Bảng cân đối kế toán (phụ lục số 07)

Một phần của tài liệu Luận văn Hoàn thiện công tác lập và phân tích báo cáo tài chính tại Công ty cổ phần Cơ điện và Xây dựng (Trang 63)

Để lập Bảng cân đối kế toán kế toán tổng hợp dựa trên những chính sách kế toán mà Công ty đang áp dụng cũng như các nguyên tắc được quy định tại các Chuẩn mực kế toán có liên quan. Các phương pháp ảnh hưởng đến chỉ tiêu trình bày trên Báo cáo tài chính bao gồm:

+Kỳ kế toán năm: Niên độ kế toán mà Công ty áp dụng để hạch toán là trùng với năm dương lịch, tức là bắt đầu từ ngày 01/01, kết thúc vào ngày 31/12 hàng năm.

+ Đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán: Đồng Việt Nam (VNĐ)

+ Nguyên tắc ghi nhận hàng tồn kho: Công ty áp dụng nguyên tắc là:

Nguyên tắc đánh giá hàng tồn kho: theo giá thực tế.

Phương pháp xác định giá trị hàng tồn kho cuối kỳ: Giá đích danh

Phương pháp hạch toán hàng tồn kho: Kê khai thường xuyên

Nguyên tắc đánh giá TSCĐ: Theo nguyên giá và theo giá trị còn lại

Phương pháp khấu hao áp dụng và các trường hợp khấu hao đặc biệt: Đường thẳng, theo số năm sử dụng còn lại và theo phương án vay vốn ngân hàng. Phương pháp khấu hao áp dụng tại Công ty phù hợp với quy định trong Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ngày 30/12/2003 về việc ban hành Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ. Thời gian sử dụng hữu ích của các nhóm tài sản được quy định như sau:

- Nhà cửa, vật kiến trúc: 10 năm - Thiết bị, dụng cụ quản lý: 3 năm - Máy móc thiết bị : 5 năm - TSCĐ hữu hình khác: 3 năm - Phương tiện vận tải truyền dẫn : 6 năm

+ Đối với các khoản dự phòng: Công ty đã tiến hành trích lập một phần dự phòng phải thu khó đòi.

Qua đây có thể thấy, các phương pháp kế toán mà Công ty áp dụng là phù hợp với loại hình kinh doanh của Công ty. Là một Công ty kinh doanh đa ngành nghề, nên hàng tồn kho, vật tư của Công ty rất đa dạng, nhiều chủng loại, do vậy Công ty sử dụng phương pháp kiểm kê thường xuyên là hoàn toàn phù hợp. Công ty mới chuyển đổi sang Công ty cổ phần từ 01/12/2005, việc trích lập các khoản dự phòng phải thu khó đòi là hợp lý, vì Công ty hiện có nhiểu khoản nợ đọng từ Công ty cũ chưa được thanh toán. Những khoản nợ không có khả năng thu hồi sau khi được xử lý, sẽ vẫn được theo dõi trên TK ngoài Bảng cân đối kế toán.

- Căn cứ lập Bảng cân đối kế toán tại Công ty: Bảng cân đối kế toán được lập trên cơ sở số dư các TK loại 1, 2, 3, 4 và loại 0 trên các sổ kế toán chi tiết, và sổ kế toán tổng hợp, Bảng cân đối kế toán cuối niên độ trước, Bảng cân đối phát sinh các TK và Bảng cân đối kế toán của các chi nhánh gửi lên, bảng cân đối phát sinh, các sổ kế toán tổng hợp và chi tiết do các chi nhánh gửi kèm.

- Quy trình lập Bảng cân đối kế toán tại Công ty:

Về việc kiểm tra số liệu khi lên Bảng cân đối kế toán: Cuối mỗi niên độ kế

toán, các kế toán viên các phần hành tiến hành kiểm tra, đối chiếu, so sánh số liệu của các TK chi tiết, TK tổng hợp do mình phụ trách, tiến hành tổng hợp số liệu và điều chỉnh (nếu cần thiết) và khóa sổ. Đối với các Báo cáo do các chi nhánh gửi lên,

kế toán tổng hợp kiểm tra sự chính xác các số liệu của Bảng cân đối kế toán do các chi nhánh gửi lên bằng cách kiểm tra ngược lại Bảng cân đối phát sinh, sau đó đối chiếu tiếp với sổ cái và sổ chi tiết, các bảng tổng hợp, và đối chiếu với cả kế toán thanh toán về các khoản tạm ứng, thanh toán hộ cho các chi nhánh hay các khoản cấp vốn kinh doanh cho các đơn vị cấp dưới.

Quy trình lập Bảng cân đối kế toán tại Công ty: Phần mềm kế toán sẽ tự động chiết xuất ra Bảng cân đối phát sinh, Sổ cái và sổ chi tiết các tài khoản. Căn cứ vào Bảng cân đối kế toán, bảng cân đối phát sinh, sổ cái và sổ chi tiết TK các chi nhánh gửi lên, kế toán tổng hợp lên Bảng cân đối phát sinh toàn Công ty. Từ đây, kế toán tổng hợp mới lên Bảng cân đối kế toán theo các chỉ tiêu được trình bày sẵn. Trên Bảng cân đối kế toán chỉ có các chỉ tiêu tổng hợp, các chỉ tiêu chi tiết nếu cần thiết sẽ được trình bày trong Bản thuyết minh Báo cáo tài chính.

Tóm lại, công tác lập Bảng cân đối kế toán hợp nhất tại Công ty cổ phần Cơ điện và Xây dựng tuân theo đúng quy định của Bộ Tài chính. Việc loại trừ các khoản phải thu, phải trả nội bộ được thực hiện chính xác nhờ sự hỗ trợ của phần mềm kế toán. Việc lập Bảng cân đối kế toán đã đáp ứng đúng các nguyên tắc đề ra, nhưng Công ty vẫn chưa tính và lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, do vậy nguyên tắc thận trọng có thể bị ảnh hưởng.

Một phần của tài liệu Luận văn Hoàn thiện công tác lập và phân tích báo cáo tài chính tại Công ty cổ phần Cơ điện và Xây dựng (Trang 63)