, cầu mong cho khỏi kinh động đến các linh hồn nằm dưới đất. Cũng tại đó, hai người chủ của nó lần lượt ra đi theo những cách khác nhau nhưng kết quả lại giống nhau: cả hai đều bị Macondo lãng quên. Mặc dù thi thể của José Arcadio cố gắng để khẳng định sự tồn tại của nó bởi mùi thuốc súng khét lẹt nhưng cuối cùng vẫn bị công ty chuối lấp đi bằng chiếc áo bê tông. Dù cố gắng để khẳng định sự hiện hữu của mình trên đời nhưng José Arcadio Buendía không được chấp nhận.
Không gian dòng họ Buendía gắn liền với số phận của các nhân vật. Như một hình tròn không có điểm đầu và cuối, không gian dòng họ này khơi gợi những thắc mắc, ham muốn tìm hiểu ý nghĩa đằng sau không gian ấy.
Không gian dòng họ Buendía đóng vai trò quan trọng trong tác phẩm. Cùng với không gian Macondo, không gian dòng họ Buendía tạo tính hoàn chỉnh cho tác phẩm. Nó làm tác phẩm trở nên hư hư thực thực, đan xen lẫn lộn giữa hiện tại và quá khứ, giữa mộng mơ và thực tại.
* Tiểu kết:
Xuất phát từ những không gian hết sức gần gũi với cuộc sống: một ngôi làng, căn phòng, ngưỡng cửa, Márquez đã tô điểm cho nó trở nên sinh động, thậm chí kỳ bí bởi kỹ thuật huyền ảo. Sự hiện diện của những bóng ma, linh hồn, những hiện tượng thiên nhiên kì lạ đã nâng tầm nó thành một mê lộ không gian khiến bất cứ ai lạc vào đó cũng thấy thực hư lẫn lộn. Nhưng đó là những điều kỳ bí mà hiển nhiên nó phải thế. Người ta sẽ không thắc mắc tại sao lại có những cơn mưa hoa vàng, tại sao trời đất lại mưa nắng kéo dài tưởng như vô tận vậy. Bởi lẽ định mệnh của dòng họ Buendía phải thế.
Huyền thoại về Macondo gắn liền với những con người, số phận được định sẵn. Gắn với các nhân vật là những căn phòng mang hơi thở chết chóc của họ. Nếu như trong khi xây dựng nhân vật, mặc dù dùng thủ pháp trùng lặp tên từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng độc giả vẫn có thể nhận diện họ bởi những nét điển hình thì nhắc đến một không gian đặc trưng, hình ảnh nhân vật gắn với nó lập tức xuất hiện và ngược lại. Không gian không còn là yếu tố vô tri vô giác mà trở nên có hồn, hòa cùng nhịp đập của các nhân vật
KẾT LUẬN
Đại thi hào R.Targo từng nói: “Một trong những cách làm cho con người bất tử, chính là việc biết mở rộng bản sắc của mình”. “Mở rộng bản sắc” là gì nếu không phải là hướng đến cái đích cuối cùng, để cho người đời nhớ tới. Muốn thế, cuộc sống phải có ý nghĩa đúng như Márquez nói: “Người ta không chết khi phải chết mà chỉ chết khi có thể chết” (A person didn’t die when he should but when he can). Với ngòi bút đại tài, Márquez đã chứng minh cô đơn là cách con người tự hủy diệt mình nhanh nhất. Ông kêu gọi con người sống yêu thương đoàn kết vì lẽ sống tốt đẹp nhất là sống vì mọi người, để phấn đấu cho cộng đồng, cho sự nghiệp chung.
Thời gian sẽ cho thấy liệu Márquez có vai trò quan trọng với nền văn học viết bằng tiếng Tây Ban Nha như Cervanter không nhưng có một điều không thể phủ nhận là ông đã thổi vào tiếng Tây Ban Nha - ngôn ngữ của hơn năm trăm triệu người trên thế giới một luồng sinh khí mới. Qua việc nghiên cứu thời gian và không gian huyền thoại trong tác phẩm, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:
1. Trên thế giới, phê bình huyền thoại là phương pháp khá phổ biến và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Trong khi đó ở Việt Nam, vấn đề này vẫn còn khá mới mẻ. Tuy đã có một số công trình tiếp cận phương pháp này: Nguyễn Đức Nam về J. Joyce; Đặng Anh Đào về Kafka; Lê Ngọc Tân về Zola hay Nguyễn Trung Đức về Márquez… nhưng những con số ấy còn quá ít ỏi. Hơn nữa, tính ứng dụng và khả năng thành công của phương pháp này còn khá mơ hồ, vẫn còn trong giai đoạn trứng nước. Mặt khác, xu hướng sáng tác huyền thoại hóa ở Việt Nam những năm gần đây (tiêu biểu là sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp) đã bắt đầu được quan tâm. Vì thế, xây dựng, phát triển hệ thống lí thuyết về phê bình huyền thoại và áp dụng hữu hiệu phương pháp này vào nghiên cứu văn học là một yêu cầu cấp thiết đặt ra.
2. Văn học Mỹ Latinh, đặc biệt là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo thế kỉ XX với các sáng tác của Carpentier, Márquez, Asturias… là một địa hạt khá thú vị. Những
năm 60, Mỹ Latinh với những ưu việt trong sáng tác văn học đã trở thành một lục địa bùng cháy với sự giàu có không lặp lại của mình trên văn đàn thế giới. Ở Việt Nam, trong cả nghiên cứu và giảng dạy, sự quan tâm dành cho mảng văn học này rất ít. Vì thế, đầu tư nghiên cứu thành tựu, hạn chế của văn học Mỹ Latinh không những góp phần hoàn thiện cái nhìn về văn học thế giới mà còn phát triển lí luận văn học trong nước.
3. Márquez là một nhà văn xuất sắc của văn học huyền ảo Mỹ Latinh nói riêng và văn học thế giới nói chung. Tác phẩm của ông đã được dịch ở Việt Nam: Tình yêu thời thổ tả; Tập truyện ngắn; Trăm năm cô đơn; Ngài đại tá chờ thư… Nhưng việc đọc, hiểu Márquez còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nền lí luận và phê bình huyền thoại của chúng ta còn non nớt, ngôn ngữ Tây Ban Nha lại không phổ biến, nên việc tiếp cận một tác phẩm tầm cỡ thế giới như vậy không phải là dễ dàng. Thiết nghĩ, nghiên cứu và tìm hiểu tác giả bậc thầy về tiểu thuyết huyền ảo và học hỏi kĩ thuật viết của ông là một điều hết sức hữu ích.
4. Thời gian trong tác phẩm mang tính uẩn ảo và không đi theo một đường thẳng làm nên chất liệu huyền thoại cho nó. Nhịp điệu và tốc độ kể chuyện chậm rãi, cùng với sự sai trật niên biểu làm cho thời gian không còn mang tính vật lí thông thường. Ngày tháng không chuyển động về phía trước mà chuyển động vòng tròn. Tùy theo mức độ quan trọng, các sự kiện sẽ được đặt ở những vị trí và chiếm số trang khác nhau. Lối quay ngược, đón trước khiến cho tác phẩm trở nên hấp dẫn. Người đọc háo hức, trông đợi những sự kiện đã được báo trước và lặng mình theo dõi những hồi ức để hiểu thêm hiện tại. Kĩ thuật tỉnh lược khiến bản nhạc trầm có thêm những nốt bổng. Ở đó, thời gian trôi nhanh hơn bình thường, con người trở nên gấp gáp hơn nhưng vẫn là sự gấp gáp trong vòng tròn định mệnh. Điềm báo khiến vết xe thời gian in dấu rõ trong từng nhân vật và trở nên kì bí hơn. Trong suốt 100 năm, bài toán thời gian hóc búa ấy vẫn không có lời giải đáp. Vì thế, những sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian ấy sẽ mãi mãi ám ảnh độc giả và những người trong cuộc.
5. Không gian trong Trăm năm cô đơn cũng lấp lánh màu sắc huyền thoại. Một Macondo - thế giới của những biểu tượng. Không gian tưởng tượng tấm da
thuộc với những lời tiên tri của Melquíades dẫn người đọc vào mê lộ tự sự. Ngôi nhà của dòng họ Buendía qua bao thăng trầm, dung chứa những biến đổi không thể giải thích nổi. Ở đó, bảy thế hệ của dòng họ lần lượt ra đời, trưởng thành và đi đến tuyệt diệt theo những đường mòn. Không gian căn phòng, xưởng thí nghiệm luôn luôn tù đọng, tối tăm và đặc biệt là không có sự sống. Độc giả được đưa đến không gian thu nhỏ của thế giới thứ ba, nơi mà tất cả các chế độ từ nguyên thủy, bộ lạc, phong kiến, tư bản, hiện đại, siêu hiện đại, công nghiệp và cách mạng đều song song tồn tại. Hiện tại còn mang nặng những tàn tích của quá khứ. Thế giới ấy bản thân nó đã mang tính huyền thoại. Khi đi vào tác phẩm của Márquez, nó trở thành không gian chủ đạo của tác phẩm.
6. Không-thời gian huyền thoại trong tác phẩm góp phần quan trọng trong việc thể hiện ý nghĩa tác phẩm. Tác phẩm mang tựa đề Trăm năm cô đơn nhưng nhân vật nhiều tuổi nhất sống đến 145 tuổi. Căn bệnh cô đơn truyền kiếp của dòng họ Buendía không chỉ tồn tại 100 năm như tựa đề tác phẩm mà trải dài vô tận trong không gian và thời gian. Nó có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào, bất cứ nơi nào trên hành tinh này nếu con người sống không có tình yêu và cộng đồng. Các nhân vật trong tác phẩm giờ đã là người của muôn năm cũ nhưng sẽ mãi mãi hiện hữu trên hành tinh này để nhắc nhở tình đoàn kết và giá trị đích thực của cuộc sống. Cuộc sống là bài toán sử dụng thời gian hóc búa mà suốt 100 năm dòng họ Buendía không tìm ra lời giải, cũng chính là ám ảnh với nhân loại, đồng thời đó là giá trị nhân văn của tác phẩm.
Trong phạm vi luận văn này, do thời lượng viết và số lượng văn bản có hạn nên chúng tôi chỉ dừng lại phân tích thời gian và không gian huyền thoại trong tác phẩm Trăm năm cô đơn (có liên hệ với những tác phẩm khác). Hướng nghiên cứu này có thể mở rộng đối với toàn bộ sáng tác của Márquez nói riêng và toàn bộ các sáng tác thuộc mảng văn học hiện thực huyền ảo nói chung, nhằm có cái nhìn hoàn thiện hơn về văn học thế giới./.