6. Cấu trúc luận văn
3.1.1.1. Các hình thức người kể chuyện
Một dạng phổ biến của tiểu thuyết truyền thống là người kể chuyện ngôi thứ ba không tham gia vào câu chuyện hay còn gọi là người kể chuyện dị sự. Đối lập với loại truyện kể ở ngôi thứ ba là loại truyện kể mà người kể chuyện xuất hiện ở ngôi thứ nhất và tham gia vào diễn biến câu chuyện hay còn gọi là người kể chuyện đồng sự. Đây là hai phương thức tự sự chủ yếu trong văn chương.
Ở tác phẩm Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn, người kể chuyện được thay đổi một cách linh hoạt giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba. Tần số xuất hiện của người kể chuyện đồng sự ngôi thứ nhất chiếm tỉ lệ nhỏ hơn so với sự xuất hiện của người kể chuyện dị sự ngôi thứ ba nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt (trong Hồ Quý Ly - nhân vật xưng tôi là Hồ Nguyên Trừng, Mẫu thượng ngàn – nhân vật xưng tôi là Bà Ba váy ) Loại người kể chuyện này xuất hiện dưới hai dạng: tôi chứng kiến và tôi kể về chính tôi. Theo TS. Phạm Xuân Thạch “Những kiểu người kể chuyện này xuất hiện ngay từ văn bản trần thuật hư cấu đầu tiên của văn học quốc ngữ” [89, tr.52]. Trong văn chương sau Đổi mới (1986), người kể chuyện xưng tôi là phương thức tự sự phổ biến ở nhiều nhà văn. Với tiểu thuyết Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn, việc tác giả để người kể chuyện xưng tôi trong tiểu thuyết lịch sử là một điểm rất mới thể hiện sự táo bạo và độc đáo trong bút pháp. Đây là trường hợp rất hiếm xảy ra trong tiểu thuyết lịch sử. Thông thường, tiểu thuyết lịch sử truyền thống chịu sự chi phối nhiều từ các tư liệu lịch sử và quan điểm về lịch sử trong tiểu thuyết của tác giả thường trùng khít với quan điểm của cộng đồng. Chính vì vậy, việc trần thuật chủ yếu vẫn dùng ở ngôi thứ ba là phổ biến. Người kể chuyện xưng tôi trong tiểu thuyết
Hồ Quý Ly đồng thời xuất hiện hai dạng thức: tôi chứng kiến và tôi kể về chính tôi.
Đồng nghĩa với điều đó, trong lời kể của nhân vật xưng tôi Hồ Nguyên Trừng cũng xuất hiện hai trường nhìn: trường nhìn người kể chuyện khách quan và trường nhìn nhân vật. Và như vậy cuộc đời nhân vật từ thuở bé thơ cho tới khi trưởng thành
cùng những dằn vặt, suy nghĩ trong tình yêu, hôn nhân và thế sự đã được bộc lộ một cách sâu sắc từ điểm nhìn bên trong của nhân vật xưng tôi – Hồ Nguyên Trừng. Bên cạnh đó, nhiều biến cố quan trọng vào thời điểm lịch sử cuối Trần sang Hồ gắn liền với tham vọng và công cuộc cải cách do Hồ Quý Ly khởi xướng cũng được thuật lại trong cái nhìn khách quan của người kể chuyện ở ngôi thứ nhất. Việc xác lập người kể chuyện ở ngôi thứ nhất và nhân vật xưng tôi với những điểm nhìn khác nhau đã khiến nhà văn soi chiếu sự kiện, nhân vật lịch sử một cách công bằng và khách quan hơn rất nhiều. Trước các tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh, vào những năm đầu đổi mới, hiện tượng người kể chuyện xưng tôi đã xuất hiện trong một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Tuy nhiên, người kể chuyện xưng tôi ở truyện lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp chỉ ở dạng thức tôi chứng kiến (là người kể lại trong
Mưa Nhã Nam, người sưu tầm tài liệu trong Kiếm sắc, Vàng lửa, v.v.). Đọc tác phẩm Mẫu thượng ngàn, người đọc còn bắt gặp hiện tượng người kể chuyện ngôi thứ nhất và nhân vật xưng tôi ở lời kể của bà Ba Váy. Câu chuyện của nhân vật Ba Váy chú trọng vào một số sự kiện có liên quan trực tiếp trong đời sống của nhân vật như kể về số phận của người vợ cả lý Cỏn, đặc biệt gắn liền với cảnh đám ma rùng rợn. Từ điểm nhìn của nhân vật, cuộc đời, số phận cùng những tâm tư của cô Váy từ lúc còn trẻ trong mối tình của hai Phác cho tới khi là người vợ chu toàn của lý Cỏn đã được nhân vật Ba Váy bộc lộ một cách thành thực.
Hình thức người kể chuyện ngôi thứ ba vẫn chiếm vai trò trọng yếu trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn. Trong Hồ Quý Ly, người kể chuyện dị sự ngôi thứ ba đóng vai trò chính suốt từ Chương I (trừ các Chương dành cho người kể chuyện ở ngôi thứ nhất) tới Chương XIII (722/834trang). Tình hình này chúng ta cũng bắt gặp trong Mẫu thượng ngàn (763/807trang). Toàn bộ câu chuyện về cơ bản được thông qua lời kể của nhân vật người kể chuyện dị sự ở ngôi thứ ba. Tuy nhiên khác với cách kể của tiểu thuyết lịch sử truyền thống, người kể chuyện đóng vai trò là người kể “toàn tri”, “biết tuốt” và tạo nên một giọng điệu chủ đạo trên trang viết. Lời kể của người kể chuyện ngôi thứ ba trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh luôn dịch chuyển, hoà nhập sang giọng kể của các nhân vật. Điều này đã phá
bỏ hoàn toàn lối kể một điểm nhìn và đơn giọng kể trong tiểu thuyết, hướng tới tính chất đa giọng điệu cùng sự đan xen nhiều điểm nhìn ở tiểu thuyết. Đây là một xu hướng chung nhằm hướng tới cảm quan hiện đại của các nhà văn Việt Nam từ sau Đổi mới.
Khảo sát và nghiên cứu các hình thức người kể chuyện trong Hồ Quý Ly và
Mẫu thượng ngàn, chúng tôi còn nhận thấy hiện tượng người kể chuyện dị sự ngôi
thứ ba đôi lúc chuyển đổi một cách linh hoạt sang ngôi thứ nhất số ít và trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm với tư cách một khách thể khách quan nói chuyện với các nhân vật và thuật lại một số sự kiện ( tại Chương 7 trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn). Với cách làm như vậy, tác giả đã kéo người kể chuyện lại gần với độc giả, tạo ra tính khách quan và sức mạnh miêu tả. Thông thường, người kể chuyện ngôi thứ ba là người biết hết mọi chuyện rồi kể lại cho độc giả nghe và không xuất hiện ở tác phẩm, song trong Mẫu thượng ngàn, người đọc được tiếp cận với nhân vật người kể chuyện “toàn tri” này. Và dù không tham gia vào nội dung câu chuyện nhưng việc để người kể chuyện ngôi thứ ba xuất hiện trong tác phẩm ở ngôi kể thứ nhất đã tạo ra cảm giác nơi người đọc rằng người kể chuyện đang hiện diện đằng sau tác phẩm và làm công việc ghi chép lại những điều đã chứng kiến, đã được nghe từ những nhân vật có thực. Cách làm này cũng khiến nhà văn giải quyết được tới mức tối đa vấn đề giới hạn điểm nhìn khi miêu tả những sự kiện mang tính riêng tư và thầm kín ở nhân vật. Và với sự biến hoá của các hình thức người kể chuyện đã có tác động quan trọng tới vấn đề điểm nhìn cũng như ý thức về phối cảnh trần thuật của nhà văn mà chúng tôi sẽ trình bày tiếp theo ở các tiểu mục sau đây.