Cái đời tư, cái trần tục – đời thường, yếu tố tình dục

Một phần của tài liệu Những đóng góp của Nguyễn Xuân Khánh vào tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua hai tác phẩm Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng Ngàn (Trang 127)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.1. Cái đời tư, cái trần tục – đời thường, yếu tố tình dục

Xuân Khánh đã đưa nhiều vấn đề thuộc yếu tố mang tính thẩm mỹ thể loại mà trong quan niệm của tiểu thuyết truyền thống thường không được xuất hiện. Dưới đây chúng tôi tập trung tìm hiểu một số khía cạnh nổi bật nhất có ý nghĩa đặc sắc và tạo được tính thẩm mỹ cao trong hai tiểu thuyết Hồ Quý LyMẫu thượng ngàn.

3.2.1. Cái đời tư, cái trần tục – đời thường, yếu tố tình dục trong tiểu thuyết lịch sử thuyết lịch sử

Các tự sự khai thác đề tài lịch sử hay nói cụ thể hơn là các tiểu thuyết lịch sử là bộ phận có nỗ lực vượt bậc trong xu hướng chung của quá trình đổi mới tiểu thuyết. Có thể thấy những thay đổi lớn trong các tiểu thuyết lịch sử những năm gần đây khi đề cập tới những vấn đề thuộc về cái đời tư, đời thường của nhân vật. Trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, nhân vật lịch sử hiện lên toàn diện khi được đặt trong những mối quan hệ thường nhật hàng ngày từ các cung cách sinh hoạt tới việc ăn, mặc, ở, v.v. Chính việc đưa các yếu tố thuộc về đời tư, trần tục – đời thường, vấn đề tình dục vào tiểu thuyết lịch sử đã khiến nhân vật không phải là những hình mẫu mang tính ngưỡng vọng, chiêm bái mà là những cá nhân được trao sự sống đúng nghĩa. Nhân vật Hồ Quý Ly không chỉ là cá nhân lịch sử gắn liền với những biến động dữ dội trên chính trường mà còn có một đời sống riêng tư trong những mối quan hệ vợ - chồng, cha – con. Đằng sau những âm mưu thoán đoạt quyền lực căng thẳng, Quý Ly có những phút giây hiếm hoi bên người vợ. Những chi tiết đời thường như bát canh sâm cầm, những chiếc chăn, chiếc gối thơm tho luôn được bàn tay Huy Ninh thu vén đã tái hiện cuộc sống đời thường của nhân vật lịch sử. Bát canh sâm cầm với những “mẩu hành hoa như những đốm hoa mầu ngà xanh bơi trong thứ nước sóng sánh” khiến Quý Ly như lần đầu tiên được cảm nhận hương vị ngọt ngào như thế hay giây phút đôi vợ chồng hoàng tộc này cùng ngắm nhìn bức tranh với những lá trúc xếp thành dòng chữ “Thanh thử điện tiền thiên thụ quế, Quảng hàn cung lí nhất chi mai” là những giây phút riêng tư hạnh phúc nhất, đồng thời bộc lộ nỗi niềm trong đáy sâu tâm hồn. Trong cuộc sống đời thường, Quý

Ly còn được thể hiện ở hình ảnh của người cha, người ông phải dồn nén tình cảm. Con người với tính cách quyết đoán và vô cùng cứng rắn chợt se lòng khi không còn cảm nhận vòng tay ấm áp của đứa cháu ngoại cũng như khi nhìn vào khuôn mặt xanh xao của con gái. Và những lúc cô đơn nhất, ông lại đến căn nhà hậu đường để được bức tượng đá mang dáng hình của vợ ôm trọn vào lòng.

Đưa cái đời tư, cái trần tục - đời thường vào tiểu thuyết lịch sử, Nguyễn Xuân Khánh đã khiến nhân vật lịch sử trở nên chân thực và gần gũi với người đọc. Thông qua lời kể của Hồ Nguyên Trừng, những chi tiết trần tục, đời thường nhất đã được biểu hiện “Hán Thương khóc khoẻ lắm, nó khóc suốt ngày, suốt đêm. Chậm ăn: khóc. Chậm ỉa: khóc. Chậm chiều ý nó: khóc. Không bằng lòng: khóc. Đông người quá: khóc. Vắng người quá: khóc” [143, tr.91]. Huy Ninh công chúa trong kí ức của Nguyên Trừng gắn liền với thời gian ngắn ngủi nhưng tràn trề hạnh phúc “Ba mẹ con tôi (…) suốt ngày chỉ biết tiếng cười” [143, tr.91]. So với nhiều sự kiện trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, những chi tiết mang tính riêng tư, đời thường không nhiều nhưng mang lại nhiều hiệu quả nghệ thuật. Người đọc có thể hình dung ra cuộc sống sinh hoạt gia đình của nhân vật lịch sử chỉ bằng vài chi tiết nhỏ như “ánh mắt sáng lên của ông mỗi lúc hai mẹ con tôi ngồi học với nhau” hay “Bà công chúa cũng hay ốm đau, bà lại phải bận bịu lo lắng cho hai đứa em” [143, tr.322, 323]. Chính ở những chi tiết hết sức đời thường ấy, nhân vật lịch sử hiện lên sinh động, gần gũi và đang tồn tại chứ không phải là những ghi chép “khô cứng” từ chính sử.

Bước vào thời kì Đổi mới, trong văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng xuất hiện ý thức đề cao cảm xúc tình yêu nhục thể. Không chỉ đặt ra vấn đề tính dục như là nhu cầu tồn tại của nhân loại, các nhà văn đương đại khai thác thành công yếu tố Sex ở tác phẩm văn học nhằm biểu đạt những vấn đề lớn như các vấn đề chính trị, xã hội hay văn chương, … Với Hồ Quý LyMẫu thượng ngàn, nhà văn đã tạo ra không khí và sắc diện mới trong tiểu thuyết lịch sử khi biểu đạt một cách trọn vẹn những giá trị thẩm mỹ của yếu tố tình dục ở tác phẩm văn học. Sex xuất hiện trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh trước hết là mối giao hoà đẹp đẽ giữa

con người và con người. Chính vì vậy, những trang văn viết về những cuộc làm tình hết sức tinh tế. Ở đó, các nhân vật như tìm được chính mình và tự bộc lộ vẻ đẹp thầm kín trong thế giới nội tâm. Hồ Nguyên Trừng như tìm được mối giao cảm, sự hoà hợp từ vóc dáng mảnh dẻ của công chúa Quỳnh Hoa. Tình dục trong tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đồng nghĩa với tình yêu, tình thương của con người. Sự nồng nàn từ cơ thể tràn đầy nhục cảm của Thanh Mai đã đem đến cho Nguyên Trừng những phút giây hạnh phúc nhất. Đấy là những khoảnh khắc lặng lẽ và riêng tư của con người với sự nhạy cảm và vi diệu nhất của trái tim. Trước khi đến được cảm giác hài hoà cùng hoàng hậu Thánh Ngẫu, ông vua trẻ Thuận Tông đã tìm được sự an ủi và chở che trong cảm xúc nồng nàn của cô cung nữ Ngọc Kiểm. Và Sex không chỉ còn là nhu cầu bản năng mà cao hơn, nó trở thành chỗ dựa nâng đỡ tinh thần, là biểu hiện diệu kì của sự sống và tình yêu.

Tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn tràn ngập yếu tố nhục cảm, phồn thực bởi các cuộc làm tình. Bà Ba Váy đa tình và cũng hết mực chung thuỷ. Những phút giây đẹp nhất của Ba Váy là khoảng khắc gặp lại “người xưa” nơi hang đá giữa mùi thơm ngàn ngạt hương rừng hay xúc cảm vào “mùa trải ổ”. Mõ Pháo nghèo khổ nhưng lại có tình yêu thương rất tình, rất đời với ông Hộ Hiếu trong đêm trăng sáng nơi ngôi chùa hoang phế. Và cũng chính tình yêu thương, sự đồng điệu, sẻ chia đã khiến bà Tổ cô chữa được “tổn thương” cho Trưởng Cam. Ở những giây phút riêng tư nhất, con người đã thực sự “lột vỏ” để được trở về với chính mình. Những cuộc làm tình dù được miêu tả hiện thực thậm chí hết sức “trần tục” nhưng không hề gợi cảm giác “thô” hay “sống sượng” mà chan chứa chất thơ, lòng nhân ái. Đưa yếu tố tình dục vào tiểu thuyết lịch sử, Nguyễn Xuân Khánh nhằm biểu hiện những ý nghĩa ẩn dụ hết sức sâu sắc. Từ những cuộc làm tình trong huyền thoại ông Đùng bà Đà hay cô Ngơ anh Mường rồ tới những câu chuyện “tình yêu” ở Cổ Đình, tình dục gắn liền với sự sinh sôi, nảy nở đã cho thấy sức sống mãnh liệt của con người. Nhân vật Mùi trong cuộc tình với ông Tây Philippe là hình ảnh ẩn dụ về cuộc đấu tranh không khoan nhượng của cả một dân tộc trước kẻ thù xâm lược. Sức mạnh kì diệu trong người đàn bà An Nam khiến người đàn ông ngoại quốc đầy kiêu hãnh cảm

thấy không hoà nhập nổi. Đó là một trong những biểu hiện của cội nguồn văn hoá, là sức sống mãnh liệt của cả một dân tộc.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã tạo nên sự mới mẻ trong tiểu thuyết lịch sử khi đưa các yếu tố đời tư, trần tục – đời thường, tình dục vào tác phẩm. Tiểu thuyết lịch sử không còn là những trang viết với mục đích theo đuổi các dữ kiện thông tin mà biểu hiện một cách nhìn nhận, đánh giá về lịch sử theo ý kiến chủ quan nhà văn. Ở đó, nhân vật lịch sử được kéo gần về với sự sống nhờ những chi tiết đời thường và trần tục nhất. Những yếu tố mang tính thẩm mỹ như cái đời tư, đời thường và đặc biệt là yếu tố tình dục trong tiểu thuyết lịch sử được nhìn nhận ở tầm cao văn hoá và mỹ học đã giúp nhà văn biểu hiện được những dụng ý nghệ thuật sâu sắc.

Một phần của tài liệu Những đóng góp của Nguyễn Xuân Khánh vào tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua hai tác phẩm Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng Ngàn (Trang 127)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)