Lịch sử trở nên đa diện qua nhiều góc nhìn

Một phần của tài liệu Những đóng góp của Nguyễn Xuân Khánh vào tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua hai tác phẩm Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng Ngàn (Trang 57)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.2. Lịch sử trở nên đa diện qua nhiều góc nhìn

Nhằm nỗ lực cách tân thể loại, thay đổi quan niệm sáng tác tiểu thuyết lịch sử, các nhà văn đương đại đã “vượt thoát” khỏi quan niệm của cộng đồng về lịch sử, chủ động thể hiện cái nhìn cá nhân của mình trong việc biểu hiện và lí giải lịch sử trong hư cấu tự sự hay còn gọi là quá trình “cá nhân hoá lịch sử” [96]. Không để lịch sử hiện lên “đơn giản” “một chiều’ theo kiểu “mô phỏng” “đồng tình” với chủ kiến của cộng đồng, trong hai tiểu thuyết Hồ Quý LyMẫu thượng ngàn, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã để sự kiện và nhân vật được soi chiếu ở nhiều góc độ tạo nên cái nhìn “đa diện” về sự kiện và nhân vật lịch sử.

Hồ Quý Ly là tiểu thuyết viết về một trong những triều đại ngắn ngủi nhất trong lịch sử nhưng cũng là triều đại đã thi hành những chính sách cải cách táo bạo và gây ra những biến đổi quan trọng trong xã hội Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã đem đến một cái nhìn mới về sự kiện lịch sử này. Qua việc soi chiếu quá trình lịch sử dưới rất nhiều các quan điểm của các nhân vật khác như Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hàng, Nghệ Tông, Nguyễn Cẩn, …. nhà văn đã nhìn nhận vấn đề lịch sử một cách khách quan hơn rất nhiều. Với những cá nhân như Nguyên Hàng, Khát Chân, Đoàn Xuân Lôi thì việc làm cải cách của Hồ Quý Ly là những chính sách trái với lề lối tổ tiên, là dấu hiệu của âm mưu thoán nghịch, trái lại, trong con mắt tôn thờ của những người cùng phe cánh như Nguyễn Cẩn, Hán Thương thì đó là việc làm của một bậc minh trí dũng. Ông vua già Nghệ Hoàng thì lại đầy mâu thuẫn trong các việc làm của Quý Ly, chính ông là người ủng hộ các chính sách của Quý Ly nhưng “dùng dằng” trong nỗi lo sợ không dám một sự “thay đổi” lớn lao trong đất nước. Những người như cụ Sử Văn Hoa, Nguyên Trừng là những người nhận thấy những điều “bất ổn” trong các chính sách của Quý Ly. Chọn một thời điểm lịch sử giữa sự giao tranh nhiều giá trị về văn hoá, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái mới và cái cũ, Mẫu thượng ngàn lấy bối cảnh lịch sử tại một ngôi làng Việt vùng trung du phía Bắc trong quá trình tiếp biến văn hoá Pháp – Việt vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.Sự xâm nhập và thống trị của chủ nghĩa thực dân đã phân hóa thái độ và cách ứng xử của những người dân Cổ Đình mà rộng hơn là các thế hệ người dân Việt Nam. Những trí thức nho sĩ như cụ Vũ Huy Tân, Cử Khiêm, cha con Đồ Tiết và sau này là người trí thức kiểu mới như Huy kiên quyết tỏ thái độ phản kháng trước hành động xâm lược của thực dân Pháp. Trong khi đó, không ít các cá nhân thỏa hiệp thậm chí đồng tình theo sự áp bức vô lí của người Pháp đối với người An Nam như tiên chỉ Nhậm, quản Boong, Lí Cỏn, v.v. Ở một tư thế trung dung hơn, một bộ phận các trí thức cả người Pháp và Việt đều không mong muốn và suy nghĩ rằng việc Pháp đên Việt Nam là để cái trị, nô dịch mà là sự giao lưu bình dẳng thật sự về văn hóa và lòng ái hữu (Tuấn, Pierre, Rénee).

Khai thác đề tài lịch sử, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không nhằm ghi chép lại sự kiện lịch sử mà đặt lịch sử trước các quan niệm, thái độ khách nhau. Chính vì vậy, lịch sử hiện lên không hề đơn nghĩa mà buộc người đọc phải cùng suy ngẫm về các vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, mang tầm phổ quát ở bất cứ thời đại nào. Là cá nhân có vai trò tạo ra những thay đổi của hoàn cảnh lịch sử, những nhân vật như Hồ Quý Ly, Trần Nguyên Hàng, Hồ Nguyên Trừng, … được nhà văn xây dựng với những mâu thuẫn phức tạp về tính cũng qua sự đánh giá, nhận xết của các nhân vật khác. Người đọc có thể nhận diện rất nhiều “con người trong con người” ở nhân vật trung tâm Hồ Quý Ly với sự đa dạng của tính cách. Về điều này, nhà văn đặt nhân vật trong các mối quan hệ gia đình, xã hội để làm nổi bật đời sống nội tâm phức tạp của nhân vật. Đấy là người chồng, người cha giàu tình cảm, người thủ lĩnh bản lĩnh, tài năng, một bề tôi tận tụy nhưng ôm ấp hoài bão lớn, một trí thức lớn hết sức nhạy cảm và tinh tế, v.v. Trong cái nhìn của những người xung quanh, Hồ Quý Ly lại được nhìn nhận rất khác nhau. Với Cụ Sử, họ Hồ tài năng nhưng tàn ác quá, với Nguyễn Cẩn, Quý Ly là bậc quân tử, với Trần Khát Chân, thái sư là người đa mưu, với người con cả Hồ Nguyên Trừng, cha là người hết mực cô đơn, v.v. Nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh là những cá nhân mang khối mâu thuẫn phức tạp, thậm chí trái chiều. Những con người bình thường trong xã hội thu nhỏ nơi làng Cổ Đình như cô Mùi, ông Hộ Hiếu, bà Ba Váy, v.v. có những điểu đáng quý và đáng trân trọng nhưng có cả những điều mà nếu nhìn ở con mắt đạo đức bình thường thì lại không phù hợp. Cô Mùi là một phụ nữ đẹp, có những nét “lạ” khi sở hữu một thân hình hơi “quá khổ” so với phần đông phụ nữ bản xứ. Mùi có tận ba đời chồng và cái chết của những người chồng (Tẻo, anh Tân, Philippe) đã gắn cho cô biệt danh “sát phu”. Thậm chí việc cô đồng ý lấy Philippe khiến cụ Đồ Tiết từ mặt cô và tạo nên nhiều nghi vấn. Liệu cô đồng ý lấy Philippe vì bị sự ép buộc hay chính cô tự nguyện hay còn một lí do nào khác? Và cái chết của Philippe vẫn là một điều “bí ẩn” đối với độc giả trong rất nhiều giả thiết khác nhau. Ông Hộ Hiếu luôn làm những điều tốt đẹp cho mọi người, nhưng việc ông làm phù thuỷ cùng những bài thuốc chữa bệnh, trừ tà, v.v. đôi khi gây cảm giác sợ hãi cho mọi

người. Với tác phẩm Mẫu thượng ngàn, hình ảnh của các nhân vật như lí Cỏn, tiên chỉ Nhậm, chánh Thi, quản Boong, v.v. không hoàn toàn là những cá nhân mang ý nghĩa tích cực nhưng đều có nét đáng quý ở người Việt như tôn trọng lễ nghĩa và truyền thống văn hoá từ lâu đời của dân tộc.

Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh đã không tô vẽ lịch sử theo kiểu “một chiều” mà cố gắng tạo ra tính khách quan khi tiếp tục phân tích, lí giải để nhìn nhận lại lịch sử. Rất nhiều các sự kiện lịch sử được nhà văn đưa ra các giả thiết khác nhau gợi suy nghĩ và cảm thông hơn với các nhân vật lịch sử có liên quan. Sự nhu nhược và do dự trong điều hành chính sự của ông vua già có nguồn gốc từ bản tính nhân từ và điều kiện lịch sử nhất định. Nghệ Tông cũng là một con người đầy đáng thương với danh vọng của một kẻ sống không đúng vị trí của mình, nhùng nhằng trong những mâu thuẫn với lòng mong muốn kéo dài cương vị cho dòng họ. Việc Trần Khát Chân cùng các tôn thất nhà Trần kiên quyết bảo vệ các giá trị cũ kĩ, phản đối quyết liệt công cuộc cải cách của Quý Ly phản ánh sự bảo thủ nhưng phần nào phản ánh khí tiết trung nghĩa của người anh hùng. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã tạo nên cái nhìn hết sức khách quan về sự kiện và nhân vật lịch sử. Danh tướng Trần Khát Chân bên cạnh đức nhân ái cũng bất chấp sai trái để làm điều thủ ác (nhờ Sừ Văn Hoa viết một cuốn sách nhằm lật đổ Quý Ly). Và cá nhân Hồ Quý Ly, bên cạnh việc bị người đời cho là tàn nhẫn, độc ác, v.v. cũng có những cá tính nổi bật mà không phải bất cứ con người bình thường nào cũng có được.

Như vậy, ý thức về việc xem lịch sử như một phương tiện chứ không phải là mục đích đã khiến nhà văn xây dựng nhân vật và sự kiện một cách sinh động và đầy “bản sắc”. Lịch sử đã được nhìn nhận lại trong một cái nhìn “đa diện” để tìm ra chân lí chứ không chỉ miễn cưỡng sùng bái chân lí đã được xác định từ trước.

Một phần của tài liệu Những đóng góp của Nguyễn Xuân Khánh vào tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua hai tác phẩm Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng Ngàn (Trang 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)