6. Cấu trúc luận văn
2.3.1. Hư cấu nhân vật
Trong hai tiểu thuyết Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn, bên cạnh các nhân vật có thật trong lịch sử được nhà văn hư cấu ít nhiều còn có loại nhân vật do nhà văn tưởng tượng hoàn toàn. Đặc biệt ở tác phẩm Hồ Quý Ly, nhà văn đã dụng công xây dựng các nhân vật lịch sử có thật dưới thời Trần như Nghệ Tông, Quý Ly, Nguyên Trừng, Khát Chân, Nguyên Hàng, v.v. Các nhân vật có thật với tên tuổi, nguồn gốc xuất thân, tiểu sử cuộc đời, các hoạt động chính, v.v. về cơ bản đã được các sử quan ghi chép lại. Thêm vào đó, nhà văn phải đối diện với quan niệm đánh giá của cộng đồng về các nhân vật lịch sử này. Không chịu áp lực từ các quan niệm trước đó, thông qua việc hư cấu tâm lí nhân vật lịch sử, miêu tả họ trong sinh hoạt đời thường, nhà văn đã thêm sự khách quan trong việc nhìn nhận, đánh giá nhân vật cũng như kéo gần nhân vật lịch sử lại phía người đọc.
Hồ Quý Ly là một nhân vật có thật trong lịch sử, người đã tiến thân từ một đại quan dưới thời nhà Trần khoảng từ năm 1370 đến 1400 và lập nên triều nhà Hồ từ năm 1400 đến 1407. Trăn trở và đầy đồng cảm với nhân vật, Nguyễn Xuân Khánh đã để nhân vật bộc lộ mình qua việc tự thể hiện thế giới nội tâm phức tạp, đan chéo những giằng xé. Diễn biến tâm lí và nội tâm của Hồ Quý Ly đã được tác giả tập trung hư cấu trong hai chương 9 và 10 có nhan đề: Một ngày của Thái sư (I, II)
hay Minh Đạo(I, II)
thông qua nhiều đoạn độc thoại nội tâm và những giấc mơ. Nhiều đêm mất ngủ, Quý Ly bừng tỉnh giấc khỏi cơn ác mộng, tiếp tục trôi vào những suy nghĩ triền miên. Nghĩ tới cuốn sách tâm huyết của cả cuộc đời - Minh Đạo và phản ứng của những người gần gũi như Hán Thương, Nguyên Trừng, Nguyễn Cẩn, v.v. Ông nghĩ tới hai từ minh chủ và những con người đứng ở bên kia chiến tuyến? Ông
vẫn trọng cái hào hùng ở Sư Ôn và tiếc cái thực tài, lòng trung thực ở Khát Chân, Nguyên Hàng. Hồ Quý Ly khát khao có được sự “đồng tâm hiệp lực” ở những kẻ sĩ, những con người đã khiến ông bao công “chiều chuộng” mà vẫn “mãi xa rời ông”. Những câu hỏi Tại sao? Tại sao? cứ vang lên mãi trong đầu Quý Ly. Ở con người dường như lúc nào cũng tràn ngập tham vọng và các âm mưu ấy, trong tận cùng sâu thẳm là nỗi cô đơn của một kẻ lạc loài. Ông mặc người đời chê trách trong tiếng thở dài cũng như ông phải nén lại tình cảm riêng tư của một người chồng, người cha. Ông cảm thấy sự mất mát nơi vòng tay ôm không còn níu chặt của đứa cháu ngoại mới ba tuổi đã phải học làm vua và lòng dâng lên niềm xót thương vô hạn khi nhìn “gương mặt trắng bệch buồn bã” của hoàng hậu Thánh Ngẫu. Và “người đàn ông hùng mạnh” ấy đã muốn khóc khi ngắm gương mặt của pho tượng đá trắng mang hình hài của vợ. Trong niềm thương xót và nỗi cô đơn vô tận, ông gối đầu lên chân pho tượng để đi tìm gặp lại người vợ yêu trong giấc mơ.
Trong tác phẩm Hồ Quý Ly, nếu làm một phép so sánh giữa các nhân vật thì sẽ thấy một sự đối lập gay gắt từ tính cách, tâm lí, hành động ở nhân vật Quý Ly và Nghệ Tông. Quý Ly mạnh mẽ quyết đoán, dữ dội bao nhiêu, ông vua già lại thuần hậu, nhu nhược thậm chí bạc nhược bấy nhiêu. Thế giới nội tâm của nhân vật Nghệ Tông được bộc lộ sâu sắc ở những trang viết về những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Nghĩ lại cả một đời làm vua, bao nhiêu câu hỏi dồn dập ập đến trong ông. Người đời vẫn ca tụng những ông vua nhân từ, thương dân. Những đức tính ấy cả ông và con ông – Thuận Tông đều có thừa. Ông đã hết lòng tu nhân tích đức lo cho trăm họ. Vậy tại sao nước Đại Việt này vẫn loạn lạc và đói khát?
Hồ Quý Ly khát khao có người hiểu và chia sẻ, cùng đi với ông trên con thuyền quyền lực. Và không ai khác có thể thấu hiểu tham vọng và đọc được nỗi cô đơn cùng cực trong trái tim ông là Nguyên Trừng. Hồ Nguyên Trừng xuất hiện trong tác phẩm với thế giới nội tâm đầy đau đớn và dằn vặt, một con người đầy chất nghệ sĩ và cũng thật cô đơn. Nhà văn đã dành nhiều trang viết để nhân vật tự bộc lộ suy nghĩ và từ đó chiều sâu thế giới nội tâm của nhân vật được soi tỏ. Đây có thể
nói là nhân vật đặc biệt và ấn tượng trong tác phẩm. Từ khi còn là một cậu bé được cha đưa về sống với ông ngoại, Trừng đã hiểu cha đang nuôi một giấc mộng lớn. Trong cuộc hôn nhân với người con gái xinh đẹp của Trần Nguyên Hàng, Nguyên Trừng trở thành một phương tiện chính trị. Ở con người mà chất nghệ sĩ và sự đa cảm nhiều hơn tham vọng quyền lực ấy, luôn sống trong tâm trạng “phân thân” của nhiều con người trong một con người. Ở Nguyên Trừng luôn chất chứa nỗi cô đơn, nỗi cô đơn của một kẻ lạc loài không thuộc hẳn về một thế giới nào.
Như chúng tôi có đề cập, điều thú vị ở tiểu thuyết Hồ Quý Ly là nhân vật trung tâm được nhìn nhận và đánh giá ở nhiều góc độ, được thể hiện trong quan niệm của rất nhiều các nhân vật khác trong tác phẩm. Và để làm nổi bật nhân vật chính, nhà văn đã sáng tạo ra những nhân vật không có trong chính sử như Sử Văn Hoa, Phạm Sinh, Thanh Mai, v.v, nhưng lại hoàn toàn ăn nhập với guồng chuyển động của tâm lý và tính cách các nhân vật chính.
Sử Văn Hoa và Phạm Sinh là những nhân vật do tác giả hoàn toàn hư cấu. Văn Hoa là một nhà viết sử chân chính, suốt cuộc đời miệt mà làm công việc giữ lại cái “hồn” của dân tộc. Ngoài Nguyên Trừng, ông là nhân vật trung thực và có được cái nhìn khách quan nhất về lịch sử. Vì thẳng thắn căn ngăn Quý Ly, ông bị Quý Ly tống vào ngục giam. Ở trong tù, ông tiếp tục viết lại cuốn sử mà cả đời ấp ủ và không ngần ngại viết chương Minh Đạo Luận - phê phán những điều bất cập trong tư tưởng canh tân của Hồ Quý Ly. Ông không phủ nhận hoàn toàn con người Quý Ly nhưng điều mà ông thấy là “con người này quá ư tàn bạo”. Ông cũng kiên quyết không làm công việc mà người anh hùng Trần Khát Chân nêu ra: viết một cuốn sách bịa đặt những tội ác cho họ Hồ. Trước khi phải chịu cái chết oan khốc, cụ Sử đã kịp giao phó và truyền lại những kinh nghiệm của cả cuộc đời cho Phạm Sinh. Mang trong mình nỗi thù của cha, nỗi thù của thầy (cụ Sư Tề) và cả khát vọng của người trí thức, Phạm Sinh đã phải đối diện trước một thực tế: vừa là mục tiêu săn đuổi của các tôn thất nhà Trần cũng như phe cánh Hồ Quý Ly. Nhận thức rằng nhà Trần đã mục ruỗng và sự cướp ngôi của Quý Ly là lẽ thường nhưng Phạm Sinh tiếc
rằng con người này quá ư tàn nhẫn. Cũng như việc xây dựng nhân vật Sử Văn Hoa, nhân vật Phạm Sinh đã góp phần làm nổi rõ chân dung của các cá nhân lịch sử với cả những mặt sáng và mặt tối trong tâm hồn.
Nếu tiểu thuyết Hồ Quý Ly có số nhân vật có thật trong lịch sử chiếm vị trí áp đảo so với các nhân vật hoàn toàn được hư cấu (44/50) thì Mẫu thượng ngàn tình hình ngược lại hoàn toàn. Ở tác phẩm này, ngoài một số nhân vật có thật được điểm qua như thiếu tá Henri Rivière, quan tổng đốc Hoàng Diệu, phó khâm sai Nguyễn Hữu Độ, đức giám mục Puginier, v.v, là hàng loạt những nhân vật thuộc nhiều thế hệ khác nhau hoàn toàn do nhà văn hư cấu.
Ba anh em nhà Messmer mà tiêu biểu là người anh cả Philippe được xây dựng như những nhân vật trong vai trò là người đại diện cho chính phủ Pháp quốc đi xâm chiếm thuộc địa đã tới mảnh đất Cổ Đình lập đồn điền. Philippe và sau này là Julien râu ngô nghiễm nhiên coi mình là ông chủ, là những người đến từ thế giới văn minh đi khai hoá cho những con người mông muội, tà giáo. Ngoài việc tích cực tạo dựng và hưởng thụ cuộc sống vật chất, Philippe và người em út nhà Messmer có niềm ham thích đặc biệt được gần gũi với những người phụ nữ bản xứ. Tuy nhiên, ở những con người nhỏ bé và cam chịu trên mảnh đất mà cái nóng bức khiến người da trắng “giảm thiểu tuổi thọ rất nhanh” lại chứa đựng sức sống mạnh mẽ và tinh thần đấu tranh bất khuất. Người thanh niên hai Phác cùng anh trai là hai Chất đã sớm được cha là cụ Đồ Tiết gửi gắm theo cuộc khởi nghĩa của người học trò – Đề Nghĩa. Cuộc khởi nghĩa thất bại, hai Phác phải thay tên đổi họ thành Trịnh Huyền cùng khuôn mặt dị dạng rời xa khỏi mảnh đất quê cha đất tổ. Và tận hai chục năm sau người đàn ông ấy mới cùng cô con gái (Nhụ) trở về Cổ Đình giữa lúc phong trào kháng Pháp đang nổi lên trên một tinh thần mới có vai trò giác ngộ to lớn của những người trí thức như Huy. Trong đội ngũ đông đảo những người dân Cổ Đình đại diện cho hình ảnh và sức mạnh của nhân dân, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã dành vị trí trang trọng cho những người phụ nữ bình dân. Họ là bà Tổ cô có cuộc đời đầy truân chuyên nhưng vô cùng nhân hậu, là Mùi đầy bí ẩn với tai tiếng của
người đàn bà “sát phu”, là bà Ba Váy đa tình lại cũng rất thực thuỷ chung đầy trách nhiệm, là mõ Pháo khốn khổ mà tấm lòng thực thà và chân thực đến vô ngần, là cô Hoa xinh đẹp với niềm kiêu hãnh rời bỏ cuộc đời làm mõ , là Nhụ trong sáng và hiền hậu nhưng không tránh khỏi nỗi bất hạnh cuộc đời, v.v. Việc xây dựng hình ảnh những người phụ nữ đã giúp nhà văn thể hiện được suy nghĩ sâu sắc nhằm truyền tải được những thông điệp giàu ý nghĩa về cuộc sống tới con người hôm nay.
Từ Hồ Quý Ly tới Mẫu thượng ngàn, Nguyễn Xuân Khánh đã xây dựng và tái
tạo một hệ thống đông đảo các nhân vật giữ vị trí và vai trò khác nhau trong tác phẩm. Dù là những nhân vật được sáng tạo từ chính sử hay hoàn toàn do sự tưởng tượng của nhà văn nhưng đều hiện lên sống động và hấp dẫn với thế giới tâm hồn phức tạp, nhiều mâu thuẫn. Chính tài năng hư cấu và tái tạo nghệ thuật đã khiến nhà văn tạo dựng nhiều hình ảnh đẹp về con người với cả những điểm tốt, điểm xấu trong suy nghĩ và diễn biến tâm lí đúng như bản thân sự phát triển đời sống.