Phân tích tâm lí nhân vật

Một phần của tài liệu Những đóng góp của Nguyễn Xuân Khánh vào tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua hai tác phẩm Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng Ngàn (Trang 101)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.2.1. Phân tích tâm lí nhân vật

Nhà mỹ học người Hungary G.Lukacs quan niệm: “các nhân vật của tiểu thuyết lịch sử phải sinh động hơn các nhân vật lịch sử, vì các nhân vật của tiểu thuyết lịch sử được trao cho sự sống, còn các nhân vật lịch sử thì đã sống” [20, tr.41]. Với tiểu thuyết khai thác đề tài lịch sử, Nguyễn Xuân Khánh cho thấy mục đích của nhà văn không phải là sự theo đuổi sự kiện với những dữ lượng thông tin mà là lí giải sự kiện, làm sáng tỏ những gì ẩn khuất bên trong sự vật. Phân tích tâm lí nhân vật là thao tác nghệ thuật quan trọng giúp nhà văn biểu hiện sâu sắc bề sâu bên trong của nhân vật trong mối quan hệ phức tạp của đời sống chứ không phải là cái nhìn giản đơn, một chiều theo quan điểm số đông của cộng đồng. Những trang văn nhằm khắc hoạ tâm lí nhân vật đặc biệt thành công trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh.

Nghiên cứu các tự sự khai thác đề tài lịch sử, TS. Phạm Xuân Thạch cho thấy “quá trình chủ quan hóa tự sự gắn liền với mô thức trần thuật từ ngôi thứ nhất, với những kỹ thuật phân tích tâm lý, độc thoại, độc thoại nội tâm, và thu hẹp trường nhìn tự sự ...” [97]. Độc thoại nội tâm (monologue intérieur) đã trở thành một thủ pháp độc đáo trong nhiều sáng tác của các nhà văn lỗi lạc trên thế giới như Phlôbe, Gôgôn, Đôxtôiexki, Lep Tônxtôi, v.v. Là một thủ pháp nghệ thuật có nhiều thế mạnh, ngôn ngữ độc thoại của nhân vật soi sáng, lí giải những vận động phức tạp nơi thế giới nội tâm con người. Tác phẩm đầu tiên của nền văn học hiện đại Việt Nam đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ cho tư duy phân tích tâm lí có sự biểu hiện của những dòng độc thoại nội tâm là Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. Trong tiểu

thuyết Hồ Quý LyMẫu thượng ngàn những trang viết độc thoại nội tâm đã giúp nhà văn khám phá những chuyển biến phức tạp của nhân vật một cách chân thực và sâu sắc.

Hồ Quý Ly là cuốn tiểu thuyết có dung lượng lớn với khoảng hơn 50 nhân vật

cả có thực và hư cấu. Thông qua độc thoại nội tâm đặc biệt ở các nhân vật có thực, nhà văn đã bộc lộ khả năng hư cấu về tâm lí nhằm khắc hoạ sinh động và toàn vẹn chân dung nhân vật. Nhân vật Hồ Nguyên Trừng có vị trí đặc biệt trong cuốn tiểu thuyết lịch sử dày 834 trang. Những dòng độc thoại nội tâm của Hồ Nguyên Trừng không chỉ có ý nghĩa về mặt xây dựng nhân vật mà có tác dụng to lớn trong việc soi chiếu các nhân vật khác đặc biệt là nhân vật Hồ Quý Ly. Ngoài việc xác lập điểm nhìn cho nhân vật Nguyên Trừng trong vai trò kể chuyện ở ngôi thứ nhất trực tiếp bộc lộ thế giới nội tâm và suy nghĩ, nhà văn còn để nhân vật này gián tiếp độc thoại dưới hình thức lời gián tiếp tự do. Vốn là người tài năng, Trừng ôm cái chí “làm rường cột chống đỡ xã tắc” nhưng sớm nhận ra hệ lụy từ “con thuyền gia tộc”. Trong tình yêu với Quỳnh Hoa và sau này là Thanh Mai, Hồ Nguyên Trừng đều phải đối diện với những mối ràng buộc này. Và cũng thông qua hình thức độc thoại nội tâm, người đọc có dịp tiếp cận trực diện những cảm xúc tinh tế và sâu lắng từ tâm hồn chứa đựng nhiều day dứt của nhân vật trong tình yêu với Thanh Mai cũng như trong mối giao cảm bằng hữu với danh tướng Trần Khát Chân. Là người hiểu rõ nhất về cha mình, ngay từ thời niên thiếu, Nguyên Trừng đã sớm cảm nhận được sự lạc lõng và nỗi cô đơn của ông. Nhiều dòng độc thoại nội tâm đã góp phần biểu hiện sâu sắc tâm hồn tình tế, giàu cảm xúc và sâu lắng ở tâm hồn nhân vật.

Lời nói bên trong đã bộc lộ một cách tự nhiên tình cảm, những tâm tư sâu kín và cả tính cách, bản chất của nhân vật. Triền miên trong suy nghĩ của Quý Ly là nỗi day dứt, khắc khoải về những việc làm của mình, về chính bản thân mình, về những mối quan hệ giữa nhà cầm quyền – kẻ sĩ, nhà cầm quyền – dân chúng, cha – con, vợ - chồng, v.v. Điều đó thể hiện rất rõ qua những câu hỏi xoáy sâu vào con tim: “ông đã xứng đáng là một minh chủ chưa?.... Họ có khả năng trở thành minh chủ chăng?”

[143, tr.483], “Hạnh phúc ư? Ta sung sướng hay ta không sung sướng?” [143, tr.524],“Thiếu vắng cái gì ư?... Số phận của các bậc vua chúa là thế ư?” [143, tr.530, 531], “Ông thiếu cảm giác ư? … Cái đó gọi là hạnh phúc không nhỉ?” [143, tr.570]. Việc thiết lập độc thoại nội tâm dưới hình thức lời gián tiếp tự do đã khiến vật nhà văn diễn tả lại được tâm trạng bộn bề, đan xéo nhiều cảm xúc của nhân vật ở nhiều tình huống. Trong Mẫu thượng ngàn, độc thoại nội tâm trở thành biện pháp hữu hiệu để nhà văn khám phá tâm hồn ngây thơ, trong sáng và hồn hậu của cô bé Nhụ. Những suy nghĩ miên man của Nhụ sau lần Cò và Điều xô xát là biểu hiện của một tâm hồn đáng yêu ở cô bé mới lớn “Mà anh Cò làm sao có thể so sánh với anh Điều cơ chứ. Ở đây có liên quan với bố Huyền. Bố là ơn sâu nghĩa nặng. Bố thâm tình với mẹ. Bố là người thân nhất của mình. Gia đình bố tức là gia đình mình” [142, tr.146]. Cô mõ Hoa xinh đẹp, lòng đầy bối rối trong cái đêm hội Cổ đình “Bỏ làng mà đi ư? Đi đâu? Về đâu? Hay là về quê mẹ với ông cậu nuôi gia đình với lũ con lít nhít còn không đủ cơm ăn? Hay là một liều nhắm mắt đưa chân? Liệu có thoát khỏi cái cảnh chết đói nơi đầu đường xó chợ” [142, tr.753]. Người con gái ấy đang đau đớn đối diện trước cái chết của người cha nhưng cô vẫn như đang chờ đợi một điều gì ở phía trước. Trong khi đó, cô nhận được thư Huy với những lời lẽ mà cô cũng chưa hiểu hết khiến lòng khắc khoải không yên: Phải làm gì để thoát khỏi kiếp tủi nhục? Những suy nghĩ của nhân vật bộc lộ một cách tự nhiên nhưng không đường đột. Nhân vật tư duy khi chỉ có một mình, tư duy ngay cả khi đang đối thoại và có khi đang hoạt động nữa.

Tìm hiểu kĩ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trong hai tiểu thuyết Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn, bên độc thoại nội tâm còn xuât hiện phân tích tâm lí. Đây là một dấu hiệu quan trọng có mối quan hệ trực tiếp tới quá trình chủ quan hóa tự sự, thể hiện sự chuyển biến trong tiểu thuyết nhằm hướng tới cảm quan nghệ thuật hiện đại. Nhân vật tự đưa ra các lí lẽ, phân tích, lí giải những suy nghĩ, dằn vặt, lo lắng, hoài nghi, để từ đó tự bộc lộ tâm trạng, tình cảm, trạng thái cảm xúc một cách chi tiết, cụ thể. Với các nhân vật có đời sống nội tâm phức tạp như Hồ Nguyên Trừng, Hồ Quý Ly, nhà văn thiết lập điểm nhìn bên

trong, tạo ra khoảng cách giữa lời nhân vật và đối tượng được tái hiện, khai thác tối đa kĩ thuật phân tích tâm lí để tái hiện được diễn biến tâm lí của nhân vật. Là một trí thức chân chính, luôn lo lắng trước vận mệnh nhân dân, đất nước cũng như khát vọng hướng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc đời, nhưng bản thân Hồ Nguyên Trừng phải chịu nhiều mối ràng buộc từ các mối quan hệ cha – con, vợ - chồng, vua – tôi, bạn hữu, v.v. Mang trong mình lí tưởng riêng nhưng Hồ Nguyên Trừng biết mình không thể đứng ngoài tham vọng của cha. Đoạn văn sau đây cho thấy nhân vật tự phân tích tâm trạng của mình: “Ôi! Chỉ là một hòn đã nhỏ thôi mà cha tôi muốn làm mây làm mưa để tưới tắm cho muôn nhà. Qua câu đối ấy tôi hiểu rõ cái chí của cha tôi. Tôi cũng biết rằng từ đây họ Hồ chúng tôi bắt đầu đương đầu với bão tố. Chí càng lớn, bão tố càng lớn. Chí mà thành thì muôn đời có công, chí mà bại thì lưu tiếng xấu ngàn thu. Từ đó, long tôi buồn vô hạn, (…). Nhưng biết sao được! Cùng một huyết thống, tức cùng chung một con đường … ” [143, tr.53]. Kết cấu của đoạn văn đã cho thấy tư duy phân tích hết sức rõ nét biểu hiện qua các từ, nhóm từ mang tính chất trình bày, luận giải như: “mà … qua câu đối ấy… cũng … càng … càng … mà … thì … từ đó… nhưng …”. Trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, phân tích tâm lí được nhà văn tập trung vào các chương II, phần 1 + 2 chương VI, phần, 3 +4 + 5 chương XII, chương XIII. Đây là những chương mà tác giả để nhân vật Hồ Nguyên Trừng trong vai người kể chuyện ngôi thứ nhất. Nếu làm một phép so sánh thì có thể thấy độc thoại nội tâm có tần số lớn hơn nhiều so với phân tích tâm lí. Tuy vậy, sự xuất hiện của kĩ thuật nàycó tác dụng nghệ thuật rất lớn, không chỉ cho thấy cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật mà còn nêu lên ngọn nguồn của những mối mâu thuẫn, giằng xé trong chiều sâu tâm hồn nhân vật cũng như cái cách mà nhân vật nhìn nhận các sự việc có liên quan trực tiếp tới cá nhân mình.

Với thủ pháp độc thoại nội tâm và phân tích tâm lí, tác giả đã thành công trong việc khám phá chiều sâu thế giới nội tâm ở rất những nhân vật có tính cách đa dạng, chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Ngoài ra, có thể thấy, nhằm khám phá thế giới nội tâm của nhân vật, Nguyễn Xuân Khánh đã sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật khác như miêu tả ngoại hình kết hợp với cử chỉ, hành động, để nhân vật tự bộc lộ tâm trạng

dưới hình thức độc thoại nội tâm, đối thoại, qua lời nhận xét của các nhân vật khác hoặc người kể chuyện, đặt nhân vật vào tình huống mâu thuẫn, v.v. Trong đó, miêu tả cử chỉ hành động của nhân vật cũng là một thủ pháp hiệu quả trong việc tái hiện tâm lí, tính cách của nhân vật. Trong hai tiểu thuyết Hồ Quý LyMẫu thượng ngàn, nhà văn thường chú ý tới các hành vi rất nhỏ ở nhân vật hay những biến đổi ở đôi mắt hoặc nụ cười của nhân vật nhưng lại biểu hiện được sinh động tâm lí nhân vật. Điều này có liên quan tới sự vận động và chức năng của kĩ thuật miêu tả trong văn bản tự sự hư cấu. Chúng tôi xin đề cập tới vấn đề này ở tiểu mục dưới đây.

Một phần của tài liệu Những đóng góp của Nguyễn Xuân Khánh vào tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua hai tác phẩm Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng Ngàn (Trang 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)