Sự miêu tả

Một phần của tài liệu Những đóng góp của Nguyễn Xuân Khánh vào tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua hai tác phẩm Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng Ngàn (Trang 105)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.2.2. Sự miêu tả

Trong văn học truyền thống, kĩ thuật miêu tả thường gắn liền với việc tả người, ở việc liệt kê cụ thể các chi tiết hình dáng, trang phục. Một đặc điểm quan trọng trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh là việc ông dường như không quá chú trọng chi tiết đến việc miêu tả ngoại hình nhân vật. Ấn tượng thị giác mà người đọc trực tiếp nhận được ở vẻ bên ngoài các nhân vật chỉ là vài chi tiết cơ bản ở gương mặt, dáng người, cách phục trang nhưng lại hết sức ấn tượng. Việc miêu tả hình dáng, trang phục nhân vật được nhà văn tập trung vào những nhân vật phụ nữ hoặc các nhân vật phụ. Chẳng hạn trong Mẫu thượng ngàn, người đọc ấn tượng bởi hình dáng “mũm mĩm” với “khuôn mặt tròn, vai cũng tròn”, cách phục sức xuyềnh xoàng để lộ ra vẻ đẹp “ngồn ngộn da thịt” “Cái váy đen, cái áo nâu đã bạc lưng, cái yếm nhuộm vỏ đa màu hồng nhạt” [142, tr.57] của bà Ba Váy, hình dáng cao lớn “mặc quần áo nâu, quấn tóc trần. Cái mớ tóc vẫn đen và mượt” [142, tr.260] của cô Mùi đồng. Nếu hai người phụ nữ thôn quê này đặc biệt là ở ba Váy toát lên vẻ no tròn viêm mãn, đủ đầy và nặng về nhục cảm thì cô Ngát lại có dáng vẻ đài các, quý phái như “một bức tranh tố nữ”. Đó còn là hình dáng mơn mởn của cô bé Nhụ với với “váy đen, áo nâu, vấn khăn còn vụng về” [142, tr.10], hay thậm chí là dáng người “xương xương nhỏ nhắn” của bà Hai nhà lý Cỏn. Nhà văn đặc biệt ưu ái dựng lên hình ảnh thật đẹp về người phụ nữ bình dân thông qua những nét chấm phá về dáng vẻ và trang phục đồng thời làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn nhân vật. Trong Hồ

Quý Ly, theo khảo sát, chúng tôi cũng bắt gặp tình hình tương tự. Ở những người phụ nữ như công chúa Huy Ninh, Quỳnh Hoa, bà Hoàng Thánh Ngẫu hay những cô cung nữ nhà Trần đều mang một vẻ yểu điệu, mong manh. Trong con mắt của Hồ Nguyên Trừng, Quỳnh Hoa là một “nhành hoa” “trắng muốt và thon thả”. Và cũng từ ký ức của Trừng, công chúa Nhất Chi Mai có dáng vẻ mảnh dẻ, yếu ớt. Chỉ duy nhất sự xuất hiện của Thanh Mai trong hình hài cô gái “lưng ong” với sự “no tròn, viên mãn” [143, tr.340] đã mang sinh khí về vẻ đẹp dân dã vào tác phẩm. Tuy nhiên, sự hồn hậu của Thanh Mai cũng đã được gọt rũa để trở nên tinh tế và đài các. Miêu tả con người qua sắc vóc của họ, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đồng thời biểu lộ thế giới nội tâm của nhân vật cũng như thể hiện dụng ý nghệ thuật riêng. Con người với bản chất thái quá như Nguyễn Cẩn trước khí “tịnh thân” vốn mang vẻ đẹp mà người đời truyền tụng “ngà voi vàng ròng” có “khuôn mặt trắng hồng với đôi môi đỏ như son và đôi lông mày ngày đen sẫm” [191, tr.80]. Vóc dáng “gày guộc” của cha con Nghệ Hoàng cũng phản ánh chính sự yếu đuối và bạc nhược bên trong của họ và cả vương triều rệu rã, v.v.

Đặc biệt khi miêu tả nhân vật, nhà văn đã nhấn mạnh đặc tả khuôn mặt, nhất là ở đôi mắt. Công chúa Huy Ninh với gương mặt buồn và đôi mắt u buồn, Quỳnh Hoa yếu ớt nhưng có gương mặt đẹp với “Đôi mắt lóng lánh, cái mũi xinh xinh, đôi môi đỏ chót” [142, tr.71], và cả “đôi mắt bồ câu” của Hạnh – con gái cụ Sử, v.v. Tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn với những người phụ nữ bình dân mà sức sống thậm chí tràn trề trên đôi mắt. Đó là “Đôi mắt to và dài” [142, tr.108] của bà Tổ cô thời trẻ, “con mắt đen lóng lánh” cùng đôi lông mày như hai nét mực tàu, “đôi má hây hây. Đôi mắt đen láy, lóng lánh” [142, tr.118], “đôi mắt đen láy, trong văn vắt có thể soi gương” [142, tr.261] của Nhụ, đôi mắt “đen huyền” và “dịu dàng” của cô mõ Hoa khác hẳn đôi mắt “trắng dã” “vừa dữ vừa man dại” [142, tr.236] của ông Hộ Hiếu. Cô Mùi đã ngoại bốn mười nhưng “da cô vẫn trắng. Lông mày vẫn đen nhánh. Gò má vẫn ửng hồng. Chỉ có đôi mắt, trước kia không biết thế nào, chứ bây giờ thì buồn thăm thẳm” [142, tr.260]. Và cả gương mặt “tin cậy” của mõ Pháo với đôi mắt “đen lay láy và hiền hậu như chứa ẩn một sự thông minh” [142, tr.230].

Đọc Mẫu thượng ngàn, người đọc còn ấn tượng bởi “Đôi mắt xanh dịu dàng, thông minh, lúc nào cũng óng ánh nét tò mò suy tư” của Pieerre khác hẳn đôi mắt màu xanh xỉn của người anh và em trai. Đặc biệt, khuôn mặt nửa đẹp nửa xấu của Trịnh Huyền đã được miêu tả rất chi tiết không chỉ một lần. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn và khuôn mắt là sự thể hiện những diễn biến thầm kín bên trong của con người. Với sự kế thừa kinh nghiệm nghệ thuật của quá khứ và sự nhạy bén nơi tâm hồn người nghệ sĩ, Nguyễn Xuân Khánh đã lựa chọn được những chi tiết đắt giá trong miêu tả góp phần biểu hiện toàn vẹn chân dung con người trong tiểu thuyết.

Tiểu thuyết Hồ Quý Ly Nguyễn Xuân Khánh không chỉ xây dựng những hình ảnh đẹp về con người mà còn tạo ấn tượng đậm nét bởi khung cảnh thiên nhiên đẹp thấm đẫm phong vị hồn cốt dân tộc. Trong Hồ Quý Ly, người đọc được trở về không gian văn hoá của kinh đô Thăng Long xưa với vườn mai “danh bất hư truyền” của danh tướng Trần Khát Chân, khu vườn thuốc của ông ngoại Hồ Nguyên Trừng, và thấp thoáng trên trang viết là hình ảnh ngôi tháp Báo Thiên phía trước hồ Gươm xưa xanh mướt, v.v. Trại Thuốc của cụ Phạm Bân với những cây thuốc quý đã trở thành “một vườn hoa lạ”: “ở đây có dáng dấp một hoa viên dân dã, hoang dại. Vắt ngang dòng nước nhỏ, có cây cầu đá rồi tiếp tới một đường hoè. Sau ao sen là một rừng bàng lá đỏ … Bốn mùa ở đây hoa nở. Mầu xanh, mầu hồng, mầu vàng, mầu tím, mầu đỏ…” [142, tr.27]. Chỉ thông qua một đoạn văn rất ngắn với vài nét phác thảo nhưng lại rất cụ thể, tỉ mỉ và rõ ràng, nhà văn đã vẽ lên khung cảnh thiên nhiên chân thực và gần gũi. Tác giả không chỉ tạo ấn tượng thị giác nơi người đọc mà còn tạo được sự đồng cảm ở cảm xúc sâu lắng, êm đềm. Từ điểm nhìn của nhân vật Hồ Nguyên Trừng, những chiếc lá sen, những bụi hoa màu tím, màu vàng, … dường như cũng có tâm hồn và chuyên chở cả nét tinh tế ở con người “Những chiếc lá sen màu cốm, có chiếc còn nằm bồng bềnh trên mặt nước, … ” [191, tr.69]. Nét đặc thù trong kĩ thuật miêu tả ở đây là nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chú ý đặc tả rất chi tiết đối tượng. Điều này không chỉ thể hiện ở việc miêu tả thiên nhiên mà còn ở việc ông miêu tả đồ vật hoặc ngoại cảnh nào đấy như một căn mật thất, cung Hoạ Lư, ngôi nhà ở của công chúa Huy Ninh, bối cảnh của kinh đô ở đất Tây Đô, v.v.

(Hồ Quý Ly) hoặc khu nhà ở của đồn điền Messmere trong Mẫu thượng ngàn. Điều này cho thấy việc tổ chức miêu tả gắn chặt với sự chế định điểm nhìn. Với những đặc tả chi tiết tác giả thường có sự dịch chuyển từ điểm nhìn người kể chuyện sang điểm nhìn của nhân vật. Chính vì vậy, nhiều bối cảnh thiên nhiên dù nhỏ hẹp hay rộng lớn, tuỳ theo dụng ý nghệ thuật, nhà văn có sự kết hợp hài hoà giữa tả chi tiết và khái quát.

Nếu thông qua khung cảnh thiên nhiên trong Hồ Quý Ly, nhà văn gợi lại không gian văn hoá đậm đà của Thăng Long xưa thì ở Mẫu thượng ngàn, thiên nhiên đã được miêu tả hết sức nhuần nhị, trong sáng trong không gian văn hoá mộc mạc, dân dã nơi làng quê. Khu vườn của gia đình cụ Đồ Tiết “có dáng dấp một khu rừng” với sự pha tạp của rất nhiều loại cây cỏ khác nhau nhưng vô cùng duyên dáng. Với cụ Đồ Tiết, tình yêu thương khu vườn gắn liền với những kỉ niệm từ cây mít xù xì đầu nhà, những vạt tre bương tới cái ao nhỏ thả bè rau muống và đặc biệt là “bụi mây gai rất dày, lá mây xanh mướt lá nọ đan vào lá kia kín mít” [190, tr.44]. Nơi “tiếng cười lanh canh từ cái buồng tắm thiên nhiên” của Nhụ cất lên đã gợi lại hình ảnh ấm áp của một gia đình xưa kia. Thiên nhiên với những chi tiết hết sức giản dị qua hình ảnh của các loại cây cỏ tưởng chừng hết sức bình thường trở nên vô cùng sống động. Thiên nhiên ấy gắn bó máu thịt với cuộc sống đời thường và tâm tư tình cảm của con người. Nhiều trường đoạn miêu tả thiên nhiên trong tác phẩm là cả một thế giới tràn ngập sắc màu. Đọc Mẫu thượng ngàn, những bức tranh thiên nhiên giàu sức gợi đã khắc hoạ hình ảnh của một miền quê mang đặc trưng văn hoá của một nước nông nghiệp vùng nhiệt đới. Đó là thế giới của rừng núi, sông suối và bạt ngàn cây cỏ… không ngừng sinh sôi, nảy nở. Và không phải vô tình khi đa phần cảnh vật thiên nhiên được nhà văn miêu tả chủ yếu thuộc về khoảng thời gian đặc biệt trong năm – mùa xuân. Chọn lựa những chi tiết tiêu biểu về màu sắc, âm thanh của sự vật tạo ấn tượng mạnh tới thị giác và tri giác người đọc, nhà văn đã miêu tả khung cảnh ngôi đình Ba Chạ ở Cổ Đình vào mùa xuân vô cùng sinh động và gợi cảm. Đó là hàng cây gạo cổ thụ “đầy hoa đỏ chói”, là hàng cây đề trăm tuổi “xanh tươi, hớn hở”, là âm thanh “vo ve”, “ríu rít” không dứt của

chim chóc. Và đặc biệt, núi rừng, cây cỏ vào đêm hội mùa xuân bừng bừng sức sống “Cỏ cây, hoa lá mọc ngút ngát”. Không giữ vai trò tạo nên tình tiết của cốt chuyện, nhưng những trường đoạn miêu tả đặc biệt là miêu tả thiên nhiên trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh đã kéo giãn nhịp độ truyện kể, tạo bối cảnh cho sự phát triển của sự kiện và trạng thái tâm lí nhân vật. Thiên nhiên được miêu tả trong Hồ

Quý LyMẫu thượngngàn xuất hiện rất nhiều tính từ màu sắc, mùi vị và động từ

chỉ âm thanh. Trong một đoạn văn rất ngắn tả vườn thuốc bỏ hoang nơi núi Yên Tử nhưng tràn ngập sắc mầu: mầu trắng của hoa bạch trà, những bụi mẫu đơn đỏ, vàng, trắng, những bụi hoa dại gặp tiết xuân xanh um tưng bừng… Và Côn Sơn vào mùa xuân “bừng lên đầy hoa”. Nguyễn Xuân Khánh đã có những so sánh rất thú vị khi miêu tả khung cảnh Côn Sơn “Khu rừng mai như có ức triệu con bướm trắng nhỏ đậu lốm đốm trên nền lá xanh cốm. Khu rừng trúc với muôn ngàn búp măng chĩa lên trời…” [143, tr.733]. So sánh nghệ thuật trong miêu tả đồng thời cũng giúp nhà văn tạo nhiều câu văn có sức gợi rất lớn như: “Những quả đồi thấp như bát úp, … cây cao phủ dây tơ hồng như đội mớ tóc giả”, “Những ngọn mây như những con rồng”, “Những cây gạo lớn đầy hoa đỏ chói như những cây đuốc khổng lồ”, v.v.

Những bức tranh thiên nhiên trong tiểu thuyết Hồ Quý LyMẫu thượng ngàn vô cùng biểu cảm và giàu sức sống. Tất cả đã nói lên phần nào vẻ đẹp cũng như bản sắc riêng của làng quê, đất nước Việt Nam. Kỹ thuật miêu tả thiên nhiên, miêu tả ngoại hình nhân vật đã thể hiện vốn hiểu biết, khả năng quan sát, tâm hồn tinh tế nhạy cảm, trí tưởng tượng bay bổng của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

Một phần của tài liệu Những đóng góp của Nguyễn Xuân Khánh vào tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua hai tác phẩm Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng Ngàn (Trang 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)