6. Cấu trúc luận văn
3.2.3. Cái anh hùng, cái cao cả trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh
Bản chất công việc sáng tạo văn học là sáng tạo ra những giá trị thẩm mỹ. Do những ưu thế riêng của thể loại, tiểu thuyết có rất nhiều màu sắc thẩm mỹ phong phú, đa dạng. Nhà mỹ học Nga Biêlinxki coi tiểu thuyết là “anh hùng ca của thời đại ta” [35, tr.74], tiểu thuyết cũng có nghĩa là cuộc đời hàm chứa đầy đủ các sắc diện như cái thiện, cái ác, cái cao cả, cái anh hùng, cái thấp hèn, ti tiện, v.v. Lựa chọn thời điểm đau thương nhưng vô cùng sôi động trong lịch sử dân tộc, Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn đã thể hiện được quy mô của một thể loại lớn cùng hệ thống nhân vật thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, sự đan xen rất nhiều các lớp sự kiện, các biến cố, miêu tả và phân tích nhiều số phận, bi kịch con người trong xã hội. Tính chất hoành tráng của các sáng tác đã đem đến một ấn tượng đặc biệt đối với độc giả.
Cái anh hùng, cái cao cả vốn là những khái niệm phổ biến, với nội hàm vốn đã được định hình từ lâu trong lịch sử. Văn học Việt Nam trước 1975 gắn liền với các bộ tiểu thuyết mang đậm cảm hứng anh hùng, cao cả sử thi nhằm tôn vinh giá trị của con người trong chiến tranh cách mạng đã chuyển dần sang cảm hứng thế sự, đời tư từ nửa sau những năm 80. Trong xu hướng cách tân nền văn học, tiểu thuyết nói chung và mảng sáng tác đề tài lịch sử nói riêng đã vượt thoát khỏi cái nhìn truyền thống, hướng tới sự nhìn nhận mang đậm dấu ấn cá nhân về nhân vật và sự kiện. Cái cao cả, cái anh hùng trong tiểu thuyết vì vậy cũng mang màu sắc mới. Và dù cho đến thời điểm này, tiểu thuyết Việt Nam chưa có được những đỉnh cao kiểu những tác phẩm kinh điển của văn chương thế giới như Chiến tranh và hoà bình của Lép Tônxtôi, Sông đông êm đềm của M. Sôlôkhốp hay Trăm năm cô đơn của
Mackét, Tấn trò đời của Bandăc, v.v. nhưng những nỗ lực không mệt mỏi của nhiều thế hệ nhà văn nhằm tìm một hướng đi mới cho tiểu thuyết nước nhà với các sáng tác mới mẻ là điều đáng ghi nhận. Nói tới văn học Việt Nam đương đại, nhất là hơn chục năm trở lại đây, người đọc có thể dễ dàng nhắc tới những cái tên như Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, v.v. và có lẽ không thể thiếu được tác giả Nguyễn Xuân Khánh.
Tiểu thuyết Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn với hệ thống đông đảo các nhân vật đa tuyến tính, không còn hệ thống nhân vật chính diện – phản diện tuyệt đối đã phá vỡ hoàn toàn sự phân tuyến rạch ròi giữa các nhân vật mà người đọc thường thấy trong các tiểu thuyết lịch sử truyền thống. Tuy nhiên, trong suy nghĩ, hành động của các nhân vật tiểu thuyết này, cái cao cả, cái anh hùng vẫn tồn tại. Hồ Quý Ly mang trong mình một hoài vọng có thể nói là rất tốt đẹp, lớn lao: tiến hành công cuộc canh tân đất nước nhằm cứu vãn dân tộc đang trong cơn thoái trào. Lý tưởng của một kẻ sĩ muốn “làm mây làm mưa để tưới tắm cho muôn nhà” đã hình thành trong con người Hồ Quý Ly từ khi ông còn là chàng thiếu niên theo hầu ông vua tương lai Nghệ Tông, và xa hơn, nó có cơ sở từ những khí chất khác thường của một cậu bé thích chơi với lửa, luôn giữ riêng cho mình một ngọn lửa bí mật nơi góc vườn tuổi thơ. Nguyên Trừng là một nhân vật cũng hết sức đặc biệt ở tiểu thuyết Hồ
Quý Ly. Bẩm sinh Trừng đã là người đa cảm và rất giàu lí tưởng với ước vọng là
“cây thông nhỏ” làm giường, cột chống đỡ xã tắc. Và trong vòng xoáy lịch sử, Hồ Nguyên Trừng – người đi trên con thuyền gia tộc nhưng lạc loài trong lý tưởng riêng vẫn lựa chọn “con đường đau khổ” – đứng về lẽ phải và chính nghĩa. Hình ảnh nhân vật Hồ Nguyên Trừng ở cuối tác phẩm “đi về phía có tiếng trống thúc liên hồi” hay tấn bi kịch của Hồ Quý Ly từ lý tưởng tới hành động đã tạo nên sự lan toả cảm xúc về cái hùng, cái cao cả. Hồ Quý Ly hay với người không cùng chí hướng với ông là danh tướng Trần Khát Chân đã luôn được đặt vào những tình huống ngặt nghèo mà ở đó nhân vật không khỏi giằng xé và đau đớn trước những lựa chọn. Người anh hùng Trần Khát Chân dù có tư tưởng bảo thủ hết sức thủ cựu, song hành
động quyết tiến hành bạo động Đốn Sơn và buộc phải nhận cái chết thảm bại đã tạo nên âm hưởng bi tráng ở phần cuối kết tác phẩm.
Trên con đường thực hiện công cuộc canh tân đất nước, Hồ Quý Ly có sự trợ giúp đắc lực của các “cộng sự” như Nguyễn Cẩn và Hồ Hán Thương. Nguyễn Cẩn được nhà văn xây dựng như một điển hình cho loại nhân vật “quỷ ám”, ôm ấp lý tưởng cao cả nhưng lại mù quáng và thực hiện những hành động tàn bạo. Về khía cạnh một cá nhân, Nguyễn Cẩn có sự hoàn thiện về nhiều mặt. Đó là một thanh niên có bề ngoài khôi ngô, tuấn tú, một người có tài năng, được học hành bài bản. Và đó là một người ôm ấp cái chí đổi núi dời sông, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Nguyễn Cẩn có niềm tin mãnh liệt vào các lý tưởng của Quý Ly, bất chấp tất cả và chấp nhận làm những điều vô cùng hiểm ác. Y dễ dàng vạch ra kế hoạch để khai tử những phần tử nguy hiểm với phe cánh như hành quyết Nguyên Uyên, Nguyên Dận, bí mật giết chết Trang Định Vương Ngạc hay góp phần không nhỏ vào âm mưu bức tử ông vua trẻ Thuận Tông, v.v. Ở nhân vật Nguyễn Cẩn, cái cao cả của lí tưởng được đặt trong sự tương phản gay gắt với những hành động phi nhân.
Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh xuất hiện nhiều trang văn mô tả về các cuộc chiến tranh, các trận đánh mà tiêu biểu là các cuộc đụng độ về quân sự giữa hai nước Đại Việt và Chiêm Thành nửa sau thế kỉ XIV. Trận đánh lớn nhất mà nhà văn dụng công tái dựng lại chi tiết, tỉ mỉ là cuộc quyết chiến trên sông Luộc nơi diễn ra cuộc so tài, đọ trí giữa hai vị tướng lĩnh Trần Khát Chân – Chế Bồng Nga. Tác giả dành sự chú ý đặc biệt miêu tả diễn biến tâm trạng hai nhân vật lịch sử này cũng như cho thấy tài thao lược của người anh hùng Trần Khát Chân trong việc bày binh, bố trận tiêu diệt hoàn toàn đoàn quân thiện chiến La Ngai. Chiến thắng của nhà Trần cùng hình ảnh danh tướng Trần Khát Chân cưỡi voi tiến vào kinh đô Thăng Long gợi lên cảnh tượng long trọng, oai hùng mang đậm hào khí Đông A. Trong
Mẫu thượng ngàn, cái anh hùng, cái cao cả toát lên qua hàng loạt những cái tên về
các cuộc khởi nghĩa và lòng kiên trung của những nhà Nho yêu nước: ông Đốc, ông Đề, ông Đội, v.v. Những tấm gương quyết chống Pháp tới cùng và sự hi sinh anh
dũng của các chí sĩ yêu nước như cụ Vũ Huy Tân, cụ Cử Khiêm đã tạo nên “huyền thoại” trong lòng người Cổ Đình. Tham gia cuộc kháng Pháp do Đề Nghĩa khởi xướng, Hai Phác phải mang khuôn mặt dị dạng và trôi dạt nhiều nơi trên miền đất Sơn Nam trước khi trở về được quê nhà dưới cái tên Trịnh Huyền. Dù lý tưởng cứu nước đã thất bại trong hành động thực tiễn song cuộc đời Trịnh Huyền với những dấu nét về những tháng ngày lăn lộn nơi núi rừng trong đội quân chỉ gồm 200 nghĩa binh chủ yếu được trang bị giáo mác chống lại cả đội quân súng ống chủ nghĩa thực dân đã trở thành khúc bi hùng về lòng quả cảm. Trong bất cứ cuộc va chạm về quân sự nào cũng có mất mát và những hy sinh trong chiến tranh, chiến đấu bao giờ cũng hàm chứa những giá trị cao cả, thiêng liêng. Sự hiếu thắng và bồng bột của Duệ Tông đã khiến ông ta nướng cả một đội quân hùng hậu cho Chiêm Thành nhưng có lẽ cái chết để lại niềm cảm thương, cảm phục trong lòng người đọc là hình ảnh người con gái (Quý phi Bích Châu) tự nguyện trẫm mình xuống biển cả mênh mông làm vật hiến tế cầu sự an toàn cho cả hạm đội vua tôi nhà Trần.
Tiểu thuyết Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn có độ bao quát lớn cả về thời gian và không gian. Những giây phút đứng trước núi non hùng vĩ, cây cỏ xanh tươi của Yên Tử là những giây phút nhẹ nhõm và tràn đầy cảm xúc nhất trong tâm hồn Hồ Nguyên Trừng. Trong nỗi cô đơn tột cùng khi bị giam lỏng ở vườn Ngự uyển, ông vua trẻ Thuận Tông có những giây phút hiếm hoi được đối diện trước cái mênh mông rợn ngợp của ráng chiều in bóng đôi chim công chao liệng. Sự đồng điệu giữa những tâm hồn thanh cao Trần Khát Chân và Hồ Nguyên Trừng được thăng hoa trong khung cảnh hết sức nên thơ của bạt ngàn những cánh hoa mai khoe sắc. Và đằng sau gương mặt kì dị một nửa, Trịnh Huyền không khỏi bồi hồi, xúc động khi đứng trước khung cảnh yên bình đến nao lòng của hồ Huyền, núi Mẫu, sông Son.
Mẫu thượng ngàn còn đem đến bức tranh thu nhỏ miền quê Bắc Bộ Việt Nam với
bạt ngàn cây cỏ thơm nức mùi mật ong và hoa rừng. Chính cái bát ngát của thiên nhiên, đất trời ấy đã góp phần nuôi dưỡng và tạo ra cảm xúc cao đẹp, niềm tin tưởng vào tương lai nơi tâm hồn con người.
Hoà nhịp cùng yêu cầu cần đổi thay của văn xuôi, tiểu thuyết hôm nay, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã có nhiều sáng tạo trong việc làm mới thể loại. Sáng tạo của ông không phải là những điều hoàn toàn xa rời với truyền thống mà có sự kế thừa và chọn lọc, tái tạo mang đậm dấu ấn cá nhân. Nhân vật trong tiểu thuyết được phân tích, lý giải để thấy được mâu thuẫn giữa lý tưởng và hành động. Qua đó, cái hùng, cái cao cả được biểu hiện một cách phong phú, đa dạng khác hẳn cách xây dựng tượng đài về người anh hùng mang tính sử thi trong văn học cách mạng. Cái hùng, cái cao cả có thể được nhận diện qua những hành động bình thường nhất ở nhân vật. Và tận dụng tối đa ưu thế thể loại, nhà văn đã tái tạo những bức tranh rộng lớn về thiên nhiên, chiến trận, khơi dậy nhiều cảm xúc sâu đậm nơi người đọc.
TIỂU KẾT: Tại chương 3, chúng tôi đã khảo sát và phân tích để thấy để làm sáng rõ sáng rõ những thay đổi trong cấu trúc hình thức thể loại ở tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh. Luận văn tập trung nghiên cứu trên bốn phương diện chính:
người kể chuyện và điểm nhìn; các yếu tố cấu thành hành vi kể; thời gian và cấu
trúc tác phẩm; xây dựng nhân vật. Ngoài ra, chúng tôi cũng tìm hiểu một số yếu tố
thẩm mỹ được phản ánh trong hai tác phẩm và đã mang đến những sắc diện mới cho tiểu thuyết Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn như: cái đời tư, cái trần tục – đời thường, yếu tố tình dục; yếu tố tâm linh, tôn giáo; cái cao cả, cái anh hùng.
Sự kết hợp các ngôi kể và thay đổi linh hoạt nhiều điểm nhìn trần thuật trong hai tiểu thuyết đã phá bỏ hoàn toàn lối kể một điểm nhìn và đơn giọng kể, hướng tới tính chất đa giọng điệu cùng sự đan xen nhiều điểm nhìn. Phạm trù chỉ ngôi và điểm nhìn có mối liên hệ chặt chẽ trong việc chi phối các yếu tố cấu thành hành vi kể. Với các kĩ thuật phân tích tâm lí, nhà văn không chỉ tái hiện mà còn đi sâu phân tích, lí giải những chuyển biến tinh tế trong tâm hồn nhân vật. Khả năng quan sát, trí tưởng tượng bay bổng đã được Nguyễn Xuân Khánh phát huy cao độ khi miêu tả nhiều trang văn thành công về bối cảnh, các yếu tố ngoại diện của nhân vật. Hiện tượng lời gián tiếp tự do (discour indirect libre ) xuất hiện với mật độ dầy trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn và thiết lập các đối thoại, giọng điệu đối
thoại giàu tính kịch là những sáng tạo đáng trân trọng ở nhà văn. Vấn đề thời gian và sự phá vỡ trật tự thời gian đã chi phối thậm chí phá vỡ hoàn toàn cấu trúc tiểu thuyết theo trật tự tuyến tính. Tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh có một tầm bao quát rộng tới nhiều số phận con người thuộc các tầng lớp khác nhau. Nhiều nhân vật lịch sử được nhà văn dành nhiều tâm huyết tìm tòi, khám phá chiều sâu tâm lí. Nguyên tắc xây dựng nhân vật và đặc biệt là việc xuất hiện “dày đặc” các nhân vật tư tưởng bên cạnh sự phức tạp của các kỹ thuật trần thuật đã góp phần không nhỏ vào việc xác lập mô hình cấu trúc tiểu thuyết mới. Cùng với sự thay đổi về các quan niệm thẩm mỹ trong văn chương thời kì Đổi mới, tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh đã tạo nên sự độc đáo khi đề cập tới nhiều yếu tố thẩm mỹ từng được xem là “khu vực cấm” đặc biệt với tiểu thuyết lịch sử. Việc đưa cái đời tư, yếu tố tình dục, vấn đề tâm linh, tôn giáo hay cái cao cả, cái anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử đã khiến nhân vật hiện lên chân thực, sinh động và gần gũi với người đọc. Những yếu tố thẩm mỹ được phản ảnh trong Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn cũng cho thấy một trong những đặc trưng lớn của tiểu thuyết là sự phong phú của các màu sắc thẩm mỹ, tính chất đa thanh, “phức điệu”.
Những thay đổi về mặt hình thức nghệ thuật tiểu thuyết không phải là những thay đổi bề ngoài mà ngay trong ý thức của người cầm bút. Một tác phẩm tiểu thuyết thành công và có giá trị nghệ thuật về mặt hình thức thực sự phải là hình thức mang tính quan niệm, mang được tầm tư duy, sáng tạo của nhà văn. Những thay đổi về mặt kĩ thuật cũng như phương diện thẩm mỹ được phản ánh trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh tạo nên cấu trúc hình thức mới trong tiểu thuyết: sự phối kết hợp nhiều sự kiện theo kiểu “phối trí đa tầng”. Đây là đóng góp to lớn của nhà văn trong tiến trình đổi mới tiểu thuyết đang diễn ra sôi nổi hiện nay. Và thông qua hình thức mới mẻ, Nguyễn Xuân Khánh biểu hiện sâu sắc những vấn đề nội dung tư tưởng và truyền tải được những thông điệp giàu ý nghĩa nhân sinh.
KẾT LUẬN
Từ sau Đại hội VI (1986) của Đảng, đất nước ta chính thức bước vào giai đoạn đổi mới trên nhiều phương diện. Trong hoạt động văn học, xét riêng ở thể loại tiểu thuyết, ngoài bộ phận tác phẩm nghiêng về tính chất sử thi vẫn được sáng tác theo quán tính của văn học chiến tranh cách mạng, phần lớn sáng tác đã hướng tới mô hình nghệ thuật mang cảm hứng thế sự, đời tư. Sự vận động của tiểu thuyết gần ba mươi năm trở lại đây hết sức đa dạng, thậm chí phức tạp, với nhiều khuynh hướng khác nhau, mà ở mỗi khuynh hướng đều tìm thấy những tác phẩm giá trị thể hiện khả năng sáng tạo, tìm tòi của nhà văn về nội dung biểu hiện và cấu trúc. Nghiên cứu tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh trong tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại, luận văn nhằm hướng tới mục đích: xác định những giá trị độc đáo trong cấu trúc thể loại và nội dung tư tưởng ở hai tác phẩm Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn để thấy được những đóng góp độc đáo về mặt giá trị nghệ thuật của tác giả vào tiến trình đổi mới tiểu thuyết. Luận văn cũng cố gắng xác lập một góc nhìn để có thể hình dung được tình hình phát triển và những đặc điểm nổi bật của tiểu thuyết đương đại, đồng thời cũng chỉ ra được những vấn đề chung nhất trong quan niệm đổi mới tiểu thuyết và các phương thức nghệ thuật của tiểu thuyết đương đại.